Nghe - nhìn "mùa COVID": Rạp chiếu đóng cửa, giải trí trực tuyến lên ngôi

Chủ Nhật, 29/03/2020, 08:23
Dịch bệnh COVID - 19 đang làm đảo lộn thế giới, trong đó có cả thói quen thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Tuy nhiên, công chúng cũng như các nhà cung cấp luôn có sự thay đổi phù hợp để thích nghi tốt nhất với hoàn cảnh. Trong khi phim phải hoãn ra mắt, rạp chiếu đóng cửa thì các hình thức giải trí trực tuyến lại được dịp lên ngôi.


Có thể nói, một trong các lĩnh vực của nghệ thuật chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID - 19 là điện ảnh. Mặc dù không ít phim đã có lịch ra mắt nhưng chỉ sau mấy ngày Tết Nguyên đán, tình hình hoàn toàn thay đổi. Một số phim vẫn can đảm ra rạp khi trong nước đã ghi nhận có những ca dương tính với COVID - 19 đầu tiên quả thực vô cùng mạo hiểm.

Ra rạp từ 28-2 nhưng đến nay, bộ phim "Cuốc xe nửa đêm" của đạo diễn Nguyễn Nguyên Hoàng với sự tham gia diễn xuất của Hoàng Yến Chibi, Phước Sang, Quách Ngọc Tuyên... mới chỉ thu về hơn 1 tỷ đồng. Đó quả thật là con số quá nhỏ so với chi phí bỏ ra để thực hiện bộ phim. Nhưng theo nhà sản xuất thì biết là lỗ cũng không thể khác được vì phim cũng đã phải đổi lịch chiếu nhiều lần, không thể dời sang thời điểm khác nữa.

Phim truyền hình “Nhà trọ Balanha” mang đến những tiếng cười thư giãn giữa mùa dịch.

Tương tự, "Nắng 3: Lời hứa của cha" với dàn diễn viên: Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Hữu Châu, Hồng Vân... ra rạp vào ngày quốc tế Phụ nữ 8 - 3 sau khi đã dời lịch chiếu từ dịp Giáng sinh 2019. Dù bộ phim nhận được những lời khen ngợi của khán giả vì câu chuyện xúc động nhưng doanh thu của phim thấp hơn rất nhiều so với các bộ phim ra rạp trước đó.

Lùi lịch chiếu - đó là điều mà các đạo diễn, nhà sản xuất buộc phải làm trong thời điểm này. Đả nữ Ngô Thanh Vân - nhà sản xuất phim "Trạng Tí" cũng đã công bố sẽ dời lịch chiếu phim này sang năm sau, thay vì kế hoạch ban đầu là ra rạp vào dịch 30 - 4 - 2020. Ngoài ra, Ngô Thanh Vân cũng đang tính toán lại lịch ra mắt của bộ phim "Thanh Sói".

Ban đầu, "Thanh Sói" dự kiến ra rạp vào dịp Tết 2021 nhưng với tình hình hiện nay, điều này có lẽ sẽ bất khả thi. Trước đó, "Bí mật của gió" (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) dù đã có buổi chiếu ra mắt truyền thông, dự kiến chiếu vào đầu tháng 2 nhưng đã lùi ngày chiếu vô thời hạn.

Một bộ phim hành động do vợ chồng nghệ sĩ hài Thu Trang - Tiến Luật bỏ vốn sản xuất và đóng chính là "Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử" nếu đúng theo lịch do Hãng phim Thiên Ngân - Galaxy phát hành sẽ ra rạp từ ngày 27 - 3. Tuy nhiên, đến nay mọi thông tin về phim vẫn im lìm.

Không chỉ có điện ảnh trong nước, nhiều bộ phim bom tấn của nước ngoài cũng đã dời lịch chiếu. Theo dự kiến ban đầu, phần 9 của loạt phim bom tấn "Fast & Furious" sẽ khởi chiếu trên thị trường thế giới từ ngày 22 - 5. Tuy nhiên, hãng Universal, đơn vị sản xuất bộ phim này đã ra thông báo sẽ dời ngày ra mắt sang năm sau, cụ thể là vào ngày 22 - 4 - 2021.

Một bộ phim khác cũng của hãng này là "No time to die" - được ví như siêu phẩm James Bond mới nhất - cũng sẽ hoãn lịch ra mắt từ tháng 4 - 2020 sang tháng 11 - 2020. Cũng trong thời điểm này, hãng Disney tuyên bố sẽ tạm hoãn lịch ra rạp vô thời hạn của một số phim mới như: "Hoa mộc lan", Antlers... Hãng cũng chưa thông tin cụ thể về lịch phát hành của các bộ phim này vì cho biết sẽ căn cứ vào tình hình diễn biến dịch COVID - 19.

Không chỉ có việc hầu hết các bộ phim đều hoãn, dời lịch chiếu mà các rạp chiếu phim cũng đã tạm dừng hoạt động. Tại TP Hồ Chí Minh, cụm rạp chiếu phim CGV (CGV) đã thông báo tạm dừng hoạt động các cụm rạp trong thành phố sau khi UBND TP Hồ Chí Minh quyết định tạm đóng cửa một số tụ điểm kinh doanh bao gồm rạp chiếu phim, quán bar, vũ trường, sân khấu... để phòng dịch COVID - 19.

Tại Hà Nội, CGV cũng sẽ thông báo tạm thời đóng cửa thêm CGV Tràng Tiền và 4 rạp ở Quảng Ninh. Tương tự như vậy, từ tối 16 - 3, Trung tâm chiếu phim Quốc gia cũng đóng cửa. tình trạng này chắc chắn sẽ còn kéo dài vì diễn biến của dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp. Điều này là không thể tránh khỏi mặc dù cả đơn vị tổ chức lẫn khán giả đều rất nghiêm túc trong việc thực hiện những quy định để đảm bảo an toàn.

Từ khi xuất hiện dịch bệnh, lượng khán giả tới rạp giảm đáng kể. Theo cụm rạp Galaxy, đầu năm nay các nhà rạp thất thu, toàn thị trường giảm hơn 20% người xem. Phía Mega star cho biết sụt giảm 50% lượng vé bán ra. Trung tâm Chiếu phim quốc gia cũng giảm tới 50% khán giả so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tình trạng các rạp chiếu đóng cửa ngừng hoạt động do sụt giảm lượng khán giả cũng như phòng tránh lây lan dịch bệnh, nhiều khán giả chuyển sang các dịch vụ giải trí tại nhà như xem phim truyền hình, phim chiếu mạng.

Theo thống kê có 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến có tính phí được biết đến nhiều nhất hiện nay ở Việt Nam là FPT, Netflix, K+, VTV Cab On và Zing TV đều có lượng người xem vượt bậc thời gian qua. Gần đây, phim truyền hình Việt đã có những bước khởi sắc rõ rệt sau khi được đầu tư thay đổi lớn từ kịch bản, diễn viên đến bối cảnh. Các bộ phim đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Không ít phim đã tạo được những cơn sốt trong dư luận.

Để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả xem truyền hình, từ đầu tháng 2, VTV thông báo tăng thêm suất chiếu cho phim truyền hình Việt. Theo đó, khán giả có thêm tối thứ 6 xem phim thay vì chỉ từ thứ 2 đến thứ 5 như trước đây. Đây là sự thay đổi phù hợp trong tình hình phải giảm tần suất một số gameshow để tránh tụ tập đông người.

Phim “Phượng Khấu” chọn hình thức phát hành online.

Một loạt phim về nhiều chủ đề như "Cô gái nhà người ta", "Tình yêu và tham vọng", "Nhà trọ Balanha"... đã và đang lần lượt được trình chiếu tới khán giả. Phía nhà đài cũng xác định do tình hình dịch bệnh, khán giả ở nhà nhiều hơn nên phim truyền hình cũng như các chương trình truyền hình được tăng cơ hội phục vụ khán giả.

Không thể tới rạp xem phim, một lượng lớn khán giả thành phố chỉ có thể xem truyền hình hoặc lên mạng xem phim hoặc các chương trình khác để giải trí. Họ trở thành nguồn cầu lớn mà phía các đài truyền hình, các chủ kênh Youtube, các nền tảng chiếu mạng lớn có trả phí bản quyền như Netflix, Danet, Film+... tăng tốc chăm sóc, kết nạp thành viên.

Thuận tiện nhất là các dịch vụ này cho phép truy cập trên nhiều thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, laptop hay smart tivi với kho phim, chương trình truyền hình phong phú. Tóm lấy cơ hội, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ đang đầu tư để trở thành lựa chọn được ưu tiên của người dùng. Nhiều bộ phim đình đám của Hollywood chiếu rạp được keeng.vn mua bản quyền và cung cấp tới người xem với giá chỉ 1.000 đồng. Thậm chí, nhiều bộ phim đã hoàn toàn miễn phí trên Keeng.

Không chỉ có phim truyền hình, phim chiếu mạng, phim trên các nền tảng mạng cũng tranh thủ cơ hội để thu hút khán giả. Thị trường phim chiếu mạng trên Youtube tăng nhanh sau một số tác phẩm thành công trước đó như "Nhà trọ quá trời phòng" của Nam Thư, "Bố già" của Trấn Thành hay "Đại kê chạy đi" của NSND Hồng Vân, "Quỷ linh nhi" của NSƯT Trịnh Kim Chi...

Điều đáng nói là mặc dù là những sản phẩm phát hành trên mạng nhưng các nhà sản xuất cũng đầu tư không nhỏ và khá nghiêm túc. Nhiều ý kiến cho rằng, phim chiếu mạng trên nền tảng thu phí không chỉ là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh dịch bệnh mà sẽ là xu hướng tương lai. Thị trường mới nhưng không có nghĩa khán giả dễ dãi.

Dù chiếu rạp hay chiếu online, chỉ những sản phẩm thực sự có chất lượng, được đầu tư kỹ lưỡng mới thu hút được khán giả. Như vậy, để có thể chinh phục được khán giả lâu dài, bắt buộc các nhà làm phim phải đầu tư nghiêm túc, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để tung những sản phẩm kém chất lượng.

Khánh Thảo
.
.