Múa dân tộc: Đừng để xa rời bản sắc Việt

Thứ Hai, 19/12/2016, 08:03
Đời sống văn nghệ trong nước thời gian gần đây xuất hiện nhiều hiện tượng lai căng, phản cảm, cùng với vấn nạn đạo ý tưởng, ăn cắp bản quyền, đang ngày một gia tăng và đã len lỏi vào đến mọi góc ngách của ngành nghệ thuật biểu diễn. Ngay như một loại hình nghệ thuật xưa nay vốn bình yên và ít scandal nhất là múa giờ cũng tràn lan những yếu tố sặc mùi vay mượn, xa rời bản sắc Việt.


“Múa Việt Nam bây giờ đang đi theo “thế giới phẳng”, theo cơ chế thị trường với những chủ đề được các biên đạo sử dụng như: dập dìu chứng khoán, nhà tầng thang máy, rượu mạnh quán bar, xe hơi, đường cao tốc. Bây giờ, biên đạo cứ cho các tác phẩm múa ra đời tơi tới, hết đoàn này, tỉnh khác. Sáng tác xong nhận tiền rồi cũng là xong luôn không xem lại mặt mũi đứa con tinh thần của mình ra sao.

Có biên đạo không kịp đếm xem năm qua mình đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm múa. Biên đạo của ta bây giờ ở trong tình trạng “sinh đẻ không kế hoạch”. Họ đẻ nhiều đứa “con lai” mà chả thấy bóng dáng những đứa con… thuần Việt”- nghệ sĩ múa Khắc Tuế rầu lòng chia sẻ.

Ông cũng đặt câu hỏi đầy day dứt: “Phải chăng, giờ đây các biên đạo múa sống nhà cao nên khuất non xanh, không dứt nổi sự níu kéo của phố phường để mà dành thời gian viếng thăm điền dã nơi gốc tích của các dân tộc thiểu số nên họ đã “sản sinh” ra những đứa con lai múa đầy dị hợm cho bắt kịp với xu thế thị trường và thị hiếu hiện nay?”.

Câu hỏi trên được đưa ra trong hội thảo “Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đến tác phẩm múa chuyên nghiệp” do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Múa dân tộc Việt Nam đang dần mất đi bản sắc Việt. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Phục trang lai căng, phản cảm

Nghệ sĩ múa Khắc Tuế rất băn khoăn về múa Việt Nam đang đi lệch chuẩn, xa rời truyền thống. Múa dân gian đang vắng bóng 53 dân tộc thiểu số anh em, 53 trang sử làm nên nền văn hóa thuần Việt! Nghệ sĩ Trần Tấn Thông cùng tâm trạng khi ông thấy những chương trình nghệ thuật biểu diễn hiện nay ở nước ta xuất hiện nhiều hình tượng nhân vật từ hàng ngàn năm trước: Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hai Bà Trưng… nhưng ăn mặc lại rất hiện đại.

Hoặc có những điệu múa dân gian khi trình diễn lại quá xa với thẩm mỹ trang phục truyền thống của dân tộc đó. Cụ thể, trong chương trình Gala Nhạc Việt số 7 và chương trình Hòa âm ánh sáng liveshow 4, việc ca sĩ M và các vũ công vũ đoàn mặc trang phục Mông nhưng lại biểu diễn ca khúc dân ca Thái “Inh lả ơi”. Điều này đã làm sai lệch cách nhìn về văn hóa của các dân tộc.

Lại có một tác phẩm múa mà các diễn viên đóng là các cô gái Mông mặc váy mỏng tang, tay cầm ô, khá lộng lẫy. Tấm váy mỏng, rộng trùm kín lên đầu các diễn viên khác đã gây phản cảm cho khán giả, đặc biệt là người dân tộc Mông.

Chưa hết, có tác phẩm một cô gái Mường nằm ngửa ưỡn ngực trên thành một chiếc chiêng lớn. Còn diễn viên nam lom khom tay phải ôm chặt núm chiêng và hôn vào núm chiêng. Hình ảnh này phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Thậm chí một số tiết mục múa áo dài truyền thống, bản chất của điệu múa là sự mềm mại, nữ tính, thì không ít biên đạo lại cho diễn viên tung hứng, nhào lộn, đá cao, xoay vòng như các vũ điệu nóng bỏng của Nam Mỹ!

Nhưng đấy chưa phải là những trường hợp “sáng tạo”, “cách tân” đáng báo động nhất. Tại một hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc mới được tổ chức, khán giả giật mình khi thấy trang phục biểu diễn của các nghệ sĩ múa giống y các diễn viên nước ngoài trên phim, trên băng đĩa ca nhạc đang bán tràn lan ngoài chợ!

Đến ngay cánh các nhà phê bình nghệ thuật và ban giám khảo cũng phải lắc đầu ngao ngán: “Tôi xem một tiết mục múa của dân tộc Mông nhưng trang phục diễn viên mặc lại không phải là váy xòe thổ cẩm do người Mông làm mà lấp lánh kim tuyến y hệt trang phục của người Trung Quốc. Rất tiếc, tình trạng này lại xuất hiện nhiều trong hội diễn” – một nhà lý luận phê bình múa trăn trở.

Khi được hỏi vì sao cả đoàn lại sử dụng trang phục giống y chang của nước bạn đến thế, hóa ra vì không có vải đẹp và cũng không có cơ sở nào may trang phục cho diễn viên múa. Vì vậy, thấy trang phục họ may sẵn khá hợp với ý mình, lại vừa rẻ, vừa đẹp, thế là mua luôn!?

Không chỉ có tỉnh nọ mà rất nhiều đơn vị nghệ thuật ở phía Bắc hiện nay đều sử dụng trang phục cho diễn viên có xuất xứ từ nước bạn, giá thành rẻ, kiểu dáng lại phong phú. Vì những lý do như thế mà màu sắc “ngoại” cứ “hồn nhiên” xuất hiện trên sân khấu múa Việt khiến nhiều người Việt giật mình!

Một điệu múa của dân tộc Tây Nguyên.

Cách đây chưa lâu, trong một cuộc thi tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam, một tác phẩm của biên đạo trẻ đã bị tước mất giải thưởng vào phút chót chỉ vì có ý kiến “phê” là “lai căng”, hỗn tạp trong ngôn ngữ thể hiện, “màu sắc” dân tộc thiếu đậm đặc.

Những động tác múa sôi động đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã được tác giả sáng tạo thành những động tác lắc đầu, lắc tóc hoang dại như kiểu múa của thổ dân châu Úc. Đây chỉ vài trong vô vàn câu chuyện đáng buồn trên các chương trình biểu diễn múa dân tộc hiện nay.

Nhạc điện tử thống lĩnh

Đáng tiếc thay, hiện nay loại hình nghệ thuật trên xuất hiện nhiều tiết mục không chỉ mượn “sắc” mà còn vay cả “hương” của nước ngoài. Một số tác giả biên đạo múa vì muốn kiếm tiền, muốn giành giải thưởng hay vì lý do nào khác nữa đã quá tùy tiện, dễ dãi trong sáng tạo nghệ thuật. Họ tìm trên mạng Internet, hoặc mua VCD nghệ thuật của nước láng giềng về xem, rồi “nghiên cứu”, sau đó bắt chước, “chế biến” thành tác phẩm của mình với những tổ hợp động tác na ná như những đứa trẻ sinh đôi, sinh ba từ tác phẩm của bạn.

Nhiều ý kiến lo ngại khi thấy sự kết hợp giữa múa dân gian với múa đương đại có nhiều chỗ khập khiễng, tham động tác, đội hình, thậm chí có chỗ kết hợp thô thiển, gợi dục, hay có xu hướng cường điệu hóa, huyền bí hóa. Rất nhiều khán giả không thể nhận ra trang phục này của dân tộc nào, vùng miền nào, thuộc hệ dân tộc nào khi kết hợp với điệu múa dân gian.

Có tác phẩm múa bị lẫn lộn giữa phong tục này với phong tục khác hoặc sử dụng nhạc cụ dân tộc chưa tinh tế, pha trộn nhiều nhạc cụ hiện đại. NSƯT Vũ Lân nhận xét: “Tôi thấy âm nhạc điện tử thống lĩnh đến 80% tác phẩm dự thi múa dân gian, trong đó có những bản nhạc được cắt dán lộ liễu, vụng về như ghi âm lời thầy cúng rồi lắp ghép với các đoạn xập xình. Mà cái kiểu dùng “máy trộn computer” làm âm nhạc cho tác phẩm múa không phải chỉ có ở cuộc thi múa dân tộc mà đang là vấn nạn của ngành múa hiện nay”.

Theo khảo sát, hầu hết các tác phẩm múa hiện đại Việt Nam đều lấy âm nhạc nước ngoài để dàn dựng. Lý do thật đơn giản: vì ở ta còn quá ít nhạc sĩ viết nhạc cho múa. Vả lại lấy nhạc nước ngoài đỡ hẳn khâu trả tiền nhuận bút cho tác giả âm nhạc. Chưa kể, âm nhạc nước ngoài hay hơn, hấp dẫn hơn, thời thượng hơn! Kết quả là từ Bắc chí Nam đã xuất hiện không ít tác phẩm múa “đầu Ngô, mình Sở” (múa nội, nhạc ngoại) xa vời với thẩm mỹ, phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nhiều chuyên gia “cây đa, cây đề” ngành múa nhận xét, các biên đạo trẻ hiện nay chưa có trải nghiệm, thực địa để hiểu biết về đặc trưng văn hóa cũng như các tầng văn hóa ẩn chứa trong mỗi vũ điệu múa dân tộc. Vì vậy, họ sáng tạo còn khiên cưỡng, nông cạn.

Điều này đã biến những tác phẩm múa có quy mô lớn, chất lượng cao thành những tác phẩm chất lượng thấp, giá trị càng thấp hơn. Tuổi thọ của một số tác phẩm múa chuyên nghiệp hàng chục năm qua rất thấp. Đa phần, các tác phẩm “chết yểu” chỉ 1-2 năm sau khi ra đời. Một số nghệ sĩ cho rằng, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, đúng là nghệ thuật múa khuyến khích sự sáng tạo nhưng không được xa lạ, đề cao đổi mới nhưng vẫn phải đậm chất dân tộc.

Đây cũng là những tiêu chí hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Cũng trong hội thảo về múa dân tộc, NSND Lê Huân tâm đắc gợi ý: “Ta có thể phối hợp các dòng múa cổ điển châu Âu, múa đương đại, danceport, hiphop… với múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam để tạo ra tác phẩm mang hơi thở thời đại được không? Tôi cho rằng hoàn toàn có thể. Nếu người biên đạo biết chọn lựa, sử dụng cho đúng với tinh thần, tình cảm của dân tộc, đúng với thẩm mỹ dân tộc”.

Thùy Dương-L. Nh-Hoàng Nguyễn
.
.