Càng chuyên nghiệp càng phải biết

Thứ Sáu, 11/06/2021, 08:30
Một loạt ngôi sao giải trí đã phải gỡ bài đăng trên facebook cá nhân có nội dung quảng bá cho một loại tiền ảo và một sàn giao dịch ảo chưa được xác minh về độ tin cậy. Có vài người sau đó đã đăng đàn xin lỗi khán giả của mình. Cá biệt, như trường hợp của Nam Thư, ngoài việc xin lỗi thì cô còn đổ lỗi cho... quản lý của mình đã nhận hợp đồng này.


Nhiều người cảm thấy hơi nực cười. Giả sử vụ quảng cáo trót lọt, sản phẩm được quảng cáo là chất lượng, uy tín, không hiểu người quản lý kia có được cảm ơn công khai trên truyền thông vì đã mang lại lợi ích cho nghệ sỹ hay không?

Giữa tuần rồi, lại một vụ tương tự xảy ra. Cựu danh thủ Công Vinh dính nghi án quảng cáo cho một website cá độ bất hợp pháp. Công Vinh chưa đưa ra lời xin lỗi nào cả. Thay vào đó, anh thanh minh rằng mình chỉ quảng cáo cho một ứng dụng xem bóng đá trực tuyến mà không hề hay biết nó dính dáng tới cá độ bất hợp pháp online.

Cùng thời điểm, có một nhà báo thể thao có uy tín với giới cổ động viên nhận được lời mời viết bài phân tích các trận đấu cho kỳ EURO sẽ khởi tranh nay mai. Nơi mời anh là một website chuyên hướng dẫn các kèo cá độ và tất nhiên, có đường dẫn liên kết thẳng tới các trang đánh cá độ trực tuyến. Lời mời rất hậu hĩnh. 

Cụ thể, trả tiền trước, nhà báo muốn nhận nhuận bút bao nhiêu cứ thông báo, sẽ đàm phán. Bài viết xong, nhà báo chia sẻ lại trên facebook của mình để quảng bá. Nghe đồn, mức giá đưa ra không dưới 10 triệu/bài. Nhưng vốn dĩ cẩn thận, nhà báo nọ liền hỏi ý kiến người thân đang công tác trong một cơ quan chức năng chuyên quản lý về báo chí truyền thông. Sau đó, anh từ chối thẳng thừng vì không muốn hệ luỵ sau này.

Những câu chuyện kể trên chỉ để dẫn ra một điều: hoạt động quảng cáo hiện đại tấp nập hơn rất nhiều, với muôn hình vạn trạng và với nhiều hình thức khác nhau. Sự tấp nập ấy mang lại cơ hội kiếm tiền tốt hơn cho những người có uy tín đối với công chúng. Song, họ có chịu tìm hiểu thật kỹ trước khi nhận lời hay không? Hay họ chỉ quan tâm tới cách làm và số tiền nhận được mà thôi?

Nếu một người nổi tiếng nhận lời quảng cáo cho một nhãn hiệu bia A chẳng hạn, chắc chắn họ sẽ luôn có ý thức trong thời gian đang làm quảng cáo đó, họ không công khai sử dụng nhãn hiệu bia B hay C. Đó là một trong những quy ước người nhận làm quảng cáo phải biết. Thêm vào đó, họ cũng phải tìm hiểu sản phẩm mình nhận quảng cáo là gì, công dụng như thế nào vv và vv để có thể chuyển tải thông tin có sức thuyết phục tới công chúng.

Việc phó mặc và đổ lỗi cho người quản lý, hoặc thanh minh rằng “tôi không ngờ” là một thái độ thiếu chuyên nghiệp. Ở trường hợp Công Vinh, nếu muốn nhận lời làm quảng bá cho ứng dụng kia, việc đầu tiên nên làm là tải ứng dụng, xem xét nó thật kỹ. Và với con mắt của một cựu danh thủ, một người từng làm quản lý một đội bóng, chắc chắn Công Vinh biết thừa có nên nhận lời hay không.

Không tìm hiểu kỹ mà đã nhận việc, đó chính là thái độ thiếu chuyên nghiệp. Nói gì thì nói, làm một người nổi tiếng, có uy tín đủ sức dẫn dắt một cộng đồng, đó cũng là một “công việc chuyên nghiệp”. Và nếu làm một công việc chuyên nghiệp, thái độ với công việc ấy cũng phải chuyên nghiệp, tức là càng phải hiểu biết rất rõ việc mình sẽ làm, sắp làm. Khán giả, vì mến mộ, có thể dễ dàng tin vào các dẫn dụ của người nổi tiếng nhưng họ cũng không phải khờ khạo để cả tin ngay vào một lời đổ lỗi hay một kiểu thanh minh vụng về. 

Văn Đoàn
.
.