Một bài thơ giàu triết luận

Thứ Ba, 22/05/2012, 08:00
Nhân đọc bài thơ "Nước" của nhà thơ Lê Lâm.

Không gì mềm như nước
Đến đá cũng phải mòn 

Không gì lành như nước
Bao phố làng vùi chôn 

Cây khao khát nước tuôn
Có ngờ đâu chịu chết 

Và lửa kia khắc nghiệt
Nước dạy cho lại lành 

Cứ ví em như nước
Nhận mọi điều
Là anh! 

Mỗi bài thơ hay, hay một vẻ riêng. Tài hoa hoặc mộc mạc, giản dị hoặc cầu kỳ… - mỗi sắc thái đó đều có cái hay riêng. "Nước" của Lê Lâm cuốn hút người đọc không phải bằng sự lấp lánh của ngôn từ hay sự cầu kỳ chơi chữ, cũng không phải bằng sự thô mộc, đập thẳng vào nhãn quan như ở một số bài thơ khác. Đọc đi đọc lại bài thơ, tôi thấy cái hay chủ yếu của bài thơ là ở những triết lý "vững như núi, đằm như nước" (mượn ý của nhà thơ Trương Nam Hương: "Vững như núi, Huế lại đằm như nước"), những triết lý tưởng như ai cũng biết nhưng được diễn đạt lại một cách tài hoa, sâu sắc, đầy chất thơ và đặc biệt là cái kết bất ngờ, hóa giải tất cả:

Không gì mềm như nước
Đến đá cũng phải mòn

Câu thơ bắt nguồn từ câu châm ngôn và gợi người đọc nhớ: "Nước chảy đá mòn".

Không gì lành như nước
Bao phố làng vùi chôn.

"Thủy, hỏa, đạo, tặc" (nước, lửa, trộm cướp, giặc) - đó là bốn cái họa lớn, trong đó nước được đặt ở vị trí hàng đầu. Lửa còn đứng sau, vì: "Nước dạy cho lại lành" kia mà.

Đó là những câu châm ngôn lưu truyền từ bao đời nay, nhưng được Lê Lâm diễn đạt dưới một hình thức mới, giản dị, dễ hiểu, hình tượng, với điệp ngữ thật ấn tượng: "Không gì… như", với cách nói đầy cảm xúc: "khao khát - có ngờ đâu...", "dạy cho lại lành". Sự đối lập trong từng cặp câu thơ càng làm nổi bật sức mạnh ghê gớm của nước cũng như tính hai mặt của nó. Nước là điều kiện thiết yếu của sự sống, là một trong những tiêu chuẩn phải có của cuộc sống. Một mệnh đề quen thuộc đã được nhắc đến ở nhiều nơi: "Ở đâu có nước, ở đó có sự sống". Nhưng nước cũng dễ dàng phá hoại, tiêu diệt sự sống một cách khủng khiếp. Sức mạnh của nước là sức mạnh nhu thắng cương. Cho nên người xưa khuyên: "Sắt cứng nên dễ gãy, nước mềm nên vẹn toàn", ý nói xử thế phải uyển chuyển, mềm mại mà mạnh mẽ như nước.

Nhưng nếu bài thơ chỉ dừng lại ở đó thì sẽ ít bất ngờ và hấp dẫn, vì dù sao cũng là những điều mà nhiều người biết và cảm nhận được. Cái đích của bài thơ không phải là nói đến nước, mà là hình ảnh người phụ nữ bất ngờ hiện ra ở cuối bài:

Cứ ví em như nước
Nhận mọi điều
Là anh!

Người đọc đang chìm trong cảm giác hơi nặng nề và "sờ sợ" trước những triết lý về sức mạnh của nước, bỗng thấy nhẹ nhõm như đang đi trên sa mạc chợt gặp suối nước mát lành. Hóa ra "nước" không chỉ phá hoại, tiêu diệt mà còn rất bao dung, rất độ lượng "nhận mọi điều". Đó cũng như sức mạnh, tính cách của người phụ nữ, vừa mềm mại, vừa cương quyết mà vẫn nhún nhường, bao dung trước người đàn ông mình yêu quý: "Nhận mọi điều - Là anh!". Bản thân cái kết này cũng là một triết lý sâu sắc của riêng tác giả, một triết lý thú vị! Sức mạnh của "âm", của "nhu" đáng nể không chỉ vì nội lực tiềm tàng của nó mà còn bởi sự cởi mở, đón nhận, rộng lượng: "nhận mọi điều", kể cả sức mạnh đối lập với nó ("dương", "cương").

Bài thơ hàm súc, chỉ có 50 chữ, nhưng sức gợi lớn, ý tại ngôn ngoại. Đọc xong mà người đọc phải ngẫm nghĩ hoài về những triết lý của bài thơ. Thành công của bài thơ chính là ở đó

Trần Thị Tích
.
.