"Mỹ nhân" và những điều đáng tiếc

Thứ Năm, 26/11/2015, 13:40
Với kinh phí "theo lời đồn" lên đến 20 tỷ đồng, "Mỹ nhân" là một bom tấn… im ắng của màn ảnh rộng Việt Nam khi năm điện ảnh 2015 chuẩn bị kết thúc. 

Lấy bối cảnh thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, "Mỹ nhân" là câu chuyện về số phận của 2 người phụ nữ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành: Một Thị Thừa mỏng manh yếu đuối xuất thân con hát và một Tống Thị sắc sảo nhiều mưu mô, lấy thân mình làm cống vật trên ván cờ chính trị. Trong cuộc chiến tranh quyền đoạt vị giữa các bậc quân vương, họ đều có những lựa chọn của riêng mình và ít nhiều tác động đến cục diện giang sơn Trịnh - Nguyễn. Từ những nữ nhân mềm yếu, họ từ từ bước vào lịch sử cùng những "chiến tích" mà bất cứ vị vua nào cũng muốn lãng quên...

Chọn một thời điểm lịch sử vốn có rất nhiều điều độc đáo thú vị nhưng chính điều đó lại khiến cốt truyện của "Mỹ nhân" ôm đồm, dàn trải, thiếu sự cô đọng và chuyên nghiệp cần có của một kịch bản phim truyện. Nhân vật trung tâm của bộ phim theo như tên gọi "Mỹ nhân", đáng ra là Thụ Thừa và Tống Thị, trở nên mờ nhạt trong tham vọng gói ghém hàng loạt các chi tiết lịch sử: Thân phận con người trở nên mờ nhạt giữa những biến cố lịch sử ấn tượng được kể với ngôn ngữ điện ảnh nửa vời.

Ngoài một số nỗ lực không thể không ghi nhận trong kỹ thuật bố quang hay dàn dựng những đại cảnh chiến đấu đông người với trang bị người - ngựa - giáp chiến, "Mỹ nhân" có rất nhiều đoạn kể bằng lời dẫn thay thế và cách chuyển cảnh đơn điệu khiếp nhịp phim rời rạc. Tất cả khiến bộ phim trở thành sản phẩm có những phần phô diễn kỹ thuật minh họa cho một nội dung đầy tham vọng nhưng lại thể hiện chưa tới.

Kịch bản chính là điểm yếu đáng kể của phim khi ngoài phần câu chuyện bị rẽ theo hai hướng, thoại phim thiếu nhất quán phong cách, lúc lên màu cổ điển lúc hiện đại, cất lên ngây ngô thậm chí nhiều lúc vô duyên. Có lẽ chính việc không cảm thoại đã khiến các diễn viên không nhập tâm được vào vai diễn và khiến chất lượng diễn xuất chỉ đạt ở mức trung bình. Các diễn viên chỉ ở mức thuộc vai chứ không ai nhập vai. Thần thái dàn diễn viên đều thiếu sự sắc sảo cổ trang khiến nhân vật trở nên quê kiểng, cục mịch, đặc biệt là vai Nguyễn Phúc Trung của Châu Thế Tâm hay Nguyễn Phúc Lan của đạo diễn, diễn viên Trọng Hải. Hai "mỹ nhân" của phim là Triệu Thị Hà đóng vai Thị Thừa ngoài màn "phơi sương" phô bày thân hình đẹp nhưng ánh mắt vô hồn của cô lại khiến cho thành quả thiếu trọn vẹn. Đối lập với cô là lối diễn làm quá, lạm dụng cơ mắt của nữ diễn viên nhiều kinh nghiệm Kim Hiền. Và nỗ lực chiếu sáng, bố trí cỡ cảnh của phim không cứu vãn nổi cho hệ thống bối cảnh, trang phục màu mè, lộn xộn (đấy là chưa kể đến tính chính xác so với nguyên mẫu lịch sử). Nếu như phần hình ảnh còn có chút điểm cộng thì âm thanh của phim là màn hòa tấu thảm hại của nỗ lực lồng giọng Bắc cho tất cả các nhân vật, nghe như kịch truyền thanh.

Với sự đầu tư và tầm vóc cần có của một phim lịch sử, bộ phim khiến người xem có trách nhiệm trở nên tiếc nuối. May mắn hơn những bộ phim nhà nước khác, "Mỹ nhân" có kinh phí để phát hành nhưng công tác quảng bá không có một lộ trình đầu cuối. Chỉ gần đến khi phim ra rạp, scandal về đầu sư tử mới xuất hiện và gây nên sự phẫn nộ. Khi lên phim, chi tiết đó hoàn toàn không trông thấy. Điều đó khiến người ta ít nhiều nghĩ đến 1 chiêu PR độc, đến giờ mới phóng phi tiêu! Có điều, kể cả dán mác NC16 với các cảnh nóng, "Mỹ nhân" vẫn không thể là một bộ phim hấp dẫn, đủ khiến khán giả bỏ tiền mua vé mà không thấy tiếc.

Và đó thực sự là điều đáng buồn của điện ảnh Việt Nam, dù với hiện trạng trước mắt hay tương lai lâu dài. 

Nguyễn Trang
.
.