Phim truyền hình về đề tài an ninh - trật tự:

Mảnh đất kén người trồng

Thứ Tư, 20/08/2014, 08:00
Cuộc đấu trí căng thẳng, đầy hiểm nguy giữa lực lượng Công an với tội phạm cùng các tình tiết hồi hộp gay cấn... luôn lôi cuốn khán giả khiến những nhà làm phim không thể bỏ qua đề tài an ninh - trật tự. Nhưng trên mảnh đất màu mỡ ấy, không phải ai mang cây đi trồng cũng hái được trái ngọt, quả thơm...

Nở rộ mùa phim về đề tài an ninh - trật tự

"Vết dầu loang" của đạo diễn Nguyễn Trọng Hải vừa chính thức trình chiếu trên kênh HTV9 - Đài Truyền hình TP HCM vào ngày 23/7. Đây là bộ phim nói về cuộc chiến khốc liệt của lực lượng An ninh với các thế lực phản động từ những ngày đầu đất nước giải phóng. Với chuyên án "Vết dầu loang - N89", lực lượng An ninh đã nhanh chóng tổ chức, "cài cắm" các sĩ quan an ninh vào các tổ chức phản động để từng bước vô hiệu hóa hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Bộ phim sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn những đóng góp thầm lặng của các chiến sĩ Công an trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước đó không lâu, bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 2" (đạo diễn: Đỗ Chí Hướng, NSƯT: Khương Đức Thuận; chỉ đạo nghệ thuật: đạo diễn Long Vân; cố vấn nghiệp vụ: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước) vừa kết thúc trên kênh HTV7. Phim cũng đã nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả lẫn phía những người trong nghề.

Từ khi khung Giờ vàng phim Việt của Đài Truyền hình Việt Nam ra đời, dòng phim hình sự đã liên tục lên sóng với những phim: "Cuồng phong", "Chuyên án chưa kết thúc", "Kẻ giấu mặt", "Đầm lầy bạc"… VTV3 đang phát sóng bộ phim "Những kẻ hai mặt" của đạo diễn Đặng Tất Bình và bộ phim hình sự "Cha và con" - phiên bản Việt của bộ phim Italia "Linda and The Cop" nổi tiếng. Nếu "Những kẻ hai mặt" kể lại quá trình nhân vật Vũ (Trung Dũng đóng) trả thù lần lượt từng người đã đẩy anh vào vòng tù tội thì "Cha và con" là những pha phá án hấp dẫn.

Không thể bỏ qua thể loại phim hình sự luôn hấp dẫn khán giả, các Đài Truyền hình và hãng phim tư nhân liên tục đầu tư vào phim mới. Sau khi bộ phim "Bên lề tội ác" kết thúc, Đài Truyền hình Vĩnh Long sẽ phát sóng "Thế lực ngầm". Đài đang đẩy nhanh tiến độ bấm máy phim "Tiếng cú đêm" dựa theo Chuyên án CM12 ở Cà Mau với sự tái xuất của diễn viên Hai Nhất - người góp phần làm nên thành công vang dội của "Những đứa con biệt động Sài Gòn 1" với vai ông trùm Bảy Xoài. Cũng dựa theo những chuyên án có thật, "Cung đường trắng" được thực hiện xoay quanh đề tài phòng chống ma túy. Các hãng tư nhân như Lasta, M&T Pictures, Sao Thế Giới, Vietcom… cũng ráo riết triển khai các kịch bản phim hình sự.

Lượng nhiều, chất ít…

Sức nóng của serie phim "Cảnh sát hình sự" khiến khán giả hào hứng chờ đợi một thời đang giảm dần ở những bộ phim cùng đề tài an ninh - trật tự đang nở rộ như nấm sau mưa. Ở nhiều phim, khán giả dễ dàng nhặt "sạn" bởi tình tiết dễ đoán hoặc vô lý; tâm lý, hành động của tội phạm không đúng logic; nhân vật Công an luôn được "lên gân"… Trong bộ phim "Truy tìm dấu vết" (đạo diễn Xuân Cường), các vụ phá án chóng vánh đến khó tin. Một doanh nhân và cô thư ký bị hai tên giang hồ cướp mất chiếc cặp trong tích tắc. Thế nhưng khi hai nạn nhân nêu đặc điểm nhân dạng đối tượng cho đội bảo vệ thì cả hai phác thảo gần như y chang hình xăm của tên giang hồ ngồi sau. Trí nhớ quả là "siêu đẳng". Chi tiết cực kỳ vô lý còn ở chỗ bọn giang hồ loay hoay đủ kiểu nhưng không mở được cặp trong khi Công an chỉ hỏi han qua loa, họp vài buổi rồi suy đoán là tóm gọn được chúng.

An ninh, trật tự luôn là đề tài hấp dẫn nhưng rất khó có được phim hay. Trong ảnh: Một cảnh trong phim "Cha và con".

Một nữ tác giả kịch bản ngao ngán khi chị xây dựng tay giang hồ có vẻ ngoài thư sinh, rất quỷ quyệt, giỏi công nghệ cao, nhưng khi vào phim thì đạo diễn chọn diễn viên có vẻ ngoài to lớn, bặm trợn, mặc áo rằn ri, đeo dây chuyền móng cọp… Chị cự nự thì đạo diễn quát: "Vậy mới là giang hồ" (!).

Nhiều pha hành động trong phim hình sự cũng gây ức chế. Cascadeur Đ.T tiết lộ, đạo diễn võ thuật chỉ cần cascadeur và diễn viên đấm, đánh sao cho đẹp mắt khi lên khung hình là được. Người ta thấy cảnh đấm đá cứ giả giả, diễn viên đánh như múa, đụng một tí là nạn nhân đã lăn quay hay bị lộn một vòng (rất điệu nghệ) nhưng trông cứ… như phim, rất không thật.

Người trong ngành hoặc am hiểu về nghiệp vụ Công an không thể chịu được sự ngô nghê của nhân vật Công an trong phim. Chuyên viết kịch bản phim về đề tài an ninh - trật tự, nhà văn Nông Huyền Sơn chỉ ra hàng loạt lỗi nghiệp vụ trong các phim hình sự mà anh từng xem: "Ở một phân cảnh, theo sự chỉ điểm của tên đàn em, Công an ập vào bắt ông trùm. Ông trùm bị còng tay thì Công an cho mấy tên đàn em xúm lại nhận diện. Tên bảo đây là ông trùm, tên bảo không phải. Về mặt nghiệp vụ, khi Công an bắt đối tượng xong không thể để chúng đối chất kiểu đơn giản như vậy. Cần phải cách ly tội phạm để tránh thông cung. Ở phim khác, một đại ca giang hồ bị Công an bao vây nhà. Mặc dù đối tượng đã giơ tay xin hàng và trong nhà không hề có sự bắn trả nhưng Công an vẫn núp chỗ này, chạy chỗ kia và cầm AK bắn lia lịa vào nhà, rất phi lý. Chi tiết đối tượng giơ tay đầu hàng, từ từ đi ra và tiếp cận xe Công an, thình lình giật súng của nữ Cảnh sát rồi bắt cô làm con tin rất ấu trĩ. Đối tượng đã đầu hàng thì sẽ bị Công an khống chế, còng tay, chứ không để hắn đi thong thả như vậy".

Theo nhà văn Nông Huyền Sơn phân tích: "Sự ngô nghê của nhân vật Công an trong phim phần nhiều do sự non tay, thiếu hiểu biết khi người ngoài ngành viết kịch bản hoặc đạo diễn không am hiểu về đặc thù của lực lượng Công an. Một số bộ phim không có người trong ngành làm cố vấn nghiệp vụ. Thiếu kinh phí, muốn có lời, hoặc áp lực tiến độ từ phía nhà sản xuất buộc họ phải quay vội dẫn đến cẩu thả, thiếu trau chuốt".

Để đảm bảo bộ phim "Vết dầu loang" mang tính thực tế, nghiệp vụ chính xác, trong gần 10 năm xây dựng kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn "Lữ quán đêm tử thần" của Đại tá Nguyễn Thiếu Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, đạo diễn Nguyễn Trọng Hải đã được sự cố vấn kỹ càng của tác giả. Vốn có nhiều bạn bè là sĩ quan an ninh, Cảnh sát nên đạo diễn Nguyễn Trọng Hải có một vốn liếng khá vững về nghiệp vụ Công an. Nhưng không chủ quan, anh còn mời Đại tá Nguyễn Anh Tuấn làm cố vấn chuyên môn trong từng phân cảnh. Đạo diễn Nguyễn Trọng Hải quan niệm: "Đề tài an ninh nhiều người đã làm, nên nếu làm không khéo sẽ dễ dẫn đến khô khan, tô hồng sự thật. Tôi cho rằng làm phim về đề tài an ninh, trật tự phải tôn trọng yếu tố chân thật và có cái nhìn khách quan nhất".

Điều khán giả hay phàn nàn tập trung nhiều vào dàn diễn viên trẻ vì cách diễn sượng, không ra dáng Công an ở tác phong, đi đứng chứ đừng nói đến chuyện thể hiện cho ra hình ảnh người chiến sĩ quả cảm, đa mưu túc trí. Diễn viên Huỳnh Trường Thịnh tâm sự: "Đóng vai Công an khá áp lực vì mình chưa thủ vai này nhiều. Cũng may là mỗi lần  vào vai, tôi được cố vấn rất nhiều ở khâu nghiệp vụ. Đạo diễn yêu cầu chúng tôi phải tiếp xúc với các chiến sĩ Công an ngoài đời thực để tìm hiểu tác phong chào hỏi, đi đứng, làm việc… và thể hiện sao cho đúng nhất".

Còn với diễn viên Lê Chi Na, chưa từng đóng vai Công an nên đảm nhận vai Thùy Linh - sĩ quan an ninh trong phim "Vết dầu loang", những cảnh hành động, rượt đuổi, đêm khuya đi điều tra trong rừng sâu… là những phân cảnh vô cùng lạ lẫm và khó khăn. Nhưng khó khăn nhất với cô vẫn là cảnh bắn súng. "Tôi biết nếu diễn viên trẻ như mình ngại khó, ngại tìm hiểu thì không thể hiện ra chất của người chiến sĩ Công an được. Vậy nên ngoài chuyện học võ, tôi xin đạo diễn cho tôi đóng cảnh bắn súng thật ở thao trường mà không cần người đóng thế, dù rất sợ tiếng súng nổ. Như vậy nó sẽ thật hơn là quay người đóng thế rồi mới quay cảnh mình cầm súng để ráp vào" - Lê Chi Na nói.

Muốn thu hút khán giả, ngoài việc có một kịch bản hay, chắc tay làm điều kiện "cần" thì điều kiện "đủ" là tài năng, bản lĩnh của đạo diễn, diễn viên, nguồn kinh phí, thời gian sản xuất và nhất thiết không thể thiếu cố vấn chuyên môn. Có thể nói, mảng đề tài này dù rất hấp dẫn nhưng không phải đạo diễn và nhà sản xuất nào cũng "dũng cảm" bắt tay vào làm để cho ra đời những bộ phim chất lượng, vì nguồn kinh phí eo hẹp, điều kiện làm phim khó khăn, kỹ xảo lẫn khói lửa còn rất lạc hậu…

Q.N.
.
.