Giáo sư - Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức:

Mong được "thất nghiệp" trong đêm giao thừa

Thứ Tư, 25/01/2017, 08:13
Giáo sư, tiến sĩ Trần Bình Giang vừa nhận quyết định lên một vị trí "nóng" trong ngành y tế, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trên tầng 4 khu chuyên khoa mà ông phụ trách. Hằng ngày, vào buổi sáng sớm, ông vẫn đi thăm khám bệnh nhân, làm công việc của một người thầy thuốc. Có ai đó nói rằng, khi lên làm quản lý, chúng ta sẽ mất đi một thầy thuốc giỏi. Còn với giáo sư Giang thì chắc chắn là không.               


- Thưa giáo sư Trần Bình Giang, có thể nói vị trí ông đang ngồi hiện tại là một vị trí nóng, bởi đây là một bệnh viện lớn đầu ngành của Việt Nam, ông có thấy nhiều áp lực không?

+ Nghề y lúc nào cũng áp lực cả. Tôi đã làm việc hơn 30 năm với tư cách là một thầy thuốc, công việc chính là khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật, cũng có nhiều áp lực bởi có lúc mình thất bại, nhưng nó hoàn toàn khác với tâm thế của một người đứng đầu cơ quan. Đây là một bệnh viện chuyên khoa ngoại hạng đặc biệt đầu tiên và duy nhất của ngành y tế.

Về mặt chuyên môn phải làm sao phát triển bệnh viện càng ngày càng tốt hơn. Điểm thứ 2, lãnh đạo một bệnh viện có truyền thống hào hùng, nơi khởi nguồn của những danh nhân y học của Việt Nam và các thầy đi trước là những cây cổ thụ lớn làm nên nhiều kỳ tích. Thế hệ bây giờ làm sao để phát huy được truyền thống đó, chính là một áp lực.

Áp lực nữa, đứng đầu một đơn vị tập thể, nơi tập trung những chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam hôm nay, trẻ trung và rất giỏi, có kinh nghiệm, trình độ, nhiều tài năng, cống hiến, làm sao tập hợp được những con người tài giỏi đó cùng phát triển là một câu chuyện không dễ dàng. Áp lực lớn thứ 3, ngoài  lĩnh vực chuyên môn, còn phải lo cho đời sống của gần 2.000 con người, từ người dọn vệ sinh, đến đội ngũ nhân viên y tế, làm sao để cho họ có thu nhập một cách chính đáng. Các cụ bảo rồi, "bần hàn sinh đạo tặc". Làm lãnh đạo mà không lo được cho đời sống anh em là có lỗi.

- Ông có cho rằng khi đưa một giáo sư chuyên môn giỏi lên làm quản lý, chúng ta sẽ mất đi một thầy thuốc giỏi bởi họ không có nhiều thời gian cống hiến cho việc chuyên môn. Đã từng có nhiều tranh luận rằng, những giáo sư giỏi nên chuyên tâm làm chuyên môn và thuê CEO làm quản lý để tránh những bất cập ở bệnh viện hiện nay?

+ Đây là hai mặt của một vấn đề. Trên thế giới có rất nhiều mô hình, một số nước vẫn làm theo mô hình thầy thuốc là giám đốc, còn một số nước lại quản lý theo mô hình khác, với Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Điều hành (CEO). Mỗi  mô hình có điểm mạnh, yếu của nó.

Mô hình CEO có thuận lợi là bệnh viện được quản lý, điều hành bởi đội ngũ những người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về quản lý. Mô hình này phù hợp với loại hình bệnh viện hoạt động bằng nguồn vốn tự chủ, điều hành theo cơ chế thị trường. Trong trường hợp này, Ban Giám đốc có vai trò quản lý điều hành theo tư duy kinh tế, việc điều hành chuyên môn do hội đồng chuyên môn và/hoặc các trưởng khoa quyết định. Việc phối hợp giữa hai hoạt động này chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.

Tại Việt Nam, mô hình thầy thuốc làm quản lý bệnh viện đã được thực hiện từ lâu. Thực tế, một thầy thuốc giỏi chuyên môn khi làm quản lý bao giờ cũng thuận lợi hơn, anh nhận được sự cảm phục, tin tưởng, tôn trọng và đồng thuận của đội ngũ chuyên môn.

Thầy thuốc thuộc tầng lớp có tri thức và cá tính, khi cấp trên được cấp dưới kính phục, cấp dưới sẽ cống hiến hết mình. Tuy nhiên, muốn làm lãnh đạo tốt không chỉ có chuyên môn mà còn phải biết quản lý. Vấn đề đặt ra là, liệu đưa một thầy thuốc giỏi lên làm quản lý, chúng ta sẽ mất đi một thầy thuốc giỏi và được một nhà quản lý tồi hay không? Tôi cho rằng muốn làm gì cũng phải có quá trình và tùy thuộc vào tư chất của từng người. Không nên cứng nhắc và định kiến với người làm chuyên môn tốt thì không thể làm quản lý. Tất nhiên có thầy thuốc làm quản lý tồi.

Quan trọng ở đây là con mắt xanh của người làm nhân sự, biết đặt đúng người đúng chỗ. Nhìn lại các bậc tiền bối, họ lãnh đạo rất giỏi. Tôi cho rằng, người quản lý một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, nhất thiết phải chọn trong số những thầy thuốc giỏi bởi nếu không sẽ không quy tụ được người tài. Nhất là với bệnh viện công, có rất nhiều cơ chế, ràng buộc cả về nhân sự và tài chính, chưa thể một sớm một chiều thay đổi ngay được. Nên thử nghiệm, so sánh đánh giá một cách thận trọng trước khi áp dụng đại trà một mô hình mới tôi nghĩ sẽ có hiệu quả hơn. Mọi sự nóng vội đều dễ dẫn đến sai lầm. 

- Nói đến những sai lầm, tôi lại muốn trao đổi với ông về một vấn đề khá nóng trong ngành y tế, đó là những sai sót  y khoa mà gần đây hình như có xu hướng tăng lên. Theo ông, tại sao có những sai sót ngớ ngẩn như thế và là một giáo sư đầu ngành về ngoại khoa, ông có thể chia sẻ cho độc giả hiểu hơn, làm sao có thể giảm thiểu được những sai sót trong y tế?

+ Sai sót y khoa là điều khó tránh khỏi trong hoạt động y tế. Là con người, có lúc chúng ta cũng sai lầm, giống như bạn có thể yêu nhầm người rồi nhận ra không hợp. Vấn đề sai sót y khoa tồn tại song song với hoạt động của thầy thuốc, sai sót y khoa không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở mọi nền y học kể cả những nền y học lớn trên thế giới, ví dụ ở Mỹ chẳng hạn, mỗi năm ước tính có khoảng 100 ngàn người chết vì tai biến y khoa. Tần suất sai sót y khoa trung bình ở Mỹ, Canada, ở Úc và châu Âu  khoảng 7%.

Việt Nam bây giờ tỷ lệ đó có vẻ đang tăng lên, nhưng thực tế không phải vậy, từ trước tới nay phần chúng ta thấy mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi. Vấn đề là trước đây chưa có phương tiện truyền thông nên sai sót không được biết đến. Còn bây giờ, với sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn, mỗi khi có sự cố xảy ra ngay lập tức thông tin đã đến với hàng triệu người. Bên cạnh đó, cách nhìn của một số báo làm nghiêm trọng hóa vấn đề, tạo ra phản cảm cho xã hội, khiến mọi người ném đá ngành y, gây ra hiệu ứng âm tính không tốt cho xã hội.

- Nhưng tôi vẫn nghĩ, sai sót trong y khoa trách nhiệm thuộc về bác sĩ?

+ Chúng ta vẫn cho rằng, sai sót do cá nhân người thực hiện, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai sót. Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta thiếu cơ sở vật chất. Trên thế giới hiện nay, số tiền chi lớn nhất, sau quân sự là y tế.

Cơ sở vật chất của chúng ta quá yếu, không đủ tiền trang bị máy móc phương tiện. Cho rằng, phẫu thuật viên quên gạc trong bụng bệnh nhân là bác sĩ tồi, kém y đức nhưng đằng sau nó là cả một câu chuyện về điều kiện làm việc, từ đèn mổ có đủ ánh sáng, gây mê tốt, phương tiện cầm máu như thế nào…

Rất nhiều cơ sở vật chất chúng ta thiếu, tuy nhiên điều quan trọng thứ hai là lề lối làm việc, là việc phối hợp hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế vì việc chẩn đoán và điều trị bệnh là một hoạt động có tính "team work", là việc thực hiện các quy trình một cách chặt chẽ, có kiểm tra, kiểm soát chéo.

Để tránh sai sót, trên thế giới đã nghĩ ra nhiều cách, ngay từ  năm 1999, tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một bảng kiểm kỹ thuật và áp dụng ở Việt Đức để kiểm soát các hoạt động y tế nhưng việc thực hiện còn hạn chế.

Vấn đề quan trọng nữa liên quan đến đào tạo, ở các nước, một bác sĩ ra trường làm nghề phải mất 13-15 năm. Còn chúng ta đào tạo còn sơ sài, chưa đủ thời gian. Rất nhiều những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vậy nên, khi xảy ra sai sót, chúng ta đừng đặt nặng vấn đề đấy là sai sót cá nhân và sẽ kỷ luật, kiểm điểm. Bởi như vậy khi có sai sót người ta tìm cách giấu đi, không công khai nó ra và những sai sót đó không được phân tích mổ xẻ, rút kinh nghiệm cho những hoạt động tiếp sau.

Không công khai sai sót, tính mạng người bệnh càng nguy hiểm hơn. Khi chĩa mũi nhọn vào bác sĩ, toàn bộ áp lực xã hội sẽ chĩa vào, họ không dám làm việc nữa vì sợ. Tôi cho rằng, người thầy thuốc, khi đã vào ngành Y đều có tâm niệm chữa bệnh cứu người. Khi một người bệnh được cứu chữa thành công, thầy thuốc được tất cả, họ nhận được sự tôn trọng của người bệnh, bạn bè, đồng nghiệp.

Khi họ gặp sai sót, họ sẽ mất tất cả vì vậy khi đã hành nghề y, người thầy thuốc và nhân viên y tế nào cũng không bao giờ muốn có sai sót xảy ra. Họ phải tự làm tốt không thì chính họ cũng tự đào thải chính mình. Cho nên, tôi nghĩ cần công khai các sai sót trong y khoa để làm bài học kinh nghiệm xương máu trong chuyên môn. Có một câu nói nổi tiếng của một nhà ngoại khoa trên thế giới từ thế kỷ XIX đại ý rằng: "Cuộc đời, sự nghiệp của một phẫu thuật viên được xây trên nghĩa địa” đấy thôi.

- Quan trọng là bác sĩ phải luôn có ý thức và tiến tới một quy trình làm việc để hạn chế những sai sót tối thiểu cho bệnh nhân, điều này, liên quan đến cả vấn đề y đức của người thầy thuốc, một câu chuyện cũng luôn nóng trong ngành y tế. Tôi được biết, ông chịu khá nhiều ảnh hưởng từ người thầy của mình, Giáo sư Tôn Thất Bách?

+ Thời tôi còn là bác sĩ nội trú, thầy Bách trực tiếp phụ trách hướng dẫn chúng tôi, rồi sau này, tôi được làm việc cùng khoa, theo phụ mổ cho thầy những ca khó. Ông là người nghiêm khắc nhưng có một tấm lòng rộng mở.

Có lần, Giáo sư Tôn Thất Bách dẫn một đoàn công tác xuống thực tế ở Bệnh viện Nam Định. Có một cậu bé bị áp xe đường mật, nhà nghèo nên không có tiền mổ. Thầy đã trực tiếp mổ cứu sống cậu bé, sau đó, khi đoàn sắp về Hà Nội, thầy còn bảo tôi quay lại cho cậu bé 200 ngàn mua thuốc. Đó là tấm lòng của người thầy thuốc mà các thế hệ sau chúng tôi học tập. Muốn làm thầy thuốc tốt phải có tấm lòng không thì anh chỉ là một kỹ thuật viên mà thôi.

 - Những ngày tết đang đến gần, tôi không hình dung được, một bác sĩ bận rộn như ông sẽ đón Tết như thế nào?

+ Tết với những bác sĩ như chúng tôi thường gắn với bệnh viện. Ngày xưa, thường phải trực tết, đó là những giao thừa sớm, từ lúc 8h, sau đó chuẩn bị đón bệnh nhân cấp cứu. Tôi cứ bị ám ảnh bởi nhiều đêm giao thừa, bệnh viện căng lên vì những ca cấp cứu tai nạn giao thông, đôi khi tín hiệu báo giao thừa lại là những tiếng réo của còi ủ xe cấp cứu. Dần rồi cũng quen, nhưng tôi vẫn muốn một cái tết bình yên, không bệnh nhân cấp cứu, không tai nạn. đó là những cái tết bình yên cho tất cả mọi người và bác sĩ cũng mong được "thất nghiệp" trong đêm giao thừa.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông. 

Như Bình - Việt Hà - Xuân 2017
.
.