Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...

Thứ Ba, 21/05/2013, 08:00
Nhân đọc bài thơ "Viếng Lăng Bác" của Viễn Phương.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát 
ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong
thương nhớ
Kết tràng hoa dâng Bảy Mươi Chín mùa xuân 

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Dẫu biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim? 

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh 
lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu 
đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. 

Bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc đã làm rung động trái tim của hàng triệu khán thính giả. Đọc bài thơ, đối chiếu với phần ca từ của bài hát, ta thấy sự "chênh" nhau rất ít (chỉ một đôi chữ thêm bớt). Dường như có cảm tưởng: Bài thơ được viết ra là để hát như vậy, phải hát như vậy, và "chỉ một như vậy" mà thôi.

Đoàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng LLVTND sau khi vào Lăng viếng Bác đi tham quan Phủ Chủ tịch.

Nhà thơ Viễn Phương sáng tác bài thơ vào tháng 4/1976, vừa đúng một năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, cũng là thời điểm cả nước diễn ra cuộc Tổng tuyển cử (ngày 25/4)- những ngày lễ trọng đại mà từ đó, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có tên gọi mới: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng từ đây thành phố Sài Gòn chính thức mang tên Bác... Kể như thế để thấy tâm trạng của những người con ở miền Nam ra thăm lăng Bác những ngày này... Dòng người từ mọi miền đất nước đổ về quảng trường Ba Đình, xếp hàng vào lăng viếng Bác tưởng kéo dài vô tận, vòng trong vòng ngoài. Tác giả đã ghi lại những hình ảnh ấy và anh có một liên tưởng:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng Bảy Mươi Chín mùa xuân

Cái hay ở chỗ, dòng người nối nhau vòng trong vòng ngoài được tác giả nhìn nhận, liên tưởng tràng hoa đang được kết dần, kết dần. Tràng hoa là tràng hoa phúng viếng, nhưng dâng cho Bảy Mươi Chín mùa xuân thì lại hóa ra hoa tươi của sự sống. Hoa của mùa xuân mà.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Nghĩ về Bác, đồng bào miền Nam có nỗi đau riêng. Chẳng ai là không nhớ tới câu đùa của Bác, khi có đại biểu e ngại cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo  dài, mà Bác ngày càng tuổi cao sức yếu (nguyên văn: e khi Bác trăm tuổi), Bác cười nói: "Bác bảo các chú chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm, chứ có bảo các chú chiến đấu ...21 năm đâu. Năm ấy, bác 99 tuổi, Bác vẫn còn 1 năm nữa để đi thăm đồng bào chiến sĩ miền Nam yêu quý". Câu nói ấy đã gây xúc động mạnh... trĩu nặng lòng người đi viếng Bác... Những nỗi niềm chỉ chực ùa ra. Đây kia:

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Phút chốc, những rặng tre, khóm tre trụ bên lăng Người đã được "nới" rộng, "bát ngát" trong tâm tưởng của tác giả, không phải vì chúng thấp thoáng trong sương dày, mà vì trạng thái cảm xúc của anh khi ấy. Trước những ảnh hình thân thuộc, tác giả rưng nước mắt. Và chỉ như thế anh mới thấy hàng tre thành bát ngát. Chúng nhòa đi, miên man:

...xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
Hàng tre không còn là hàng tre cụ thể nữa, nó đã hoá biểu tượng...

Thông thường, với những bài thơ mà "xuất phát điểm" là những công chuyện có thật (như việc vào lăng viếng Bác chẳng hạn), thì không khí tình cảm sẽ chi phối việc sử dụng chất liệu, hình ảnh trong bài. Với bài này, không khí trang nghiêm thành kính đã khiến tác giả phải có những hình ảnh tương xứng... Có thể có người cho là sáo, như việc lấy mặt trời ví với Bác, đối sánh cây tre với tư thế dân tộc. Nhưng cái không khí mà tác giả gây dựng được đã chứng thực cho những liên hệ như vậy. Tôi không nghĩ, và độc giả nữa, cũng không nghĩ tác giả đại ngôn. Cả cách tác giả bày tỏ tình cảm ở đoạn kết bài thơ:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này

Sự đời, nhiều khi cũng vẫn ý tứ như vậy, nhưng người này nói ra thì mọi người xúc động, mà người khác thì hóa ra đại ngôn. Tôi nghĩ, cái tâm của tác giả là ở chỗ này đây. Mà không riêng gì Viễn Phương, cách đây non bảy chục năm, khi trong trường ca "V.I.Lênin", thi hào Mayakovsky bày tỏ thiện ý sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình cho một hơi thở của Lênin (khi Lênin tạ thế), nào ai dám nghĩ tác giả chẳng thành tâm? Càng không thể nghĩ như thế khi biết Lênin từng có lúc bộc bạch rằng: "Tôi không có thì giờ để ốm". Đọc "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương, ta thấy cách diễn đạt dung dị, ý tưởng không mới, lạ, nhưng vẫn làm ta xúc động. Xúc động như chính nhà thơ: "Dẫu biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim?"

Phạm Nhật Linh
.
.