Mạng ảo, hậu quả thật

Thứ Năm, 08/11/2018, 08:42
Tuần qua, tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đã nêu quan điểm về việc quản lý thông tin trên mạng xã hội. Bộ trưởng nhận định “mạng xã hội không còn là ảo nữa mà đã trở nên rất thật nên không thể bỏ trống chiến trường này”.


Ngày nay, mạng xã hội đang phổ biến và rất gần gũi với mọi người. Nó có thể giúp chúng ta dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt những thông tin quan trọng phục vụ cho đời sống cũng như trong công việc. Mạng xã hội mang đến nhiều tính năng vượt trội, trở thành công cụ rất quen thuộc với phần lớn người dân Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày, trong giao tiếp, trong giải trí, tìm kiếm và trao đổi thông tin, kể cả trong làm kinh tế cũng như các vấn đề an sinh xã hội khác liên quan, như: Giáo dục, văn hóa, y tế... 

Những lợi ích to lớn của mạng xã hội đối với đời sống con người là không thể phủ nhận nếu không muốn nói là đã trở thành một nhu cầu tất yếu, không thể thiếu của không ít người.

Tuy nhiên, khi một xã hội được hình thành, dù đây là một xã hội ảo, thì tính phức tạp cũng sẽ đi theo. Nơi đây có đầy đủ các mối quan hệ, những thương vụ kinh doanh, buôn bán, những trò chơi giải trí và những câu chuyện đủ ngóc ngách đời sống. Nguy hiểm hơn cả là tội phạm ảo cũng giống như tội phạm thật, tất cả cùng đan xen rất khó phân biệt.

Hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo sự thật, lèo lái thông tin theo những ý đồ xấu cũng theo đó tràn lan khắp nơi. Sự phát tán thông tin hỗn độn và sai lệch như thế làm cho nhiều người mất niềm tin vào cả nguồn thông tin, dẫn đến hậu quả là những thông tin tốt đẹp cũng có thể bị loại trừ, tẩy chay theo.

Sự ra đời của Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Những tệ nạn mới nảy sinh như việc lừa đảo, đe dọa qua các phương tiện truyền thông, buôn người, buôn bán ma tuý và hàng lậu; xuyên tạc, vu khống, chống phá các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm mục đích gây rối, bạo loạn, lật đổ, nhất là trước và trong các dịp diễn ra các sự kiện chính trị lớn, quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, chúng phát tán các loại vi rút, mã tin học độc hại nhằm vào hệ thống mạng của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của Nhà nước với mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng… đang là nỗi lo của những người có trách nhiệm trong xã hội.

Theo thống kê của Hiệp hội Internet Việt Nam thì hiện Việt Nam có khoảng 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số. Điều này đặt ra yêu cầu các nhà quản lý và người sử dụng thông minh phải tránh bị lợi dụng.

Thực  tế đã có nhiều sự kiện trong thời gian gần đây liên quan đến an ninh mạng không chỉ gây ảnh hưởng nhỏ lẻ đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước; nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, lợi ích quốc gia… chúng ta đang phải hứng chịu những hậu quả “thật” từ mạng “ảo” gây ra.

Từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã đang thông qua Luật An ninh mạng và Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Tuy nhiên, một số người không thiện chí đã xuyên tạc theo hướng Luật An ninh mạng làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; ngăn cản, “bịt miệng” người dân, ngăn cấm quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam đã khiến nhiều người dân băn khoăn, thắc mắc, hiểu không đúng về Luật An ninh mạng.

Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 2 tháng. Điều đó chứng tỏ Bộ Công an đã rất thận trọng và cầu thị để không còn tình trạng chỉnh đi chỉnh lại, thay đổi tăng hoặc giảm như một số luật của chúng ta đang hiện hành.

Luật pháp dù có chặt chẽ đến đâu đi nữa thì vẫn có những lỗ hổng, cho dù có còn thiếu sót thì điều tiên quyết là để định hướng đúng đắn đến người dùng mạng xã hội hiện nay, không bị cuốn vào những luồng thông tin xấu, độc; bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân và các quyền nhân thân khác của công dân.

Vì vậy, là công dân của đất nước, nếu ai đó không có ý đồ xấu thì cũng chẳng có gì phải sợ luật, chỉ trừ khi ta làm những chuyện trái với luật pháp của nước nhà. Mong rằng người dân hãy tích cực tham gia góp ý kiến cho quyền lợi, trách nhiệm của chính mình.

Cù Tất Dũng
.
.