Luật Nghệ thuật biểu diễn: Quy định mới mang nhiều kỳ vọng

Thứ Hai, 30/11/2015, 08:00
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên cả nước ngày càng phát triển muôn hình vạn trạng đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức của người dân. Dưới sự hậu thuẫn của Internet, các phương tiện kỹ thuật số, nghệ thuật biểu diễn dễ dàng tiếp cận công chúng. Thế nhưng, giữa sự bùng nổ đó phát sinh không ít điều bất cập khiến các cơ quan chức năng đau đầu...

Giới chuyên môn mong chờ sớm có luật

Mai Quỳnh Nga

Tổ chức biểu diễn không xin phép; tự ý tăng giá vé; nghệ sĩ mặc trang phục phản cảm; ca khúc có lời tục tĩu; người đẹp thi chui các cuộc thi nhan sắc; sử dụng tác phẩm biểu diễn thu tiền nhưng không trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ... là hàng loạt vi phạm nổi cộm của hoạt động nghệ thuật biểu diễn những năm qua. Trong đó, các cuộc thi người đẹp tổ chức chui, người mẫu thi chui đang có chiều hướng gia tăng.

Gần đây nhất là cuộc thi "Trai độc, Gái lạ" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh bị xử phạt hành chính. Cuộc thi "Hoa khôi trí tuệ thanh niên Việt Nam 2015" bị phạt 1,5 triệu đồng vì không thông báo về nội dung quảng cáo trên băng rôn đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương. Cuộc thi tìm kiếm người mẫu mà Công ty Venus gọi là buổi casting bị xử phạt 49 triệu đồng vì không có giấy phép. Năm 2014, cuộc thi "Miss Vietnamtoday 2014" và "Người mẫu Việt Nam 2014" đều tổ chức không đúng quy định…

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên cả nước ngày càng phát triển muôn hình vạn trạng đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức của người dân. Dưới sự hậu thuẫn của Internet, các phương tiện kỹ thuật số, nghệ thuật biểu diễn dễ dàng tiếp cận công chúng. Thế nhưng, giữa sự bùng nổ đó phát sinh không ít điều bất cập khiến các cơ quan chức năng đau đầu.

Luật Nghệ thuật biểu diễn được kỳ vọng sẽ là ngọn roi đủ sức răn đe, chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ hội nhập.(Trong ảnh: Một tiết mục của ca sĩ Hương Tràm bị cho là ăn mặc hở hang, phản cảm).

Trên mặt trận văn hóa, có thể xếp lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở tuyến đầu. Do đó, những sai phạm trong lĩnh vực này đang có những tác động rất tiêu cực đến định hướng thẩm mỹ, xây dựng nhân cách và tâm hồn của người Việt, nhất là thế hệ trẻ trong thời đại mới. Các vụ xử lý vi phạm vẫn chỉ là vuốt đuôi, chạy theo việc đã rồi được báo chí, người dân phản ánh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm 2014 và 2015, với các vụ việc vi phạm điển hình, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đã xử phạt 21 trường hợp với số tiền gần 350 triệu đồng. Đây là những con số rất khiêm tốn so với mức độ vi phạm của các cá nhân, tổ chức và hậu quả mà nó để lại.

Ông Đào Đăng Hoàn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng hiện tượng các vi phạm xảy ra dày đặc vì rất nhiều lý do. Nhưng phần nhiều do lỗ hổng của việc quản lý. "Ngọn roi" mang tên Nghị định 79/2012/NĐ-CP (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu, lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu) dù được rất nhiều kỳ vọng khi ban hành và gặt hái một số kết quả nhất định, nhưng sau 3 năm áp dụng vào thực tế, Nghị định đã xuất hiện khá nhiều bất cập, lạc hậu so với xu thế phát triển chóng mặt của nghệ thuật biểu diễn. Trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, cấp phép, thu hồi giấy phép… chưa được quy định rõ ràng. Nhiều trường hợp cố tình vi phạm, qua mặt cơ quan chức năng, chấp nhận đóng phạt vì lợi nhuận. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tạm gọi công nghiệp văn hóa, lợi nhuận mang lại khá lớn nếu biết lạm dụng chiêu trò giật gân, câu khách. Tính giải trí, thương mại lên ngôi kèm theo đó là hàng loạt hành vi phản cảm, bỏ qua đạo đức nghề nghiệp, làm lung lay những nét đẹp truyền thống, phá hỏng hệ giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, tham gia các cam kết song phương và đa phương như WTO, FTA, TPP... Trong khi, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi văn bản luật là chế định để áp dụng, điều chỉnh các lĩnh vực hợp tác quốc tế. Riêng nước ta, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn mới dừng lại cao nhất ở Nghị định và Thông tư. Điều này vừa chưa phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, vừa chưa phát huy được hiệu lực quản lý nhà nước.

Ngoài ra, thông qua hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các nước, nhiều loại hình nghệ thuật mới du nhập và phát triển mạnh mẽ. Điều này đặt ra yêu cầu sửa đổi chính sách pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn mới và đáp ứng thực tiễn đời sống xã hội. "Trước đây chúng ta chỉ quan tâm chủ yếu đến việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam. Tới đây sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại nước ta. Do vậy, chúng ta phải có luật để đảm bảo mọi cá nhân, đơn vị người Việt Nam lẫn người nước ngoài đều được bình đẳng, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của họ" - ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân tích.

Tại Hội thảo "Đánh giá việc thực thi pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và định hướng xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 11-11 vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra đề cương sơ bộ và lộ trình xây dựng Dự án Luật Nghệ thuật biểu diễn. Hiện Bộ đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cá nhân, đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập. Dự kiến đến tháng 5-2018, Dự án Luật Nghệ thuật biểu diễn sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến thông qua.

Ông Đào Đăng Hoàn cho biết: "Trong Luật Nghệ thuật biểu diễn sắp tới, vấn đề quan trọng nhất mà chúng tôi siết chặt là việc kiểm soát và định hướng tuyên truyền đi liền với công tác thanh kiểm tra. Chúng tôi đã tham khảo một số chế tài của các nước khu vực Đông Á thì thấy họ xử phạt rất mạnh tay. Thậm chí, có nghệ sĩ bị cấm biểu diễn vĩnh viễn. Tất nhiên, chúng tôi cũng không hy vọng khi có Luật Nghệ thuật biểu diễn thì sẽ chế định chế tài một cách đầy đủ và toàn diện nhưng ít nhất nó sẽ đáp ứng được một phần khá lớn trong việc quản lý nghệ thuật biểu diễn trong giai đoạn hiện nay".

Việc ra đời một văn bản luật để quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn một cách chặt chẽ và đồng bộ cùng với các văn bản pháp luật khác là vấn đề rất cần thiết. Tuy Luật Nghệ thuật biểu diễn ra đời ở thời điểm này bị cho là khá muộn so với các luật khác nhưng đây là động thái được giới chuyên môn hoan nghênh.

Ông Tôn Thất Cần, Phó Phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa -  Thể thao TP Hồ Chí Minh: "Luật hóa" sẽ đảm bảo tính dân chủ và minh bạch

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước. Do đó, đời sống nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn thành phố rất sôi động với nội dung và hình thức rất phong phú, đa dạng, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Hiện nay thành phố có 8 đơn vị biểu diễn công lập, trên 700 đơn vị có chức năng biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Bình quân mỗi năm, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cấp phép công diễn khoảng 850 chương trình ca múa nhạc và thời trang, cấp phép 180 hồ sơ phát hành băng đĩa. Do đó, nhiệm vụ thực thi quản lý hoạt động nghệ thuật của chúng tôi có rất nhiều khó khăn, trăn trở. 

Nghị định 79 giống như chiếc roi để chấn chỉnh hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Nhưng Nghị định 79 còn tồn tại nhiều bất cập, gây lúng túng cho cơ quan quản lý khi thực thi. Về tác quyền, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm chỉ thực hiện duy nhất một điều cam kết "chịu trách nhiệm về mọi vi phạm pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan". Quy định chung chung không rõ thời gian cam kết như vậy không những gây khó khăn cho cơ quan quản lý mà còn không khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền tác giả và quyền liên quan. Mỗi năm, thành phố có lượng nghệ sĩ Việt kiều về biểu diễn đông đảo nhưng thủ tục còn rất nhiều vướng mắc.

Khi mời nghệ sĩ Việt kiều về biểu diễn, đơn vị A đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cho phép. Đến đơn vị B mời nghệ sĩ này thì đơn vị B lại phải xin phép Cục. 10 đơn vị mời thì 10 đơn vị phải xin phép Cục. Thiết nghĩ, nên tạo điều kiện cho nghệ sĩ Việt kiều được biểu diễn nhiều nơi, đơn vị B chỉ cần thỏa thuận với đơn vị A là đủ. Cơ quan chức năng  địa phương chỉ cần quản lý về nội dung và tổ chức hậu kiểm. Bên cạnh đó, việc tổ chức biểu diễn cho ca sĩ nhỏ tuổi thể hiện các bài hát tình yêu đôi lứa, ca từ ủy mị không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí đóng giả giới tính cần được bổ sung điều khoản để chấn chỉnh trường hợp này.

Ngành nghệ thuật biểu diễn phát triển từ rất lâu trước cả ngành điện ảnh nhưng nếu điện ảnh đã có luật thì nghệ thuật biểu diễn chỉ có ba nghị định cao nhất của Chính phủ là Nghị định 11/2006/NĐ-CP, Nghị định 103/2009/NĐ-CP và Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Trong đó, chỉ có Nghị định 79 là Nghị định duy nhất dành riêng cho ngành nghệ thuật biểu diễn. Hai nghị định trước đó là quy chế chung về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng bao hàm rất nhiều lĩnh vực, không riêng gì nghệ thuật biểu diễn.

Xã hội nào cũng có những giới hạn cả về pháp lý lẫn đạo lý. Tuy nhiên các quy chuẩn về biểu diễn cần giới hạn cũng sẽ thay đổi tùy tình hình xã hội và theo thời gian. Vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật là điều chỉnh mối quan hệ này thông qua việc nghiên cứu thay đổi cách quản lý, thay thế các quy định lỗi thời, không đủ sức thuyết phục xã hội. Để hoạt động nghệ thuật biểu diễn đi vào nền nếp, trật tự, chúng tôi đã kiến nghị Bộ xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn.

Khi có luật thì mọi công dân đều phải làm theo luật, tất cả đều công khai, minh bạch. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng đỡ vất vả hơn. Chúng tôi tha thiết mong Bộ xây dựng luật càng sớm càng tốt. Có thể sớm nhất là trong Nghị định 79 bổ sung, sửa đổi rồi tiến tới xây dựng hoàn thiện Luật Nghệ thuật biểu diễn. Tôi nghĩ đó là sự công bằng xã hội, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các cá nhân, đơn vị. Chúng ta đã mở cửa hội nhập, tham gia nhiều hiệp ước, công ước, cam kết quốc tế thì chúng ta phải thực thi trên luật. Việc "luật hóa" là một việc làm hết sức cấp bách và cũng là một phần của tiến trình dân chủ.

NSƯT Mỹ Uyên, Phó Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần: Siết chặt nhưng đừng làm khó nghệ sĩ

Việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới được dư luận giới nghệ thuật biểu diễn rất quan tâm. Trong đó, vấn đề được chúng tôi quan tâm nhiều nhất là các hình thức biểu diễn tự phát, hoạt động biểu diễn do các công ty tư nhân, xã hội hóa đứng ra tổ chức. Nhạy cảm nhất là các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, ca nhạc… vì đây là lĩnh vực thường xảy ra sai phạm. Chúng tôi mong muốn các hoạt động này cần phải được thắt chặt hơn khi luật ban hành.

Việc siết chặt là cần thiết để người nghệ sĩ cũng như người tổ chức biểu diễn thấy mình có trách nhiệm với việc tổ chức ra tác phẩm. Các tác phẩm ra đời cần được sự đầu tư bài bản và có sự trân trọng. Có luật để điều chỉnh, bản thân nghệ sĩ sẽ biết họ làm gì và không được làm gì. Đồng thời, họ phải có trách nhiệm công dân, ý thức pháp luật… để đảm bảo hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước. Nghệ sĩ sân khấu chúng tôi nếu sai phạm thì bị phạt theo từng suất diễn, phạt rất nghiêm khắc. Cho nên chúng tôi không dám làm sai.

Luật cần nghiêm khắc, siết chặt nhưng không nên gây khó khăn, rườm rà cho nghệ sĩ lẫn nhà tổ chức. Cần tạo điều kiện hoạt động thoải mái cho nghệ sĩ sáng tạo. Luật cần ra đời trên nguyên tắc tôn trọng sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ cũng như sự năng động của các đơn vị, nhà tổ chức nghệ thuật. Người nghệ sĩ có thể xin giấy phép và giấy phép này có thể áp dụng từ Bắc chí Nam.

Nói chung, phải quản lý sao cho chặt chẽ nhưng phải thông thoáng. Sự quản lý lên một tầm mới để người ta không thấy gò bó nhưng thấy được tinh thần trách nhiệm. Chứ không thể quan niệm lỗi thời rằng cái gì ta không quản được thì cấm. Nếu gây ra quá nhiều phiền phức, nghệ sĩ sẽ cảm thấy căng thẳng, mất đi thăng hoa trong nghệ thuật. Các bầu sô thấy bị ràng buộc đủ mọi luật lệ họ cũng nản. Đời sống nghệ thuật lúc đó xem như bị bóp nghẹt, không phát triển được.

Ông Trần Thanh Long, Tổng giám đốc Công ty người mẫu PL Model: Roi đau không bằng ý thức nghề nghiệp

Phan Thi Uyên (ghi)

- Thời gian gần đây, nhiều cuộc thi người đẹp, người mẫu tổ chức nhưng không xin phép cũng như nhiều người đẹp thi chui hoa hậu ngoài nước… Theo quan điểm của ông, có phải quy định quản lý, thủ tục cấp phép quá rườm rà, gây khó dễ?

+ Nhiều người kêu ca khâu làm thủ tục xin cấp phép rất rắc rối. Họ rất ngại đụng chạm đến các cơ quan chức năng. Riêng tôi nhận thấy khâu xin giấy phép khá đơn giản, việc làm thủ tục giấy tờ của Sở, Cục hay Bộ đều tinh gọn, nhanh chóng hơn trước rất nhiều. Các biểu mẫu đều có sẵn, có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi chỉ việc điền vào. Trước khi đưa người đẹp đi thi, chúng tôi đều xây dựng đề án, làm hồ sơ gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn và khi Cục duyệt, chúng tôi mới đưa người đi. Nếu mình làm đúng quy định thì không việc gì phải sợ bị từ chối cấp phép. Văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Nghị định 79 dù chưa thống nhất, còn chồng chéo nhau khiến mỗi địa phương cấp phép mỗi kiểu. Thế nhưng, hiện nay nhiều địa phương thường lấy cách thực hiện của các thành phố lớn làm chuẩn rồi bắt chước theo. Nhiều người không am hiểu về luật, vẫn cho rằng nếu đơn vị tôi ở TP Hồ Chí Minh thì đi diễn ở tỉnh nào cũng phải về TP Hồ Chí Minh xin cấp phép. Nhưng công ty tôi về diễn ở Vũng Tàu thì chỉ xin giấy ở Vũng Tàu.

- Vậy những vi phạm tràn lan trên là do đâu?

+ Tôi nghĩ rằng chiếc roi pháp lý của Bộ đã khá tốt. Thế nhưng, cơ quan chức năng không thể sâu sát được hết các chương trình nghệ thuật diễn ra hàng giờ. Lực lượng thanh kiểm tra rất mỏng, không kịp phát hiện, kiểm soát do đó việc thực thi luật thường chạy theo sai phạm. Ở các tỉnh, lực lượng này càng thiếu và yếu. Các chương trình của công ty tôi biểu diễn ở các tỉnh thì lực lượng kiểm duyệt chỉ xem qua loa vì họ không am hiểu lắm chuyên môn.

- Ông có hy vọng gì ở Luật Nghệ thuật biểu diễn sắp tới?

 + Nghị định 79 có rất nhiều điểm mạnh, tạo hành lang pháp lý để tổ chức, cá nhân yên tâm hoạt động biểu diễn. Nếu các quy định được nâng lên thành luật thì quá tốt, tính pháp lý sẽ cao hơn, buộc mọi cá nhân phải chấp hành. Luật đủ sức răn đe, giúp hoạt động nghệ thuật đi vào nền nếp, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

Hy vọng nhiều vấn đề cần được xem xét, chỉnh sửa để hợp lý với thực tiễn đời sống. Chẳng hạn như quy định về cuộc thi hoa hậu. Theo Nghị định, một năm, nước ta chỉ được tổ chức tối đa 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Và chỉ có 3 người đoạt danh hiệu cao nhất ở các cuộc thi này mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp phép đi thi hoa hậu ở nước ngoài. Như vậy số lượng thí sinh sẽ không đủ để đi thi. Trong khi nhiều người đẹp ở top 10 hoặc ở các cuộc thi ngành, đoàn thể, vùng lại có mong muốn được "mang chuông đi đánh xứ người".

Nhiều sân chơi nhan sắc quốc tế cũng rất thoáng, không đòi hỏi thí sinh phải thuộc top 3 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Do vậy, hàng loạt người đẹp thi chui thời gian vừa rồi là điều dễ hiểu. Họ sẵn sàng nộp phạt vì số tiền phạt chỉ từ 15 đến 20 triệu. Tôi nghĩ điều này nên thay đổi nếu Luật Nghệ thuật biểu diễn được xây dựng. Nhưng luật dù có cứng rắn đến đâu thì quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của cá nhân, tổ chức. Vì nếu họ cố tình vi phạm rồi nộp phạt thì luật lại không phát huy được hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

PV
.
.