Một thế giới đã đổi thay

Thứ Sáu, 01/01/2016, 08:00
"Bạn nghĩ gì về việc Mỹ thiết lập lại những căn cứ quân sự ở nước của bạn?", đó là một câu hỏi mang đầy tính chính trị. Và khi nó nhận được câu trả lời "Nước Mỹ là bạn của chúng tôi, chúng tôi bị ảnh hưởng của Mỹ rất nhiều nên tôi cảm thấy vui mừng khi đón nhận những thông tin như thế", tính chính trị trong cuộc thi mang đầy chất giải trí cũng đã rõ ràng. Nó là mục tiêu của Trump, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và nó cũng thể hiện cho chúng ta thấy thế giới hôm nay đã khác rất nhiều.

Khi cô gái Việt Nam có tên Phạm Hương không lọt được vào top 15 người đẹp nhất của cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2015, đã có rất nhiều ý kiến tỏ ra thất vọng, chán nản như thể đại diện cho nước Việt mới lỡ chân trước một cơ hội lớn để vinh danh quốc gia. Rồi cộng hưởng với "tai nạn" tuyên bố nhầm giải thưởng giữa đại diện Columbia với đại diện Phillipines, những ý kiến mang tính âm mưu đã được tung ra, với những nguồn tham khảo rất lá cải (như tờ Daily Mirror, The Sun của Anh quốc), để minh chứng rằng Phạm Hương đã bị loại một cách có ý đồ, y như cái cách mà họ biện giải cho chuyện Lan Khuê không thể lọt vào vòng chung kết cuối của cuộc thi Hoa hậu thế giới trước đó vài ngày.

Thực tế, các cuộc thi Hoa hậu lớn nhất hiện nay đều chỉ là một trò giải trí không hơn không kém. Nó là một dạng sự kiện, được tổ chức bởi các công ty giải trí núp dưới cái bóng của một tổ chức nào đó (mà những tổ chức đó cũng chỉ được nặn ra bởi chính chủ đầu tư của các công ty giải trí kể trên). Nó có thể mang lại niềm vui cho quốc gia có đại diện đoạt giải nhưng nó không thể là một thành tựu nâng tầm quốc gia đáng để ghi nhận và mong đợi đến thế. Nói tóm lại, nó là một trò chơi không hơn không kém.

Chủ nhân của Hoa hậu hoàn vũ, tỷ phú Donald Trump, là cái tên không quá xa lạ với mọi người. Là chủ của một tập đoàn bất động sản, chuỗi khách sạn, sòng bài và giải trí, Donald Trump có thiên hướng của một "người của công chúng nhiều hơn".

IS tấn công khủng bố ở ba châu lục. Trong ảnh: Cảnh sát Pháp đưa một nạn nhân bị thương ra khỏi nhà hát Bataclan, nơi bị bọn khủng bố tấn công đêm 13-11 - 2015. Ảnh: Reuters

Tham gia vào cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ sắp tới với tư cách ứng cử viên, chính cách phát ngôn của Donald Trump đã cho thấy đặc thù ấy của ông. Tỏ rõ việc kỳ thị người nhập cư, đặc biệt là người nhập cư từ Mexico; thẳng thừng bài xích người Hồi giáo, Donald Trump là người đang tạo ra nhiều tranh cãi bậc nhất hiện nay trên chính trường Mỹ. Cách vận động tranh cử của ông dễ khiến ta liên tưởng đến những nhân vật tham vọng trong những bộ phim giả tưởng kiểu như "V for Vandetta", những nhân vật mang tham vọng kỳ quái và khác người. Và ngay cả trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2015, cái cách lựa chọn câu hỏi cho hoa hậu Phillipines đã đủ nói lên tất cả.

"Bạn nghĩ gì về việc Mỹ thiết lập lại những căn cứ quân sự ở nước của bạn?", đó là một câu hỏi mang đầy tính chính trị. Và khi nó nhận được câu trả lời "Nước Mỹ là bạn của chúng tôi, chúng tôi bị ảnh hưởng của Mỹ rất nhiều nên tôi cảm thấy vui mừng khi đón nhận những thông tin như thế", tính chính trị trong cuộc thi mang đầy chất giải trí cũng đã rõ ràng. Nó là mục tiêu của Trump, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và nó cũng thể hiện cho chúng ta thấy thế giới hôm nay đã khác rất nhiều.

Năm 2015 chứng kiến quá nhiều biến động đối với tình hình toàn cầu: từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS cùng chủ nghĩa khủng bố cho tới làn sóng nhập cư đầy bất ổn ở châu Âu; từ những vụ đánh bom vào những trung tâm được coi là bất khả xâm phạm của thế giới cho tới những rạn nứt không những không được hàn gắn mà còn bị kích động để vết nứt trở nên lớn hơn nữa giữa các giá trị tôn giáo; từ sự sụt giảm của giá dầu thô, sự sụt giảm được dự đoán muốn giá dầu quay trở lại đỉnh cao đã từng xác lập trước kia cũng phải đợi đến năm 2025, cho tới cục diện địa chính trị ngày càng phức tạp ở Viễn Đông châu Á… tất cả đều cho thấy năm 2016 chắc chắn sẽ là năm bản lề cho những biến chuyển đầy âu lo của thế giới hôm nay.

Những dự cảm về một thời đoạn bất ổn có thể đến với loài người đã tồn tại âm ỉ trước nay trở nên bùng phát rất mạnh trong tâm trạng của mỗi người, nhất là khi những biến động của thời hiện đại càng trở nên khó lường hơn vì tốc độ truyền dẫn thông tin đã có thể ráp nối những con người ở nhiều vùng miền cách xa nhau hàng ngàn dặm chỉ trong tích tắc. Vậy mà giữa bối cảnh ấy, người Việt Nam chúng ta dường như quá ngây thơ, với những suy nghĩ rất đơn giản về sự bình an mình đang có. Chúng ta vẫn chỉ nghĩ đến những việc cỏn con kiểu như làm thế nào để một cô gái có thể vinh danh một quốc gia; làm cách nào để một cầu thủ bóng đá có thể làm được cái việc sánh ngang với cha anh là "xẻ dọc Trường Sơn" thông qua chuyện sang đá thuê cho một giải hạng nhì ở Nhật Bản (như chính lời ông Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã phát biểu).

Chúng ta quên mất rằng, ở thế kỷ 21 rồi mà người Việt Nam thời hiện đại vẫn chưa tạo ra những giá trị cả tinh thần lẫn vật chất đủ để hãnh diện với thế giới. Như thế, làm sao chúng ta có thể ứng phó kịp thời với những biến động thế giới nếu có trong một tương lai rất gần.

Đã đến lúc cần phải đánh thức chính mình, đánh thức lẫn nhau về một ý thức trách nhiệm công dân đối với quốc gia, ý thức trách nhiệm với đại cuộc. Ý thức ấy, nhiều khi chỉ đơn giản là việc ta quan tâm tới những gì đang diễn ra xung quanh, nó có tầm quan trọng thế nào với vận mệnh dân tộc, quốc gia chứ không phải là hành trình cố đi tìm những danh vọng hão huyền ở những lãnh địa phù phiếm, những thứ mà ở nước ngoài, mối quan tâm họ dành cho nó chỉ không quá 48 tiếng đồng hồ, đúng nghĩa như một thứ gia vị thoảng qua đời sống mà thôi.

Đã đến lúc rồi. Vì thế giới hôm nay đã đổi thay rất khác.

Hà Quang Minh
.
.