Lùm xùm ảnh ghép đoạt giải cao: Vì đâu nên nỗi?

Thứ Bảy, 15/10/2016, 08:00
Thời gian gần đây, tại nhiều liên hoan ảnh khu vực do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức xảy ra chuyện những bức ảnh ghép lại được trao giải, thậm chí là giải cao (Huy chương Vàng, Bạc). Câu chuyện không chỉ gây bức xúc trong giới nghệ sĩ, không chỉ khiến các tác giả chưa nhận giải đã phải làm đơn “từ chối”, mà còn đặt ra một vấn đề mang tính mấu chốt hơn: để xảy ra chuyện này, lỗi tại ai?


Vụ việc lùm xùm gần đây liên quan đến bức ảnh “Ấm no ở vùng cao” của tác giả Vũ Chiến (Yên Bái). Một bức ảnh mà thoạt nhìn, ai nấy đều thấy đẹp, và đánh giá tác giả đã bắt được khoảnh khắc đắt giá. Bức ảnh này tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16 - năm 2016 vừa diễn ra ở TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã được Ban giám khảo quyết định trao một trong hai huy chương Vàng của Liên hoan.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả được thông báo, nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, thông thạo cuộc sống - con người vùng Tây Bắc đã phân tích và khẳng định, đây là bức ảnh ghép. Cụ thể, con chó và con vịt trong bức ảnh được cho “không có trong sự thật”, là sản phẩm của photoshop! Sức ép của dư luận khiến tác giả Vũ Chiến đã làm đơn xin rút khỏi cuộc thi, đồng thời từ chối nhận giải Nhất.

Câu chuyện này lập tức khiến người ta nhớ tới một bức ảnh khác, cũng được trao giải cao. Đó là tại Liên hoan Ảnh khu vực Hà Nội lần thứ V - năm 2016 do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội phối hợp tổ chức mới diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, bức ảnh được Ban tổ chức công bố được huy chương Vàng là tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như bị tố là chắp ghép. Sau khi xem xét, Ban tổ chức lập tức phải ra thông báo rút lại Huy chương Vàng đối với tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An”.

“Họa sĩ Phan Kế An” - bức ảnh của tác giả Nguyễn Đắc Như.

Ngay sau đó, tác phẩm "Vì thành phố xanh - sạch - đẹp" của tác giả Phạm Hoài Nam được công bố đoạt Huy chương Bạc của liên hoan này cũng bị tố là lắp ghép thô thiển. Cụ thể, nhiều người phát hiện trong đó có hình ảnh nữ công nhân đã được tác giả “nhân bản” bằng kỹ thuật nhằm tạo sự “hoàn hảo” cho bố cục khuôn hình.

Cũng hồi tháng 7 năm nay, tại Liên hoan Ảnh khu vực TP Hồ Chí Minh, dư luận cũng dậy sóng vì bức ảnh đoạt giải Nhì - tác phẩm “Ném đĩa” của Nguyễn Sinh Long bị “tố” dàn dựng, phi logic của bức ảnh này. Cụ thể, chân ghế vận động viên ngồi ghép nối 2 khúc không thẳng hàng là một thanh sắt từ trên xuống đất; tư thế ném đĩa không đúng nguyên tắc khi thi đấu của người khuyết tật; bóng đổ của nhân vật không hợp lý...

Tuy nhiên, Ban giám khảo vẫn quyết định trao giải cho tác giả Nguyễn Sinh Long. Bởi theo lý giải của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Minh Sơn- Trưởng ban Giám khảo Liên hoan: “Bức ảnh nếu có chắp ghép thì chỉ sai về lỗi kỹ thuật chứ không sai sự thật, vì vẫn là vận động viên khuyết tật trong cuộc thi đấu. Hơn nữa, ý nghĩa của bức ảnh “Ném đĩa” rất nhân văn”.

Có thể nói, câu chuyện ảnh ghép đoạt giải cao trong một số liên hoan ảnh gần đây đã gây dư luận không mấy hay ho trong giới những người làm nghề. Tuy nhiên, cũng có những lập luận cho rằng, chúng ta cần phải khách quan khi mổ xẻ câu chuyện. Ở đây, không phải là câu chuyện tác giả lừa dối, qua mặt Ban tổ chức, Ban Giám khảo.

Không có chuyện file gốc cũng bị chỉnh sửa khiến người chấm không phân biệt nổi. Chúng ta cần phải tìm hiểu rõ thể lệ cuộc thi liên hoan gây ra những lùm xùm như vừa qua. Mỗi cuộc thi, mỗi liên hoan đều có những thể lệ riêng. Nếu vi phạm thể lệ cuộc thi thì Ban giám khảo (các vòng sơ khảo, trung khảo…) phải loại ra, nếu không phát hiện mà trao giải thì là chuyện khác.

Còn khi thể lệ cuộc thi ghi: “Chấp nhận các tác phẩm được xử lý bởi các thủ pháp kỹ thuật, nhưng không được chắp ghép làm sai lệch hiện thực” thì các nhà nhiếp ảnh họ có quyền ghép ảnh. Còn thế nào là một bức ảnh làm “sai lệch hiện thực” thì không được định nghĩa rõ ràng ngay từ đầu.

"Vì thành phố xanh - sạch - đẹp" - bức ảnh của tác giả Phạm Hoài Nam.

Tại cuộc hội thảo diễn ra sau lễ trao giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16 vừa qua, nhiều ý kiến thẳng thắn đề nghị Ban tổ chức cần xem xét lại thể lệ của các cuộc thi, liên hoan ảnh của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cho rằng, mấu chốt khiến các cuộc thi, liên hoan ảnh gần đây lùm xùm chuyện “ảnh chắp ghép đoạt giải cao” chính là vị thể lệ cuộc thi ảnh, liên hoan.

Việc thể lệ có ghi “chấp nhận các tác phẩm được xử lý bởi các thủ pháp kỹ thuật, nhưng không được chắp ghép làm sai lệch hiện thực” đã dẫn đến việc các tác giả gửi hàng loạt ảnh ghép tới tham gia. Với thể lệ này, tác giả không sai. Nhưng khi lùm xùm xảy ra, dư luận lên tiếng thì Ban tổ chức, Ban giám khảo lại lúng túng. Thậm chí, việc rút giải thưởng như vừa diễn ra chỉ là để xoa dịu dư luận chứ chưa khiến người trong cuộc “tâm phục khẩu phục”.

Một vài tác giả, vì sức ép và sự tự trọng đã làm đơn xin rút giải, rút luôn tất cả các tác phẩm gửi tham gia, từ chối trưng bày triển lãm cũng là một động thái tỏ bày về sự làm việc thiếu chuẩn mực.

Có nhà nhiếp ảnh bình luận, thể lệ đưa ra như thế chẳng khác gì “một cái thòng lọng”, khiến “chính Ban tổ chức, Ban giám khảo lẫn người chụp ảnh đều phải chui đầu vào và mang tiếng xấu”. Tuy vậy, đứng từ phía đơn vị tổ chức là Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thì cũng có những lý do riêng. Không phải họ không biết về cái câu “gây tranh luận” trong thể lệ cuộc thi. Họ đã biết, nhưng vẫn để.

Trao đổi với truyền thông, ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội cho rằng, dù tạo ra sự hiểu lầm cho người dự thi nhưng đến nay, quy chế này vẫn chưa sửa là bởi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam muốn tạo ra sân chơi thoáng cho tất cả anh em nghệ sĩ.

“Ấm no ở vùng cao” - bức ảnh của tác giả Vũ Chiến.

Trước ý kiến Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam là hội nghề nghiệp thì cần rạch ròi khi tổ chức các cuộc thi, ông Vũ Quốc Khánh thừa nhận: “Đúng ra, nhiếp ảnh phải chia thành hai sân chơi riêng biệt là ảnh đồ họa (chấp nhận cắt ghép) và ảnh hiện thực. Nhưng với các cuộc chơi mang tính phong trào, từ trước tới nay chỉ có một sân chơi, được gọi chung trong một cái tên là "Liên hoan Ảnh khu vực".

Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam từng có ý định phân định rạch ròi giữa ảnh hiện thực và ảnh đồ họa, thì vấp ngay phải ý kiến cho rằng, hội sẽ bóp nghẹt các cuộc thi phong trào nếu không cho sử dụng photoshop. Tuy nhiên, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ thông qua Ban chấp hành để khắc phục những tồn tại của các Liên hoan Ảnh khu vực.

Cụ thể sẽ tiến tới không chấp nhận ảnh chắp ghép, tác giả phải gửi file gốc (file raw) về Ban tổ chức để đối chiếu, thậm chí có thể sẽ không tiến hành chấm ảnh công khai. Gần đây, cũng xuất hiện luồng ý kiến cho rằng, khi thế giới công nghệ số phát triển, bên cạnh dòng nhiếp ảnh hiện thực cũng cần có thêm những sân chơi dành cho những nhà nhiếp ảnh đam mê sáng tạo, nhưng phải rõ ràng, minh bạch.

Bởi thế, trong khi còn lập lờ "tranh tối tranh sáng" như hiện nay, chỉ trông chờ vào sự trung thực của tác giả là không đủ, mà đòi hỏi trình độ chuyên môn của các ban giám khảo phải thực sự được nâng lên, tiếp cận với công nghệ mới để kịp thời phát hiện ra những sai phạm của tác giả có tác phẩm dự thi và phân định tác phẩm ảnh đang thuộc thể loại nào.

Không thể cứ để xảy ra hiện tượng "mất bò mới lo làm chuồng",  "trao giải" rồi lại phải "gỡ giải" như hiện nay khiến các giải thưởng nhiếp ảnh đang trở nên "mất thiêng" và nhộm nhoạm như thời gian gần đây.

Hà Anh
.
.