Nên cử xử với công chúng thế nào?

Thứ Sáu, 12/10/2012, 09:00

Trong một phút bất cần đời, một nhà thơ đã buông xõng: "Nếu công chúng như thế thì tôi cóc cần công chúng". Câu nói xanh rờn ấy lọt tai một nhà báo và bị đưa lên mạng. Có rất nhiều comment trái ngược nhau. Chửi bới nhiều nhưng cũng có cả tiếng khen, cả sự đồng cảm. Thì ra công chúng, một vấn đề lâu nay tưởng đơn giản cũng phức tạp và ngày càng có nhiều tiếng nói không đồng nhất.

Ngày xưa, tức là lâu lắm rồi, do đặc điểm của tình hình kháng chiến, chúng ta đề cao quan niệm văn học nghệ thuật phải ưu tiên phục vụ công nông binh. Với quan niệm như thế, nhân vật và cả công chúng của văn học nghệ thuật tất nhiên phải là công nông binh, còn công nông binh có thực sự được phục vụ không, có cần thiết những thứ ấy không lại là chuyện khác.

Ngày nay, những quan niệm như thế như thế không còn giữ vị trí áp đảo nữa. Và khi mục đích hướng tới đã khác thì công chúng của văn học nghệ thuật cũng phải khác. Công chúng không còn là chủ nhân mà là khách hàng của văn học, nghệ thuật. "Khách hàng là thượng đế", câu nói ấy không chỉ đối với hàng hóa thông thường mà với cả văn học nghệ thuật, tức là các nhà văn, nhà thơ hay văn nghệ sĩ nói chung. Ngày nay họ là người sản xuất ra hàng hóa và công chúng là người mua hàng.

Khách hàng là thượng đế, câu nói cửa miệng ấy thực ra là một câu nịnh. Khách hàng là thượng đế nghĩa là phải coi khách hàng là tối thượng, mọi sở thích của khách hàng đều phải được chiều, mọi lợi ích của khách hàng đều được tôn trọng. Chiều khách hàng, tôn trọng khách hàng chẳng qua để khách hàng mua nhiều hàng, ngày càng nhiều hàng. Khách hàng càng mua hàng thì người bán càng có lãi. Cuối cùng, cái đích là lãi chứ không phải là ai là thượng đế. Khách hàng là thượng đế, đấy là văn minh thương mại trong nền kinh tế thị trường, là sự bền vững của doanh thương.

Nhưng đấy là với những hàng hóa thông thường, sản xuất ra để phục vụ đời sống vật chất của con người. Văn học nghệ thuật cũng là hàng hóa, nhưng không phải là hàng hóa thông thường nên quan hệ người sản xuất và người tiêu dùng, người mua và người bán cũng không thông thường. Nhưng tiếc thay, từ ngày xóa bỏ bao cấp, không ít người, kể cả những nhà cầm cân nảy mực trong lĩnh vực này cũng coi văn học nghệ thuật chỉ là hàng hóa như mọi hàng hóa thông thường khác, mặc nó lặn ngụp trong thị trường, khôn sống mống chết. Đến lượt văn học nghệ thuật, khi đã hết nguồn bấu víu, phải nhảy vào dòng xiết bán mua thì dù không biết bơi cũng phải bơi để cứu lấy thân. Thế là phải nương theo dòng xoáy thị trường, dòng xoáy ấy là qui luật cung cầu, là lấy lợi nhuận làm mục đích cao nhất. Và khi đã coi lợi nhuận là mục đích cao nhất thì phải coi khách hàng là thượng đế, mọi sáng tạo văn học nghệ thuật trước tiên phải làm vừa lòng khách hàng. Tất cả mọi hệ lụy hôm nay ta chứng kiến bắt đầu từ đó.

Hệ lụy có nhiều và rất rộng, gần như lĩnh vực nào cũng dính với những biểu hiện hết sức phức tạp, không dễ tóm lược trong một hai câu nhưng qui lại là chất lượng tác phẩm ngày càng giảm sút, giá trị thẩm mỹ ngày càng ít được chú ý, những mánh mung tiêu cực trong cơ chế cạnh tranh quyết liệt ngày càng nhiều.

Có thể lấy lĩnh vực âm nhạc làm dẫn chứng. Giờ đây, nói đến âm nhạc, người ta ít coi đó là nghệ thuật mà gọi đó là thị trường, là hoạt động giải trí, là "giới showbiz". Ở đó, người ta rất ít bàn về thành tựu nghệ thuật mới trong sáng tác và biểu diễn, tác dụng của âm nhạc trong đời sống văn hóa đương đại… mà chủ yếu là công nghệ lăng xê ca sĩ, việc làm ăn thành đạt hay thất bát, lật tẩy những thủ đoạn làm ăn không sạch sẽ, tung tin thất thiệt về nhau và… cãi vã, cãi vã trực tiếp và trên mạng, trên các phương tiện truyền thông để đánh bóng mình, triệt đối thủ, người ta quen gọi đó là cách tạo scandal trong giới showbiz. Có thể thấy sự bế tắc, khủng hoảng của nền thanh nhạc. Đó là trong khoảng 10 năm trở lại đây, gần như không có ca khúc nào đọng lại trong trí nhớ người nghe, không có một ca sĩ hoặc nhạc công nào đứng được với thời gian. Sự thất bát của một nền nghệ thuật từng lừng lẫy suốt vài chục năm trước là không thể che lấp. Để biện minh, người ta thường vin rằng công chúng vẫn nồng nhiệt hưởng ứng, hà cớ gì nói nó xuống cấp, đi vào ngõ cụt. Một số người khác thì cho rằng thị hiếu của công chúng bây giờ như vậy, âm nhạc phải chiều theo, vậy có phàn nàn hãy phàn nàn người nghe, đâu phải người biểu diễn.

Khủng hoảng về hướng đi không chỉ có trong âm nhạc… Người ta có thể thấy trong sân khấu. Cách đây dăm năm, một đạo diễn sân khấu ở Tp HCM còn tự tin nói rằng: "Vở của tôi làm cho người xem chứ không phải để đi thi. Không được huy chương nhưng người xem kín rạp, thế là tôi thành công". Nhưng vào lúc này, khi các điểm diễn từng sáng đèn nhiều năm bắt đầu thưa vắng, các trường đoạn hài gây cười nhạt nhẽo đang thành của ế thì chính đạo diễn đó lắc đầu ngán ngẩm: "Với công chúng như thế này, tôi đố ai làm sân khấu mà sống được". Sân khấu đã vậy, còn điện ảnh? Vào những ngày này, người ta vẫn chưa tìm ra lý do chắc chắn vì sao phim này lãi, vì sao phim này lỗ, dường như đó còn là một điều bí ẩn. Người ta cũng chưa tìm được lời giải cho những hiện tượng như tại sao những phim được giải thưởng lại không ăn khách, trong khi những phim đề tài cách mạng và chiến tranh thuộc thế hệ làm phim trước vẫn đông người xem. Tại sao nhiều phim thương mại, đề tài nóng hẳn hoi, chiều người xem hết cỡ nhưng vẫn bị "cả thèm chóng chán". Có những đạo diễn từng nổi tiếng nhờ một vài phim thương mại, giờ cũng quay về với loại phim mà anh gọi là "nghiêm chỉnh". Nghệ thuật biểu diễn đã vậy, mỹ thuật, văn học cũng không hơn gì. Thị trường mỹ thuật, sau một thời gian đông khách cũng đang rơi vào ế ẩm, nhất là với những tranh vẽ theo các trường phái từng rộ lên ở phương Tây. Còn văn học, một loại hình được coi là ít bị thị trường hóa nhất cũng đang phân hóa mãnh liệt. Xu hướng thứ nhất là viết loại "sách bán chạy", có thể không được tồn tại lâu trong văn học sử, không được các vị mũ cao, áo dài khen tụng nhưng cũng không đến nỗi kém về văn chương, lại được nhiều người xem, đông người mua, nuôi sống được tác giả. Thứ hai là những người "giấy rách giữ lấy lề", thà đói, thà nghèo khổ nhưng không chiều theo những nhu cầu giải trí hèn kém của một bộ phận độc giả đương thời. Giữa hai xu hướng đó là những người viết ra những "Sợi xích", "Phải lấy người như anh", "Bóng đè", "Ngựa trời". Những người này và cả nhiều người khác, rất tự tin, không bị chao đảo vì dư luận về hướng đi của mình. Hiện nay họ chưa nhiều nhưng xem chừng, đội ngũ này ngày càng đông đảo.

Tất cả những hiện tượng đó tuy rất khác nhau nhưng đều qui về một vấn đề: Công chúng là ai và văn học nghệ thuật phục vụ họ như thế nào?

Trước một vấn đề lớn như thế, tìm câu trả lời ngay là có phần không tưởng. Nhưng có thể thế này chăng: Công chúng của văn học nghệ thuật là một tập đoàn người cùng chung một thị hiếu, một nhu cầu thẩm mỹ được nền văn học nghệ thuật của một thời kỳ lịch sử nhất định tạo nên và đến lượt họ, tác động tích cực trở lại nền văn học nghệ thuật ấy.

Nếu quan niệm như vậy thì cái chúng ta quen gọi là công chúng, lấy họ làm tiêu chí để thẩm định giá trị văn học nghệ thuật, phải hết sức chiều nịnh họ thực ra mới chỉ là một đám đông được tập hợp một cách tự nhiên và hết sức lỏng lẻo. Phần nhiều họ là những người có tầm văn hóa trung bình và dưới trung bình, có thị hiếu ít được rèn luyện và thử thách, đến với văn học nghệ thuật với mục đích chính là giải trí, thư giãn. Chúng ta tôn trọng họ, bằng mọi cách có thể để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của họ, nhưng cũng không vì thế mà quá quỵ lụy, hướng cả một nền văn học nghệ thuật theo thị hiếu của họ, thích ma thì có ngay những vở kịch, cuốn sách có ma; thích "bóng" (đồng tính) thì ồ ạt xuất hiện những truyện ngắn, tiểu thuyết, phim ảnh lấy "bóng" làm đề tài.

Cũng vì sự tập hợp có tính tự phát, hoang dã, đám đông công chúng này rất dễ thay đổi từ lý tưởng nghệ thuật tới thị hiếu từng thời kỳ. Trong văn học, họ có thể quên bẵng, thậm chí xa lánh, kỳ thị, có thái độ bất công với một tác giả, một xu hướng thơ, xu hướng văn xuôi nào đó vài chục năm để tung hô một tác giả khác, một xu hướng khác nhưng rồi bất ngờ, họ quay trở lại và làm ngược lại một cách khó hiểu. Đám đông công chúng này cũng không có "gu" bền vững vì họ không được chuẩn bị lý tưởng nghệ thuật một cách kỹ càng..

Nhưng cuối cùng, cũng không thể nói như nhà thơ nọ được. Văn học nghệ thuật bao giờ cũng cần công chúng. Công chúng là người nuôi sống mình. Tác phẩm của mình được giữ lại bền vững cũng trong lòng công chúng. Vấn đề là công chúng nào, công chúng ngẫu nhiên, nhất thời hay công chúng bền vững, đáng tin cậy, đáng để mình tận tụy. Và nghệ sĩ, tức là những người làm nghề văn học nghệ thuật để sống có nên thụ động "phục vụ công chúng" như thế chăng hay có thể chủ động tạo ra công chúng của mình bằng chính "gu" nghệ thuật sang trọng, bằng thái độ lao động nghiêm túc, bằng sự tận tụy, trung thành với một đối tượng công chúng nghệ thuật từng qua nhiều thử thách. Khi văn nghệ sĩ có công chúng riêng của mình thì khá nhiều bê bối hiện nay sẽ được giải tỏa và qua công chúng của họ, ta sẽ biết họ là ai.

25/9/2012

V.D.T.
.
.