Nghệ sĩ giả gái: Trò sốc dễ nổi?

Thứ Sáu, 27/06/2014, 08:00

Bước sang mùa thứ 2, chương trình "Gương mặt thân quen" vẫn thu hút khán giả bởi sự hóa thân thú vị của các nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. "Đặc sản" của chương trình là trò hoán đổi giới tính mà ban tổ chức "cố tình một cách ngẫu nhiên" đặt ra cho các nghệ sĩ...

Năm nay, ban giám khảo và khán giả tiếp tục khoái chí vỗ tay rần rần khi Minh Thuận sexy, uốn éo không khác gì Thu Minh trong "Taxi" hoặc thể hiện vẻ đằm thắm của NSND Thúy Hường, vẻ nóng bỏng của diva da màu Tina Turner…  Vương Khang thì giả làm geisha Nhật hoặc ca sĩ Yến Trang… Hoài Lâm hóa thân thành nữ danh ca Celine Dion và cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Nghệ sĩ nữ cũng bị cuốn vào trào lưu nhập vai đổi giới tính: Vy Oanh vào vai cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay Ngân Quỳnh hóa thân Quang Linh.

"Rằng vui thì thật là vui" nhưng những màn giả gái, giả trai bị chương trình lạm dụng quá nhiều với tần suất lớn đã gây khó chịu và "bội thực" cho khán giả. Đa phần các tiết mục đều hóa trang không đạt, điệu bộ thô và rất kệch cỡm vì nam nghệ sĩ chọn phải những nữ nghệ sĩ để hóa thân không phù hợp kể cả giọng hát lẫn hình thức. Vương Khang béo mập khiến khán giả chưa kịp hoàn hồn vì bộ mặt geisha nhát ma thì anh lại nhảy múa hùng hục, eo éo giọng để đóng cho đạt hình ảnh cô ca sĩ Yến Trang mi nhon.

Người ta chạnh lòng khi Hoài Lâm đóng vai cố nghệ nhân Hà Thị Cầu ngồi chiếu xẩm, bỏm bẻm nhai trầu, tay kéo đàn nhị hát câu "Công cha ngãi mẹ sinh thành/ Mang thai chín tháng khai sinh một ngày…" mà ban giám khảo cười ngặt nghẽo và vái sống Hoài Lâm như đang xem một trò hề quá đạt. Chẳng hề thấy sự ngậm ngùi, ưu tư khi những lời ca nỉ non ấy ngân lên. Ừ thì Hoài Lâm bắt chước rất giống. Giống ở hình thức mà thiếu cái hồn thăm thẳm của một nghệ nhân đã bước về xế chiều, đã dãi dầu với đời để gửi vào câu xẩm, tiếng nhị. Dẫu biết thử thách càng khó mới là hấp lực của chương trình này, nhưng công chúng vẫn thấy nó không chỉ phản cảm mà còn nhẫn tâm. Dù là giải trí "tào lao" nhưng có những giới hạn cần phải tiết chế, thể hiện đúng hoàn cảnh.

Chương trình khiến khán giả cảm thấy đó không phải là một sân chơi giải trí đơn thuần mà là một trò đùa quá trớn được lên sóng truyền hình quốc gia. Chẳng ai tin rằng con cháu của cụ Hà Thị Cầu sẽ vui sướng khi ca sĩ Hoài Lâm giả làm mẹ, bà mình một cách ngờ nghệch và coi đó là một sự tôn vinh. Còn fan của bé Phương Mỹ Chi chắc chắn không thể hài lòng khi thần tượng của mình lại bị Minh Thuận biến thành thô kệch, vạm vỡ, lóng ngóng đứng hát bài "Quê em mùa nước lũ" bằng giọng ái ái.

Sự bắt chước nửa vời của người chơi và sự tán thưởng vô tư của người xem đã làm méo mó, xúc phạm không chỉ hình tượng nghệ sĩ được (bị) hóa thân mà còn xúc phạm chính hình tượng của người chơi - nghệ sĩ đang hóa thân.  Bởi ngay cả màn hóa thân rất đạt của Minh Thuận trong vai diva da màu Tina Turner, khán giả vẫn cảm thấy xót xa. Chẳng ai có thể hình dung nổi đó là Minh Thuận khi anh xuất hiện với chiếc váy tua rua, tóc dài rối bù, và làn da nâu rất bốc lửa. Ấn tượng về một Minh Thuận nam tính, lãng tử trong những bản nhạc tình trước đây đã gần như đổ vỡ, trôi tuột khỏi khán giả khi anh gồng lên bắt chước hình ảnh người khác.

Hình ảnh ca sĩ Vương Khang phản cảm khi hóa thân thành ca sĩ Yến Trang trong chương trình "Gương mặt thân quen" 2014.

Không chỉ trong chương trình "Gương mặt thân quen", mà các chương trình nghệ thuật biểu diễn khác, các nghệ sĩ vẫn thích giả gái như Đàm Vĩnh Hưng ăn mặc sexy để nhảy nhót trong chương trình "Cặp đôi hoàn hảo"; Long Nhật giả gái chụp ảnh; Tuấn Hưng giả gái trong clip ca nhạc… Thậm chí, nó còn được sử dụng như một chiêu thức gây ấn tượng trong các cuộc tranh tài. Một dạo có thí sinh giả gái trêu chọc Thúy Hạnh trong chương trình Vietnam's Got Talent bị nghệ sĩ Thành Lộc, vốn là người có nhiều vai giả gái nổi nóng loại thẳng vì anh không thể chấp nhận kiểu giả gái bôi bác như thế. Không chỉ hình thức, các thí sinh còn gây chú ý bởi cách hát giả giọng nữ như anh chàng Khánh Bình trong cuộc thi X- Factor - Nhân tố bí ẩn.

Giả gái được xem như mốt để tạo ấn tượng và gây cười. "Chọc lét" khán giả là những màn õng ẹo, đánh mông, chu môi, nói năng ỏn ẻn hoặc the thé của mấy "nàng". "Mặn" thêm tí nữa thì cần có những hành động thái quá, làm lố lên như ảo tưởng về vẻ đẹp bản thân, ham hố trai đẹp, ăn tham uống tạp… Nói tóm lại, những hình ảnh mà người khác chỉ biết than: "Làm xấu hình ảnh phụ nữ". Nhưng bất chấp câu than đó, công thức kia không chỉ được nghệ sĩ nam lạm dụng mà ngay cả giới trẻ khi làm clip vui hay dựng tiểu phẩm cũng không bỏ qua.

Trào lưu giả gái có làm vẩn đục đời sống văn hóa, góp phần cổ súy cho lối sống lệch lạc chuẩn mực, lệch lạc thẩm mỹ, đặc biệt là với thế hệ trẻ hay không? Người ta vẫn lo ngại khi không chỉ chương trình "Gương mặt thân quen" mà nhiều tiết mục, tiểu phẩm hài được phát trên truyền hình quốc gia có nhiều người xem, không phân loại lứa tuổi cũng thường hay có các nhân vật giả gái. Đó không hẳn là lo xa khi rất nhiều sao nam đang ngày càng "nữ tính hóa", tỷ lệ thuận với trào lưu giả gái khi ăn mặc điệu đà, tô son, kẻ mắt, đánh phấn… khi đi ra đường.

Chắc chắn sẽ có người lên tiếng rằng, tại sao người ta giả gái được "vỗ tay" mà tôi thì lại bị "ném đá" tơi tả? Rõ ràng, trong làng giải trí, đã có rất nhiều gương mặt đóng đinh với các vai giả gái rất thành công như danh hài Hoài Linh, Thành Lộc, Xuân Hinh, Minh Béo, Hoàng Mập… Cái họ thành công là vào vai rất "ngọt", rất duyên làm nên nét tính cách riêng của nhân vật nữ, dựng thành một vai diễn đắt giá. Bởi mỗi nhân vật họ biến hóa thành đều mang một thân phận, một tính cách rất rõ ràng, mang giá trị tôn vinh, đáng chiêm nghiệm về thân phận người phụ nữ. Đó là lao động của một nghệ sĩ chân chính vì nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là trò gây cười rẻ tiền. Hoàng Mập tâm sự: "Chúng tôi nhập vai với tấm lòng trân trọng người phụ nữ".

Trong khi đó, các nghệ sĩ bây giờ giả gái vì gì? Mua vui ư? Đúng một phần. Một phần nữa họ đang muốn phủ lớp áo mới lạ lên tên tuổi cũ kỹ của mình. Có vậy mới dễ lọt vào mắt xanh của bầu show. Làng giải trí luôn cần những mảng miếng mới nên khi một nghệ sĩ nam từng rất nghiêm túc, sang trọng nay bỗng hóa thân thành một cô nàng điệu đà, õng ẹo thì chắc chắn khán giả sẽ thích thú vì lạ lẫm. Đây cũng là cách khiến công chúng xôn xao và nghi kỵ về giới tính để nghệ sĩ đánh bóng tên tuổi. Khán giá cứ tha hồ đoán già đoán non. Ai soi mói giới tính dữ quá thì mình cứ bảo đó là cách tôi thể hiện tài năng giả gái của mình.

Nhiều nam nghệ sĩ chỉ khoác vội lên người bộ cánh phụ nữ, bôi son trét phấn, bắt chước vài ba cử chỉ điệu đà rồi làm lố lên, tưởng vậy đã là ổn. Thật ra, nghệ thuật chân chính không bao giờ tồn tại theo kiểu "ăn xổi" như thế. Nghệ thuật có là sự bắt chước? Giá trị đội lốt người khác có lâu bền và mấy ai tôn vinh sau khi mua vui được một vài trống canh mà tài năng không có gì? Nghệ sĩ Minh Béo tâm sự: "Giả gái rất khó, không nên diễn cường điệu mà phải thật tự nhiên. Để nhập một vai nữ hay đồng bóng, chúng tôi đầu tư khá nhiều thời gian quan sát họ, rồi tự diễn để tìm ra nét đẹp, thể hiện cốt cách riêng cho nhân vật".

Dưới góc độ tâm lý và giáo dục, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng:

"Khoác trên mình một giới tính khác không phải là chuyện dễ dàng. Khiến cho người khác có cảm giác thật về giới tính giả ấy thì còn khó hơn. Tôi lưu ý rằng, rất không nên có những tiết mục hoán đổi giới tính diễn cho trẻ nhỏ xem, dù người nghệ sĩ diễn đạt hay là không đạt thì bọn trẻ cũng sẽ thắc mắc và rối rắm trong chuyện xác định giới tính của nhân vật. Ngoài ra, tâm lý trẻ rất hay bắt chước, chúng thấy cái gì lạ, thú vị, thì chúng sẽ bắt chước làm theo, ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mỹ.

Riêng những tiết mục dành cho người lớn thì phải chọn lọc. Một số bộ phim, chương trình truyền hình cần có vai giả gái, nhưng nếu hoàn cảnh không cần thiết thì không nên lạm dụng. Một tiết mục văn nghệ thì vừa phải nhân văn (văn), vừa phải có nghề (nghệ). Nếu giả gái mà không đạt hai tiêu chuẩn "văn và nghệ" thì nó chưa phải là một vai diễn nghệ thuật và chỉ mới dừng lại ở mức độ là một trò cười mà thôi".

N.Tr.
.
.