Luật Xuất bản sửa đổi: Hy vọng gì cho bản quyền sách điện tử?
Bắt đầu từ 1/7/2013, Luật Xuất bản sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực. Sách điện tử (hay còn gọi là ebook) trở thành vấn đề nóng trong Luật Xuất bản lần này, thu hút sự quan tâm của người trong giới. Từ điều 25 khá sơ sài trong Luật Xuất bản sửa đổi năm 2004, vấn đề xuất bản phẩm điện tử đã được đề cập hẳn thành một chương (chương 5) với những điều khoản khá chặt chẽ, hệ thống. Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả trên thực tế khi Luật có hiệu lực.
Cơ hội cho thị trường ebook chính thống
Mặc dù thị trường ebook ở Việt Nam mới phát triển trong vài năm trở lại đây, hoạt động còn manh mún, chưa có hệ thống quy mô theo mô hình nhà xuất bản ebook, nhưng nó lại được đánh giá là thị trường tiềm năng của hoạt động xuất bản và sẽ bùng nổ trong tương lai. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các thiết bị công nghệ số như điện thoại thông minh, máy tính bảng… với giá thành ngày càng rẻ và tính năng cao giúp người sử dụng dễ dàng tiếp cận với ebook. Trên thế giới, trào lưu ebook phát triển ở các nước tiên tiến đang tác động tích cực đến thị hiếu của độc giả Việt Nam.
Là một kênh đọc sách của sách in nhưng ebook có rất nhiều tiện ích phù hợp với nhịp sống hiện đại. Người sử dụng ebook có thể sở hữu hàng ngàn cuốn sách trong một chiếc máy tính, điện thoại gọn nhẹ. Ngoài ebook tĩnh (như định dạng pdf, prc…), còn có ebook tương tác gồm các tiện ích thú vị như chơi game, thưởng thức hình ảnh, clip, âm thanh sống động... Đặc biệt, giá ebook chỉ bằng 50% - 80% sách in. Công ty Sách điện tử Trẻ - Ybook (Nhà xuất bản Trẻ) bán lẻ mỗi cuốn từ 1.900 đến 9.900 đồng. Hiện nay, các đơn vị xuất bản và phát hành ebook chính thống (có bản quyền) với quy mô chuyên nghiệp chỉ có Alezaa, Lạc Việt (vốn là những công ty công nghệ kết hợp các nhà xuất bản, nhà sách), NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Ybook… Đánh giá về thị trường ebook tại Việt Nam, ông Hoàng Xuân Thiều, Giám đốc dự án ebook của Công ty văn hóa Phương Nam cho biết: "Thị trường ebook chính thống ở Việt Nam mới bắt đầu, mang tính thử nghiệm là chính và còn rất nhiều thách thức ở phía trước. Cơ hội đầu tư vào ebook vẫn còn nhiều, nhưng đó là đầu tư dài hạn, không thể thu lợi nhanh chóng".
Theo ông Thiều, khó khăn lớn nhất của dự án chính là sự cạnh tranh của các kênh cung cấp ebook chưa có bản quyền tràn lan trên mạng. Đây không chỉ là khó khăn riêng của đơn vị này mà còn là khó khăn chung của nhiều đơn vị xuất bản khác. Mặc dù đã khởi động từ năm 2009, nhưng mãi đến cuối năm 2012, sau một thời gian dài khựng lại, Ybook mới chính thức ra đời vì chưa tìm được công nghệ bảo vệ bản quyền phù hợp và tiếp cận thị trường. Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty Sách điện tử Trẻ - Ybook không khỏi ngao ngán: "Hiện nay, nguồn cung cấp ebook có bản quyền của chúng tôi mới phát triển được 2000 tựa sách với 10.000 người đăng ký mua. Chúng tôi chưa dám hy vọng sẽ có doanh thu bởi để hoàn vốn đã là điều rất khó vì mức đầu tư cho sách điện tử tốn kém nhưng khâu phát hành lại gặp khó khăn. Trên các wesite, diễn đàn, mạng xã hội, người ta dễ dàng đưa hàng loạt cuốn sách lên để chia sẻ với các thành viên miễn phí hoặc có thu tiền. Một cách nữa là viết ra một phần mềm rồi cài vào Iphone, Ipad, thực chất phần mềm đó là sách. Người mua Iphone, Ipad có thể đọc miễn phí. Những nguồn cung cấp ebook này không có cơ quan nào quản lý nên ngày càng phát triển mạnh. Chúng tôi cũng ngán ngẩm chuyện kiện tụng vì nếu kiện thì không đi đến đâu".
Cũng theo ông Vinh, trong khi làm ebook có bản quyền rất vất vả vì phải qua nhiều khâu xử lý kỹ thuật cũng như quy trình thủ tục, hợp đồng tác quyền không khác gì sách in thì sách điện tử lậu lại vô cùng dễ làm. Chỉ cần am hiểu công nghệ thông tin thì ai cũng có thể xuất bản mà không cần xin phép. Chính vì thế dẫn đến đầy rẫy hệ lụy. Ngoài lỗi hình thức như sai chính tả, bể chữ, tranh, ảnh…, nội dung của các cuốn sách này cũng không thể đảm bảo vì không ai kiểm duyệt. Một số cuốn sách có nội dung đồi trụy, phản động, kinh dị… bị thu hồi khi phát hành sách giấy nhưng vẫn vô tư tràn ngập trên mạng bằng hình thức ebook. Mặc dù vậy, các đơn vị xuất bản ebook chính thống cũng không thể chạy đua với ebook lậu về số lượng và sự tiện lợi. Bạn đọc chỉ cần vài thao tác là dễ dàng tải về mà không phải mất xu nào. Có sẵn nguồn cung miễn phí, độc giả khó hình thành thói quen bỏ tiền ra mua ebook có bản quyền với hình thức thanh toán trực tuyến còn khá mới mẻ.
Người sử dụng thiết bị công nghệ số gia tăng là cơ hội cho thị trường ebook. |
Do vậy với Điều 25 gồm 2 mục khá sơ sài về sách điện tử trong Luật Xuất bản sửa đổi năm 2004, vấn đề sách điện tử gần như bị bỏ ngỏ trong khi đây là lĩnh vực mới và phức tạp. Luật Xuất bản sửa đổi lần này đã dành hẳn chương 5, gồm 11 điều nêu cụ thể các vấn đề như: Điều kiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện phát hành xuất bản phẩm điện tử; cách thức thực hiện xuất bản và phát hành; kỹ thuật và công nghệ; nộp lưu chiểu; quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử; nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử và xử lý vi phạm… cho thấy vấn đề hoạt động và thị trường sách điện tử đang được đặc biệt quan tâm dưới góc độ quản lý nhà nước.
Có là "vòng kim cô"?
Luật sắp có hiệu lực, nhưng hầu hết thái độ của các đơn vị xuất bản và phát hành ebook không mấy mặn mà. Nhiều người không khỏi thờ ơ và cho rằng thị trường ebook sớm muộn gì cũng "loạn" như thị trường nhạc số. Bởi từ nhiều năm nay, Việt Nam đã tham gia Công ước Berne, đã có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật về tác quyền, Luật về thương mại điện tử… để xử lý ebook lậu nhưng rút cuộc nó vẫn ngang nhiên tồn tại. Đến nay nếu có thêm một "chiếc roi" mới thì cũng không ăn nhằm gì. Rất khó để Luật Xuất bản sửa đổi có tác dụng như một chiếc "vòng kim cô" cho thị trường ebook vốn đang phát triển phức tạp như hiện nay.
Ông Hoàng Xuân Thiều e ngại: "Đúng là Luật Xuất bản sửa đổi kỳ này đã bước đầu tạo được hành lang pháp lý để ebook phát triển hơn. Tuy nhiên luật là một chuyện còn việc thực thi như thế nào là rất khó. Rất nhiều công việc cần phải làm và sẽ mất rất nhiều thời gian, cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành có liên quan". Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của nhiều tựa ebook có bản quyền và ebook lậu tràn lan trên mạng, bức xúc khi cho rằng việc xử lý vấn nạn vi phạm bản quyền sách in được làm khá rầm rộ, tổ chức nhiều cuộc "càn quét" mấy chục năm qua còn chưa thấm vào đâu thì xử lý ebook lậu rất khó. Có nhà xuất bản chống ebook lậu bằng cách bán ebook thật rẻ, thậm chí 1.000 đồng một cuốn để không ai thèm làm lậu. Tuy nhiên cách làm này chỉ là biện pháp "cực chẳng đã".
Ông Đồng Phước Vinh cho biết: "Việc thực thi luật của các cơ quan chức năng vẫn nhập nhằng, chồng chéo. Do đó, chúng tôi đành tự cứu mình bằng cách tập trung phát triển kho sách cho tốt vì hiện nay sách có bản quyền còn quá ít, không cung cấp đủ số lượng cho độc giả. Ước tính ebook có bản quyền hiện nay không quá 10.000 tựa sách trong thị trường ebook của Việt Nam, một con số quá nhỏ. Ngoài việc hoàn thiện công nghệ bảo vệ bản quyền cho mỗi file ebook, chúng tôi tiến hành củng cố nội dung, cung cấp nhiều tiện ích, giá thấp hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đi tìm đối tác có ý thức dùng ebook có bản quyền như các thư viện, trường học…".
Nhiều đơn vị sản xuất ebook như Alezaa, Lạc Việt, Nhà xuất bản Giáo dục (cung cấp sách giáo khoa điện tử), FPT… tiếp tục phát triển công nghệ bảo vệ ebook. Ebook đã tải xuống sẽ không đọc được nếu sao chép sang thiết bị khác, không chỉnh sửa, không in được. Tuy nhiên một đại diện của Công ty sách Chibooks, đơn vị hợp tác cùng Alezaa, cho rằng với các phần mềm quét, chụp màn hình tiên tiến thì chuyện sao chép không có gì khó khăn. Nếu ebook bán chạy, có lợi nhuận cao thì không ai dám chắc rằng khóa bảo vệ bản quyền sẽ không bị bẻ như Alezaa từng gặp phải.
Sự phát triển của ebook là tất yếu. Chỉ hy vọng rằng Luật Xuất bản sửa đổi thực thi, các đơn vị sản xuất ebook có bản quyền, đặc biệt là các tác giả có thể yên tâm và sống được khi đầu tư vào thị trường đầy mới mẻ này, góp phần nâng cao văn hóa đọc của giới trẻ thời công nghệ số