Sân khấu: Chiến dịch "Săn lùng" kịch bản hay

NSND Lê Tiến Thọ: "Chiêu hiền đãi sĩ" người viết kịch bản

Thứ Năm, 05/05/2011, 11:03
Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu 2010-2011 cũng là một động tác "kích cầu" của Hội Nghệ sĩ Sân khấu, nhằm động viên, khích lệ những tác giả bấy lâu đang hờ hững với sân khấu. Chúng tôi trao giải nhất cuộc thi là 50 triệu, nhưng nếu thực sự tìm thấy những kịch bản hay, chúng tôi có thể trao tới 70 triệu. Nói như vậy để thấy Hội rất thiện chí trong việc "chiêu hiền đãi sĩ" những người viết kịch bản.

- Thưa ông, một trong những lý do khiến cho tình trạng sân khấu bị "đông lạnh" như hiện nay, theo như nhà văn Chu Lai, Trưởng ban sáng tác Hội, là vấn đề thiếu kịch bản hay. Nhưng để có kịch bản hay thì công tác khuyến khích các tác giả của Hội phải tốt. Thời buổi viết kịch bản sân khấu "vừa bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền" như hiện nay, Với tư cách Chủ tịch Hội NSSK, theo ông, Hội cần làm những gì để khắc phục tình trạng này?

+ Trước hết, Hội sẽ tích cực mời các nhà văn tham gia vào lãnh địa kịch bản sân khấu. Vì kịch bản sân khấu có những đặc thù riêng, rất gần với văn học, nên nếu có được sự tham gia của đông đảo đội ngũ nhà văn là tuyệt vời nhất. Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu 2010-2011 cũng là một động tác "kích cầu" của Hội, nhằm động viên, khích lệ những tác giả bấy lâu đang hờ hững với sân khấu. Chúng tôi trao giải nhất cuộc thi là 50 triệu, nhưng nếu thực sự tìm thấy những kịch bản hay, chúng tôi có thể trao tới 70 triệu. Nói như vậy để thấy Hội rất thiện chí trong việc "chiêu hiền đãi sĩ" những người viết kịch bản. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ mở một cuộc đi thực tế lớn dành cho 20 tác giả được chọn lựa, để họ có điều kiện đến nhiều nơi, tiếp cận nhiều vấn đề, từ đó khơi gợi ý tưởng sáng tác. Sau chuyến đi thực tế dài ngày trở về, nếu ai có đề cương thú vị, Hội sẽ đầu tư để họ viết. Ngoài ra Hội cũng sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ các nhà văn và tạo cơ hội để họ tìm đến với sân khấu tích cực hơn. Bằng những hoạt động như vậy, chúng tôi đang làm tất cả để mong muốn có được những kịch bản hay, vốn là cái gốc của sân khấu, hiện thực hóa nó trên sàn diễn để từ đó khôi phục tình yêu của khán giả.

- Thực tế sân khấu trong cả nước hiện nay là sự bùng nổ của sân khấu nhỏ với những vở diễn ngắn, hài là chính. Riêng sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương thì vấn đề kịch bản đang là "vùng trắng". Ông có lo ngại rằng trong tương lai, cùng với sự rời xa của những nhà biên kịch, sân khấu truyền thống sẽ mất dần đi, hoặc là không gần được với đời sống đương đại?

+ Vấn đề kịch bản cho sân khấu truyền thống thì không phải chỉ là vấn đề của hôm nay, mà cả trong quá khứ. Người viết kịch bản cho sân khấu truyền thống bao giờ cũng rất hiếm. Vì đây là những loại hình nghệ thuật có những yêu cầu nghiêm ngặt về khúc thức, mảng miếng, lời ca, lời thoại…nên để viết được kịch bản, các tác giả phải được đào tạo kỹ càng, có kiến thức sâu rộng về sân khấu. Lãnh địa này vẫn đang là một hồi chuông báo động chưa có hồi kết. Hội cũng sẽ quan tâm vào vấn đề này, mà cái gốc phải là công tác đào tạo tác giả…

- Chúng ta đã bàn về việc thiếu vắng kịch bản, nhưng nếu lật ngược lại vấn đề thì có thể thấy, những năm qua, đời sống sân khấu cũng ít nhiều gây được dấu ấn bằng những vở diễn chất lượng. Tuy nhiên, công tác quảng bá của chúng ta chưa tốt, đặc biệt là ở miền Bắc, nên chúng ta chưa thu hút được đông đảo khán giả đến rạp. Về việc này, Hội có hỗ trợ gì các đơn vị nghệ thuật trong tương lai?

+ Phải nói thật là công tác quảng bá "sản phẩm nghệ thuật" của các đơn vị sân khấu phía Bắc quá kém. Tôi biết ở rất nhiều đơn vị nghệ thuật bao cấp thì gần như không có chút kinh phí nào dành cho vở diễn cả. Họ cứ dựng vở theo chỉ tiêu, diễn được bao nhiêu đêm theo chỉ tiêu rồi mang vở cất vào kho. Với cách này thì ngay cả những vở diễn hay, khán giả yêu sân khấu cũng không biết mà tới xem. Nói đâu xa, ngay cả các nhà báo nhiều khi muốn xem các vở diễn cũng không biết nhà hát nào, đơn vị nào đang diễn gì và diễn ở đâu. Công tác tuyên truyền vì thế cũng không phát huy được hiệu quả. Quan tâm đến vấn đề này, Hội NSSK sắp tới đây sẽ tổ chức Câu lạc bộ "Nhà báo và sân khấu". Theo đó, Hội sẽ là đơn vị trực tiếp gửi thông tin về từng vở diễn của các đơn vị nghệ thuật cho cơ quan báo chí, đồng thời thường xuyên mời các nhà báo đi xem các vở diễn mới. Hy vọng với sự quan tâm nhiều hơn của báo chí, đời sống sân khấu sẽ có một sinh khí mới trong tương lai không xa

- Xin cảm ơn NSND Lê Tiến Thọ

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.