Một khuynh hướng truyền thông nguy hiểm

Thứ Bảy, 24/11/2018, 08:33
Thổi phồng nỗi sợ hãi đã thật sự trở thành một tội ác được che đậy dưới lớp áo tự do thông tin sạch sẽ. Nó đang được các thế lực bất lương, những phần tử chống đối sử dụng như một chiêu bài, vũ khí hữu hiệu để kích hoạt mầm mống chủ nghĩa dân túy phá hủy sự thật, phá hoại đời sống, làm suy yếu các cơ cấu xã hội. Đã đến lúc phải coi nó là tội ác, loại trừ khuynh hướng này bằng những chế tài nghiêm minh của luật pháp.


Trong tiếng Anh, từ “Mongering” vẫn chưa xuất hiện trong từ điển với nghĩa ổn định. Tuy nhiên, từ gần 15 năm trở lại đây, nó đã được sử dụng rộng rãi, được đưa vào giáo trình báo chí đại học như một phần thuật ngữ truyền thông ở Mỹ, Úc với hàm nghĩa là một nỗi ám ảnh, một điều gì đó bị thổi phồng, tương tự từ “ngáo ộp” trong tiếng Việt. Trong đó, tiền tố “Mon” nguồn gốc là từ “Monster”, hiểu đơn giản nhất nghĩa là “quái vật”.

Tháng 7-2004, trong Tạp chí Nghiên cứu xã hội của Đại học Báo chí Johns Hopkin (Hoa Kỳ), nhà báo kỳ cựu Barry Glassner đã có bài nghiên cứu nhan đề “Kỹ thuật thổi phồng nỗi ám ảnh sợ hãi” (Narrative Techniques of Fear Mongering).

Ông đã đưa ra mô tả khá đầy đủ tác động của nguy cơ này trong đời sống báo chí - truyền thông. Nó hủy hoại sự thật. Nó gây nên sự hỗn loạn, méo mó thông tin. Nó kích hoạt sự rối loạn, đẩy con người đến những cảm xúc và hành vi phản ứng sai trái có tính chất tập thể. Nó phá hoại đời sống xã hội rất kinh khủng nhưng khó nhận diện và ngăn chặn. Nó tạo ra “ngộ độc” thông tin trên diện rộng theo hướng cực đoan.

Tồi tệ hơn, khi kỹ thuật thổi phồng nỗi sợ hãi được áp dụng vào đời sống chính trị và được lan truyền trên môi trường mạng. Tác giả viết: “Ngôn ngữ điện tử đe dọa và nguy hiểm tràn ngập sự hùng biện chính trị khiến cho nó trở nên hoàn toàn bình thường khi sợ hãi....”.

Có lẽ, nơi mà kỹ thuật tồi tệ này được áp dụng đầu tiên và nhiều nhất chính là điện ảnh. Số lượng nạn nhân bị thiệt mạng do hành vi khủng bố trong một bộ phim hình sự lấy New York làm bối cảnh thậm chí có thể nhiều gấp cả chục, hàng chục lần con số nạn nhân thật sự của toàn nước Mỹ trong nguyên một năm.

Trong thực tế, Barry Glassner chú thích rằng: “Nguy cơ bị giết trong một vụ khủng bố là thấp hơn thống kê so với tử vong do tai nạn sửa nhà, ong đốt hay bị sét đánh. Ngay cả trong những năm tồi tệ nhất, kỷ lục tại Hoa Kỳ, số người chết hằng năm từ khủng bố thậm chí không thể so sánh với số ca tử vong do tai nạn xe cộ liên quan đến rượu” (!).

Truyền thông, đơn giản là gửi đúng thông điệp đến đúng người vào đúng thời điểm bằng những cách thức phù hợp để giúp mọi người hiểu nhau hơn.

Truyền thông lừa dối cũng đã tồn tại trong xã hội Việt Nam từ rất lâu, ngấm từ từ. Đầu tiên, nó theo chân các quảng cáo, nhất là các quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng. Nó biến những trạng thái, biến đổi bình thường, phù hợp quy luật tuổi tác… thành những nguy cơ kinh khủng, chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi hoặc e ngại, buộc người tiêu dùng phải tiêu thụ những sản phẩm “cứu tinh” thật ra là không cần thiết, vô ích. Nó có thể là những triệu chứng kiểu mãn dục ở đàn ông, hay đơn giản là triệu chứng nổi mụn ở nam nữ tuổi dậy thì. Khi người tiêu dùng theo lứa tuổi luôn “sống trong sợ hãi” thì doanh số sẽ tăng vọt nhờ những quảng cáo bất lương.

Nó cũng được áp dụng cho chiêu trò triệt tiêu đối thủ trong kinh doanh. Đó là khi các sản phẩm kiểu như thuốc bổ Philatov trích xuất từ nhau thai được mô tả trần trụi và đáng sợ là “thuốc điều chế từ thịt người”, “thịt trẻ con”…

Ngôn ngữ điêu toa của phường buôn gian bán lận đang lây lan sang nhiều mặt khác của đời sống xã hội, kể cả lĩnh vực chính trị. Đối với đặc thù kinh tế mậu biên, việc cho phép lưu thông đồng tiền của các quốc gia chung đường biên là điều bình thường, tạo thuận lợi giao thương, kích cầu thương mại. Lào và Campuchia vẫn cho phép lưu hành cả 4 đồng tiền, gồm tiền sở tại, bath của Thái, đồng của Việt Nam và đôla của Mỹ, rất thuận tiện cho thanh toán thương mại.

Thế nhưng, ở Việt Nam, khi 7 tỉnh biên giới được Chính phủ cho phép lưu thông đồng nhân dân tệ thì ngay lập tức, các trang mạng đã nhao nhao lên rằng chính phủ mở cửa cho kinh tế Trung Quốc nuốt chửng kinh tế Việt Nam. Chiêu trò dân túy đi kèm này kích động tinh thần dân tộc cực đoan, xuyên tạc bản chất sự việc, gây nguy hại cho đất nước.

Ngay cả sự vô tình cũng có thể khiến người ta sa vào vũng lầy truyền thông này, tạo nên ngộ độc thông tin hết sức tai hại. Trường hợp sử dụng con số thống kê ngộ nhận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trên diễn đàn Quốc hội vừa qua là một ví dụ.

Thậm chí, xuất phát từ vài mẩu tin tưởng chừng như khách quan, nguy hại cũng có thể dẫn đến mức gây bạo loạn. Ngày 10-6-2018, một số thanh thiếu niên quá khích, thiếu hiểu biết đã bao vây, phá phách trụ sở cơ quan Nhà nước tại một số nơi ở Bình Thuận.

Ngay hôm sau, có bức ảnh chụp tại sân bay kèm chú thích thổi phồng, rằng Bộ Công an điều 20.000 Cảnh sát cơ động đến trấn áp tại Bình Thuận. Không mấy ai thắc mắc đến sự thổi phồng điên loạn của con số phi lý - bị phóng đại lên cả trăm lần, thông tin này cứ thế được chia sẻ đến chóng mặt, tạo ra một không khí đối đầu căng thẳng. Và hậu quả thì ai cũng biết: thêm nhiều xe cộ, trụ sở… bị đốt phá, ném đá, không chỉ ở Bình Thuận và cả một số nơi khác, khiến xã hội hoang mang lo lắng, đời sống nhiều mặt bị đình trệ.

Thổi phồng nỗi sợ hãi đã thật sự trở thành một tội ác được che đậy dưới lớp áo tự do thông tin sạch sẽ. Nó đang được các thế lực bất lương, những phần tử chống đối sử dụng như một chiêu bài, vũ khí hữu hiệu để kích hoạt mầm mống chủ nghĩa dân túy phá hủy sự thật, phá hoại đời sống, làm suy yếu các cơ cấu xã hội. Đã đến lúc phải coi nó là tội ác, loại trừ khuynh hướng này bằng những chế tài nghiêm minh của luật pháp.

Luật sư Phạm Ngọc Hiếu, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: Cần xử lý pháp luật đối với hành vi đưa tin giả

Lâu nay, đối với hành vi đưa tin sai sự thật, đưa tin theo kiểu thổi phồng, bóp méo, chế tài luật pháp chỉ mới dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính đối với cá nhân; phạt tiền, đình bản… đối với các cơ quan truyền thông. Hình thức xử phạt này cũng chỉ mới áp dụng được khá chặt chẽ đối với các đơn vị truyền thông chính thống. Với các cá nhân, người tham gia mạng xã hội, chế tài vẫn chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa tương xứng với hành vi và mức độ nguy hiểm mà nó có thể gây ra cho xã hội.

Thực tế này phản ánh hai điều.

Thứ nhất là xã hội vẫn chưa nhìn nhận đúng mức về mối nguy hại mà thông tin giả, thông tin bịa đặt, sự bóp méo hay thổi phồng có thể gây ra cho xã hội. Trong thực tế, nó có thể phá hoại cả một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Nó cũng có thể bóp chết hoặc làm phá sản một ngành, một nghề, một đơn vị kinh doanh đứng đắn. Một thông tin trên báo bằng bao diêm mô tả việc sản xuất phở, bún có chứa phooc – môn, được chua thêm rằng đó là chất dùng ướp xác đã khiến hàng trăm, hàng ngàn quán ăn lao đao.

Hệ thống quán cơm Kiều Giang bị sụt doanh số chỉ còn 30% cũng bắt đầu chỉ vì mẩu tin có kèm ảnh chụp các nguyên liệu được pha chế sẵn của quán, với chú thích là “sử dụng nguyên liệu không rõ  nguồn gốc, thực phẩm có màu lạ, rỉ nước” (thực ra là thịt đã ướp sẵn).

Khi có sự cố xảy ra, việc đánh giá mức độ sai phạm thường vẫn quy về dạng “để xảy ra sai sót, mắc lỗi”, ít khi được truy cứu tìm rõ ngọn nguồn động cơ, mục đích. Thật ra đó không chỉ là lỗi ngẫu nhiên. Trong không ít trường hợp, nó có thể nằm trong cả một chuỗi âm mưu, có tổ chức, mang mục đích phá hoại rõ ràng. Khi chủ trương sử dụng xăng sinh học E5 được triển khai, ngay lập tức thông tin xe máy đang lưu thông đột nhiên bốc cháy đùng đùng đã xuất hiện liên tục ở khắp nơi.

Đi kèm với nó là hàng loạt “kết quả điều tra”, là “dấu hỏi”, là “nghi vấn”… tất cả đều dẫn đến cùng một nguyên nhân: dùng xăng E5, nhiên liệu làm giãn nở ron cao su trong động cơ, xăng chảy gặp nhiệt sinh cháy. Hậu quả là cả xã hội đều sợ, đều tẩy chay việc sử dụng loại nhiên liệu sinh học này.

Các nhà máy pha trộn xăng E5 trị giá hàng chục ngàn tỉ phá sản bị mưa nắng biến thành hoang phế. Khi xăng E5 không còn được tiêu thụ nữa, các vụ cháy không ai dập cũng đột nhiên tắt ngấm. Đến lúc đó thì nguyên nhân các vụ cháy mới được công bố: do bất cẩn, do va chạm và do cố… đốt. Nhưng chẳng ai quan tâm.

Thứ hai, việc chế tài đúng mức, nếu muốn cũng rất khó thực hiện. Thiệt hại, tác hại thật sự rất khó xác định và định lượng mức độ. Bản thân thông tin là vô hình, lan truyền qua quá nhiều khâu, quá nhiều cá nhân, do nhiều động cơ khác nhau nên nếu xử lý cũng khó có thể xử lý hết. Đối tượng bị hại cũng không dễ gì xác định được thủ phạm, lại càng khó chứng  minh mối liên hệ dẫn đến thiệt hại nên khó có thể đưa ra cáo buộc cụ thể. Kẻ chủ mưu - nguồn tin giả -  vì thế vẫn có thể giấu mặt và ung dung.

Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Mạnh Hùng đã tuyên bố, Việt Nam sẽ là cường quốc An ninh mạng. Nếu có đủ công cụ luật pháp, trình độ kỹ thuật của chúng ta sẽ cho phép giải quyết tốt việc quản lý và xử lý các nguồn thông tin. Chúng ta có thể ngăn chặn từ gốc lẫn sự lây lan của thông tin độc hại, đồng thời có đủ cơ sở xác định để xử lý các cá nhân, tổ chức tạo ra nó một cách đúng đắn, chính xác và triệt để. Việc thông qua Dự luật An ninh mạng do đó càng trở nên cần thiết và cấp bách.

Ông Ngô Trung Bộ, Trưởng phòng Kế toán Công ty Mỹ phẩm Mỹ Hảo: Nỗi sợ hãi hủy hoại sự thật

Mạng xã hội đã tạo ra môi trường thuận lợi cho một xu hướng truyền thông nguy hiểm: thổi phồng sự thật, thậm chí bịa đặt để tạo ra nỗi sợ hãi cho dân chúng. Nó xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: từ y tế đến giáo dục, từ khuếch đại sự văn minh của phương Tây đến xu hướng bài xích Trung Quốc cực đoan, mù quáng…

Ở Việt Nam, nỗi ám ảnh về căn bệnh ung thư đã làm cho mọi người dân đều khiếp sợ. Bởi tần suất đe dọa về căn bệnh này xuất hiện rất dày đặc trên mạng xã hội và trên báo chí, bằng những thông tin sai sự thật, không dựa vào các tài liệu nghiên cứu khoa học, hoặc thậm chí cố tình nói sai sự thật. Khi số liệu nghiên cứu khoa học chỉ ra là mức độ mắc ung thư của Việt Nam ở nhóm 2, đứng hàng thứ 78 trên thế giới thì truyền thông thổi phồng thành “Việt Nam bị ung thư đứng hàng thứ 2 thế giới”, “Ung thư ở Việt Nam thật nguy hiểm, đáng sợ”,…

Đất nước có tới 44.000 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông với gần 1,6 triệu thầy cô và nhân viên quản lý, nhưng khi xảy ra một số sai phạm ở một vài trường học, sai phạm ở một số thầy cô giáo, thì hầu hết báo chí phản ảnh, mạng xã hội lập tức thổi phồng và lan truyền với tốc độ chóng mặt, kèm theo là những nhận xét, chửi bới rất gay gắt mang tính quy chụp cho tất cả. Hậu quả của nó là làm cho xã hội có cái nhìn méo mó về hình ảnh người thầy. Bản thân nhiều thầy cô chân chính, miệt mài với sự nghiệp giáo dục cũng phải mang nỗi mặc cảm với xã hội.

Xu hướng thổi phồng sự thật còn là công cụ hữu hiệu cho những người cực đoan chống chính quyền và chống Trung Quốc mù quáng. Một nhà báo nổi tiếng về trình độ và nhân cách bỗng một ngày dùng thông tin được kể lại để đưa lên mạng xã hội rằng, mình bị “mấy người bảo vệ xua đuổi không cho vô khu phi trường, kiên quyết cấm.

Mình hỏi, họ nói, “hỏi làm chi, cấm là cấm”. Đành hỏi mấy người dân chung quanh. Dân họ nói, “khu này người Trung Quốc mua hết rồi, giờ người Việt mình không vô được, chỉ có họ mới vô được thôi””. Thông tin được hàng ngàn người đọc, hàng ngàn người like, hàng trăm người chia sẻ, dù rằng nếu chỉ cần dùng lý trí để xem xét thì thấy nó rất sai lệch và bị thổi phồng lên thái quá.

Một tờ báo lớn nhất nhì đất nước bỗng dưng giật tít “Xuất hiện pano có tiếng Trung Quốc ở rừng tràm Trà Sư (An Giang)”. Sự thật đó là những bảng chỉ dẫn du lịch bình thường ở một khu du lịch dành cho du khách, khi mà bảng chỉ dẫn gồm tiếng Việt, tiếng Anh và cuối cùng là tiếng Hoa. Một sự việc bình thường bỗng dưng bị biến thành nghiêm trọng!

Ngày nay, mặt trái của báo chí truyền thông là xu hướng thổi phồng sự thật, tạo ra những nhận thức sai lệch, gây nguy hiểm cho xã hội, cho quốc gia. Những người làm báo chân chính, những người có trách nhiệm với xã hội cần phải lên tiếng cảnh báo để kiềm chế, hạn chế bớt đi tác hại của nó.

Nhà báo Phan Huê Ly, TP Hồ Chí Minh: Khi truyền thông… chưa thông

Chắc chắn không ít người trong chúng ta từng phải “nhảy dựng” lên khi nhìn thấy một tấm ảnh hay một bản tin “động trời” nào đó trên mạng xã hội. Ly cafe buổi sáng hôm đó bỗng dưng… đắng hơn mọi ngày.

Những ai thích theo dõi tình hình diễn biến thế giới có lẽ vẫn còn nhớ, vào tháng 9 năm 2017, cơn bão Irma xảy ra ở Mỹ được cho là siêu bão mạnh nhất từng xuất hiện ở Đại Tây Dương, đã giết hại 38 người khi quét qua nhiều hòn đảo du lịch nổi tiếng trên biển Florida và cuối cùng là miền Nam nước Mỹ. Khi đó, mạng xã hội bỗng dưng đúng thời đúng khắc, xuất hiện một video clip cho thấy những chiếc vây cá mập đang chầm chậm bơi trong thành phố Miami lúc đó đang biến thành sông. Điều đáng nói, video clip này được đăng trên cả tờ Daily Star, một tờ báo mạng có tiếng của Mỹ. Đoạn phim này nhanh chóng được share (chia sẻ) khắp thế giới và rất nhiều người đã hoảng sợ. Sau đó, tờ USA Today đã đăng bài xác nhận hình ảnh đó là fake (giả mạo).

Câu chuyện đàn cá mập vào Miami sau bão Irma chỉ là một phần nhỏ, như tựa đề bài viết mà tờ USA Today đã dùng “That shark photo is fake — and part of a bigger problem” (Ảnh cá mập đó là giả - và một phần của vấn đề lớn hơn). Phía sau đó mới là vấn đề đáng nói.

Đó không phải là sự thật đằng sau tấm ảnh đó hay độ chính xác của bản tin, mà chính là tư duy tiếp cận của giới chơi mạng xã hội. Từ tư duy đó dẫn đến cách thức họ truyền thông tin ra ngoài xã hội. Họ thể hiện điều đó bằng cách bình luận và phát tán. Chỉ cần 1 cái Like, 1 cái Click chuột để share, hoặc nhiệt tình hơn là 1 cái comment (bình luận). Ngay lập tức sau đó, hình ảnh, bản tin đó sẽ lan tỏa ngay khắp nơi, tuỳ vào độ rộng tương tác của chủ nhân trang mạng đó.

Khó mà trách người đọc, người xem, khi mà công cụ truyền đạt của mạng xã hội ngày nay quá nhiều và “nhanh như chớp”. Thú vị hơn là hoàn toàn miễn phí.

Cũng có thể vì vậy mà, một nữ doanh nhân nổi tiếng trong giới PR ở Việt Nam từng khẳng định trên trang cá nhân của bà rằng: “Chơi với mạng xã hội là chơi với con dao hai lưỡi”.

Tại sao vậy? Vì mạng xã hội là một võ đài mà ở đó, chúng ta có thể tiếp xúc với hàng trăm đối thủ của mình nhưng có khi chẳng biết được chính xác mặt mũi hình thể của đối thủ ấy ra sao. Và cũng chính ở đó, chúng ta có thể bị đứt tay, chảy máu bởi chính chúng ta.

Thế mới có cách gọi mạng xã hội là “ảo”.

Nhưng, có ảo thật không?

Xin thưa, không ảo. Bởi vì người dùng có thể ảo (giả), bản tin có thể ảo (chưa chính xác), nhưng niềm tin, độ phát tán, và cái đứt tay chảy máu đó là hoàn toàn thật.

Hơn nữa, khi chúng ta tranh cãi hoặc truyền đi một vấn đề chưa rõ thực hư, mà dân báo hay gọi là “chưa kiểm chứng”,  trên một không gian ảo, với các đối tượng ảo thì rõ ràng kết quả của nó sẽ là… tắc nghẽn. Mà khi tắc nghẽn, không thông, thì cái nguy hại ngay sau đó sẽ là phá huỷ sự thật.

Đây là thời đại của truyền thông mạng. Không ai có thể phủ nhận. Ở thời đại mà “anh hùng bàn phím” dễ dàng xuất hiện ở khắp mọi nơi không cần phải kinh qua một trận chiến sinh tử nào, thì cũng dễ hiểu là một lần “lạc đường gươm” sẽ nguy hại như thế nào. Khi đao kiếm vô tình, một mạng người có thể nằm xuống. Khi con chữ vô tình trên truyền thông mạng, bao nhiêu tư duy trong xã hội sẽ gãy đổ nếu đối tượng không đủ kiến thức và tỉnh táo để nhận xét và phản biện?

Gần đây, nhan nhản trong các bài viết mang tính chất “đắc nhân tâm thời đại” hay có lời kêu gọi “sống chậm”. Có nên chăng có một bài viết của học giả nào đó kêu gọi mọi người hãy “đọc chậm”? Đọc chậm để nghiền ngẫm, phân tích, phản biện rồi sau đó phải truyền cho thông.

Nguyễn Hồng Lam
.
.