Giải thưởng âm nhạc Việt:

Mất thiêng vì lạm phát giải thưởng

Thứ Hai, 16/03/2015, 08:00
Thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới luôn được ví như "mùa giải thưởng" của các lĩnh vực, đặc biệt là âm nhạc bởi liên tục có tới hàng chục giải thưởng được trao. Thay vì háo hức chờ đợi như giai đoạn đầu, giờ đây, không chỉ khán giả mà ngay cả người trong cuộc cũng đã bắt đầu hờ hững với những giải thưởng được trao theo kiểu "đến hẹn lại lên". Sự nhàm chán và na ná nhau đã khiến các giải thưởng âm nhạc ngày càng “mất thiêng” và kém hấp dẫn trong lòng công chúng.

Loạn giải thưởng

Đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung và lĩnh vực âm nhạc nói riêng luôn tồn tại những khác biệt so với thế giới. Có một thực tế là ở một thị trường âm nhạc rất phát triển như Mỹ hằng năm chỉ có 2 giải thưởng uy tín được trao là Grammy (Giải thưởng được tổ chức bởi Viện thu âm nghệ thuật và khoa học Mỹ) và AMA (Giải thưởng âm nhạc Mỹ) thì ở Việt Nam có tới hàng chục giải thưởng được trao mỗi năm.

Bên cạnh những giải thưởng quen thuộc với thời gian tồn tại hàng chục năm như Làn sóng xanh, Zing Music Awards, Bài hát Việt, Mai vàng, HTV Awards, Cống hiến, Bài hát yêu thích, Album vàng… năm nay lại tiếp tục xuất hiện giải thưởng mới là Pops Awards với mục đích vinh danh những sản phẩm âm nhạc kỹ thuật số. Tình trạng mọc lên như nấm sau mưa của không ít giải thưởng là kết quả tất yếu của việc các kênh âm nhạc, các trang tin điện tử cùng vô số các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình liên tiếp ra đời.

Thực sự, với một "mặt trận" giải thưởng nhộn nhịp như vậy thì rõ ràng chỉ lo thiếu tác giả, tác phẩm xuất sắc chứ không lo thiếu giải thưởng.

Tuy nhiên, một điều mà bất kỳ người yêu nhạc nào cũng có thể nhìn ra, đó là phía sau sự rộn ràng của số lượng giải thưởng lại lộ diện một đời sống âm nhạc thiếu vắng những giá trị mới. Hàng chục năm qua, trên các giải thưởng âm nhạc vẫn là những cái tên quen thuộc bám trụ như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Quang Dũng, Đan Trường, Cẩm Ly…

Những cái tên quen thuộc như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng... vẫn thường xuyên được xướng lên tại các giải thưởng âm nhạc trong nước.

Khác với những giải thưởng thường là do khán giả bình chọn, giải thưởng Cống hiến được bình bầu từ lá phiếu báo chí cả nước. Mặc dù đôi khi cũng có lời ra tiếng vào ở một vài hạng mục nhưng Cống hiến vẫn là một trong những giải thưởng khiến giới làm nghề và dư luận khá hài lòng. Nhưng nhìn vào việc chỉ với riêng giải thưởng này, ca sĩ Tùng Dương được đề cử 12 lần và đoạt giải đến 8 lần đã cho thấy sự thiếu vắng những gương mặt mới có giá trị trong đời sống âm nhạc.

Giải thưởng âm nhạc bớt “thiêng” được lý giải bởi chúng ta đang có quá nhiều giải thưởng, mỗi giải thưởng lại có một tiêu chí khác nhau. Không chỉ các báo điện tử, các trang mạng xã hội mà giờ đây, các đơn vị truyền thông như Đài Truyền hình HTV, VTV cũng xây dựng những giải thưởng cho riêng mình. Nếu như HTV có HTV Awards thì VTV cũng tỏ ra không kém cạnh bằng Ấn tượng VTV…

Những giải thưởng này mặc dù nở rộ nhưng chưa thật sự có giải thưởng nào có tính khái quát cao đối với đời sống âm nhạc. Mà chỉ cần nhìn vào giải thưởng đó, khán giả thấy được sức cống hiến của nghệ sĩ cũng như có thể hình dung toàn diện về đời sống âm nhạc. Mỗi giải thưởng một tiêu chí nên với không ít nghệ sĩ, việc giành các giải thưởng có ý nghĩa như một cách sưu tập danh hiệu. Và khi đã hoàn thành bộ sưu tập ấy thì các nghệ sĩ bắt đầu lạnh nhạt với ngay cả sự tôn vinh đó. Đã có những nghệ sĩ cáo bận vắng mặt tại lễ trao giải, thậm chí thẳng thừng từ chối những giải thưởng đó với lý do để nhường lại cho các nghệ sĩ trẻ.

Dù lý do thế nào đi nữa thì những ứng xử ấy đã bộc lộ sự "mất thiêng" của những giải thưởng. Những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng liên tục nhận danh hiệu hết năm này đến năm khác, hết giải thưởng này đến giải thưởng kia vô hình chung đã biến những sự ghi nhận ấy thành món quà… xuống giá!

Nhàm chán, tẻ nhạt vì thiếu những nhân tố mới

Đời sống âm nhạc Việt không chỉ thể hiện sự tẻ nhạt bằng sự xuất hiện của những gương mặt quen tại các giải thưởng mà còn sự thiếu vắng nghệ sĩ trong các hạng mục. Tại giải Làn sóng xanh năm nay, giải "Nhóm nhạc yêu thích" đã tạm ngừng, ở giải Mai vàng thì lần đầu tiên nhiều hạng mục đề cử không đủ top 5 ca sĩ, ví dụ như hạng mục "Nam ca sĩ hát nhạc nhẹ", "Ca sĩ hát nhạc truyền thống cách mạng" chỉ có 4 ứng cử viên.

Không có gì bất ngờ khi tại lễ trao giải Làn sóng xanh năm nay, Ban tổ chức thông báo ca sĩ Mỹ Tâm sẽ không có mặt với lý do xin rút khỏi giải thưởng này cũng như một số giải thưởng khác để lo chuyên môn. Các năm trước, lần lượt một số ca sĩ cũng có ý định rút khỏi giải thưởng này như Đan Trường, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng…

Ngoài người quen thường gặp ấy thì một điều dễ nhận ra ở các giải thưởng âm nhạc trực tuyến và kỹ thuật số là tỉ lệ ca sĩ trẻ chiếm áp đảo. Đơn giản bởi vì khán giả trung thành của những đơn vị này không ai khác là lứa tuổi teen đầy cảm tính và dễ theo trào lưu. Những ca sĩ được các khán giả teen yêu thích hiện nay phải kể tới những cái tên như Sơn Tùng MTP,  Bích Phương, Trung Quân, Trúc Nhân… Tuy nhiên, những ngôi sao là kết quả sự yêu thích cảm tính, theo trào lưu của một bộ phận khán giả trẻ đã chưa thật sự là những giá trị âm nhạc khiến chúng ta yên tâm, tự hào.

Ca sĩ Tùng Dương đã có tới 8 lần đoạt giải Cống hiến.

Đã từng có những thời điểm, lượt nghe một ca khúc của ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTP đạt tới con số 200 triệu nhưng cũng ngay sau đó chính anh đã liên tục dính nghi án đạo nhạc, nhái phong cách của các nghệ sĩ đất nước Hàn Quốc...

Thật tiếc bởi nếu biết bình tĩnh và miệt mài tỏa sáng bằng chính thực lực của mình thì Sơn Tùng sẽ là một điểm nhấn tích cực trong đời sống âm nhạc Việt hiện nay. Tuy nhiên, điều này thật khó gặp trong tình trạng người người mong nổi tiếng nhanh bằng mọi giá. Vì thế có nhiều nghệ sĩ nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật nhưng nếu không trở thành thần tượng của giới trẻ thì các ca sĩ ấy thật khó có thể có mặt trên các bảng "phong thần".

Chết yểu vì chạy theo lợi nhuận

Một lý do nữa khiến giải thưởng không còn hấp dẫn chính vì "cha đẻ" của những giải thưởng âm nhạc này này đôi khi chỉ là một trang tin điện tử mới thành lập vài tháng, dùng giải thưởng và hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng như một cách quảng bá tên tuổi cho mình; Đôi khi vì những cái bắt tay giữa đơn vị truyền thông và những nhà kinh doanh mạng để tìm kiếm lợi nhuận từ các fan hâm mộ của các sao…

Những giải thưởng là kết quả từ tin nhắn, sự bình chọn qua mạng của khán giả nên không phản ánh đúng thự chất đời sống âm nhạc. Một thực tế là với những giải thưởng nghệ thuật danh giá trên thế giới, hiếm có trường hợp nào các nghệ sĩ từ chối nhận giải thưởng như ở Việt Nam. Với họ, mỗi lần được vinh danh là một lần khẳng định tên tuổi, đóng góp, phong độ của mình với âm nhạc trong nước cũng như quốc tế

Tất nhiên, không thể không kể tới một vài thay đổi nhỏ trong hệ thống giải thưởng năm nay. Ví dụ như ở giải thưởng âm nhạc Zing năm nay, hạng mục "Nghệ sĩ mới của năm" và "Nghệ sĩ của năm" chuyển cho truyền thông và Hội đồng nghệ thuật bình chọn thay vì khán giả bình chọn như những mùa trước, với mong muốn nâng cao tính chuyên môn và chất lượng giải thưởng. Sự thay đổi này kéo theo những cái tên mới xuất hiện như Vũ Cát Tường, Sơn Tùng MTP…

Hoặc tại giải Làn sóng xanh, ngoài hạng mục "Gương mặt triển vọng" đã có thêm hạng mục "Gương mặt phát hiện". Hạng mục này được dành cho những gương mặt hoàn toàn mới bước ra từ những cuộc thi âm nhạc trên truyền hình. Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ ấy không giúp nâng tầm các giải thưởng. Cảm nhận chung vẫn là những giải thưởng na ná nhau với những hạng mục "kêu" như "xuất sắc nhất", "yêu thích nhất", "bài hát/ nghệ sĩ của năm"… trong khi thật sự có những nghệ sĩ, hay ca khúc được vinh danh mà không ít người ngơ ngác hỏi nhau nghệ sĩ ấy là ai thế nhỉ, ca khúc ấy như thế nào… Thông qua các giải thưởng này, người ta chỉ có thể hình dung về thị trường nhạc số đang thay đổi từng ngày nhưng chỉ thiên về giải trí mà ít tính chuyên môn.

Khánh Thảo
.
.