Một năm mới cần thận trọng hơn

Thứ Năm, 05/01/2017, 09:12
Khi thời khắc giao thừa trôi qua, khép lại một năm 2016 và mở ra một năm 2017 với nhiều điều khó dự đoán phía trước, giữa những bức ảnh, video về những đêm pháo hoa rực rỡ ở khắp nơi, từ quả cầu pha lê truyền thống ở quảng trường Thời đại New York cho tới Sydney; từ Paris cho tới Berlin…, thì một thông tin không kém đau lòng cùng lúc được phát đi. Đó là vụ khủng bố ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. 


Gần 40 người đã chết vì những loạt đạn ở một CLB đêm, những loạt đạn từ họng súng của những kẻ giả trang thành ông già Noel, một hình ảnh thân thiện của loài người. Phải chăng, vụ khủng bố mà IS nhận trách nhiệm kể trên là thứ mở ra một viễn cảm u ám của năm 2017, một năm hứa hẹn rất nhiều biến động trên toàn cầu?

Ngay sau vụ xả súng ở Istanbul, vụ việc xảy ra khi ký ức tàn bạo của chiếc xe tải lao vào đám đông ở hội chợ Giáng sinh Berlin còn chưa mờ, thì ở Anh, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa, ông Ben Wallace, đã tuyên bố một thông tin không khỏi khiến tất cả phải lo ngại. Ông cảnh báo rằng IS sẽ tấn công bằng vũ khí sinh học lên nước Anh và ông khẳng định một cách đầy sắt đá rằng "Chúng ta phải cảnh giác với chính kẻ thù ở bên trong, là những kẻ sẵn sàng "phản quốc" vì bị mua chuộc và chúng có thể nằm ở bất kỳ đâu, từ cơ quan chính phủ cho tới lực lượng quân đội và đặc biệt ở các tập đoàn hàng đầu".

Dù thế giới còn nhiều bất ổn, nhưng chúng ta hãy chung tay để giữ cho Việt Nam hòa bình, ổn định để phát triển.

Lời cảnh báo của ông Ben Wallace quả thật nghe rất đáng sợ, như cách tờ The Times của Anh nhận xét rằng "mối đe dọa bậc nhất" nhưng thực sự nó không chỉ là vấn đề của riêng nước Anh mà thôi. Nó đã và đang là vấn đề của rất nhiều quốc gia trên thế giới mà vô tình, những nước nhỏ, còn nghèo, vốn dĩ không là tâm điểm của các biến động chính trị thế giới, lại đang tự cho mình nằm ngoài mối đe dọa bậc nhất ấy.

Và từ câu chuyện ấy, chúng ta nhận thấy rằng năm 2017 này chính là năm mà Việt Nam cần phải cẩn trọng hơn bởi ngay cả chính chúng ta cũng không thể loại trừ mình khỏi những kẻ "phản bội từ bên trong", những kẻ sẽ vì lợi ích cá nhân của mình mà sẵn sàng gạt bỏ mọi an nguy của quốc gia sang một bên không cần suy nghĩ.

Có thể nói, Chính phủ ta đang nỗ lực gây dựng niềm tin trong dân chúng bằng hành động, quyết liệt và đổi mới. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy bản thân các hoạt động của Chính phủ cũng gặp rất nhiều trở ngại, những trở ngại có thể được hình thành từ những "nhóm lợi ích".

Chúng ta nhắc nhiều tới các nhóm lợi ích ấy song thực sự, để chỉ đích danh ra họ là ai, chúng ta gần như bất lực. Thị trường truyền thông, một thị trường có giá trị doanh thu ước tính cả tỷ USD mỗi năm ở Việt Nam (theo thống kê của RECMA, hãng thống kê dữ liệu thị trường truyền thông số 1 toàn cầu), vốn dĩ bị chi phối bởi những tập đoàn nước ngoài và chính những tập đoàn ấy luôn dễ dàng tạo ra các câu chuyện định hướng dư luận một cách chuyên nghiệp, để phục vụ những nhà đầu tư mạnh tay và thuộc hàng "bạch tuộc" trên thị trường.

Sẽ ra sao, nếu chính những "bạch tuộc đầu tư" kia sử dụng sức mạnh truyền thông để đội lốt nhân dân tạo áp lực với chính phủ trước mỗi quyết sách chỉ để nhằm phục vụ mục đích riêng của một nhóm doanh nhân nào đó? Đừng vội nghĩ điều ấy chỉ là tưởng tượng, mà thực sự nó đã là thực trạng vài năm trở lại đây rồi.

Câu chuyện nước mắm đủ là ví dụ để chúng ta nhận ra sức mạnh của truyền thông là kinh hãi thế nào. Chỉ một bát nước mắm nhỏ thôi đã đủ tạo ra sự chao đảo trong dư luận cả một tháng trời. Vậy thì hệ quả nào sẽ xảy ra đây nếu như quyền và lợi ích liên quan đến những thứ còn lớn hơn cả những bát nước mắm?

Hãy nhớ lại lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói về dự án cao ốc 50 tầng ở mảnh đất của Triển lãm Giảng Võ cũ. Chỉ một câu hỏi của Thủ tướng thôi đã đủ chỉ ra cái nhức nhối của thời cuộc. "Ai cho phép? Quy hoạch nào cho phép?" - Thủ tướng đang chỉ thẳng vào tâm điểm của vấn đề. Nếu không có những kẻ phản bội bên trong, làm sao mà người đại diện của Chính phủ phải đặt ra câu hỏi ấy?  

Nếu tất cả cùng làm việc bằng sự công chính, chắc chắn Thủ tướng và nội các của mình sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho những công việc khác nữa, còn tồn đọng như một ám ảnh, để thay đổi bộ mặt kinh tế và xã hội Việt Nam theo đúng định hướng mà bao lâu nay chúng ta đã mong mỏi.

Chúng ta vẫn thường nhắc nhở nhau về chuyện "tự diễn biến", một thứ cũng không khác gì "những kẻ phản bội từ bên trong". Nhưng, ở thời đại này, khi tin thật và tin giả rất khó phân biệt và ngành truyền thông trên thế giới còn phải cảnh báo rằng, thời đại của tin giả hoành hành đang là lúc này, sự biến tướng của những kẻ thù từ bên trong còn nhiều hơn. Nó không chỉ là những kẻ phá hoại môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, mà còn là những kẻ trục lợi dựa trên những thế mạnh riêng để làm hỗn loạn xã hội.

Nó cũng có thể là những kẻ dùng mạng lưới làm ăn của mình để gây ra thêm các trở ngại cho tiến trình hành động của Chính phủ và tiến trình xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo. Và nó có thể tồn tại ngay đây, quanh chúng ta, một cách ngang nhiên và thậm chí còn có thể cất lên những lời ái quốc đầy sáo rỗng.

2017 đã tới. Nước Mỹ sẽ có Tổng thống mới. Nước Pháp cũng sẽ có những thay đổi lớn ở vị trí lãnh đạo. Toàn cầu sẽ hứa hẹn có nhiều biến động và chúng ta vì thế, càng phải cẩn trọng hơn.

Hà Quang Minh
.
.