Đạo diễn sân khấu trẻ:

NSƯT Trần Quang Hùng: Được chỉ tay, giao việc-khó lắm!

Thứ Hai, 09/03/2009, 15:30
Thật lòng, tôi cũng là một đạo diễn được coi là trẻ, nhưng tôi rất không thích các đồng nghiệp của mình thể hiện tư duy, mảng miếng quá nhiều trên sân khấu. Họ thích khoe kiến thức đã học được, quá chú ý tôn vinh các "kỹ xảo" của mình mà thường quên mất đi cái Tôi, cá tính của người diễn viên, của nhân vật.

-Khán giả thủ đô những ngày đầu năm này đã được thưởng thức vở diễn về đề tài Thăng Long "Lễ mở xiêm áo" do Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng. Xin hỏi, đây là vở diễn thứ mấy của anh trong vai trò đạo diễn?

+ Thực ra đây mới là vở diễn chính thức do tôi làm đạo diễn, nếu không kể vở diễn tôi làm tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn có tên là "Mệnh đế vương", kịch bản dựa theo cảm tác của Trương Thị Thanh Hiền.

- Được biết, ngay từ đầu, vở diễn "Lễ mở xiêm áo" không được trao cho anh, mà là một đạo diễn tên tuổi khác...

+ Lúc đầu Nhà hát chúng tôi mời NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn vở này. Nhưng đạo diễn Doãn Hoàng Giang quá bận công việc. Ông phải dựng một lúc rất nhiều vở cho các đoàn nghệ thuật nên không tham gia được.

Và tôi bắt tay vào làm vở này. Đây là một vở diễn nhiều thông điệp, nhiều tầng ý nghĩa và có tính thời sự là gắn liền với sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Rất nhiều người lo ngại, cho rằng tôi là kẻ "điếc không sợ súng"

- Nhưng thực tế vở diễn đã gây được nhiều cảm tình với khán giả. Ngay cả tác giả Nguyễn Khắc Phục, một người khó tính, cũng rất hài lòng...

+ Vâng, trong khi làm vở diễn thì đạo diễn ngại nhất là va chạm với tác giả kịch bản. Tôi đã phải cấu trúc lại kịch bản văn học của Nguyễn Khắc Phục vì thoại của ông quá dài.

Nhưng rất may là tôi và ông làm việc với nhau một cách suôn sẻ. Tác giả hài lòng vì có lẽ ông cảm thấy tôi đã bắt được ý đồ, tinh thần của kịch bản và giữ nguyên được điều đó trong khi dàn dựng.

- Như vậy, một đạo diễn trẻ như anh, nếu được tin tưởng trao kịch bản, cho dù là vở diễn đầu tiên, thì hoàn toàn vẫn có thể không phụ lòng khán giả. Thế nhưng theo anh, vì sao đạo diễn trẻ vẫn chưa có cơ hội thử sức nhiều? Vì sao các đoàn nghệ thuật vẫn chỉ thích chọn những "bậc trưởng lão" để dựng vở?

+ Cái này rất khó giải thích. Tôi thấy trên các diễn đàn, các cuộc họp, người ta thường xuyên nói về việc ưu tiên giúp đỡ, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ nói chung, đạo diễn trẻ nói riêng. Nhưng thực tế thì không dễ như vậy. Trước tiên các nhà quản lý không muốn mạo hiểm.

Một vở diễn là công sức của hàng trăm con người. Mỗi năm lại chỉ dựng vài vở. Rồi phải cân đối nhân lực trong một đơn vị nghệ thuật vẫn còn nặng tính hành chính, công chức...Thành ra nghệ sĩ trẻ để được chỉ tay giao việc vẫn... khó lắm thay.

- Không ai làm nghề lại không muốn được thử sức mình, nhất là khi người ta còn trẻ. Thực lòng mà nói thì đã khi nào anh thấy tuyệt vọng, muốn rời bỏ niềm đam mê của mình?

+ Tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, nhưng nản lòng thì đã từng. Có một lần, vì chứng kiến sự bất công của nhà quản lý trong đối xử với anh em nghệ sĩ, tôi dự định bỏ nghề. Tôi ném cái vali đựng đồ trang điểm ra trước cửa nhà. Nhưng từ trưa đến chiều chẳng có ai nhặt nó đem đi.

Buổi chiều vẫn thấy chiếc vali nằm đấy, thế là tôi lại mang vào nhà và tiếp tục công việc. Sân khấu đã là cuộc sống của mình rồi, tôi nhận thấy như vậy. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, những người làm nghệ thuật sân khấu còn tồn tại đến hôm nay thì quả thật không có giấy bút nào tả hết tình yêu nghề của họ được...

- Anh nhận thấy đâu là nhược điểm lớn nhất của các đạo diễn sân khấu trẻ hiện nay?

+ Thật lòng, tôi cũng là một đạo diễn được coi là trẻ, nhưng tôi rất không thích các đồng nghiệp của mình thể hiện tư duy, mảng miếng quá nhiều trên sân khấu. Họ thích khoe kiến thức đã học được, quá chú ý tôn vinh các "kỹ xảo" của mình mà thường quên mất đi cái Tôi, cá tính của người diễn viên, của nhân vật.

Tôi cho rằng khán giả đi xem một vở diễn là họ muốn từng diễn viên cụ thể truyền cho họ cảm xúc gì, suy nghĩ gì. Nếu đạo diễn cứ mải mê chú ý đến bề mặt bên ngoài của vở diễn, mà không chăm lo đến phần tinh thần sâu sắc trong từng vai diễn thì rốt cục sau khi xem vở diễn, khán giả không thu nhận được gì nhiều. Điều quan trọng nhất của người đạo diễn là anh phải lý giải kịch bản mình đối mặt như thế nào.

- So với các đạo diễn điện ảnh, làm đạo diễn sân khấu khó hơn ở điểm nào, thưa anh?

+ Tính ước lệ, trừu tượng của sân khấu rất cao nên người đạo diễn phải có một trí tưởng tượng và tư duy tốt thì mới làm khán giả tin và xúc động. Làm điện ảnh vất vả về mặt cơ học hơn. Còn làm sân khấu lại khá vất vả về mặt tư duy. Càng đi tôi càng cảm thấy mình chẳng đứng ở khúc nào trên con đường nghệ thuật cả. Nó quá mênh mông và khắc nghiệt.

-  Việc học hỏi, giao lưu với thế giới, xem ra sân khấu chậm hơn các ngành nghệ thuật khác rất nhiều. Với một đạo diễn trẻ như anh thì sự hạn chế ấy gây ra những khó khăn gì trong quá trình làm nghề?

+ Câu hỏi này đụng vào một vấn đề quá lớn. Tình hình sân khấu ảm đạm bao năm qua, chúng ta đều đã biết. Các rạp chiếu phim hiện đại mọc lên như nấm, trong khi các nhà hát sân khấu thì ọp ẹp đi.

Người ta chưa thực sự dành cho sân khấu một sự quan tâm thích đáng, nói gì đến giao lưu, học hỏi. Sân khấu giống điện ảnh ở chỗ nó là một ngành nghệ thuật tổng hợp, nó rất cần sự hỗ trợ của các yếu tố kỹ thuật. Nhưng 35 năm làm nghề đã qua, tôi không thấy sân khấu tiến bộ bao nhiêu về phương tiện kỹ thuật.

Có cơ hội đi nhiều nước, tôi nhận thấy họ có quá nhiều phương tiện hiện đại hỗ trợ để thể hiện ý đồ, tư tưởng của mình trong tác phẩm. Nói một cách chính xác thì các nghệ sĩ sân khấu đang làm việc trong muôn vàn khó khăn.

Những người thành danh còn có nhiều công việc để tiếp tục niềm đam mê của mình. Còn các nghệ sĩ trẻ, với đồng lương ít ỏi và công việc phập phù, họ phải kiên nhẫn học hỏi và hun đúc tình yêu nghề lớn lao thì mới gắn bó lâu dài với nghề...

- Xin cảm ơn đạo diễn Trần Quang Hùng

Quỳnh Vũ (thực hiện)
.
.