Ngành xuất bản: Trong cái khó có “ló” cái khôn?

Thứ Hai, 05/09/2016, 08:25
Mỗi năm, một NXB nếu cho ra lò được khoảng 300 đầu sách thì đó đã có thể coi là một thành tích hoành tráng. Mỗi biên tập viên tổ chức, xử lý được 12-15 tập sách (trung bình 200 trang/ tập) dĩ nhiên sẽ được đánh giá từ hoàn thành nhiệm vụ cho đến xuất sắc. Cuộc đua định mức đã khiến cả biên tập viên lẫn NXB tận dụng mọi điều kiện nhằm tăng số lượng đầu sách, trong đó có cả chuyện bán giấy phép – một cách để tư nhân có thể tham gia xuất bản, hoặc tác giả có thể tự in sách của mình...


Đừng mua dây buộc mình

Nguyễn Hồng Lam

Giống như ngành báo in, ngành xuất bản truyền thống đang bị công nghệ thông tin đào phá đến tận gốc rễ. Nhìn một cách bi quan, kỷ nguyên in ấn đã sắp thành dĩ vãng, nhường chỗ cho kỷ nguyên công nghệ kỹ thuật số. Năm 2015, hàng chục nhà xuất bản (NXB) đã nộp đơn xin ngưng hoạt động bởi không chống chọi nổi với tình trạng thua lỗ, sống thoi thóp. Sách in kinh doanh hầu như không có lãi… May ra chỉ có NXB Giáo dục, nhờ in sách giáo khoa – thứ không thể thay thế - là vẫn còn sống được.

Trong cơn bão thua lỗ, ngành xuất bản chưa tìm được phương pháp hữu hiệu để thoát ra, thì các giải pháp tìm nguồn thu nhằm có thể tồn tại lại khiến ngành này tạo ra một sự lãng phí lớn. Các chấn chỉnh hoạt động chưa làm cho công tác xuất bản trở nên năng động, hiệu quả hơn thì lại khiến nó bị trói buộc thêm nhiều mặt bất cập.

Không ít NXB hiện nay, tuy được xem là đơn vị kinh doanh hoặc đơn vị hành chính có thu, nhưng thực tế sự tồn tại vẫn trông chờ vào bầu sữa bao cấp. Một số khác, lợi nhuận từ công tác xuất bản sách thuần túy cũng ít hơn nhiều so với nguồn thu từ các cuốn sách xuất bản theo đơn đặt hàng.

Dĩ nhiên giá trị văn bản phục vụ nhu cầu đọc của loại sách này thường thấp, ít người đọc (dù thường được in với số lượng lớn). Sách in ra đa số chỉ để biếu, để phát không, phục vụ nhu cầu tuyên truyền của chính đơn vị đặt hàng, hơn là phục vụ nhu cầu đọc.

Sự cạnh tranh quyết liệt giữa sách in và sách điện tử.

Hầu như NXB nào cũng có từ hàng chục đến hàng trăm đầu sách/ năm được xuất bản theo mục đích này, gây ra một sự lãng phí lớn. Nội dung sách cứ 5 cuốn gốc thì đủ để cho ra cuốn mới thứ 6, không có gì mới mẻ hơn. Nói không ngoa, cho dù được in tới hàng vạn, có lẽ cũng chỉ có vài ba người đọc hết những cuốn sách này. Họ là tác giả soạn sách và biên tập viên – những người  chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự ra đời của cuốn sách.

Trong khi đó, nói nghiêm túc, ngành xuất bản ở ta vẫn chưa hề đáp ứng  được đầy đủ nhu cầu đọc của người dân. Vừa thiếu vừa thừa, cả hai đều trầm trọng, tạo nên sự lãng phí lớn – căn bệnh trầm kha của ngành xuất bản.

Mỗi năm, một NXB nếu cho ra lò được khoảng 300 đầu sách thì đó đã có thể coi là một thành tích hoành tráng. Mỗi biên tập viên tổ chức, xử lý được 12-15 tập sách (trung bình 200 trang/ tập) dĩ nhiên sẽ được đánh giá từ hoàn thành nhiệm vụ cho đến xuất sắc. Cuộc đua định mức đã khiến cả biên tập viên lẫn NXB tận dụng mọi điều kiện nhằm tăng số lượng đầu sách, trong đó có cả chuyện bán giấy phép – một cách để tư nhân có thể tham gia xuất bản, hoặc tác giả có thể tự in sách của mình.

Tuy nhiên, vào giai đoạn hiện nay, đây không thể là biện pháp để duy trì được sự sống của ngành xuất bản. Cho dù tất cả sách đều được bán giấy phép, mỗi NXB cũng chỉ thu được từ 200 đến 500 triệu đồng/ năm, một con số quá khiêm tốn để duy trì quỹ lương cho người làm xuất bản chứ đừng nói chuyện khuếch trương, phát triển cả một ngành được coi là ngành kinh doanh.

Trong khi đó, chưa bao giờ ngành xuất bản bị cạnh tranh, phá hoại dữ dội bởi nạn xuất bản lậu như hiện nay. Luật quy định: ấn phẩm chỉ được phát hành 10 ngày sau khi đã nộp lưu chiểu. Thế nhưng, để nhân bản cả chục ngàn cuốn sách lậu, những kẻ in lậu chỉ mất không quá 2 ngày. Và, khi sách lậu đã bán tràn lan, thị trường đã bão hòa thì sách chính gốc mới... được phép bày lên kệ để bán. Thực tại này khiến các NXB, các công ty làm sách chân chính chỉ còn nước kêu trời. Một căn bệnh vô phương chữa trị.

Luật đã và đang loay hoay để tìm cách ngăn ngừa, loại trừ sách lậu. Thế nhưng, luật lại quy định: sách lậu không bị xem là hàng giả. Sách lậu bị phát hiện sẽ bị phạt, bị tịch thu nhưng kẻ làm sách lậu không bị chế tài bởi biện pháp hình sự. Điều chỉnh này rõ ràng chỉ có lợi cho những kẻ in lậu mà càng khiến ngành xuất bản lao đao hơn.

Ông Nguyễn Văn Phước, chủ First News Trí Việt– một trong những đơn vị làm sách hàng đầu nước ta hiện nay đã than trời trên trang cá nhân: “Một bé gái “cầm nhầm” vài cuốn sách trong cửa hàng thì bị bêu riếu, hai thanh niên ăn cắp vài ổ bánh mì thì bị tù, nhưng kẻ in lậu cả chục ngàn đầu sách, thu lợi bất chính tiền tỷ thì luật pháp lại không coi là có tội. Có còn công lý nữa hay không?”.

Lại nữa, quyền đứng tên, chịu trách nhiệm bản thảo chỉ dành cho những biên tập viên đã học và có chứng chỉ biên tập. Quy định mới này đã đẩy hàng trăm, hàng ngàn biên tập viên có  hàng chục năm kinh nghiệm vào thế chưa đủ điều kiện. Muốn làm sách, xử lý bản thảo, họ phải mượn tên người khác đã qua trường qua lớp…

Rõ ràng vừa thiếu, vừa yếu, lại vừa lãng phí, ngành xuất bản vẫn chưa tìm  được cách để tháo gỡ sợi dây tự mình trói vào mình.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ: Cần nâng cao tiềm lực của các nhà xuất bản trong thời hội nhập

Nguyễn Trang

(Lược ghi từ phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW về “Nâng cao toàn diện của hoạt động xuất bản” tháng 8-2016).

Chúng ta muốn hoạt động xuất bản trở thành công cụ tư tưởng sắc bén trong khi đó 70% xuất bản phẩm thì lại đến từ liên kết xuất bản. Đại đa số những người liên kết xuất bản đều là người làm sách đàng hoàng, có triết lý kinh doanh rõ ràng nhưng khổ nỗi họ có tốt, có đàng hoàng cỡ nào cũng không hoàn toàn thay thế được NXB của Nhà nước để làm nhiệm vụ phục vụ công tác tư tưởng văn hóa.

Như vậy chúng ta phải đầu tư cho các NXB để họ có nhiều nguồn vốn, nguồn lực mà thực hiện nhiệm vụ đó. Luật Xuất bản quy định các NXB có quyền liên kết với các đối tác tư nhân, nghĩa là NXB là chủ. Nhưng dường như trong thực tiễn cuộc sống diễn ra ngược lại: các đối tác tư nhân có quyền liên kết và thao túng NXB.

Vì sao vậy? Bởi vì các NXB quá yếu, chưa thực sự đủ mạnh để tự xuất bản. Cho nên mới xảy ra hiện tượng mà tất cả chúng ta đều cảm thấy bực bội: chỉ có một bản thảo của đơn vị liên kết là “Gạc Ma - vòng tròn bất tử” mà nhiều NXB không cấp phép đã gây ồn ào. Nhà xuất bản Trẻ từ chối bản thảo đó ngay lập tức không phải vì tính chính trị hay tính nhạy cảm mà vì chất lượng bản thảo quá kém, không đạt yêu cầu để xuất bản.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải thực hiện sâu các cam kết khi gia nhập WTO, trong đó có xuất bản. Hiện nay, nhiều NXB nước ngoài ồ ạt đổ bộ vào nước ta trong điều kiện chúng ta còn chưa có nhiều tiềm lực. Họ đẩy mạnh liên kết với Việt Nam để khai thác thị phần trong nước, họ không bán bản quyền cho chúng ta mà chào hàng liên kết với các NXB, mua bản quyền các bản dịch ra tiếng Việt để biến chúng ta thành thị trường và cánh tay nối dài của họ. Nếu không mạnh lên, chúng ta có nguy cơ thua trên sân nhà.

Đáng buồn là những chính sách để hỗ trợ cho NXB thì không nhiều, trong khi đó lại có chính sách làm giảm nguồn lực của chính chúng ta. Ví dụ trong các nghị định quy định rằng lợi nhuận sau thuế của NXB lại phải nộp trở về cho Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Nhà xuất bản rất khó khăn về kinh phí nhưng họ có lợi nhuận thì không cho bổ sung vào nguồn vốn mà lại nộp cho các đơn vị khác. Đây là điều quá bất công với các NXB, khi mà vừa phải tự chủ trong kinh doanh, vừa làm nhiệm vụ tư tưởng văn hóa chứ không phải kinh doanh thuần túy. Cho nên cần rà soát lại toàn bộ chính sách để tạo điều kiện, nâng cao sức mạnh cho hoạt động của các NXB.

Tôi cũng kiến nghị Nhà nước sớm ban hành Chiến lược sách quốc gia, xem đây là kim chỉ nam cho hoạt động xuất bản. Khi nước Nhật mở cửa, sách dịch những thành tựu của châu Âu qua con đường Hà Lan đã góp phần không nhỏ giúp Nhật phát triển. Indonesia trong thời gian gần đây đã tổ chức dịch thuật rất mạnh mẽ, xem xuất bản như một công cụ quảng bá cho hình ảnh đất nước.

Indonesia kiên trì tổ chức diễn đàn văn học ASEAN và đầu tư cho các hội chợ sách lớn. Chiến lược sách quốc gia sẽ giúp cho chúng ta định hướng rõ hơn hoạt động xuất bản, từ đó định hướng cho cộng đồng, vận động nhiều nguồn lực xã hội đồng hành. Chúng ta đã định hướng phát triển sách chính trị, sách kinh tế, văn học, khoa học, văn hóa... nhưng cũng cần thấy rõ nếu mình không có Chiến lược sách quốc gia thì rất khó cho việc đặt hàng của các ban, ngành, đoàn thể về các thể loại sách.

Xuất bản điện tử và vô vàn cái khó

Phan Thi Uyên 

Khi Internet phát triển với số lượng người dùng không ngừng tăng trưởng và các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại thông minh ngày càng phổ biến thì đẩy mạnh xuất bản điện tử là đòi hỏi tất yếu của ngành xuất bản. So với sách giấy truyền thống, sách điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội. Nó có khả năng phân phối rộng, không phân biệt khoảng cách địa lý.

Thị trường sách điện tử có bản quyền trong nước còn rất khiêm tốn và gặp nhiều khó khăn.

Ở bất cứ đâu, chỉ với một thiết bị có kết nối Internet, bạn đọc vẫn dễ dàng mua được sách điện tử thông qua cách nạp tiền bằng thẻ cào điện thoại hay thẻ tín dụng. Sách điện tử gọn nhẹ, có khả năng lưu trữ không giới hạn lại tích hợp nhiều tiện ích như điều chỉnh cỡ chữ to nhỏ, tương tác trực quan với âm thanh, đoạn video sống động...

Giá thành của sách điện tử lại rẻ hơn sách giấy 60% - 70%. Chính nhờ ưu điểm đó mà bây giờ thay vì đặt câu hỏi “Sách điện tử có thay thế được cho sách giấy?” thì người ta hỏi “Bao giờ sách điện tử thay thế sách giấy?”.

Trong bối cảnh xuất bản gặp nhiều khó khăn, sự xuất hiện của xuất bản điện tử đã mở ra một hướng đi mới cho ngành xuất bản với kênh phân phối rộng, nội dung đa dạng, cập nhật nhanh. Thế nhưng, trái ngược với những tiềm năng để sách điện tử “bùng nổ”, xuất bản điện tử của nước ta trong thực tế vẫn chỉ là bước đi chập chững, nếu không muốn nói là rất èo uột.

Gần 10 năm qua, quy mô của xuất bản điện tử còn nhỏ bé, vai trò của các NXB chưa rõ vì thị trường chủ yếu nằm trong tay các công ty chuyên về công nghệ thông tin hay các nhà cung cấp mạng dịch vụ viễn thông. Các NXB đầu tư chu đáo cho mảng sách điện tử chỉ đếm trên đầu ngón tay (chẳng hạn như NXB Giáo dục, NXB Trẻ, NXB Thông tin và Truyền thông, NXB Công an nhân dân...) trong khi không ít NXB chỉ duy trì hoạt động theo dạng cầm chừng, thăm dò hoặc phó thác cho đối tác liên kết.

Vấn nạn lớn nhất khiến các NXB điện tử nản lòng chính là nạn xâm phạm bản quyền, thậm chí nó còn rầm rộ hơn dòng sách in. Những đầu sách có bản quyền bị chìm lấp trong vô vàn sách điện tử do các cá nhân, tổ chức tự đưa lên và cung cấp hoàn toàn miễn phí.

Sách lậu khiến các nhà quản lý, NXB và các tác giả đau đầu vì xâm phạm bản quyền trắng trợn, thậm chí đưa nhiều nội dung nguy hại vì không được biên tập, thẩm định. Bạn đọc quen “xài chùa” thường ngại ngần bỏ tiền mua sách thật nên gây thiệt hại đáng kể cho tác giả và NXB. Thế nhưng, nhiều đơn vị xuất bản cho biết việc bị sao chép không khiến họ lo bằng việc sách điện tử bị xâm nhập và thay đổi nội dung sai lệch. Bởi hiện nay chuyện bảo mật còn lắm điều cần bàn và chưa có “ổ khóa” tối ưu. 

Cũng vì có quá nhiều kiểu định dạng file, nhất là các file vì lý do bảo mật hoặc đặc tính kỹ thuật không xác định được dung lượng, nên vấn đề nộp lưu chiểu sách điện tử cũng lắm bất cập.

Một khó khăn nữa là dù Việt Nam có tốc độ phát triển Internet mạnh mẽ nhưng hạ tầng thương mại dành cho kinh doanh xuất bản phẩm điện tử còn rất hạn chế. Mới đây, sàn giao dịch sách điện tử REBOOK của Công ty sách R Books hợp tác cùng Phoenix Global Wealth Managemant – một tổ chức quản lý quỹ đầu tư về lĩnh vực tài chính và sách quốc tế - đã khởi động.

Đây có thể coi là sàn giao dịch sách điện tử đầu tiên tại Việt Nam, tạo cú hích cho thị trường sách điện tử trong nước phát triển, đặc biệt là dòng sách ngoại văn vốn bị các tập đoàn xuất bản nước ngoài thao túng. Bà Phạm Thị Ngọc Châu, Giám đốc R Books cho biết: REBOOKS sẽ đẩy mạnh hợp tác với nhà xuất bản quốc tế cũng như các tác giả nước ngoài để xuất bản dòng sách Anh ngữ có bản quyền xoay quanh chủ đề kinh tế, giáo dục, kỹ năng, tư duy…

Ngoài ra, REBOOKS còn hợp tác với tác giả Việt Nam, chuyển ngữ tác phẩm có giá trị sang tiếng Anh nhằm giới thiệu, phát hành ra thị trường thế giới. Tuy là còn quá mới mẻ nhưng rõ ràng, sự ra đời của sàn giao dịch này là một bước tiên phong thúc giục các đơn vị làm sách, NXB mạnh dạn hơn nữa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại điện tử để xuất bản điện tử vươn mình trong tương lai. 

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: Làm xuất bản không thể hễ “sơ sảy” nghiệp vụ là... đi tù

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

- Vừa qua, một số quy định điều chỉnh hoạt động xuất bản, in, phát hành trong Bộ luật Hình sự 2015 đã khiến giới làm sách bức xúc. Nếu bộ luật này có hiệu lực thì những người làm xuất bản chỉ sơ sảy một chút là... đi tù. Quan điểm của ông về vấn đề này?

+ Ở Bộ luật Hình sự 2015, chúng tôi nhận thấy Điều 344 có nhiều điểm bất cập làm cho những người làm xuất bản hết sức lo lắng. Điều 344 chỉ đưa ra các vi phạm mang tính chất sai sót nghiệp vụ, quy định hành chính, ví dụ như: không tuân thủ quy trình biên tập, duyệt bản thảo, nộp lưu chiểu... chứ không phải là vi phạm điều cấm hay gây ra những hậu quả nghiêm trọng như chống đối chế độ, xâm phạm an ninh quốc gia, làm lộ bí mật nhà nước, dâm ô đồi trụy... đã được quy định cụ thể trong Điều 10 của Luật Xuất bản 2012. Những vi phạm nghiệp vụ này không đáng bị hình sự hóa.

Ngày 28/7 vừa qua chúng tôi tổ chức lấy ý kiến của các hội viên, hầu hết mọi người kiến nghị bỏ Điều 344, bởi hai lý do. Thứ nhất, những vi phạm bị quy thành tội danh ở Điều 344 mang tính chất nghiệp vụ, hành chính như vậy đã được điều chỉnh một cách đầy đủ trong Nghị định 159/2013 của Luật Xuất bản. Thứ hai, những vi phạm nghiêm trọng thuộc vào điều cấm (Điều 10, Luật Xuất bản) nó cũng được điều chỉnh bởi nhiều điều luật khác trong Bộ luật Hình sự 2015 lần này như: Điều 117 về chống phá nhà nước, chế độ; Điều 326 về truyền bá văn hóa phẩm dâm ô, đồi trụy; Điều 337 và 338 về làm lộ bí mật nhà nước... Như vậy Điều 344 có nhất thiết tồn tại không?

- Thưa ông, có người cho rằng ngành xuất bản chỉ cần chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản chứ không cần thêm quy định của Luật Hình sự?

+ Phải thừa nhận rằng Bộ luật Hình sự 2015 đã siết chặt hơn, tăng mức chế tài với các sai phạm trong hoạt động xuất bản, in và phát hành, cụ thể là hình sự hóa những vi phạm liên quan đến điều cấm (Điều 10 trong Luật Xuất bản). Đặc biệt là Điều 192 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả trong Bộ luật Hình sự lần này đã có sự kết nối với điều luật khác để hình sự hóa hoạt động in ấn, buôn bán sách lậu, vi phạm bản quyền...

Các hoạt động phi pháp này vốn là điều nhức nhối, gây bức xúc và thiệt hại rất lớn cho những người làm xuất bản thời gian qua. Điều 192 rất thiết thực vì lâu nay việc phạt hành chính với tội in lậu, in sách giả không đủ sức răn đe kẻ vi phạm. Thậm chí người vi phạm thấy mức phạt nhẹ như trước đây thì tiếp tục vi phạm vì lợi nhuận cao hơn mức tiền phạt.

- Có ý kiến cho rằng những chính sách, quy định để hỗ trợ cho ngành xuất bản nước ta còn khá khiêm tốn, trong khi đó những chính sách, quy định kìm hãm sự phát triển của ngành xuất bản thì còn khá nhiều?

+ Đúng là hiện nay còn tồn tại những điều ràng buộc, làm khó cho ngành xuất bản chứ chưa phải là bệ đỡ thực sự cho nó phát triển. Chẳng hạn như các vấn đề như cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên, về việc liên kết giữa NXB và đơn vị tư nhân... vẫn còn những bất cập, chưa sát thực tế. Một nền xuất bản hội nhập, văn minh và hiện đại thì không ai lại đi hình sự hóa những hoạt động mang tính chất nghiệp vụ như trong Điều 344 của Bộ luật Hình sự 2015.

Hiện nay thì chúng tôi cùng Văn phòng luật sư Phan Law hoàn thành văn bản chính thức để gửi kiến nghị bỏ Điều 344 lên các cơ quan chức năng gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp... Chúng tôi cũng làm việc với Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội của thành phố để đề đạt nguyện vọng, kiến nghị của người làm nghề xuất bản.

- Xin cảm ơn ông! 

PV
.
.