Mùa tuyển sinh náo nức chọn nghề gì?

Thứ Sáu, 04/09/2020, 11:41
Lựa chọn nghề nghiệp là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của bất cứ ai. Mỗi mùa thu về, ngay sau khi các Sở Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, hầu hết phụ huynh và học sinh - những thanh niên vừa rời ghế nhà trường để bước tới ngưỡng cửa mở rộng nhất của cuộc đời lại tiếp tục trăn trở với bài toán: Nên chọn nghề gì?


Chọn nghề - xưa và nay

Khoảng hơn chục năm về trước, khi Internet chưa thực sự phát triển, việc chọn nghề của học sinh trước ngưỡng cửa tương lai phụ thuộc chủ yếu vào cảm tính và định hướng của những bậc đàn anh, đàn chị thế hệ đi trước hoặc vài thông tin ngắn gọn, sơ lược trong cuốn cẩm nang "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp". 

Hầu như các trường THPT không có nhiều hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho học sinh lớp 12. Và sự hướng nghiệp, nhất là các trường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nếu có, cũng mới dừng lại với những giới thiệu sơ khai bề mặt. Bởi vậy, những ngành nghề truyền thống và phổ biến như sư phạm, y - dược, tài chính - ngân hàng, kế toán... luôn là ưu tiên hàng đầu. Những ngành mới lạ vào thời điểm đó như nhân học, tâm lý học, kỹ thuật hạt nhân, marketing... không thực sự được nhiều người chú ý.

Chọn nghề là công việc vô cùng quan trọng đối với mỗi học sinh.

Thực tế đó dẫn đến hệ lụy chênh lệch cán cân cung - cầu: Ngành thiếu thì thiếu rất nhiều, ngành thừa thì thừa không ít. Chẳng hạn như ngành Sư phạm là một dẫn chứng cụ thể và rõ nét. 

Vài thập niên trước, đây là ngành học cực kỳ "hot" mà chỉ những học sinh khá, giỏi mới dám mơ ước. Đỗ Sư phạm là niềm tự hào của cả gia đình, nhà trường, dòng họ. Về cơ bản, sinh viên tốt nghiệp ngành này, cơ hội việc làm luôn rất rộng mở, hứa hẹn. Điều đó, dẫn đến tình trạng học sinh khắp mọi miền "đổ xô" đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm với hy vọng được đặt chân lên con đường dẫn tới giấc mơ yên ấm, ổn định. Đến lúc cung vượt gấp nhiều lần cầu, tới mức có sinh viên tốt nghiệp thủ khoa còn phải về quê... chăn nuôi lợn thì điểm chuẩn ngành Sư phạm, nhất là các trường ở địa phương, qua các năm cứ tụt dốc không phanh...

Ngày nay, giữa thời đại công nghệ 4.0, phụ huynh và học sinh không mấy khó khăn trong việc tham khảo, cân nhắc lựa chọn một ngành nghề thực sự phù hợp, vừa vặn. Hơn nữa, nếu như ngày trước, học sinh phải hoàn thiện hồ sơ đăng ký chọn trường, chuyên ngành trước khi bước vào kỳ thi thì ngày nay, các em có một lợi thế rất lớn là biết điểm rồi vẫn được xem xét điều chỉnh các nguyện vọng từ cao xuống thấp sao cho linh hoạt. 

Điều đó vừa giúp các trường đại học, cao đẳng không bị "sót" thí sinh xứng đáng, vừa giảm tải áp lực cho học sinh, lẫn phụ huynh trên "đường đua" vô cùng gay cấn, căng thẳng. Và xu hướng chọn nghề thường xoay quanh các trục chính như: chọn nghề theo đam mê, sở thích, năng khiếu, chọn nghề theo nhu cầu việc làm của xã hội, chọn nghề theo truyền thống gia đình và chọn nghề theo... điểm số.

Muôn kiểu chọn nghề

Ai đó từng nói rằng: "Nếu bạn làm những gì bạn yêu thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ là mình đang phải làm việc". Đam mê luôn là nguồn năng lượng tuyệt vời giúp mọi người tự thanh lọc muộn phiền, stress để có động lực sống tích cực và tạo ra những giá trị đích thực mỗi ngày. Còn gì trọn vẹn hơn khi được làm một nghề nghiệp mà mình vừa đam mê, hứng thú lại có năng khiếu về nó. 

Song trên thực tế, không phải niềm đam mê nào cũng được hiện thực hóa thành một công việc rõ ràng như chúng ta vẫn hằng mong muốn. Ví dụ, bạn có tài năng sáng tác thơ. Nhưng ở nước ta, chưa có cơ quan, tổ chức nào trả lương cho người cả đời chỉ chuyên việc đó. Vậy nên, để "nuôi" đam mê, đồng thời duy trì miếng cơm, manh áo, đa số sinh viên tốt nghiệp ngành Sáng tác văn học thường chọn làm báo, truyền thông, biên tập sách...

Chọn nghề gì (Nguồn ảnh Huongnghiepvietnam).

Chọn nghề theo nhu cầu xã hội đang là xu hướng phổ biến nhất hiện nay. Sự lựa chọn này nhằm đảm bảo chắc chắn đầu ra. Ngạn ngữ có câu: "Đừng sống theo những điều ta ước muốn mà hãy sống theo những điều ta có thể". Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, người khôn của khó, trước ngưỡng cửa cuộc đời, phụ huynh và học sinh thường đắn đo với câu hỏi: Chọn nghề gì để không thất nghiệp? 

Và đó chính là một phần lý do dăm năm trở lại đây, điểm chuẩn khối ngành Công an - Quân đội luôn cao chót vót. Thậm chí, năm 2015, điểm chuẩn khối C (đối với thí sinh nữ), chuyên ngành Luật của Học viện An ninh nhân dân chạm mốc tối đa - 30 điểm. Song, liệu có phải tất cả thí sinh chọn khối ngành vũ trang đều xuất phát từ mục tiêu cống hiến? Có những sĩ quan đi làm vài ba năm, cảm thấy không hợp đã viết đơn xin ra quân. Đó là một thực trạng đáng buồn...

Một kiểu chọn nghề phổ biến khác là đi theo tiếng gọi truyền thống gia đình. Ngành nghề mà ông bà, bố mẹ đã và đang làm ít nhiều sẽ tác động tích cực trong việc truyền cảm hứng đến thế hệ con, cháu. Đó chính là mạch nguồn thiêng liêng của sự tiếp nối, giữ gìn, lan tỏa. 

Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, em Bùi Đình Hiếu, thủ khoa khối B tỉnh Nghệ An, dù trước đó được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa, em vẫn quyết tâm chọn Đại học Y, với mong muốn sau này được trở thành đồng nghiệp của người bố đang là bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông. Những học sinh chọn nghề theo hướng này thường xuất phát từ hiểu biết, trải nghiệm căn bản, niềm tin yêu và ý thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, dòng họ. Khi một nghề cao quý được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó chẳng phải là điều rất đáng mừng hay sao?

Bên cạnh những kiểu chọn nghề trên thì còn có một kiểu chọn nghề rất "linh hoạt" - chọn nghề theo... điểm số. Điểm cao thì chọn trường top trên và ngược lại. Đối với những học sinh chọn trường theo hướng này thì độ danh tiếng của ngôi trường quan trọng hơn ngành học. 

Một bộ phận thường không xác định được lý tưởng, đam mê, mong muốn của mình và trong đầu họ luôn cố hữu suy nghĩ, trường càng nổi tiếng càng dễ xin việc và trường kém danh tiếng thì... nguy cơ thất nghiệp. Chỉ đến lúc cầm tấm bằng bước ra cuộc đời rộng lớn ngoài kia mới thấm thía rằng thực lực mới là yếu tố quan trọng nhất. 

Tôi có một người em họ học rất giỏi các môn tự nhiên, ước mơ làm giáo viên. Nhưng thi THPT tổ hợp khối B đạt 29 điểm nên nghe theo lời khuyên của gia đình chọn Đại học Y, học được 2 năm thì bỏ dở chừng quay về thi lại Đại học Sư phạm.

Trưởng thành từ mất mát

Như vậy để thấy rằng, đi thi đã khó, chọn nghề gì còn khó hơn nhiều lần. Thật tuyệt vời nếu chọn được một ngành nghề đúng sở thích, sở trường, truyền thống gia đình và hứa hẹn một đầu ra suôn sẻ. Song cuộc sống luôn bắt chúng ta phải lựa chọn được cái này thì phải mất cái kia. Nghề nghiệp sẽ gắn bó với mỗi chúng ta cả đời. 

Hãy tưởng tượng, sẽ ra sao nếu bạn phải chung sống khoảng 30 năm với một nghề nghiệp mà mình không yêu thích? Hay khi bạn bất đắc dĩ phải làm trái ngành? Khi ấy, mỗi ngày đi làm sẽ là một ngày chán nản, tẻ nhạt.

Thói lười biếng, trì trệ, đùn đẩy, thiếu sáng tạo cũng nảy sinh từ đó chứ đâu? Một sự lựa chọn sai lầm có thể khiến cả đời bạn phải sống trong lở dở, bỏ ngang chẳng được mà tiếp tục cũng không xong. Hoặc, nếu bạn đủ can đảm ấn nút delete và làm lại từ đầu như người em họ mà tôi vừa kể trên thì bạn cũng đã phải đánh đổi một phần thanh xuân của mình đồng thời chính bạn đang làm lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, sự đầu tư của gia đình, nhà trường, xã hội. 

Thật khó để các em học sinh mới tốt nghiệp THPT có thể lựa chọn tương lai của mình một cách sáng suốt giữa ngã tư mà mỗi hướng đi sẽ dẫn tới một đích đến hoàn toàn khác biệt. Vậy nên, các em luôn cần sự lắng nghe, động viên, thấu hiểu, định hướng thấu đáo của bố mẹ, thầy cô và các thế hệ đi trước. Đến lúc trưởng thành, ai cũng phải dần học cách cân, đo, đong, đếm giữa đam mê và thực tế, nhu cầu và thu nhập... 

Chọn nghề là một trong những điều khó mà phân định được rạch ròi là sai hay đúng. Chỉ cần bạn thấy hạnh phúc, thấy công việc của mình có ý nghĩa, vậy là đủ.

Một người chị từng tâm sự với tôi rằng: "Sự lựa chọn nào cũng tiềm ẩn những điều mất mát". Hơn - thua, được - mất là lẽ thường tình ở đời. Chẳng phải mỗi chúng ta đang đều phải hoàn thiện chính mình từ những va đập, tổn thương, mất mát hay sao? Và chọn nghề cũng trải qua quá trình tương tự... 

Phan Đức Lộc
.
.