Một thế hệ cần được nhận diện

Chủ Nhật, 15/05/2016, 08:08
Bên lề cuộc hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Vì sao cho đến giờ những người có trách nhiệm ở Hội Nhà văn, Viện Văn học và các nhà phê bình lớn tuổi và cả các nhà phê bình trẻ tuổi vẫn luôn “ngả” về thế hệ các nhà văn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thế hệ hậu chiến?


"Bỏ quên” vai trò của thế hệ nhà văn ra đời sau chiến tranh

Cẩm Linh 

Vừa qua, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia mang tên “Thế hệ nhà văn sau 1975”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu văn học và học sinh - sinh viên thuộc các cơ sở đào tạo có chuyên ngành liên quan đến văn học. Đã có tới 85 tham luận được gửi về Ban tổ chức và trong khuôn khổ 1 ngày diễn ra hội thảo, đã có hàng chục tham luận được trình bày với nhiều vấn đề liên quan đến diện mạo, thành tựu, tác giả, tác phẩm, những tồn tại của thế hệ nhà văn trưởng thành và sáng tác sau năm 1975. Cuốn kỷ yếu “Thế hệ nhà văn sau 1975 - Diện mạo và thành tựu” được nhiều người trân trọng.

Có một điều nhiều người thắc mắc, đó là, mặc dù cuộc hội thảo có tên gọi “Thế hệ nhà văn sau 1975” - khiến mọi người lầm tưởng, tại cuộc hội thảo này, diện mạo về một thế hệ nhà văn sinh sau năm 1975 sẽ được trình bày, tổng kết, đánh giá. Song hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi thế hệ những người sáng tác sinh sau năm 1975 bao gồm cả thế hệ 7X, 8X, 9X đều không được đề cập đến trong hội thảo.

Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”.

Nói là “Thế hệ nhà văn sau 1975” nhưng chỉ bàn đến thế hệ “hậu chiến” - lớp kế cận của các nhà văn chống Mỹ - thực sự đã khiến nhiều người cảm thấy thiếu hụt. Có người đặt câu hỏi, phải chăng vẫn có một sự “lạnh nhạt” nào đó của các nhà phê bình có tên tuổi, những người nghiên cứu văn chương lâu năm đối với thế hệ nhà văn trẻ 7X, 8X, 9X?

Bên lề cuộc hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Vì sao cho đến giờ những người có trách nhiệm ở Hội Nhà văn, Viện Văn học và các nhà phê bình lớn tuổi và cả các nhà phê bình trẻ tuổi vẫn luôn “ngả” về thế hệ các nhà văn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thế hệ hậu chiến?

Vì sao rất thiếu vắng những nhà phê bình thực sự quan tâm tới văn học của thế hệ 7X, 8X, 9X để đưa ra những đánh giá, nhận định xác đáng, tin cậy về họ? Đa số ý kiến của các nhà phê bình, người nghiên cứu văn chương đều cho rằng, với tác phẩm và các vấn đề liên quan đến sáng tác của thế hệ nhà văn sinh sau 1975 vẫn cần có thêm “độ lùi” về thời gian, để tác phẩm có “độ lắng” mới kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá và đưa ra những nhận định được.

Và rằng, đây là một thế hệ đang định hình, diện mạo còn chưa thực sự rõ nét nên tiếp tục phải... chờ đợi trước khi một chỗ đứng vững vàng được xác lập trên văn đàn.

Mặc dù không thể phủ nhận những thành công, những đóng góp, thử nghiệm, những sự bứt phá, đổi mới của lứa nhà văn thế hệ 7X, 8X, 9X với những gương mặt sáng giá như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Trần Nhã Thụy, Bình Nguyên Trang, Di Li, Nguyễn Kim Hòa..., song hình như vẫn đang có sự e dè quá mức khi đề cập tới những người sáng tác thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X (hay còn có thể gọi chung là lứa nhà văn sinh sau 1975) với tư cách là một thế hệ đại diện cho hơi thở cuộc sống đương đại.

Đã đến lúc, một diện mạo văn học mới trẻ trung, sôi động, mang hơi thở thời đại cần được thừa nhận. Trong bối cảnh, khi các nhà văn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và cả các nhà văn thời hậu chiến cũng đã bắt đầu bước qua con dốc bên kia của cuộc đời, thời kỳ sung mãn nhất đã ở sau lưng, thì việc thừa nhận, đề cao những đóng góp của thế hệ này bằng những tổng kết, đánh giá đúng mức là cần thiết và đã có vẻ hơi muộn... Giai đoạn “chuyển giao thế hệ” hình như đang diễn ra khá chậm chạp. Người ta cứ tưởng thế hệ sáng tác 7X là còn trẻ, nhưng họ đều đã bước qua tuổi 40. Và ở độ tuổi ấy, vị thế sáng tác của lứa nhà văn chống Mỹ và hậu chiến đã được xác lập, thừa nhận từ lâu...

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Nhà văn trẻ: Văn chương không thể vội vàng

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà văn Nguyễn Bình Phương, vừa qua, hội thảo cấp Quốc gia mang tên "Thế hệ nhà văn sau 1975" do Trường Đại học Văn hóa tổ chức với gần một trăm tham luận đã không đề cập gì đến những đóng góp của thế hệ nhà văn 7X, 8X. Điều này khiến một số người cho rằng, dường như giới phê bình Việt Nam vẫn đang "ngả" về phía các nhà văn thời kỳ chống Mỹ và hậu chiến mà "bỏ qua" hoặc không quan tâm đúng mức tới những đóng góp của các nhà văn trẻ. Là ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam - phụ trách công tác nhà văn trẻ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Thực ra, những nhà văn thế hệ 7X thì không gọi là nhà văn trẻ được nữa, vì tuổi đời họ đều đã xấp xỉ 40 trở lên. Đối với một người sáng tác, theo tôi độ chín nhất của họ sẽ rơi vào giai đoạn từ năm 40 đến 53 tuổi. Vì vậy, có thể nói các nhà văn thế hệ 7X đang ở độ tuổi sáng tác sung sức nhất. Nhiều người trong số đó có những đóng góp đáng kể cho diện mạo văn học đương đại.

Ý kiến cho rằng các nhà văn thế hệ 7X, 8X không nhận được sự quan tâm của các nhà phê bình hay Hội Nhà văn Việt Nam là không hoàn toàn đúng cả. Thế hệ nào có nhà phê bình của thế hệ ấy. Cũng có những nhà phê bình thuộc thế hệ 7X, 8X đấy chứ, vấn đề ở chỗ họ ít viết về thế hệ họ. Còn vì sao ít viết thì có nhiều nguyên nhân, nhiều cách giải thích khác nhau. Có thể vì chưa có tác phẩm đỉnh cao, có thể vì họ chưa nhận ra nhau, có thể họ viết những giá trị đã định hình rồi cho “chắc ăn”…

Nhưng theo tôi, có thể nguyên nhân là cả phê bình và sáng tác của thế hệ trẻ đều đang ở giai đoạn mải miết “đi” để tìm chính mình, do đó mà họ chưa định hình để bình tĩnh “nhìn” về nhau. Thế hệ chống Mỹ cũng vậy thôi, khi đội ngũ sáng tác viết sung sức nhất thì các nhà phê bình của thế hệ họ cũng đang mải miết với thế hệ chống Pháp. Đến khi cả hai phía đã đủ độ rồi, sáng tác đã định hình rồi, phê bình đã đủ chín chắn rồi thì lúc đó tiếng nói của cùng thế hệ chăm sóc nhau nó dễ hơn.

Nhưng tôi cũng cho rằng, thế hệ nhà văn sinh sau 1975 trưởng thành trong môi trường đã có sự phủ sóng của công nghệ thông tin với website, blog, các mạng xã hội Facebook... nếu họ có tài năng và thực sự yêu văn chương thì cũng không nhất thiết phải có sự quan tâm này, cho dù họ có ở những nơi xa xôi hẻo lánh cũng vẫn có thể sáng tác và quảng bá tác phẩm của mình bằng nhiều cách. Xét cho cùng, quá trình sáng tạo văn chương là độc lập, là riêng lẻ.

Một tác phẩm có giá trị thực sự sẽ tự nó tỏa sáng, tự nó có sự âm vang. Tôi vẫn nhấn mạnh rằng nhà văn là kẻ độc lập, viết độc lập, suy nghĩ độc lập, thậm chí đổ vỡ cũng là đổ vỡ độc lập, họ là số một, luôn luôn là số một. Thế hệ là gì? Là nhiều số một đứng cạnh nhau chứ không phải là một dãy những con số liên kết cao thấp. Vì thế, sự “quan tâm” hay “không quan tâm” của các nhà phê bình, cũng như của tổ chức có tác động không nhiều đối với sự "thành" hay "không thành" của nhà văn.

Tất nhiên là tôi hy vọng rằng sau cuộc hội thảo "Thế hệ nhà văn sau 1975" trong đó chỉ đề cập tới những sáng tác của các nhà văn trưởng thành và viết sau 1975, thì sẽ có một cuộc hội thảo đánh giá tổng quát về vai trò, diện mạo của thế hệ nhà văn thế hệ 7X, 8X.

- Theo quan sát của ông, đâu là ưu điểm và thế mạnh của thế hệ nhà văn 7X, 8X?

+ Theo tôi, thế hệ nhà văn 7X, 8X cũng có cái "oách" của họ đấy. Cũng do tác động của thời kỳ đổi mới, khi thế hệ này cầm bút viết, rõ ràng họ đã thoát ra khỏi tình trạng "dàn đồng ca". Thời kỳ chống Mỹ, cả dân tộc có một nhiệm vụ là giải phóng đất nước, vì thế các nhà văn tuy tài năng khác nhau, tính cách khác nhau nhưng đều cùng nhìn về một hướng theo những cách thức khác nhau. Khi thế hệ 7X, 8X bắt đầu cầm bút viết thì văn học đã đổi mới rồi và họ không phải có "nhiệm vụ chính trị" như thế hệ nhà văn thời kỳ chống Mỹ nữa, vì thế con người cá nhân của họ bộc lộ rõ hơn, độc lập hơn, có giọng điệu riêng biệt hơn.

Nhiều người viết đã bộc lộ ngay được cá tính văn chương của mình như trường hợp của Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Bình Nguyên Trang, Vi Thùy Linh, Lữ Thị Mai, Nguyễn Ngọc Thuần, Di Li, Nguyễn Kim Hòa, Đinh Phương..., chứ không giống như nhiều nhà văn chống Mỹ có khi phải đi quá nửa chặng đường sáng tác của mình mới tìm ra lối đi riêng, cá tính của riêng mình.

- Tuy nhiên, vẫn có luồng ý kiến cho rằng, thế hệ nhà văn thế hệ 7X, 8X đang có sự thiếu hụt về cả lực lượng, năng lực sáng tạo và tác phẩm gây tiếng vang so với thế hệ nhà văn chống Mỹ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Theo tôi, các thời kỳ văn học cũng giống như các lớp sóng. Có lớp sóng to, có lớp sóng nhỏ, có khi liên tiếp các đợt sóng to nhưng cũng có khi sóng lặng và rất hiếm hoi mới có một đợt sóng lừng. Vì thế, chúng ta cũng phải biết chờ đợi. Văn học không thể đốt cháy giai đoạn, không thể vội vàng được mà cần có độ lắng, theo thời gian mới kiểm nghiệm được. Có được một thế hệ nhà văn tử tế, nhà văn cho ra nhà văn thì hình như phụ thuộc cả vào cái Phúc của dân tộc nữa.

Theo tôi, một diện mạo văn học của những người sáng tác thế hệ 7X, 8X đã hình thành. Chỉ có điều người ta chưa tập hợp, tổng hợp, đánh giá nó hay vẽ lên các đường nét chủ đạo của nó mà thôi. Phải nói cho công bằng thì, nổi tiếng ở thời kỳ trước - khi chưa có sự bùng nổ truyền thông và sự phủ sóng của internet đến tận phòng ngủ của mọi gia đình - là dễ hơn bây giờ. Trước đây, nhiều cuốn sách, tập thơ ra đời được đón đợi và dễ trở thành một sự kiện gây chú ý.

Nhưng hiện nay, các sự kiện ra sách nhiều và làm PR cho sách chuyên nghiệp quá lại khiến chúng nhanh chóng bị các sự kiện mới hơn làm cho chìm đi. Vì thế, các nhà văn trẻ ngày nay bị cạnh tranh khốc liệt hơn các nhà văn thời kỳ trước. Việc tìm kiếm, xác lập cho mình một vị thế nào đó trong lòng độc giả, trên văn đàn cũng khó khăn hơn khi văn học bị lấn át bởi nhiều loại hình giải trí khác.

- Thưa nhà văn Nguyễn Bình Phương, Hội nghị những người viết văn trẻ dự định tổ chức vào tháng 8-2016 tới sẽ tập trung thảo luận vấn đề gì? Khái niệm "trẻ" ở Hội nghị lần này sẽ có giới hạn như thế nào?

+ Theo kế hoạch, Hội nghị những người viết văn trẻ dự định tổ chức vào tháng 8-2016 sẽ quy tụ những nhà văn, những cây bút sinh từ năm 1980 trở lại đây cho đúng tiêu chuẩn "trẻ".

Vấn đề trọng tâm của Hội nghị lần này chúng tôi cũng đang bàn thêm. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, thì một phần nội dung trong các sinh hoạt của các nhà văn trẻ là phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: "Viết văn để làm gì?". Thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ đều xác định được ngay mục đích viết văn của họ. Nhưng thế hệ sinh sau 1975 với sự độc lập và những tiêu chí riêng song đó là tiêu chí mà họ tự đi tìm hiểu, tự đúc rút chứ chưa có một cuộc thảo luận, bàn luận hay hội thảo nào trả lời cho họ câu hỏi: "Viết văn để làm gì?". Tôi hình dung, nếu người ta xác định được mình viết văn vì mục đích gì thì có thể họ đến đích nhanh hơn.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Bình Phương!

PGS. TS Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Cần chủ động hơn trong việc đòi hỏi quyền được khẳng định mình

Hà Anh (thực hiện)

- Thưa PGS. TS Ngô Văn Giá, cuộc Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau năm 1975” đã khiến không ít người lầm tưởng đây là cuộc hội thảo về thế hệ nhà văn sinh ra sau năm 1975 chứ không phải là thế hệ nhà văn thời hậu chiến, bao gồm những nhà văn trưởng thành và sáng tác sau năm 1975. Phải chăng, việc đặt cái tên “Thế hệ nhà văn sau năm 1975” là chưa chính xác?

+ Thực ra, việc đặt tên cho cuộc hội thảo vừa rồi cũng là một câu chuyện hết sức khó khăn. Bởi vì nếu lấy năm 1975 làm mốc thì đến nay nền văn học của chúng ta đã đi qua mấy quãng: quãng 1975 đến 1986, quãng 1986 đến 2000 và quãng từ 2000 đến nay.

Mục đích của cuộc hội thảo là muốn nhận diện diện mạo, thành tựu, những đóng góp cũng như những hạn chế của một thế hệ văn học tiếp nối thế hệ nhà văn chống Mỹ, có năm sinh vào thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước. Họ sinh ra, lớn lên trong thời chiến nhưng sau 1975 mới cầm bút và dần trưởng thành, dần khẳng định vị trí và tên tuổi của mình. Nhưng cũng chính vì việc đặt tên như thế đã khiến cho nhiều người cho rằng phải có cả thế hệ 7X, 8X, 9X vào đó, nhưng việc này là rất khó khăn vì như thế cái “phổ” của nó quá rộng và không thể bao quát được.

Vì thế, chúng tôi muốn tập trung vào thế hệ “hậu chiến” này đã. Nếu đặt tên cuộc hội thảo là “Thế hệ nhà văn thời hậu chiến” thì rõ đối tượng hơn, song vì chữ “hậu chiến” vốn là chữ khá chông chênh và dễ bị những người thiếu thiện chí xuyên tạc, hiểu sai đi nên chúng tôi quyết định “tạm lánh” nó đi. Còn về thế hệ 7X, 8X, 9X, theo tôi họ đã đủ tư cách để xuất hiện trong một cuộc hội thảo khác.

- Thưa ông, nếu thế hệ nhà văn 7X, 8X, 9X đã đủ tư cách để xuất hiện trong một cuộc hội thảo khác về riêng họ, thì những vấn đề cần quan tâm đối với thế hệ này là gì?

+ Thế hệ nào cũng có những vấn đề cần quan tâm của nó. Tuy nhiên, thế hệ nhà văn 7X, 8X, 9X vẫn đang trong quá trình kết tinh, định hình nhưng vẫn chưa đủ sức tạo ra một bước ngoặt mới, một thi pháp mới như thế hệ trước đó. Theo tôi, vấn đề đáng quan tâm là làm sao để thế hệ này thiết lập được một diện mạo văn chương mang đặc điểm riêng của họ. Nhưng để xác lập một diện mạo với những đặc điểm riêng, thành tựu riêng thì vẫn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa thì mới có thể tổng kết, đánh giá được.

- Phải chăng, giới phê bình vẫn đang trong trạng thái e dè, bi quan hay là chưa quan tâm đúng mức tới những thành tựu mà thế hệ nhà văn sinh sau năm 1975 đã và đang làm được?

+ Nói là bi quan thì không hẳn. Giới phê vẫn tin và đánh giá đúng mức, thậm chí còn đánh giá rất cao những đóng góp, thành tựu sáng tạo của họ, điển hình là trong trường hợp của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Thuần... không nhà phê bình nào có thể đánh giá thấp họ được. Nhưng có lẽ, sự quan tâm đúng mức đến thế hệ văn học 7X, 8X, 9X thì đúng là chưa có thật. Thực tế, số lượng người làm phê bình tỉ lệ quá ít so với người sáng tác, có lẽ phải ở mức 1/100. Vì thế, người làm phê bình cũng không thể đọc xuể, không thể bao quát và có tiếng nói kịp thời được. 

Giới làm phê bình cũng luôn bị giới sáng tác trách là không theo kịp hoặc không bao quát được hết là đương nhiên. Tuy vậy, quan niệm của người làm phê bình ngày nay đã khác xưa. Khi xưa, nhà phê bình thường đóng vai trò cầu nối giữa tác giả và bạn đọc nhưng ngày nay, vị trí của nhà phê bình đã thay đổi, linh hoạt hơn. Nhà phê bình chỉ trình bày cách đọc của mình đối với tác giả hoặc tác phẩm ấy chứ cũng không dám đại diện cho ai cả và cũng không có chức năng làm cầu nối.

Độc giả chỉ tìm được từ nhà phê bình những gợi ý. Ngày nay, giữa nhà phê bình và người sáng tác cần nhấn mạnh chức năng truyền cảm hứng sáng tạo cho nhau. Thực tế, hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” mới là lần đầu tiên có một sự đánh giá tổng quát, đầy đủ về diện mạo và thành tựu, song nhìn vào thế hệ sáng tác văn chương 7X, 8X, 9X thì cũng có thể thấy rằng cần có những sinh hoạt học thuật chính danh, quy mô, có chiều sâu tổng kết, đánh giá vị trí, đóng góp của thế hệ này.

Theo tôi, đội ngũ sáng tác 7X, 8X, 9X cần chủ động hơn đối với việc đòi hỏi quyền được khẳng định mình. Hiện nay, các nhà văn thế hệ 7X, 8X, 9X đang mạnh trong từng cá nhân chứ chưa tập hợp được thành đội ngũ. Giao đãi nhiều nhưng tri kỷ ít và cái tôi cá nhân lớn dường như cũng góp phần làm cho tiếng nói tập hợp của thế hệ này trở nên khó khăn.

- Trong khi nhiều thế hệ hậu chiến đã bước qua thời kỳ sáng tác sung mãn nhất thì một thế hệ nhà văn lứa kế cận lại chưa định hình, nhận diện rõ nét. Với con mắt của nhà phê bình, ông có điều gì trăn trở, lo ngại trước hiện tượng này?

+ Hiện tượng này là hoàn toàn đúng. Có thể nói một cách ví von rằng, “tre đã già mà măng chưa mọc”. Không giống như trước đây, khi thế hệ nhà văn chống Mỹ như Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh... vẫn còn đang sáng tác sung sức thì đã xuất hiện một một lứa nhà văn trẻ hùng hậu phía sau như Nguyễn Quang Thiều, Dương Thuấn, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh... Nhìn vào những người sáng tác thế hệ 7X, 8X, 9X thì thấy họ cũng đầy năng lượng, nội lực và có những gương mặt rất xuất sắc như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú, Di Li... nhưng là vẫn đang trong quá trình định hình và cần được nhận diện.

- Xin cảm ơn PGS. TS Ngô Văn Giá! 

PV
.
.