Miền trung thắp lửa yêu thương

Thứ Sáu, 06/11/2020, 10:27
Giữa những ngày miền Trung gồng mình trong bão lũ, khi những đoàn xe mang tình yêu thương của cả nước đến với đồng bào nơi đây thì vẫn xuất hiện những câu chuyện cảm động về tình người nơi rốn lũ vui như ánh mặt trời hửng sáng trong mưa.


Câu chuyện về vợ chồng anh Ăm Diệu, sống tại bản Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một ví dụ như thế. Khi phát hiện trong số áo quần cũ do một đoàn thiện nguyện tặng có 10 triệu đồng, dù là một hộ nghèo, lại đang chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai nhưng vợ chồng anh vẫn cương quyết báo cáo với chính quyền để trả lại số tiền trên. 

Hẳn ai trong số chúng ta cũng sẽ thốt lên: đó sức sống bền bỉ của sự trung thực, danh dự cao cả của một con người dẫu ở vào hoàn cảnh khốn cùng nhất. Nhưng có lẽ, nếu nhìn rộng ra tất cả những hành động đẹp trên cả nước mới thấy đây chính là món quà về sự lương thiện mà đồng bào miền Trung đang trao lại cho chúng ta.

Dù đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất nhưng vợ chồng anh Diệu vẫn muốn tìm chủ nhân của số tiền để trả lại.

Sau sự hy sinh của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Phó Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XIV) cùng 12 cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 4 gợi lên một cảm xúc bi hùng. Một lần nữa "khúc ruột miền Trung" lại khiến chúng ta đau đớn bởi những cái chết thương tâm. Nhưng, không phải lúc nào trong thời bình, ta cũng được ngưỡng vọng những tấm gương hy sinh cao cả như thế khi mà thời gian qua đã có không ít cán bộ, sĩ quan trong quân đội vi phạm pháp luật và bị xử lý kỉ luật.

Hình ảnh từ các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các ca sĩ, diễn viên của làng giải trí đến các em học sinh… hướng về miền Trung bằng các hành động thiết thực khiến chúng ta có một liên tưởng: dường như đang có một sức nóng lan tỏa với sự chân thành, tự nguyện và bền bỉ. Các em học sinh nhỏ tuổi gom những đồng tiền có mệnh giá nhỏ nhất dường như đã bị lãng quên, thất thế trong nền kinh tế thị trường. 

Thực tế ấy là sự thay đổi mạnh mẽ từ nội lực, bởi có lẽ mới hôm qua thôi, chính nhiều người trong số chúng ta biết đâu cũng đang ghen tỵ với gia đình hàng xóm về chiếc xe mới, vừa hí hửng với một món hàng mua rẻ với giá hời, vừa "vặt lông" được một "con gà béo" vì bán được thứ gì đó vốn có giá trị thấp hơn giá cả. Hay, những em nhỏ kia hôm qua vẫn còn mè nheo đòi bố mẹ mua đồ chơi, thích ăn quà vặt… Vậy mà, trước đau thương của miền Trung, cái lẽ nhân sinh "máu chảy, ruột mềm" đã làm tất cả thức tỉnh, dẫu đâu đó vẫn có kẻ nhẫn tâm kiếm lợi từ việc ăn chặn, cướp trên tay người dân đang chới với trong bão lũ.

Những tổn thất của mùa mưa bão này đã vượt qua cả sự hình dung của chúng ta. Dẫu vẫn biết miền Trung là nơi hàng năm phải chịu thiệt hại nặng nề nhất nhưng không thể ngờ sức tàn phá của mẹ thiên nhiên lại vượt ngưỡng đến thế. Nhìn cảnh lở đất ở Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế), ở hai xã Trà Leng và Trà Vân của huyện Nam Trà My và theo dõi con số thông kê đến ngày 25/10/2020, miền Trung có 130 người chết, 18 người mất tích sau 3 tuần… mới thấy tổn thất lớn này đã làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta như một sự chất vấn. 

Có thể sẽ phải có sự phân tích thấu đáo về ảnh hưởng của việc xây dựng các thủy điện nhỏ, của rừng, của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác mới có thể đưa ra kết luận. Nhưng, trong suy nghĩ của mỗi người, việc sử dụng đồng tiền, việc cùng vắt óc suy nghĩ ra những giải pháp để giúp nhân dân miền Trung nếu như các năm sau nữa mưa lũ vẫn tiếp tục tàn phá. Thay vì những thú vui giải trí bởi sự nhàn hạ mà nhiều khi đã vượt qua ranh giới của sự tử tế, nhiều người đã thực sự có những cách nghĩ thiết thực, có trách nhiệm hơn thể hiện trên các trang mạng xã hội. 

Lâu nay, chúng ta vẫn phải đang tích cực tìm kiếm những tấm gương người tốt, việc tốt để làm những ngọn hải đăng hướng thiện thì giờ đây, trong bữa cơm của từng gia đình, trên truyền hình, websize, mạng xã hội, những gương hi sinh, những tấm lòng nhân ái đang góp phần định hướng tích cực cho dư luận và giáo dục thế hệ trẻ.

Lâu nay, chúng ta vẫn đang tranh luận về cái được và mất từ sự phát triển của mạng xã hội. Có thể phải trải qua thời gian rất lâu mới có thể đánh giá chính xác được điều đó nhưng ít ra trong những ngày này, nó giúp chúng ta có được những thông tin của thiên tai, thấy được tâm sự của mọi người để cùng gắn kết, sẻ chia. Những tình cảm trân quý, tốt đẹp xuất hiện trên mạng xã hội dẫu chỉ là những lời cầu chúc cũng sẽ khiến cho đồng bào miền Trung đến một thời điểm nào đó được biết sẽ cảm thấy ấm lòng.

Một ý tưởng ủng hộ miền Trung - nguồn ảnh Báo Đà Nẵng.

Nhìn những ngọn lửa nhen lên để nấu nồi bánh chưng, bánh tét, chúng ta cảm thấy yêu thương hơn đất nước mình. Chiếc bánh cổ truyền chỉ được làm trong năm khi Tết đến, xuân về. Nhưng, cũng không có gì quan trọng bằng, khẩn thiết bằng và vui bằng những chiếc bánh ấy sẽ giúp được đồng bào ta đỡ đói lòng trong hoạn nạn. Hẳn sẽ có không ít người phán xét phong trào ấy là: lãng phí, tư duy bầy đàn, kém tinh tế… 

Thực ra, chúng ta cũng chưa bao giờ phải đối mặt với những tình huống ấy nên những thùng mì tôm, bánh chưng, lương khô vội vã ở những thời điểm lũ lụt là vô giá, và còn thể hiện sự chân thành, nhiệt huyết của tình tương thân tương ái trong cộng đồng. Thiết nghĩ, trước khi phán xét ai đó, bạn hãy đặt mình vào vị trí của người có tấm lòng. Không phải lúc nào cái tốt cũng đồng nghĩa với khéo léo, hiệu quả nhưng đó là cái gốc cho mọi hành động.

Từ hậu quả thiên tai của miền Trung và các hoạt động từ thiện, ngẫm ra được những điều sâu sắc để bổ sung vào những gì còn bất cập, thiếu hụt trong cuộc sống hiện nay.

1.Thiên tai ngày khắc nghiệt nhưng những hoạt động từ thiện cũng sẽ thường xuyên, liên tục và bài bản hơn. Việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi ủng hộ miền Trung đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm, bàn thảo bên lề cuộc họp cho thấy đây là một bước tiến đáng mừng. Có thể từ nay, chúng ta cần có những quy định phù hợp hơn vừa đảm bảo sự giám sát vừa thuận lợi cho người ủng hộ.

2. Đằng sau việc ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả là sự thay đổi trong nhận thức của mỗi người. Thiên tai có thể xảy ra với nhiều dạng khác nhau, bất kì ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Việc ủng hộ không chỉ là việc thiện, là tấm lòng, là sự thể hiện nghĩa đồng bào, tình đoàn kết của nhân dân trong nước mà còn như một sự tương tác. Hôm nay, ở đây chúng ta đang may mắn hơn, chúng ta sẵn sàng đưa bàn tay ra san sẻ khó khăn, biết đâu ngày mai có một sự không may mắn, chúng ta trở thành nạn nhân và sẽ được nhận lại.

3. Việc những cá nhân tham gia cùng với các tổ chức nhà nước khắc phục hậu thiên tai cũng mở ra những cách làm xã hội hóa tốt đẹp. Có lẽ không chỉ với những khó khăn trước mắt của nhân dân các tỉnh miền Trung mà từ nay cần có những tính toán kĩ hơn về những dự án, chương trình để giảm thiểu nguy cơ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng này. Cần xây dựng những cơ chế linh hoạt, cải cách các thủ tục để các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận và triển khai hơn. Từ các chương trình nhỏ lẻ đến quy mô, từ việc hỗ trợ "con cá" đến "chiếc cần câu", từ tài trợ phi lợi nhuận đến một sự hợp tác nào đó để tái đầu tư cho nguồn vốn thiện nguyện… tất cả đều có thể thực hiện được nếu chúng ta cùng chung tay.

Miền Trung vất vả, đau thương trước các trận bão lụt, miền Trung kiên cường giữ biên giới, biển khơi cho Tổ quốc. Nhưng có lẽ sau tất cả, miền Trung cũng khơi thêm ngọn lửa hướng thiện, là động lực để mỗi người dân trong cả nước bắt tay thực hiện những việc làm tốt đẹp, gợi mở những ý tưởng sáng tạo nhân văn hướng đến việc chăm sóc đời sống nhân dân hiệu quả hơn. Có thể sự khắc nghiệt của thiên tai sẽ không dừng ở đó nhưng chỉ cần tất cả đều đồng lòng, cùng nỗ lực đoàn kết và san sẻ sẽ giúp đồng bào vượt qua được những khó khăn trước mắt và có những tính toán lâu dài để đối phó với nguy cơ này.

Mai Phương
.
.