Một quyết định hợp lòng dân

Thứ Bảy, 03/09/2016, 08:49
"Cái nảy xảy cái ung". Từ chuyện cây trồng trên một số tuyến phố Thủ đô Hà Nội (đặc biệt ở quận Hà Đông) bật gốc, còn nguyên cả bầu bọc nilon, vải lưới sau cơn bão số 1 mới trật ra sự thực vô trách nhiệm, làm ẩu của các đơn vị đấu thầu, quản lý? Nay lại có chuyện tỉa hoa, cây cảnh trên một số tuyến đại lộ thuộc loại tốn kém "nhất thế giới" làm xôn xao dư luận cả nước!


Không phải đến lúc này, mà trước đây đôi ba năm sau Kỷ niệm rầm rộ Thăng Long nghìn năm tuổi (2010), nhiều người đã than phiền: Không biết cơ quan quản lý trốn ở đâu mà để Đại lộ Thăng Long "đẹp như phế tích": Rác thải,vật liệu xây dựng, bùn đất đổ trộm tràn ra mặt đường nhiều nơi; cây cỏ dại mọc lút đầu người lan ra từ dải phân cách, lấn đường dân sinh và hành lang an toàn… Các ông đã "ăn tiền" thuế của dân xong coi như việc đó thuộc về ai đó làm tiếp chứ không phải mình chăng?

Sự việc thực sự bùng nổ khi cử tri cả nước sửng sốt nghe thông báo của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Chỉ với 24km trên Đại lộ Thăng Long, mỗi năm chính quyền Thành phố phải chi 53 tỷ đồng để tỉa ba cái khóm hoa trúc đào, dâm bụt và xén cỏ? Ông kêu lên: Không thể chấp nhận được. Ông cũng cho biết, mang tiếng là xã hội hóa nhưng thực ra vẫn là ngân sách thành phố bỏ ra để đấu thầu - tức là vẫn từ tiền thuế của dân? Tức là doanh nghiệp không phải bỏ tiền vốn của mình để làm nên chẳng việc gì phải "của đau con xót". Có lẽ vì vậy nên họ "hữu nghị bắt tay" nhau chi vô tội vạ?

Đường đi của số tiền quá lớn này đi vào đâu mà tốn kém đến vậy? Một vài công nhân từng làm hợp đồng thời vụ ở đây tiết lộ: Nghe có vẻ ghê gớm nhưng sự việc có gì quá vất vả đâu. Cỏ thì có ai ngồi tâm sự giẫm đạp như ở nội thành đâu mà lụi, cỏ tốt ngút trời xén đi còn không xuể, đâu có phải trồng mới hay duy trì thảm cỏ? Đi tỉa bớt cành xòa đám trúc đào, dâm bụt là chấm hết. Tiền công rẻ rúng thua hàng chục lần đám đánh giày, cắt tóc, xe ôm…? Không biết cục tiền to đến thế chui vào túi ai chúng em chịu?

Hà Nội từng phải chi 53 tỷ đồng một năm để tỉa hoa, cắt cỏ trên Đại lộ Thăng Long.

Xem ra lợi lộc của công việc này ngon xơi nên "mũi" các doanh nghiệp rất… thính. Có cả loạt ông xếp hàng đăng ký đấu thầu "xin được phục vụ nhân dân": Vành đai III 27 tỷ, đoạn Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh 26 tỷ. Duy trì cây xanh, thảm cỏ Đại lộ Thăng Long 95,3 tỷ; đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ 43,4 tỷ; Khu đô thị Văn Quán (Yên Phúc, Hà Đông) 15 tỷ… Sơ sơ tính ra nếu dẹp bỏ những lãng phí vô bổ, vô lý mỗi năm, Hà Nội tiết kiệm được 700 tỷ đồng (Chủ tịch Chung cho biết) để đầu tư vào nhiều việc hữu ích và cấp bách hơn.

Quyết định từ 1 tháng 7 - 2016 dừng tỉa hoa cắt cỏ trên các đại lộ Hà Nội quá xác đáng và hợp lòng dân. Theo đó ông Chung cũng đề xuất thay vì hoa cảnh bonsai tốn công, tốn tiền hằng năm (mà chưa chắc đã đẹp) bằng các dải cây Cọ Dầu và những cây thân gỗ phù hợp tạo nên những dải rừng xanh mát tự nhiên trong lòng thành phố có giá trị như những lá phổi làm trong sạch không khí - hút bụi bặm và nhả khí ôxy ban đêm để ngon giấc cư dân thành phố.

Một quyết sách thông minh và bắt kịp xu hướng chống biến đổi khí hậu mà quốc tế đang nỗ lực thực hiện. Ông cũng thông báo rằng đã có một số doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp cây xanh cho thành phố miễn phí. Còn băn khoăn gì nữa mà không OK?

Đi nhiều nước Đông Âu, Tây Âu như Nga, Uraine,  Pháp, Đức, Bulgaria… và Mỹ quốc, tôi có ấn tượng mạnh về những dải hồng nhung xanh tốt hoa rực đỏ, những dải cây thân gỗ thấp có hoa phát triển tự nhiên trên dải phân cách rộng giữa hai làn đường và trên vỉa hè hay ven đại lộ, phố dài.

 Không nói đâu xa, các thị xã, thị trấn, thành phố nhỏ của Trung Quốc giáp các cửa khẩu nước ta, nếu bạn chú ý họ đều trồng những loại cây như cọ, cau, những cây ít rụng lá, cây hoa thân gỗ thấp vừa có bóng mát vừa có hoa rất đẹp không tốn công tỉa tót hót dọn.

Trên  đường dài hơn 600km từ Nam Ninh - thủ phủ tỉnh Quảng Tây đi thành phố Quế Lâm, cứ dăm bảy chục kilômét dải phân cách lại được thay thế màu hoa khác nhau như trúc đào, dâm bụt và những hoa khác tôi không biết tên. Hai bên đường là những dải cây cao vút, sát mép đường là cây hoa ban các màu đỏ, hồng, tím, trắng, vàng… và nhiều loại cây hoa khác mắt nhìn không biết chán. Khi được hỏi cơ quan nào phụ trách cây đại lộ, bạn cho biết là giao trách nhiệm cho địa phương sở tại theo ranh giới hành chính tùy vào độ dài cung đường?

Xin trở lại với "vụ tỉa cây tròng cỏ". Đã "vạch ra" rồi thì phải truy nguyên tới cùng, đừng để chìm vào im lặng. Cơ quan chủ quản là ông Sở Xây dựng thì đã rõ rồi. Nhưng cấp dưới, bộ phận nào cho đấu thầu, thẩm định, theo dõi, giám sát phải chỉ ra trách nhiệm của họ. Chẳng khó gì để điều tra các khoản mục chi tiết công việc, số nhân công, tiền công, tiền khoán, đồng thời đối chiếu với thực tế là ra ngay. Từ đó xem nhóm lợi ích, cá nhân ở đây là những ai phải chịu trách nhiệm trong vụ này?

Lưu Chí Thiện
.
.