Mùa giải Nobel 2018: Vinh danh khoa học ứng dụng

Thứ Ba, 23/10/2018, 07:59
Những chủ nhân đầu tiên của mùa giải Nobel 2018 đã lộ diện. Dường như giải thưởng danh giá nhất hành tinh này được trao cho tất cả các lĩnh vực khoa học và văn hóa nghệ thuật trong đời sống đang càng ngày càng hướng đến những công trình khoa học ứng dụng hơn, thực chất hơn và nhanh chóng được áp dụng trong thực tế.


Ứng dụng hiệu quả của Nobel Y học 2018

Giải thưởng đầu tiên của mùa giải Nobel 2018 (tên chính thức là Nobel Y Sinh) đã được trao vào ngày đầu tiên của tháng 10, cho hai nhà khoa học James P. Allison người Mỹ và Tasuku Honjo người Nhật Bản vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế miễn dịch âm tính trong y học. Ủy ban Nobel cho biết, các công trình của 2 nhà khoa học đã tìm ra cách lợi dụng hệ thống miễn dịch, giải phóng cơ chế ức chế tế bào miễn dịch để chống lại tế bào ung thư. Các phát kiến của họ đã mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh này, và nó thực sự là một phát kiến "cách mạng" cho cuộc chiến chống ung thư trên toàn thế giới.

Nhà miễn dịch học James P. Allison, 70 tuổi, người Mỹ là giám đốc hội đồng cố vấn khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư (CRI) đã nghiên cứu về một loại protein (CTLA-4) có chức năng như một cái "phanh" ức chế hệ miễn dịch. Ông nhận ra tiềm năng của việc thả "phanh" protein này và kích thích khả năng của các tế bào miễn dịch T trong việc chống lại khối u. Trước khi nhận giải Nobel Y học 2018, ông Allison dành nhiều năm nghiên cứu về cơ chế phát triển và kích hoạt tế bào T. Ông cũng là nhà khoa học đầu tiên tìm ra cách tách chuỗi protein phức tạp của kháng nguyên thụ thể tế bào T.

Nhân vật thứ hai của giải Nobel Y sinh là nhà miễn dịch học Tasuku Honjo, 76 tuổi, người Nhật Bản phát hiện ra một loại protein (PD-1) trong tế bào miễn dịch cũng có khả năng ức chế, nhưng cơ chế hoạt động khác loại protein trên. Các liệu pháp dựa trên phát hiện này được chứng minh là rất hiệu quả trong việc điều trị ung thư.

Khi nhận được tin công trình y khoa của mình đoạt giải Nobel, phát biểu với báo giới có mặt tại Đại học Kyoto, nhà khoa học Honjo bày tỏ mong muốn tiếp tục công trình nghiên cứu để liệu pháp miễn dịch này có thể cứu được mạng sống của nhiều bệnh nhân ung thư hơn bao giờ hết. Ông cho biết sẽ cảm thấy "sung sướng vô bờ" khi công trình nghiên cứu của ông góp phần mang lại sự sống cho người bệnh.

3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2018 Frances H.Arnold, Gregory.

GS.BS Tạ Thành Văn là người đầu tiên trong số 4 học trò Việt được Giáo sư Tasuku Honjo (Nhật Bản) dẫn dắt. Với anh, 3 năm làm việc cùng người thầy này vừa vinh quang vừa khổ cực. Và theo như chia sẻ của anh thì Giáo sư Honjo được các sinh viên xem như một siêu nhân bởi tài năng và sức làm việc của ông.

Hai nhà khoa học sẽ cùng chia nhau giải thưởng trị giá 9 triệu Kronor Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD),

Việt Nam đã ứng dụng "Nobel Y học 2018"

Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch của hai giáo sư đoạt giải Nobel nêu trên đã được triển khai tại nhiều nơi như Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh)...

Riêng tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi, ung thư hắc tố. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch là một phương pháp rất mới, do đó chi phí điều trị rất tốn kém, kể cả ở nước ngoài. Một đợt dùng thuốc có thể tốn kém vài chục đến cả trăm triệu đồng và phải sử dụng nhiều đợt. Nhiều tình huống lâm sàng phải phối hợp với hóa trị và xạ trị để tăng hiệu quả.

Hiện tại, ở Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp visa lưu hành cho thuốc Pembrolizumab tại Việt Nam. Giá mỗi lọ thuốc hơn 62 triệu đồng. Mỗi lần bệnh nhân sử dụng 2 lọ thuốc, phác đồ dùng thuốc 3 tuần một lần và kéo dài 1-2 năm hoặc hơn. Chưa kể nhiều chi phí khác như xét nghiệm, dịch các loại...

Nobel Hóa học 2018 thúc đẩy ngành hóa chất xanh

Giải Nobel Hóa học 2018 thuộc về 3 nhà khoa học: bà Frances H. Arnold (Mỹ); ông George P. Smith (Mỹ) và ông Gregory P. Winter (Anh). Ba nhà khoa học trên đã kiểm soát được quá trình tiến hóa và sử dụng cùng nguyên tắc - biến đổi và chọn lọc gen - để phát triển các protein giúp giải quyết các vấn đề hóa học của nhân loại.

Bà Arnold được trao giải thưởng nhờ nghiên cứu enzyme theo phương pháp tiến hóa có định hướng, trong khi ông Smith và ông Winter được trao giải vì phát minh ra phương pháp gọi là "phage dislay", nơi vật ăn vi khuẩn có thể được dùng để tạo ra các loại protein mới.

Theo Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, những phương pháp mà ba nhà khoa học trên phát triển giờ đây đang được nghiên cứu trên toàn cầu để thúc đẩy ngành hóa chất xanh, chế tạo các vật liệu mới, sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững, giảm thiểu bệnh tật và cứu sống tính mạng bệnh nhân.

Nobel Hòa bình 2018 và ảnh hưởng của phong trào # metoo

Giải thưởng gây chú ý bậc nhất trong hệ thống giải Nobel đã thuộc về bác sĩ Denis Mukwege người Congo và cô Nadia Murad, nạn nhân của IS, vì những nỗ lực chấm dứt bạo lực tình dục. Chủ nhân của giải Nobel Hòa bình đã cống hiến vì những nỗ lực chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang. Trong lễ công bố giải thưởng Nobel Hòa bình, đại diện Ủy ban Nobel đã dành cho họ những lời ca ngợi: "Cả hai đều đã liều lĩnh với tính mạng của mình khi dũng cảm đấu tranh với tội ác chiến tranh và giành lại công lý cho nạn nhân".

Bác sĩ Denis Mukwege đã dành phần lớn thời gian của mình để giúp đỡ các nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục tại Congo. Ông và đội ngũ của mình đã chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân là nạn nhân trong các vụ bạo hành. Vị bác sĩ được biết đến với biệt danh "Bác sĩ Phép màu".

Chủ nhân thứ hai của giải Nobel Hòa Bình là cô Nadia Murad, 25 tuổi, là nhân chứng kể lại những vụ lạm dụng xảy ra với cô và những người khác.

Cách đây 2 năm, Murad cũng là đồng chủ nhân của giải thưởng danh giá về nhân quyền Sakharov do Liên minh châu Âu trao tặng. Cùng năm, cô giành thêm giải thưởng về nhân quyền Vaclav Havel của Hội đồng châu Âu. Ở tuổi 25, cô trở thành chủ nhân trẻ tuổi thứ hai của giải Nobel Hòa bình, sau Malala Yousafzai, người mới 17 tuổi khi nhận giải vào năm 2014.

Nữ văn sĩ Condé đoạt giải Nobel Văn chương thay thế 2018

Chiều 12/10 (giờ Stockholm), giải Văn chương The New Academy (Den Nya Akademien - litteraturpriset 2018) thay thế Nobel Văn học (vì scandale tình dục), đã công bố. Người chiến thắng là nhà văn nữ Maryse Condé, 84 tuổi, người vùng Caribean. Đây là giải thưởng chỉ được trao trong năm nay, sang năm khi "sóng gió đã yên", giải Nobel Văn học lại tiếp tục được trao cùng với những giải Nobel khác.

Bà Condé viết bằng tiếng Pháp, giữ khoảng cách đáng kể với hầu hết phong trào văn học Caribean, thường tập trung vào các chủ đề có mối quan hệ chính trị và nữ quyền. Bà thừa nhận: "Tôi không thể viết bất cứ điều gì... trừ khi nó có một ý nghĩa chính trị nhất định".

Theo từ điển Britannica, bà Condé sinh năm 1934 (có một số nơi ghi sinh năm 1937), là một người con của vùng Guadeloupe (một trong những quần đảo nằm ở phía Đông vùng Caribbean). Trong một bài phỏng vấn, trả lời cho câu hỏi: "Công chúng có coi bà là nhà văn người Pháp không?", Condé đã trả lời: "Không, họ coi tôi là nhà văn Caribean".

Bà Condé đã viết khoảng 20 cuốn tiểu thuyết. Cuốn đầu tiên viết ở tuổi 11. Tác phẩm của bà mô tả sự tàn phá của chủ nghĩa thực dân và sự hỗn loạn của thời kỳ hậu thuộc địa, khám phá các vấn đề chủng tộc, giới tính và văn hóa trong một loạt các khu vực, địa danh lịch sử. Tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác, đã từng giành các giải thưởng: Le Grand Prix Litteraire de la Femme (1986), Le Prix de L'Académie Francaise (1988).

Bà học tại Đại học Sorbone, Paris năm 1975. Trong những năm tháng hỗn loạn về chính trị (1960-1968), bà dạy ở Guiena, Ghana và Senegal. Năm 1985, Condé nhận học bổng Fulbright, giảng dạy ở Mỹ. Bà trở thành giáo sư văn chương Pháp và cộng đồng Pháp ngữ tại Trường Đại học Columbia (New York). Bà cũng từng giảng dạy ở nhiều nơi như: Đại học California - Berkeley, UCLA (Mỹ), Sorbonne (Pháp)... Ngoài các sáng tác, Condé có sự nghiệp học thuật, nghiên cứu nhiều thành tựu. Năm 2004, bà nghỉ hưu tại Trường Đại học Columbia.

Theo AFP, đơn vị tổ chức giải thưởng thì The New Academy là một tổ chức phi lợi nhuận, độc lập về chính trị và tài chính, mới được thành lập từ tháng 7 (sau khi có scandal bê bối tình dục trong giải Nobel Văn học) bởi cộng đồng gồm hơn 100 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ và các thủ thư Thụy Điển. Giải có tiêu chí hoàn toàn khác so với giải Nobel chính thức khi muốn lựa chọn ra một nhà văn có những tác phẩm hư cấu chạm đến câu chuyện của nhân loại, thay vì trao cho một người viết được tác phẩm có lý tưởng xuất sắc nhất.

Vào cuối tháng 8, ban tổ chức của giải đã công bố tên bốn tác giả đứng đầu theo kết quả bình chọn của độc giả toàn thế giới từ danh sách đề cử ban đầu gồm 47 người:  Haruki Murakami (Nhật Bản), Neil Gaiman (Anh), Kim Thúy (người Canada gốc Việt) và Maryse Condé vào vòng đánh giá chuyên môn cuối cùng. Ở vòng này, ban giám khảo gồm 4 thành viên là những nhân vật có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xuất bản văn học cũng như thư viện, sẽ bình chọn người chiến thắng chung cuộc. Riêng Haruki Murakami đã xin rút để tập trung cho sáng tác.

Đoạt giải thưởng Văn chương cao quý này, đến tuần đầu của tháng 12/2018, bà Condé sẽ nhận phần thưởng một triệu kronor (khoảng 1,1 triệu USD, hay 25 tỷ Việt Nam đồng).

                                   Thủy Tiên (Theo AFP)
Shophiare Kim (tổng hợp)
.
.