Nêu gương phải thực là gương

Thứ Năm, 29/11/2018, 07:56
Tuần qua, tại Phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII). Hội nghị được truyền trực tiếp tới 2.759 điểm cầu trực tuyến trong cả nước. 


Dự Hội nghị tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, các ban cán sự đảng, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương và cán bộ chủ chốt từ cấp huyện và xã phường, thị trấn ở địa phương.

Hội nghị đã nghe đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quán triệt Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Quả thật việc nêu gương là việc nói thì dễ, nhưng làm được là rất khó. Thực tế cho thấy nhiều cán bộ lãnh đạo đã không làm theo đúng những gì mình nói, thậm chí còn nêu gương "giả" đã khiến người dân bức xúc.

Có vị lãnh đạo nói rất hay, rất "thuộc bài", nhưng đến đâu cũng một "bài" như thế; suốt cả nhiệm kỳ, vị này chẳng làm được việc gì đáng kể cho ngành, cho địa phương nên đã có người đặt cho cái tên là "Ông hứa".

Một phiên biểu quyết tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bề ngoài thì ra vẻ sống giản dị, nhà cửa, xe cộ bình thường, luôn tỏ ra niềm nở, chân tình với mọi người, đi xuống địa phương thì luôn nói tới tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, nhưng bản thân thì tiếp tay cho các đối tượng tham nhũng, cất nhắc, bổ nhiệm con cái vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, xây dựng "sân sau" để nhận thầu các dự án kiếm lời… Nhà cửa, xe sang thì mua giấu ở chỗ khác.

Khi bị người dân và báo chí phanh phui về những tài sản "khủng", đã có những cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản có được là do anh em, bạn bè cho, ủng hộ, rồi họ đã phải lao động cật lực từ nuôi lợn, chạy xe ôm, buôn chổi đót để có tiền xây biệt phủ, sắm xe sang chứ chẳng phải ở trên trời rơi xuống… Giải thích kiểu đó chẳng khác gì trò đùa, không ai có thể chấp nhận được.

Lại có cán bộ khi vi phạm pháp luật đến mức bị điều tra, truy tố trong các vụ án tham nhũng, kinh tế làm thất thoát, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khi trước tòa vẫn khăng khăng không chịu thừa nhận những việc làm sai trái của mình, hoặc chỉ chịu một phần trách nhiệm.

Họ cũng lại lý giải theo kiểu: Việc tôi làm đã được thông qua tập thể, tôi chỉ là người thừa hành thực hiện quyết định của tập thể và từ đây phát sinh căn bệnh "thành tích là của tôi, lỗi lầm, sai phạm là của chúng ta" đã khiến hình thành thói quen trốn tránh không dám đối diện, không dám đấu tranh với những cái xấu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết nói về sự gương mẫu, là công bộc của dân thì phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Người căn dặn: "... Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" và "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". Theo lời dạy của Bác, khi cán bộ không nêu gương thì tất yếu đạo đức xã hội sẽ xuống cấp và sự giả dối sẽ có dịp lên ngôi. Chúng ta và con cháu chúng ta sẽ chẳng biết tin vào đâu cả.

Lần này Trung ương Đảng đề ra trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là hết sức cần thiết. Qua những tấm gương này, người dân sẽ soi vào để làm theo, từ đó hình thành hệ thống đạo đức mới của xã hội.

Nêu gương phải được hiểu một cách đơn giản nhất là phải nêu gương về thực hiện dân chủ, khách quan, phải tôn trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; công tâm trong công việc, có trách nhiệm cao, quyết tâm làm việc, kể cả với việc mới, việc khó; nghiêm khắc với bản thân, dám công khai tài sản, thu nhập để nhân dân giám sát và dám đấu tranh mạnh mẽ để chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái, "tự diễn biến", 'tự chuyển hóa" mà ở đây là chống thật chứ không chống giả.

Ban Bí thư Trung ương Ðảng cần có quy định về chống thói giả tạo trong nêu gương và phải xử lý mạnh hơn với những cán bộ vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phải có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân và các cơ quan báo chí, truyền thông để việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành việc tự giác, thường xuyên.

Trong lúc này, nhân dân luôn mong đợi, trông chờ vào việc nêu gương của cán bộ, đảng viên thông qua những việc làm ích nước, lợi dân mà mắt thấy, tai nghe và mọi người đều có thể học được, chứ không cần những việc làm quá cao xa. Quả thật nêu gương rất khó, nhưng cán bộ, đảng viên  không thể không làm.

Cù Tất Dũng
.
.