“Mùa xuân Ả Rập” và chuyện của năm 2017
- Tình báo Anh dùng chiêu “hũ mật” kích động “Mùa xuân Arập”
- Cựu Phó Giám đốc CIA ra mắt cuốn sách mới về sự kiện Mùa xuân Arập
- Tình báo Anh lạc nhịp với “Mùa xuân Arập”
7 năm trước, những cuộc biểu tình, chống đối bắt đầu ở Tunisia không ngờ đã trở thành một làn sóng cho cái được gọi là “Mùa Xuân Ả rập” sau này. Và dù còn nhiều luồng quan điểm xoay quanh bản chất cũng như nguyên nhân thực sự của các cuộc "cách mạng" ấy đi chăng nữa, người ta cũng không thể phủ nhận rằng hệ lụy của nó là thứ đang khiến thế giới trở nên bất an hơn hôm nay: Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông - ISIS.
Cho đến tận hôm nay, người ta đã buộc phải thừa nhận rằng mạng xã hội hay nói đúng hơn là truyền thông mạng xã hội chính là lực đẩy mạnh mẽ nhất cho cái gọi là "Mùa xuân Ả rập" ấy. Trong sự thừa nhận chính thức đó cũng tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng truyền thông mạng xã hội chỉ là công cụ, còn quan điểm thứ hai lại chỉ đích danh truyền thông mạng xã hội là thủ phạm. Và càng ngày, những người ủng hộ quan điểm thứ hai càng mạnh mẽ hơn, sau khi họ chứng kiến các biến động chính trị cực lớn trong năm 2016 mà trong đó, điển hình là Brexit và việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Từ câu chuyện đó, ở những ngày đầu xuân này, chúng ta không thể không bàn về truyền thông mạng xã hội thời hiện đại để nhận thức rõ mối nguy đối với xã hội Việt Nam hiện tại, một xã hội đang được duy trì sự ổn định bằng nhiều nỗ lực của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế cũng như đời sống dân cư.
Sự kiện “Mùa Xuân Ả rập” được cả thế giới quan tâm. |
Quay trở lại với năm cũ, chúng ta nhận thấy khá rõ sự chao đảo của dư luận là như thế nào mỗi khi có một sự kiện truyền thông rầm rộ. Điển hình là vụ nước mắm truyền thống bị cáo buộc là nhiễm thạch tín chẳng hạn. Việc mắm muối vốn dĩ không phải mối quan tâm của giới mày râu. Vậy mà chỉ một bát nước mắm thôi đã đủ khiến thổi bùng một cuộc tranh luận gay gắt, gây biến động xã hội đến mức độ Thủ tướng Chính phủ phải có chỉ đạo giải quyết triệt để.
Và từ vụ nước mắm ấy, những người thạo tin bóc trần một liên kết giữa một nhãn hàng thực phẩm công nghiệp với một công ty truyền thông và một nhóm nhỏ báo giới, một liên kết có thể bị gọi là “ma quỷ”. Công ty truyền thông được chỉ đích danh đó là một chi nhánh của một tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới ở Việt Nam.
Và chỉ cần một “chiến thuật” truyền thông bẩn của họ thôi đã đủ gây náo loạn xã hội rồi. Vậy thì mối nguy sẽ là như thế nào đây nếu như một sự kiện nào đó được “lên kế hoạch” bởi một tập đoàn truyền thông lớn hơn, với chân rết kinh khủng hơn?
Nếu bạn đăng ký tài khoản ở một website của một tập đoàn nghiên cứu thị trường truyền thông toàn cầu vô cùng uy tín có tên là RECMA, bạn sẽ có thể tải về những dữ kiện thống kê “kinh hoàng” về thị trường truyền thông Việt Nam.
Trong các doanh nghiệp truyền thông đang khai thác mảng thị trường béo bở có giá trị 1 tỷ USD mỗi năm ấy, chỉ có đúng 2 doanh nghiệp của Việt Nam nằm trong tốp 10 mà thôi. Và hai doanh nghiệp ấy cũng chiếm thị phần rất nhỏ. Trong khi đó, có đến 4 công ty truyền thông chiếm lĩnh đến hơn 60% thị phần và cả 4 công ty ấy lại cùng chung một chủ: WPP - một tập đoàn truyền thông Anh quốc ở tầm vóc số 1 toàn cầu.
Thống kê đó chỉ ra rất rõ rằng chúng ta chỉ là một thành trì mong manh trước sức công phá của các tập đoàn truyền thông nước ngoài, vốn dĩ chỉ hoạt động trên tôn chỉ lợi nhuận, không mấy quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội. Việc các tập đoàn truyền thông quốc tế thao túng thị trường truyền thông Việt cho thấy mối nguy lớn đối với an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh văn hoá xã hội.
Đơn giản, ở thời đại kỹ thuật số này, khi các tập đoàn truyền thông nắm bắt rõ thế mạnh của mạng xã hội, họ thiết lập các cơ sở dữ liệu lớn (big data) về người dùng, từ nhân thân cho tới hành vi quen thuộc, và từ đó, họ dễ dàng chi phối hành vi ấy bằng các dẫn dụ có vẻ rất ngẫu nhiên.
Hẳn chúng ta vẫn ngạc nhiên khi nhận thấy mình vừa kiếm tìm gì đó trên google là lập tức trên facebook của chúng ta xuất hiện ngay các gợi ý liên quan đến thứ ta mới kiếm tìm đó. Đấy chính là năng lực dẫn dụ (manipulate) của mạng xã hội, thứ đã khiến người ta gọi Mark Zuckerberg là “Vua” của thời đại này, là người mà tầm ảnh hưởng còn lớn hơn bất kỳ một nguyên thủ quốc gia nào.
Không chỉ vậy, khi đã nắm quyền dẫn dụ người dùng, mạng xã hội hiện nay còn kinh khủng hơn khi chính những kẻ lợi dụng quyền dẫn dụ của nó để tung tin thất thiệt. Năm 2016 được coi là năm đánh dấu sự thất bại của truyền thông chính thống trước truyền thông tin vịt trên mạng xã hội mà hệ quả điển hình của nó là vụ Brexit gây chấn động không chỉ nước Anh mà cả thế giới.
Như vậy, chúng ta cần phải nhận thức trách nhiệm của chính mình ở thời đại truyền thông này. Việt Nam cần những mùa xuân phát triển, hoà bình, ổn định và thịnh vượng chứ không phải những mùa xuân ảo giác kiểu "mùa xuân Ả rập".
Mỗi con người cần phải “người” hơn trước những xu hướng tin tức của mạng xã hội. Đó chính là tự thiết lập bộ lọc tự thân, để giữ gìn sự tỉnh táo của mình trước các luồng tin và xử lý nó bằng lý trí, kiến thức, kinh nghiệm thay vì vào hùa với nó, tạo nó thành một xu hướng lớn hơn để từ đó ta tự đẩy mình, đồng bào mình vào những hỗn loạn thực sự.