Minh bạch trong xét duyệt chức danh khoa học

Thứ Sáu, 06/11/2020, 09:45
Chúng ta cần phải ghi nhớ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp”. Vì thế, khi hàng loạt ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư - các nhà khoa học bị tố có hành vi gian dối trong học thuật đã nhận được nhiều sự đánh giá tiêu cực của giới khoa học và dư luận.


Thêm 21 ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư ngành Y, Dược bị tố không đạt tiêu chuẩn dù đã được Hội đồng Giáo sư ngành thông qua, tính tổng cộng có 36/50 ứng viên (chiếm hơn 70%) nghi ngờ gian dối. 

Sự việc này sẽ cần có thời gian xác minh, thẩm định và như vậy các ứng viên phải chờ để xem có đủ điều kiện được đưa vào danh sách xét duyệt hay không. Trong lúc này, đã có ứng viên xin tự rút lui. 

Thật buồn vì đây không phải lần đầu xảy ra những sự cố trong việc xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Chỉ mới cách đây 2 năm, cũng chỉ vì những bùng nhùng liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn xét chức danh này mà Hội đồng Giáo sư nhà nước phải hoãn đợt công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2018.

Danh xưng Tiến sỹ trong các khoa cử ngày xưa vô cùng giá trị. Văn Miếu - Quốc Tử Giám dựng bia Tiến sỹ chính là sự tôn vinh niềm tự hào trí tuệ Việt.

Năm nay, chuyện lình xình vì nhiều ứng viên bị tố gian lận về tiêu chí có bài báo, công bố khoa học đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng, có uy tín quốc tế lại xảy ra. Theo dư luận, có người lấy cả bài đăng trên tạp chí uy tín thấp, thậm chí theo kiểu “bỏ tiền” để được in bài, nên bài đăng có chất lượng kém, không xứng để xét tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, nhưng vẫn lọt qua cửa các hội đồng xét duyệt.

Giáo sư, Phó Giáo sư là học hàm cao nhất trong khoa học. Người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư ở nước ngoài được coi là bác học, mà nghề nghiệp chính là nghiên cứu và sáng tạo. Họ chủ yếu làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các phòng thí nghiệm, ở các học viện, trường đại học. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, chức danh này “hấp dẫn” một bộ phận chủ yếu bởi tư cách là “giấy thông hành” để mở ra nhiều tương lai tốt đẹp, mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học. Chính vì thế mà có một số cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính chẳng liên quan gì đến nghiên cứu khoa học hay giảng dạy cũng loay hoay kiếm cho được phẩm hàm cao quý này.

Thông thường thì “danh” luôn đi đôi với “lợi”. Có  một  thực tế khi trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư, đương nhiên sẽ trở thành “VIP” mà không cần phải đương chức, đương quyền mới được hưởng. Chỉ cần Phó Giáo sư, Giáo sư thì bảng giá khám bệnh, rồi mỗi giờ lên lớp đã rất khác. Đơn cử như ở ngành y: Giáo sư khám bệnh là 500 nghìn đồng/lần; Phó Giáo sư là 400 nghìn đồng/lần; Tiến sĩ thì 300 nghìn đồng/lần… Bảng giá này chẳng có ai quy định nhưng hiện nay đã có những bệnh viện công khai điều này.

Điều không may là Việt Nam có một số nhà khoa học trong nước được xem là hàng đầu nhưng trên quốc tế thì không được công nhận, tuy cũng thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản có tính quốc tế cao. 

Thực tế cho thấy, Giáo sư, Tiến sĩ ở ta nhiều nhưng công trình khoa học của một số Giáo sư, Tiến sĩ chỉ là sách vở, sau khi công bố lại bị xếp vào một góc trong thư viện cho thế hệ khác đọc, xem mà không đưa vào được thực tế. 

Có những Giáo sư, Tiến sĩ với hàng chục công trình nghiên cứu khác nhau nhưng không thể nào áp dụng được vào thực tế. Chính vì thế mà một số các Tiến sĩ, Thạc sĩ, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam vẫn đang phải đi học, đi đọc lại các công trình của các Giáo sư ở nước ngoài.

Chúng ta cần phải ghi nhớ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp”. Vì thế, khi hàng loạt ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư - các nhà khoa học bị tố có hành vi gian dối trong học thuật đã nhận được nhiều sự đánh giá tiêu cực của giới khoa học và dư luận.

Phàm là người tài họ đều trung thực, thẳng thắn, có cách nhìn, cách nghĩ rất riêng, luôn sống theo lương tâm mình, không cơ hội, xu thời, nịnh bợ. Họ ít để ý đến tiền tài, danh vọng, mà rất tâm huyết với chuyên môn của mình. Hay nói một cách khác là họ có tầm nhìn, sự hiểu biết đi trước thời đại. 

Giáo sư, Phó Giáo sư không phải là hư danh để ban phát, mà đó là trách nhiệm trao cho các đầu tàu thật sự của khoa học Việt Nam, đưa khoa học Việt Nam tiến lên sánh vai, trước hết là với các nước láng giềng, đóng góp thật sự cho phát triển đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nếu muốn không để “nguyên khí quốc gia” bị ảnh hưởng, bên cạnh sự công tâm, khách quan, minh bạch, tuân thủ đúng các khâu xét duyệt, thì điều quan trọng nhất là bản thân các ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư phải “liêm chính học thuật”, trung thực, giữ gìn “danh dự của người làm khoa học” cũng được coi là yêu cầu bắt buộc.

Khi hàng loạt ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư bị tố có hành vi gian dối đã bị cộng đồng lên án mạnh mẽ, nhiều ý kiến cho rằng: Những ứng viên gian dối nên loại vĩnh viễn, không được đề nghị các chức danh này nữa. Chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư để dành cho những người cống hiến thực sự cho khoa học, không dành cho những người gian dối. Làm được như vậy thì người xứng đáng nhận chức danh này mới nhận được sự tôn vinh đầy đủ, để tự hào và tiếp tục có những đóng góp trí tuệ nhiều hơn cho đất nước.

Cù Tất Dũng
.
.