Ngăn chặn thông tin độc hại đầu độc giới trẻ

Thứ Năm, 15/10/2020, 13:11
Nhiều năm trở lại đây, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã cung cấp một lượng lớn thông tin, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cuộc sống, công việc, giải trí cho con người. Tuy nhiên, tác hại và hệ lụy kéo theo cũng không ít, nhất là với những ai sử dụng mạng xã hội quá đà hoặc thiếu hiểu biết.


Trong thế giới hội nhập, chúng ta cần thông tin nhiều hơn cả cơm ăn, nước uống mỗi ngày. Thông tin chính là loại lương thực nuôi dưỡng trí óc và tâm trí mỗi người nhiều nhất. Nhưng hãy nhìn lại cách truyền thông đang làm với thông tin, chúng ta sẽ nhận thấy mình đang bị đầu độc nhiều đến thế nào.

Cái gì cũng có thể tìm thấy trên mạng xã hội: Clip học sinh đánh nhau, giới trẻ ăn chơi thác loạn, quan điểm sống lệch lạc... Nguy hại hơn là những biến tướng của các trang cá nhân tự tạo, cổ xúy cho lối sống không lành mạnh, một hình thức “chào bán” các chất gây nghiện, mua bán dâm trá hình hay lợi dụng mạng xã hội lập nên những hội nhóm phân biệt vùng miền, là nơi sản sinh ra nhiều trào lưu xấu, chống đối hay lên án một hiện tượng, sự kiện dưới góc nhìn phiến diện, nhảm nhí, vô bổ … Điều đáng nói là những thông tin xuyên tạc sự thật, thiếu văn hóa, tầm thường, vớ vẩn này lại thu hút được số đông người xem, thậm chí lên đến hàng triệu lượt xem.

Minh họa Lê Tâm

Trên thực tế, không ít người làm nội dung vì lợi nhuận hoặc câu view, không quá khó để biết mục đích của các website chứa nội dung dạng này là lôi kéo người xem và bán quảng cáo cho các doanh nghiệp với mức giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Vì lợi nhuận, họ đã bất chấp tất cả, từ nội dung, bản quyền, giá trị nhân văn… cho tới chuẩn mực đạo đức xã hội cũng như quy định của pháp luật.

Những thông tin sai lệch không được kiểm chứng, những tin rác, tin giật gân, tin sốc, tin động trời, tin hé lộ, tin bật mí…. Một khi giới trẻ tìm thấy sự cuốn hút, niềm vui thích ở những trò phản cảm, độc ác, sẵn sàng làm mọi thứ để gây sốc, tạo nên sự nổi tiếng bằng bất cứ giá nào, hay muốn chứng tỏ mình với thế giới, nếu không ngăn chặn và tìm cách giáo dục sớm, hậu quả sau này sẽ khôn lường.

Như vậy, ngoài những nội dung vô bổ, nhảm nhí, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục thì cả các thông tin sai sự thật đều phải coi là độc hại và phải kiên quyết loại bỏ khỏi đời sống xã hội.

Đừng nói mạng là thế giới ảo, mọi thứ đều là thật hết cho nên những gì diễn ra trên mạng cũng chính là phản ánh xã hội. Muốn thay đổi, trước nhất vẫn là cần ở ý thức cá nhân của mỗi người nhưng cũng cần phải quyết liệt hơn trong xử lý. Rõ ràng là chúng ta có Luật An ninh mạng nhưng chúng ta chưa làm gì để loại bỏ cái xấu trên mạng.

Trước thực trạng tin tức, rồi các video giật gân, phản cảm xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân này.

Làm thế nào để làm sạch môi trường mạng khi mà hầu hết các mạng xã hội phổ biến hiện nay đều có nguồn gốc “ngoại nhập”? Trước tiên chúng ta cần “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, tôn vinh những người làm nội dung tốt. Hiện nay có không ít trang có nội dung tốt, được đầu tư nên có tới hàng triệu người theo dõi, sức ảnh hưởng tới cộng đồng là không hề nhỏ... Càng nhiều nội dung tích cực, nội dung tốt thì tỉ lệ nội dung xấu càng ít đi. Khuyến khích truyền thông làm việc mà nó cần phải làm, đó là lan truyền thông tin giá trị, những kiến thức về cuộc sống, những hành động đẹp thì nhất định giới trẻ sẽ quay sang tìm kiếm những điều hữu ích này để phục vụ cho việc học tập, lao động của mình.

Các cơ quan chức năng cần phải tăng cường hợp tác quốc tế trong truyền thông; đặt ra yêu cầu đối với các nhà mạng để điều chỉnh các quy định, chính sách phù hợp với pháp luật Việt Nam về nội dung đăng tải; cần có biện pháp chế tài mạnh mẽ, quyết liệt, buộc chủ kênh ký cam kết nếu tái phạm sẽ bị xử lý thật nặng.

Mạnh tay với những đối tượng vi phạm, không chỉ phạt hành chính, xóa bỏ tên miền… mà cần phải có chế tài về hình sự để răn đe. Cảnh báo cho người dùng về các trang mạng, các tin, bài, video, nội dung không tốt cho người dùng cảnh giác khi truy cập.

Và rất mong người dùng mạng thông minh, có trách nhiệm phải có ý kiến phản hồi, lên tiếng, lên án đối với mạng xã hội đăng tải những nội dung không lành mạnh, nhảm nhí, vô bổ để họ điều chỉnh, xoá bỏ những nội dung vi phạm, cũng là cách góp phần “làm sạch” môi trường thông tin mạng. Xin đừng để thế hệ trẻ phải hứng chịu những hậu quả “thật” từ mạng “ảo” gây ra.

Cù Tất Dũng
.
.