Nét đẹp cổ truyền trong đời sống hiện đại

Chủ Nhật, 21/02/2016, 08:00
Tết ấm, Tết chia sẻ, Tết của tình thân đã là những cái Tết đang được các bạn trẻ đón nhận trong những năm gần đây và đặc biệt trong Tết Bính Thân này. Tuy nhiên, để những cái Tết thực là Tết, để những hoạt động trong dịp Tết thực sự ý nghĩa, chúng ta cần phải nhắc nhở nhau rất nhiều, cùng nhau nhìn lại trong dịp đầu năm mới, để rút ra những bài học, những kinh nghiệm cho những cái Tết sau càng ấm áp hơn, các hoạt động văn hóa diễn ra thực chất hơn, ý nghĩa hơn...


Lo gì hương sắc nhạt phai

Nguyễn Hồng Lam

Có lẽ, một trong những nét đẹp nhất của Tết cổ truyền trong lòng đời sống hiện đại hôm nay chính là con người càng ngày càng xích lại gần bên nhau trong tấm lòng từ thiện nhân ái. Đâu đó trên khắp dải đất hình chữ S này, bà con nhân dân dù ở thành phố lớn, hay ở những mảnh đất hẻo lánh xa xôi như tận cùng mũi Cà Mau hay địa đầu Móng Cái, nơi rẻo cao cực Bắc của Tổ quốc hay hải đảo xa xôi Trường Sa, Hoàng Sa... thì những người con đất Việt đều đã và đang được hưởng những cái Tết ấm áp của tình thân, lòng nhân ái mà bấy lâu nay đã nhân rộng thành một nét đẹp trong văn hóa của Người Việt.

Tết ấm, Tết chia sẻ, Tết của tình thân đã là những cái Tết đang được các bạn trẻ đón nhận trong những năm gần đây và đặc biệt trong Tết Bính Thân này. Tuy nhiên, để những cái Tết thực là Tết, để những hoạt động trong dịp Tết thực sự ý nghĩa, chúng ta cần phải nhắc nhở nhau rất nhiều, cùng nhau nhìn lại trong dịp đầu năm mới, để rút ra những bài học, những kinh nghiệm cho những cái Tết sau càng ấm áp hơn, các hoạt động văn hóa diễn ra thực chất hơn, ý nghĩa hơn...

Không khí Tết ở TP Hồ Chí Minh.

1.Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ, dân ít, còn nhiều khó khăn ở Nam Trung Bộ. Hai năm 2014-2015, mưa vắng mặt ở đất này suốt 13 tháng trời, sau đó chỉ mưa chưa đầy 2 tháng thì dứt. Khô hạn nặng, vùng cao Ninh Sơn, Bác Ái… của tỉnh hầu như không canh tác được gì suốt hơn một năm rưỡi. Trọn năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc ở đó trông cậy hoàn toàn vào gạo cứu trợ của nhà nước.

Cuối năm, Công an tỉnh phải vận động mướt mồ hôi để có thêm 750 suất quà (500.000 đồng/suất) cho chừng đó hộ gia đình đồng bào dân tộc Raglai nghèo có thêm chút điều kiện đón Xuân. Về chuyện này, Đại tá Võ Thứ, Trưởng phòng Công tác chính trị Công tỉnh cứ chép miệng: "Phải chi có thêm được dăm trăm, một ngàn phần quà nữa cho dân đỡ khổ".

Giao thừa, "như thường lệ", tỉnh vẫn tổ chức bắn pháo hoa ở quảng trường 16-4 TP Phan Rang - Tháp Chàm. Tỉnh nghèo, pháo hoa cũng bắn tiết kiệm thôi, mất chừng 500 triệu đồng chứ không tốn tiền tỷ như nhiều nơi khác. Ít, số tiền đó cũng bằng 1.000 phần quà cho 1.000 gia đình nghèo. Trong khi đó, nó chỉ giúp mua vui cho không nhiều người thành thị trong 15 phút. Mà nói thật thì ngoài đám trẻ con nhà gần quảng trường, còn lại cũng chẳng mấy ai quan tâm, tán thưởng màn pháo hoa. Cả chục năm nay, Tết nào chẳng có.

Năm 2015, lễ lạt nhiều, dân thành phố Phan Rang cũng đã vài ba lần được thưởng thức pháo hoa, có lạ lẫm gì. Dám chắc, nếu được hỏi ý kiến, tuyệt đại đa số người dân ở thành phố nhỏ Phan Rang - Tháp Chàm sẽ đồng ý ''hy sinh'' ngay 15 phút pháo hoa chưa  chắc họ đã xem để có thêm ngàn phần quà Tết cho đồng bào nghèo mạn ngược. Hỏi biết vậy sao không làm, một quan chức của tỉnh thở dài: "Thành lệ rồi, Tết thì phải bắn thôi chứ cũng biết là dân không mặn mà gì cho lắm".

Biết mà vẫn làm, làm chỉ vì thói quen, có lợi ích gì không thì không chắc, lối tư duy này nghe có vẻ rất không "vì dân", cũng chẳng mấy phù hợp với một vùng đất nghèo còn rất trọng ăn chắc mặc bền.

Mà thật ra, cả nước ta, nơi nào mà chẳng thế!

2.Đa phần dân thành phố là người… nhà quê. Mùng 4 Tết, TP Hồ Chí Minh vắng hoe. Người lao động xa quê về quê ăn Tết đã đành, người ở lại thì những ngày sau giao thừa cũng đưa gia đình, vợ con đi du lịch đâu đó, rất ít gia đình ở lại với cái Tết kiểu cổ truyền cha con, chòm xóm sum vầy. Tết thành thị đang có một sự dịch chuyển, thay đổi lớn về bản chất. Chơi Tết, nghỉ Tết thay cho ăn Tết. Rất nhiều gia đình ở TP Hồ Chí Minh cả chục năm qua đã không ăn Tết cố định tại thành phố. Thay vào đó nay tỉnh này, mai tỉnh khác, mỗi năm đón giao thừa, chào năm mới ở một tỉnh, thành khác nhau.

Lẽ tất nhiên, địa điểm quây quần của cả gia đình cũng không phải là mái nhà quen thuộc mà là một khách sạn, nhà nghỉ nào đó trên đường du xuân. Cây nêu, bánh chưng xanh, cỗ bàn sắp trên bàn thờ gia tiên nồng mùi hương trầm, nhiều nơi cũng vắng. Nhiều nghi thức truyền thống đã không còn nữa trong một số gia đình. Tết cổ truyền chỉ đơn giản là một dịp nghỉ ngơi, hưởng thụ… Đành thôi, bởi thành phố suy cho cùng với nhiều người cũng đâu phải là nơi chôn rau cắt rốn. Thành phố là nơi để người ta chọn làm việc chứ chưa chắc chọn để sống.

Đâu đó trong đời sống hiện đại, một vài hoặc nhiều yếu tố truyền thống đang bị mai một, biến mất dần mà… không ai có lỗi. Còn chăng, chỉ là một chút ngậm ngùi lưu ký trong đầu óc, tâm cảm nhưng người nặng lòng hoài cổ.

3. Tết Bính Thân 2016, dù cảnh chen chúc vé tàu, vé xe vẫn chưa hề giảm, song người lao động nghèo, người khó khăn ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nếu muốn về quê ăn Tết thì vẫn hầu như không ai bị bỏ lại, không ai là không tìm được điều kiện để về. Cả trăm ngàn vé xe, chỗ ngồi miễn phí, hàng trăm chuyến xe đưa đón không mất tiền đã được các cơ quan, đoàn hội… ở các địa phương tổ chức để đưa người lao động, sinh viên, học sinh nghèo về Tết. Nhiều tỉnh miền Trung còn đưa nhiều đoàn xe vào Nam đón con em, đồng bào trong tỉnh về quê.

Các ngày 24, 25 và 26 tháng Chạp, nhiều chuyến xe miễn phí khác đã đến các bệnh viện Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Y học dân tộc, Nhi Đồng I và II để đưa người bệnh và thân nhân về quê. Không mất tiền đã đành, khi lên xe, người khó khăn còn được tặng quà Tết, phong bao lì xì và những lời chúc. Tất cả đều do những nhóm, cá nhân các nhà hảo tâm tự đứng ra tổ chức, giúp đỡ. Họ hầu như không quan tâm đến việc lưu tên (vì đâu cần báo cáo thành tích hay kết quả với ai).

Con số thống kê đầy đủ, chính xác, vì thế cũng trở nên không thể và không cần thiết. Chỉ thấy ấm áp tình người, tình xuân. Chưa ở đâu, chưa trong lĩnh vực nào mà ý nghĩa những cụm từ "nhà nước và nhân dân cùng làm", "xã hội hóa", "tự nguyện"… lại trở nên rõ ràng, sâu sắc, thiết thực và hữu ích đến. Nhờ đó mà người nghèo bớt khổ, xã hội xích lại gần nhau hơn. Và bởi vậy mà thấy đời đẹp hơn, Tết ấm áp hơn. Như hoa Xuân hết Đông là lại nở, vậy thôi…

Có những Tết lạ trong lòng thành phố

Phan Đăng

Tết ở Hà Nội là một cảm giác đặc biệt, khi đường phố thưa vắng, khiến những gã lãng mạn có quyền mơ nhớ về một thành phố thưa vắng thời Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa. Những kẻ không lãng mạn, không thích văn chương thì chí ít cũng có cảm giác sảng khoái khi một Hà Nội khói bụi, một Hà Nội tắc đường đã bị tiệt diệt triệt để trong những ngày này. Nhưng tin tôi đi, chẳng phải người Hà Nội nào cũng tận hưởng cái ân sủng đường phố ấy. Với nhiều người Hà Nội bây giờ, tôi còn nhìn thấy một Tết ngủ, một Tết du lịch, một Tết shopping... - tóm lại là một Tết rất khác so với Tết mà chúng ta vẫn nghĩ.

Phiên chợ Tết ở quê.

1. Tết ngủ

Tận dụng triệt để những ngày nghỉ Tết để được ngủ. Ngủ say sưa, ly bì. Ngủ no nê, thoả mãn. Cái khát khao ngủ lớn tới độ người ta phải viết sẵn một cái thông báo, dán trước cửa nhà: "Gia đình tôi đi vắng, hẹn gặp sau". Dĩ nhiên với những mối quan hệ thân cận, đặc biệt, khi đã có những cuộc Alo từ trước thì cánh cửa phòng vẫn sẵn sàng bật mở, nhưng với những mối quan hệ bình bình khác, cái thông báo ấy rõ ràng là một sự khước từ không thương tiếc.

Với một bộ phận những người bạn bận rộn mà tôi quen biết, Tết với họ là như thế đấy. Họ làm việc quanh năm suốt tháng, bận từ sáng tới chiều, từ chiều tới đêm, nên luôn đối diện với trạng thái thiếu ngủ. Với những người như thế, tận dụng 3 ngày nghỉ Tết để được ngủ thật không có gì sướng hơn.  Bạn không tin? Đấy là quyền của bạn. Nhưng nếu bạn thử làm việc quần quật, liên hồi trong khoảng 1 tuần như họ (mới chỉ 1 tuần thôi nhé) chắc chắn bạn sẽ hiểu vì sao họ lại chọn việc "ngủ" là một cách ứng xử với 3 ngày Tết.

2. Tết shopping

Ngay từ tháng 10 năm 2015, một nhóm những cô bạn độc thân của tôi đã lên kế hoạch đặt vé, sang Bangkok (Thái Lan) Shopping vào dịp Tết. Trong số này, có cô thì sợ mỗi lần Tết đến là một lần lại bị họ hàng, khách khứa chúc tụng, giục lấy chồng, có cô thì nghiện shopping, nên luôn tận dụng mọi cơ hội nghỉ ngơi để được shopping, lại có cô chẳng sợ, chẳng nghiện gì cả, đơn giản là "Tết ra nước ngoài", "Tết shopping" là một trải nghiệm mới, một xu thế mới mà họ muốn thử cho biết.

Trên facebook của những cô bạn này, tôi thấy nhan nhản những bức ảnh họ chụp ở các trung tâm mua sắm lớn tại khu Siam, Bangkok. Và từ nước ngoài thấy họ cũng tự lì xì, mừng tuổi nhau. Mà chẳng riêng gì mấy cô bạn của tôi, rất nhiều người Hà Nội bây giờ cũng chọn cách ra nước ngoài để shopping, hoặc để nghỉ ngơi, du lịch trong 3 ngày Tết. Đáng chú ý: phần lớn đều không đi tít tắp châu Âu, châu Mĩ, mà tập trung chủ yếu tại Đông Nam Á, đặc biệt là 3 nước Thái Lan, Singapore, Malaysia. Dễ hiểu thôi mà, những nước này cũng có nhiều nét văn hoá tương đồng với chúng ta, và quan trọng là nó gần, giá du lịch lại rẻ nên tạo cảm giác thuận tiện, thoải mái mọi bề.

3. Tết từ thiện

Trong những ngày cận Tết năm nay, cộng đồng facebook đã xuất hiện những dòng status mà khi đọc nó, chắc chắn chúng ta thấy ấm lòng. Đó là có những gia chủ nhà cửa rộng rãi, không sử dụng hết nên sẵn sàng mời gọi những người vô gia cư đến đây đón Tết. Họ ghi rõ, căn phòng nhân văn ấy rộng bao nhiêu mét vuông, đón được bao nhiêu người, và tử tế nhất là việc tới đây, mọi người sẽ được tiếp đón bằng bánh chưng, canh măng và mứt Tết. Không có điều kiện khảo sát rộng, nhưng từ trang chủ facebook của mình, tôi đã nhìn thấy khoảng 2,3 dòng thông báo với nội dung như thế.

Những nghĩa cử, những hành động có thể gọi là "Tết từ thiện" như thế rồi sẽ giúp những người đói khổ, những người không có chỗ để về được "cải tử hoàn sinh" về mặt tinh thần nhiều lắm. Và những người sẵn sàng chia sẻ vật chất và tinh thần của mình, để thực hiện một cái "Tết từ thiện" như thế hẳn cũng là những người có trái tim cộng cảm, bao la.

Xin cảm ơn những người như thế, những người đã đốt lên thật nhiều ánh lửa lòng trong những ngày mà người giàu hay người nghèo, người có nhà để trở về hay không còn bất cứ chốn quay về nào nữa thì cũng cần một cảm giác ấm áp và hy vọng như nhau!

Nhắc những mùa Tết sau...

Hà Quang Minh

Mùng Bảy Tết, vẫn còn trong mùng, nhưng đã là ngày nghỉ cuối cùng của dịp Tết Bính Thân, dãy vỉa hè trước cổng Nhà văn hoá Thanh Niên thành phố Hồ Chí Minh, đường Phạm Ngọc Thạch vẫn còn rực lên màu vàng của những cánh hoa mai được làm bằng vải. Nhưng cái rực vàng ấy khác hẳn với cái rực vàng của chính những cánh mai ấy suốt chục ngày trước đó. Đơn giản, ngày mùng Bảy là lúc người ta dẹp đi những cây mai trang trí ở khu phố "ông Đồ" truyền thống của trung tâm Sài Gòn để trả lại cho thành phố cái nhịp sống thường nhật của nó. Chiều mùng Bảy, các ngả đường ngoại ô thành phố sẽ lại ken kín người, những người trở về với mưu sinh đời thường quanh năm, sau một kỳ Tết với gia đình ở quê nhà hoặc sau một kỳ du lịch thảnh thơi mùa Tết.

Những chồng cây mai giả chất đống nằm đó, đợi chờ những chuyến xe chở chúng đi về nơi tập kết nào đó. Chúng vẫn tươi, hoa giả mà, lúc nào chẳng tươi. Nhưng chúng không còn là chính mình nữa. Chỉ mới vài ngày trước thôi, người ta còn xúm xít nhau chụp hình bên chúng. Bây giờ, ai đứng cạnh chúng chụp hình, chắc 100% người xung quanh sẽ tưởng bị điên.

Ở nhiều nơi khác trên thành phố này, trên dải đất chữ S này chắc cũng diễn ra cảnh như thế. Mai giả, đào giả lại xếp xó, bị dọn dẹp lại như hàng thải khi đã hết nhiệm vụ lịch sử ngắn ngủi của mình. Năm sau, chúng có còn được tái sử dụng hay không, có trời mà biết. Và nếu có, chắc gì đã được sử dụng cùng nhau ở nơi cũ, chốn cũ???

Điều ấy không khỏi gợi lại cho chúng ta một suy nghĩ rất đơn giản: "Tại sao năm nào cũng diễn ra cái cảnh ấy? Tại sao năm nào cũng bày hoa giả ra, dọn hoa giả vào như thể một phiên chợ? Có cách nào hay hơn hẳn hay không?". Thực tế, mấy năm gần đây, nhiều người Việt có điều kiện vẫn thường rủ nhau sang Nhật ngắm hoa anh đào vào đúng mùa loài hoa này nở rộ. Ít điều kiện hơn, người Việt tìm về các hồ sen; lên Đà Lạt ngắm dã qùy; đi Đồng Văn ngắm tam giác mạch… Những chuyến đi ấy, với các hình ảnh được chia sẻ lại cho thấy, ở mỗi vùng miền, ở mỗi mùa đều có một loài hoa đặc trưng.

Mùa Tết, phía Bắc thì có hoa đào, phía Nam thì có hoa mai, hai sắc màu chủ đạo của năm mới. Vậy thì câu hỏi đặt ra là "Tại sao thay vì dùng hoa giả, chúng ta không tạo ra những con đường hoa thật, điều hoàn toàn nằm trong khả năng của mỗi địa phương và có thể được thực hiện trong một thời gian không quá dài?". Chính những con đường hoa đó sẽ là đặc trưng văn hóa mùa Tết của những địa phương ấy, những đặc trưng để không chỉ cư dân địa phương tìm đến thưởng ngoạn mà còn có thể thu hút du khách từ những nơi khác, thậm chí là cả du khách nước ngoài.

Sẽ ra sao nếu quãng phố Phạm Ngọc Thạch trước cửa Nhà văn hóa Thanh Niên TP Hồ Chí Minh biến thành "phố hoa mai" và cứ đến độ năm hết, Tết đến, Xuân về, loài hoa đó bừng nở như báo hiệu cho chính những cư dân của thành phố về một mùa thay áo mới?

Sẽ ra sao khi thay vì người Hà Nội phải đi vào làng hoa đào cũ kiếm tìm hiếm hoi những gia đình còn trồng đào sót lại với mục đích chỉ là mua đào, họ sẽ có được một phố hoa đào để dạo chơi và chụp ảnh mỗi độ xuân về? Những con đường hoa tự nhiên hoàn toàn theo kiểu đó, với những gốc hoa được trồng lưu niên, được chăm sóc kỹ lưỡng như những khu vực độc đáo và tự nhiên của một thành phố, hẳn không phải quá khó khăn để xây dựng.

Người Hà Nội chắc vẫn còn chưa quên con đường nhìn thẳng về phía lăng Bác đã được gọi là khu "vườn Hồng", nơi rất nhiều hoa hồng được trồng tự nhiên, lưu niên và nở hoa rực rỡ. Vậy thì giữa việc thuê một công ty trang trí cả một con đường hoa giả và việc trồng một con đường hoa thật, việc nào sẽ tốn kém hơn? Có thể đầu tư ban đầu, việc trồng cây thật, chăm cho ra hoa thật đúng vụ, đúng mùa sẽ tốn kém hơn nhưng duy trì chúng cho các năm kế tiếp thì sẽ ít kinh phí hơn rất nhiều. Và cơ bản nhất, cái thật vẫn là cái không bao giờ có thể bị thay thế được ở những giá trị cơ bản nhất.

Mùa Xuân là Tết trồng cây. Vậy thì hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, để giờ này, năm sau, dân mình được thưởng lãm những con đường hoa thực sự, rực rỡ và cuốn hút. 

Người Sài Gòn vui Tết

Ngọc Nguyễn

Nếu bạn nghĩ chỉ những tháng ngày giáp Tết hoặc sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết thì các hãng vận chuyển mới tất bật nhờ dòng người từ các đô thị lớn trở về quê hoặc từ quê ngược về lại thành phố, chắc chắn đó là một nhầm lẫn lớn. Thông dụng như taxi nhưng gọi được xe ngày Tết cũng khó hơn ngày thường nhiều lần. Từ mùng 1 Tết, gọi điện lên tổng đài các hãng taxi từ lớn đến nhỏ, việc bắt gặp giọng trả lời tự động xin lỗi vì đường dây đang bận hay tiếng tút tút của điện thoại báo đường dây quá tải trở thành bình thường.

Người dân Sài Gòn tưng bừng ngày hội bánh tét mừng Tết Bính Thân 2016.

Một tài xế quen của Vinasun kể rằng, nhiều năm gần đây, từ mùng 1 Tết, khách từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh đã rất nhiều. Tất bật chuẩn bị Tết mệt nhoài nên những ngày này trở thành dịp để mọi người nghỉ thả ga. Người đi xe nhiều cứ như thể họ chỉ loanh quanh ở nhà một chút là tìm cách, tìm chỗ đi chơi. Bằng cớ là không chỉ các điểm tổ chức đón giao thừa, bắn pháo hoa, chùa chiền, nhà thờ mới kẹt cứng người trong thời khắc giao thoa, tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến. Các điểm vui chơi công cộng, kể cả có bán vé gần thành phố như Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên cũng đều khá đông khách gọi xe đưa đến chơi… Có khi đang chạy chở khách này, khách khác gọi tới, tiếc hùi hụi nhưng phải chuyển sang cho bạn. Ngày thường, chở khách đường xa trở về, có khách bắt xe dọc đường mừng như được tiền thì ngày Tết, việc phải bỏ qua khách bắt xe ngang đường là chuyện thường…

Thống kê của Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng, đường hoa Nguyễn Huệ cũng cho thấy, mỗi dịp Tết, các tụ điểm này đón hàng triệu lượt khách du xuân. Tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, bà Tôn Nữ Nguyên Ánh, phụ trách truyền thông của khu du lịch cũng cho biết, càng ngày khách đến vui chơi tại khu du lịch dịp Tết càng tăng cao nên ngay những ngày nghỉ Tết, Suối Tiên vẫn phải làm việc và có những chương trình đặc thù để phục vụ khách du xuân. Riêng Tết Bính Thân 2016, chỉ trong khu du lịch đón trên 530.000 lượt khách. Con số thống kê này dựa trên cơ sở số vé vào cổng được bán ra nên khó có thể là con số không chính xác.

Tỷ lệ nghịch với hội hè, vui chơi ngày Tết, với số đông, Lễ Tết đang ngày càng giản tiện. Những mâm quả trưng bày cầu kỳ ngày Tết vẫn ăm ắp trong mỗi gia đình nhưng nhanh chóng và tiện lợi hơn nhờ hệ thống các dịch vụ, từ dịch vụ điêu khắc rau củ quả nghệ thuật cho đến trưng bày mâm ngũ quả. Sau bữa cơm tất niên và cúng gia tiên ngày đầu năm mới thì những bữa cơm thực sự đủ đầy các thành viên và được chuẩn bị kỳ công thịnh soạn trong mỗi bữa ăn tiếp theo của các ngày Tết tiếp theo không thường xuyên và liên tục như trước nữa.

Ngay tại vùng thôn quê, việc chuẩn bị đầy đủ 3 bữa cơm thịnh soạn dâng cúng gia tiên mỗi ngày suốt dịp Tết cổ truyền đã không còn duy trì trong phần lớn các gia đình. Phần lớn thời gian, các thành viên đã tản mát đi chơi Tết. Với các thành phố, đặc biệt là thành phố nhiều người lao động nhập cư như TP Hồ Chí Minh, những ngày Tết, nếu dạo quanh nhiều cung đường của thành phố, nơi tập trung nhiều quán ăn gia đình, quang cảnh tấp nập thực khách có khi đủ các thành viên trong một mái ấm hay vài gia đình nhỏ hợp thành từng nhóm cũng đã không hẳn là chuyện lạ…

Giảm lễ, tăng hội cho dịp Tết có thể tạo cảm giác Tết đang nhạt dần với nhiều người nhưng không đồng nghĩa Tết cổ truyền của dân tộc giảm sự trông mong, sự linh thiêng từ trong tâm thức của người Việt.

PV
.
.