Mở cửa lễ hội, cảnh giác dịch COVID-19

Thứ Năm, 18/03/2021, 13:30
Sau thời gian dài phải tạm dừng đón khách vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đền Cửa Ông, Chùa Hương, Chùa Tam Chúc đã được phép mở cửa trở lại… Theo phản ánh của báo chí, truyền thông, ngay ngày đầu tiên mở cửa, Chùa Hương đã đón khoảng gần 3 vạn du khách. Tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đông kín người về chiêm bái, các điểm bán vé và giao thông quanh khu vực đều bị quá tải.


Đi lễ đầu năm để cầu bình an, may mắn là một nét đẹp văn hóa, là nhu cầu cá nhân không thể cấm đoán. Song trong thời điểm dịch bệnh COVID - 19 vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát, thì việc bảo đảm sự an toàn cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng trở thành ưu tiên số một. 

Theo ghi nhận, tại các cơ sở thờ tự đều thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch: Cửa ra vào, nơi dễ quan sát đều có biển nhắc nhở người dân tự giác đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt. Nhiều điểm được dán mã QR CODE để người dân khai báo y tế điện tử... Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp người dân lơ là, không tuân thủ nghiêm công tác phòng dịch.

Các hoạt động tín ngưỡng được mở cửa trở lại với lượng khách đi lễ rất đông.

Những hình ảnh túm năm, tụm ba khấn vái mà không chú ý khoảng cách, hoặc có những người còn chưa đeo khẩu trang… Có thể thấy, đó đây, tâm lý chủ quan đối với dịch bệnh ở một bộ phận người dân khi tham dự lễ hội vẫn đang tồn tại. 

Và không ai dám chắc, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, điều này không trở thành nguy cơ khiến tình hình dịch có thể tệ hơn, gây khó khăn cho công tác truy vết, dập dịch. Từ thực tế hoạt động lễ hội những ngày qua, nhiều người vẫn lo ngại về khả năng dịch có thể bùng phát trong cộng đồng.

Hiện tại, tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Hải Dương, tuy đã hạ nhiệt, nhưng số ca mắc vẫn xuất hiện mỗi ngày. Bên cạnh đó, mặc dù các biện pháp quản lý, giám sát được thắt chặt, nhưng số người nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài vẫn có ca nhiễm COVID-19 đang phải cách ly.

Việt Nam mới nhận được 117.600 liều vaccine AstraZeneca. Do số lượng hạn chế, nên việc tiêm chủng vẫn chưa thể thực hiện cho tất cả người dân trong năm nay do nguồn vaccine trên thế giới đang khan hiếm, cung không đủ cầu.

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã ra khuyến cáo, dù tất cả mọi người đều được tiêm vaccine ngừa COVID-19, thì đây cũng chỉ là cách để tạo miễn dịch cộng đồng, là một biện pháp để phòng ngừa chứ không phải vì thế mà tiêu diệt được hoàn toàn virus. Đó là chưa kể, virus corona liên tục có các biến thể mới, với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn và khó có thể dự đoán trước sức tàn phá của nó.

Chúng ta đều biết, không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%. Do đó, thậm chí khi vaccine đã được tiêm chủng đại trà thì mọi người dân vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác, đặc biệt là khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đó là: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế". Đây là 5 biện pháp không tốn kém kinh phí hơn bất cứ loại vaccine nào nhưng hiệu quả lại rất rõ ràng. Bởi vậy, người dân đừng quá trông chờ vào vaccine mà chủ quan, mất cảnh giác khiến dịch COVID-19 bùng phát, hậu quả sẽ khó lường.

Hãy nhớ rằng, ngay tại các nước có tiềm lực kinh tế mạnh, có nền y học tiên tiến đã khống chế hoặc kiểm soát tốt sự lây truyền COVID-19, thì vẫn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong tương lai. Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi người dân cần tiếp tục cẩn trọng trong đời sống sinh hoạt, chuẩn bị cho tình huống này và sẵn sàng kích hoạt các biện pháp ứng phó khi cần.

Khi cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại bình thường thì hành vi đi lễ của người dân cũng cần thể hiện trách nhiệm với xã hội. Nguyên tắc 5K của ngành y tế phải được tuyệt đối chấp hành khi tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đương nhiên người dân ít nhiều sẽ bị thiệt thòi trong việc tiếp cận, tham dự các sinh hoạt văn hóa tâm linh. Nhưng chính hoàn cảnh dịch bệnh hôm nay cũng là một cơ hội để cho người dân cân nhắc, suy xét thật kỹ khi tới những nơi đông người.

Ở các điểm lễ hội, để kiểm soát sức khỏe của hàng vạn du khách thập phương trong một ngày là một việc làm không hề dễ dàng gì, phải trông chờ phần lớn vào ý thức, vào trách nhiệm phòng dịch của mỗi người. 

Để tránh các rủi ro, thay vì cùng lúc đón một lượng khách lớn đổ tới thì Ban tổ chức cần khống chế số khách vào di tích, nơi thờ tự ở từng thời điểm sao cho bảo đảm tốt nhất các nguyên tắc phòng dịch… 

Với các cá nhân có nhu cầu hành lễ cũng cần phải cân nhắc, hy sinh mong muốn cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng, thay vì đi lễ đầu năm thì chờ tới thời điểm khác trong năm, khi dịch bệnh được kiềm chế, hành lễ cũng không muộn.

"Phật tại tâm". Nếu chúng ta có ý thức vì cộng đồng, làm những điều tốt đẹp ngay với những người xung quanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, thì những điều an lành cũng sẽ đến với mỗi chúng ta.

Cù Tất Dũng
.
.