Lưu trữ phim: Để điện ảnh thành di sản "sống"

Thứ Bảy, 26/01/2019, 07:38
Đa số những bộ phim trong kho của Hãng phim truyện Việt Nam đều thuộc loại 3 và 4 (tức là rơi vào tình trạng hư hỏng và hư hỏng nặng) nhưng vẫn không có kho đủ điều kiện để lưu trữ. Hầu hết các đơn vị có chức năng lưu trữ phim không có thiết bị số hóa... Đó là những thực tế được đưa ra tại Hội thảo "Phim như một di sản văn hóa" do Hội đồng Anh phối hợp với Viện phim Việt Nam tổ chức vừa qua.


Không chỉ là những thông tin chân thực về thực trạng lưu trữ phim mà Hội thảo còn mang đến góc nhìn mới về tương lai của lưu trữ phim Việt Nam. Làm thế nào để mỗi tác phẩm điện ảnh thực sự là một di sản sống, phát huy được giá trị trong đời sống hiện đại.

Không chỉ là một sản phẩm văn hóa với những chức năng đặc trưng như giải trí, thẩm mĩ, giáo dục... mỗi tác phẩm điện ảnh còn là một di sản văn hóa phản ánh một cách chân thực đời sống xã hội, tinh thần của con người trong mỗi một giai đoạn lịch sử cụ thể. Lưu trữ phim không đơn thuần chỉ là gìn giữ những thông tin, tư liệu mà còn là gìn giữ di sản quý báu cho đời sau. Việc lưu trữ phim có tầm quan trọng như vậy, song hiện nay đang gặp phải khá nhiều vấn đề khó khăn.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Lưu trữ phim, Viện phim Việt Nam: Thông qua chương trình "Kết nối di sản" mà Viện phim Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Anh tại Hà Nội thực hiện đã nhận được những kết quả giật mình về công tác lưu trữ phim.

Phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” vẫn được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.

Theo đó, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã tiến hành khảo sát tình hình lưu trữ phim và số hóa phim nhựa ở một số đơn vị đang thực hiện công việc lưu trữ phim như Viện phim Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Trung tâm tư liệu Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Kỹ thuật truyền hình Công an nhân dân, Trung tâm lưu trữ quốc gia 3... thì hiện tại có hơn 100.000 cuốn phim đang được lưu trữ.

Cụ thể như tại Trung tâm tư liệu Truyền hình CAND 1.061 cuốn, Hãng phim truyện Việt Nam có 1.498 cuốn phim nhựa; Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 có 362 cuốn phim nhựa, Hãng phim hoạt hình Việt Nam có 350 cuốn phim nhựa. Bộ phim hoạt hình cũ nhất là "Đáng đời thằng cáo". Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương có 11.856 cuốn phim nhựa trong đó phim được sản xuất sớm nhất là "Giữ làng giữ nước" (sản xuất năm 1955). Còn tại Viện phim Việt Nam hiện đang lưu giữ 44.455 cuốn phim nhựa. Phim lâu đời nhất là "Dưới mắt Phật Thích Ca Mâu Ni", sản xuất năm 1923 (do chính phủ Pháp tặng).

Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, chất lượng phim được chia làm 4 loại phim: Tốt, hỏng nhẹ, hư hỏng và, hỏng nặng. Theo đó, chỉ duy có phim tại Viện phim Việt Nam trong kho: loại 1 chiếm : 95,2%. Còn lại ở các đơn vị khác phim đều rơi vào tình trạng hư hỏng hoặc hư hỏng nặng.

Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh thì 90% ở loại 3 và 4. Tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương: Loại 1 chỉ chiếm 10%, Loại 2: 15%, loại 3: 25% và loại 4 chiếm tới 50%. Các phim ở Hãng phim truyện Việt Nam hầu hết là loại 3 và loại 4. Tình trạng này là kết quả của nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, quan trọng nhất là do điều kiện của các kho lưu trữ thực tế không đáp ứng được yêu cầu bảo quản dài hạn. Hãng phim truyện Việt Nam hiện không có kho chuyên dụng, đúng điều kiện để bảo quản phim mà  phải để trong phòng làm việc bình thường. Chính điều kiện bảo quản không đảm bảo sẽ làm suy giảm tuổi thọ phim.

Điều đáng nói là hiện tại, các kho lưu trữ của Việt Nam chỉ đảm bảo bảo quản trung hạn: phim nhựa lưu trữ được 10 năm đến 500 năm còn để bảo quản dài hạn thì chưa nơi nào đáp ứng được. Tuổi thọ của phim trong thực tế luôn thấp hơn dự tính vì ảnh hưởng của độ ẩm trong không khí và tần suất sử dụng, khai thác phim.

Một trong những cách mà nhiều đơn vị lưu trữ phim đang thực hiện nhằm bảo quản phim một cách tốt nhất là số hóa phim nhựa. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các đơn vị đều không có thiết bị số hóa. Một số đơn vị tự số hóa bằng cách chiếu phim và quay lại. Chỉ riêng có Viện phim Việt Nam thì thuê dịch vụ bên ngoài để số hóa. Cho đến thời điểm này đã số hóa được khoảng 30 bộ phim truyện. Tuy nhiên, việc số hóa còn gặp nhiều vấn đề vì với tốc độ số hóa hiện nay, mỗi năm sẽ thực hiện được hơn 1.000 cuốn, trong khi đó ở trong kho có khoảng 40.000 cuốn phim cần phải số hóa.

Bản thân việc lưu trữ phim đang đặt ra khá nhiều vấn đề, tuy nhiên làm thế nào để những bộ phim trở thành những di sản văn hóa sống, có ảnh hưởng tích cực đến đời sống hiện đại là điều mà nhiều đại biểu có mặt tại hội thảo trăn trở.

Nhà báo Lê Hồng Lâm, tác giả cuốn sách "101 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam" chia sẻ: "Khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm tài liệu nhất là giai đoạn điện ảnh Bưng Biền. Tôi đã phải xem "Kiếp hoa" - một bộ phim được sản xuất sớm nhất của Việt Nam trên Youtube trong tình trạng rất cũ. Không chỉ có vậy, lý luận phê bình của lĩnh vực này khá ít ỏi.

Phim “Đến hẹn lại lên” được trình chiếu trong khuôn khổ Hội thảo: “Phim như một di sản”.

Với tôi, việc ra đời cuốn sách ban đầu chỉ với mong muốn cá nhân: bổ sung tư liệu cho mình trong một giai đoạn điện ảnh nào đấy. Sau này, khi có điều kiện giảng dạy cho các bạn trẻ thế hệ 9x, 2000, tôi giật mình khi có những bạn không biết gì về điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi được nghe giới thiệu, được xem trích đoạn thì chính các bạn ấy lại về tìm lại những bộ phim đó để xem. Tôi hạnh phúc vì góp phần lan tỏa được tình yêu phim Việt cũng như xóa được một chút định kiến về phim Việt trong lòng khán giả trẻ".

Theo ông Nguyễn Như Vũ, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thì mặc dù sản xuất phim mới là nhiệm vụ chính nhưng đơn vị rất coi trọng công tác lưu trữ phim. Cho đến nay, trong kho của đơn vị có gần 12.000 cuốn phim nhựa và gần 4.000 băng đĩa.

Đơn vị cũng đang lưu giữ khá nhiều thước phim tư liệu quý chưa dùng đến. Đây thực sự là những kho tư liệu "vàng" về đất nước, con người Việt Nam. Không chỉ lưu giữ, việc khai thác tư liệu này vẫn được áp dụng với nhiều đối tượng khác nhau. "Mỗi đơn vị, cá nhân đến với chúng tôi với mục đích khác nhau. Nếu chúng tôi đáp ứng được chúng tôi luôn sẵn sàng.

Đã có những quy định chung và cụ thể về việc trích xuất phim. Hiện nay, mới chỉ các đơn vị đáp ứng được những quy định về mặt tài chính khi trích xuất phim, còn các cá nhân thì chưa đáp ứng được. Trong khi đó, Hãng phim vẫn chủ yếu phục vụ miễn phí theo mục đích tuyên truyền của Nhà nước".

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu phim chỉ lưu trữ trong kho sẽ chỉ là những tư liệu "chết". Làm thế nào để phim thực sự là những di sản văn hóa sống, có tác động sâu rộng và thường xuyên trong đời sống hiện đại vẫn là điều đáng bàn. Hiện nay, đã có một số mô hình lưu trữ phim tư nhân độc lập.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lưu trữ khác với bộ sưu tập cá nhân ở sự tương tác qua lại giữa lưu trữ và sử dụng, cũng như lôi kéo được cộng đồng cùng tham gia. Điện ảnh là di sản và chỉ có thể làm giàu được vốn di sản khi có sự giao lưu, trao đổi với các đơn vị khác. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, chúng ta mới chỉ lưu trữ được phim trong nước, chưa thể lưu trữ được phim nước ngoài như một số Liên hoan phim quốc tế đã thực hiện được.

Rõ ràng, hiện tại chúng ta mới chỉ lưu giữ được di sản mà chưa có những phương pháp để làm giàu di sản, mang di sản đến với cộng đồng. Bởi thực tế, để có thể sử dụng, phát sóng phim lại liên quan tới vấn đề bản quyền, chủ sở hữu của những thước phim đó.

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, để có thể khiến việc lưu trữ phim đa dạng và linh động hơn rất cần có sự vào cuộc của những đơn vị lưu trữ phim độc lập bên cạnh những đơn vị lưu trữ phim thuộc là Nhà nước. Đó cũng là xu hướng của điện ảnh quốc tế, góp phần đưa điện ảnh - di sản "sống", phát huy được sứ mệnh trong đời sống hiện đại.

Khánh Thảo
.
.