Lạm dụng quảng cáo trong các sản phẩm nghệ thuật:

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Thứ Ba, 12/12/2017, 08:14
Có lẽ đến thời điểm này, ca nhạc và phim ảnh vẫn là 2 lĩnh vực "hot" nhất, thường được các nhãn hàng chọn làm kênh quảng cáo trong số các loại hình nghệ thuật. Điều này mang lại những thuận lợi không nhỏ cho các nghệ sĩ nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để mỗi sản phẩm nghệ thuật không (vô tình hoặc cố ý) bị biến thành show quảng cáo trá hình rất cần đến tư cách làm nghề và cái tầm của mỗi nghệ sĩ.


Quảng cáo trong các sản phẩm văn hóa như MV ca nhạc, phim ảnh không phải là chuyện quá mới và không có gì xấu trong giai đoạn hiện nay. Nếu không muốn nói, xét trong mối quan hệ cộng sinh giữa quảng cáo và giải trí, nếu được sử dụng đúng cách thì cả 2 bên sẽ hỗ trợ cùng nhau khá tốt.

Phía nhãn hàng sẽ được quảng cáo sản phẩm một cách nghệ thuật, đi vào lòng người. Còn phía nghệ sĩ sẽ có được một số kinh phí đáng kể để đầu tư cho sản phẩm. Khi sản phẩm của nghệ sĩ có giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo khán giả yêu thích cũng đồng nghĩa với việc thương hiệu ấy được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Ngược lại, khi nghệ sĩ tạo dựng được tên tuổi bằng những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng thì sẽ ngày càng có nhiều nhãn hàng tìm đến với nghệ sĩ hơn. Trong điều kiện mà mọi lĩnh vực nghệ thuật đều được kêu gọi xã hội hóa để bớt khó khăn thì việc bắt tay giữa nghệ sĩ và doanh nghiệp là cách làm khá văn minh.

Những hình ảnh quảng cáo thế này không khó bắt gặp trong các MV ca nhạc.

Giờ đây, thật khó có thể tìm thấy một MV ca nhạc không có bóng dáng của một thương hiệu sản phẩm nào. Cũng như ít có đạo diễn cưỡng lại được sức hấp dẫn của các nhà tài trợ để rồi chấp nhận lồng hình ảnh của các nhãn hàng vào trong phim của mình. Bởi muốn có một sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao thì kinh phí là một vấn đề quan trọng. Ngay cả với nghệ sĩ ngôi sao thì nỗi lo tài chính trước mỗi dự án vẫn là một điều phải đối mặt. Cho nên việc tìm thêm kinh phí từ các nhãn hàng để có điều kiện làm cho sản phẩm tốt hơn là điều đáng trân trọng.

Vấn đề nằm ở chỗ liều lượng của những hình ảnh ấy thế nào để không gây phản cảm, không bị lố thì lại phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của đạo diễn. Nhãn hiệu phải ở trong tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên và phù hợp, đi theo mạch truyện và không làm mất đi tính logic của nội dung.

Thương hiệu thường nhắm tới những nghệ sĩ tên tuổi để quảng cáo. Chính vì vậy, những gương mặt hot nhất cũng chính là những người nắm trong tay nhiều hợp đồng quảng cáo nhất. Những cái tên đứng đầu trong danh sách những nghệ sĩ có được doanh thu khủng từ quảng cáo phải kể tới Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, gần đây có Sơn Tùng MTP, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn... Những người có chuyên môn trong lĩnh vực quảng cáo đều thừa nhận, với những nhà kinh doanh thì đây là sự đầu tư khôn ngoan và có lợi lâu dài vì đầu tư vào MV ca nhạc sẽ khiến sản phẩm xuất hiện có hiệu ứng rộng rãi và "sống" lâu hơn.

Được đánh giá cao về giọng hát, Soobin Hoàng Sơn khiến khán giả khá háo hức chờ đón MV "Phía sau một cô gái" của anh ra đời.  Tuy nhiên, khi MV ra mắt khán giả thì sự kỳ vọng của khán giả lại bị thay bằng tâm lý thất vọng. Mật độ xuất hiện quá dày đặc của chiếc điện thoại - nhà tài trợ chính của MV - khiến khán giả thấy vô cùng phản cảm. Hình ảnh trong MV cũng bị chê là không ăn nhập mấy đến nội dung, mà chủ yếu là các hình ảnh trong điện thoại, và các cận cảnh sản phẩm khiến MV trở nên khiên cưỡng.

Trước đó, Soobin Hoàng Sơn cũng đã từng bị khán giả đánh giá là thương mại khi quảng cáo quá lố cho một thương hiệu giày. Tương tự, Isaac là đại diện cho một sản phẩm nước uống nên trong MV "Get Down" cũng đều xuất hiện hình ảnh thương hiệu này, bất kể ca khúc có nội dung liên quan hay không. Hay, mặc dù MV "Thật bất ngờ" của Trúc Nhân được đánh giá cao về ý tưởng thông minh, dí dỏm thì vẫn không tránh khỏi "lưới" của nhà tài trợ khi xuất hiện chi tiết tên nhãn hàng ngay đầu MV cùng một số cảnh quay. MV "The Moment" của ca sĩ Phương Linh cũng không thể thiếu sự xuất hiện của thỏi son mà cô đang đồng hành quảng cáo.

MV "Như vậy mãi thôi" do Noo Phước Thịnh đóng cùng Tóc Tiên, hình ảnh điện thoại  hiện lên khá nhiều lần, cùng các kiểu dáng "seo phi" của 2 nhân vật chính, âm thanh của tin nhắn tràn ngập, rồi các ảnh chàng trai dùng mẹo để chụp tên cô gái khiến khán giả hình dung như một MV quảng cáo trá hình cho chiếc điện thoại mà Tóc Tiên đang là hình ảnh đại diện.

Trong phim điện ảnh "12 chòm sao: Vẽ đường cho hươu chạy", nhân vật nữ trong phim nói với cô bạn cùng phòng: "Sao không đi Grab taxi cho rẻ". Ở một cảnh khác, nhân vật lại tiếp tục nhắc lại tên của loại hình taxi đó. Không chỉ có vậy, nhiều lần, nhân vật chính chìa chiếc điện thoại nổi rõ tên thương hiệu khiến khán giả nhìn nhau ngán ngẩm. Có khán giả còn nói vui rằng, họ quên mất đang xem một bộ phim điện ảnh mà tưởng đang xem một lip quảng cáo trên truyền hình. Một bộ phim khác là "Con ma nhà họ Vương" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng đã khiến khán giả lắc đầu khi đưa vào trong phim những đoạn quảng cáo lộ liễu cho các ứng dụng điện thoại và nhãn hàng tài trợ.

Sự xuất hiện dày đặc của các thương hiệu trong sản phẩm nghệ thuật khiến khán giả thấy phản cảm.

Việc doanh nghiệp và nghệ sĩ bắt tay ngày càng trở nên phổ biến vì quan hệ đôi bên cùng có lợi. Các đạo diễn cho biết, quyền lực của hai bên trong mối liên kết này là 50 - 50 tùy thuộc vào mức độ chi của nhà tài trợ. Tiền chi càng nhiều, quyền của nhà tài trợ càng lớn. Thậm chí ở một số trường hợp, nhà tài trợ sẽ có quyền quyết định chọn đạo diễn, diễn viên.

Với ca sĩ, việc bỏ tiền ra làm MV rất khó thu hồi vốn, chủ yếu phát hành online là chính, vì vậy, càng nhiều nhà tài trợ càng tốt. Việc nghệ sĩ biến sản phẩm nghệ thuật của mình như một màn quảng cáo trá hình khiến khán giả có cảm giác như bị đánh lừa bởi sản phẩm gắn mác nghệ thuật. Đã từng có việc một ca sĩ bị phạt vì quảng cáo rượu trá hình trong MV của mình.

Tuy nhiên, việc xử phạt chỉ có thể áp dụng với các sản phẩm bị cấm quảng cáo. Còn với những sản phẩm được phép lưu hành thì việc áp dụng chế tài phạt là điều... không tưởng. Thậm chí, có một số nghệ sĩ sẵn sàng chịu phạt vì số tiền phạt ấy không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà họ nhận được từ quảng cáo.

Nhưng không phải MV hay bộ phim nào cũng đưa sản phẩm quảng cáo vào một cách lộ liễu, phản cảm. Sơn Tùng MTP là một trong số ít những ca sĩ biết đưa những thương hiệu mà ca sĩ này làm đại diện vào các sản phẩm âm nhạc một cách khéo léo, vừa phải. Cách làm này không chỉ không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ca sĩ mà còn khiến cho thương hiệu sản phẩm gây sốt một cách đặc biệt.

Không khó để nhận thấy nhiều MV ca nhạc gần đây của Sơn Tùng MTP đều có sự xuất hiện của các nhãn hàng anh đang làm đại diện hay có hợp đồng quảng cáo. Nếu "Lạc trôi" quảng cáo cho một thương hiệu giày dép, "Âm thầm bên em" có sự xuất hiện của thương hiệu điện thoại, nước ngọt... nhưng sự lồng ghép khéo léo khiến với mật độ vừa đủ khiến công chúng nhận biết được tên nhãn hiệu mà không bị phô.

Đặc biệt, gần đây nhất, bộ phim hoạt hình "Con rồng cháu Tiên" - dự án nghệ thuật của một thương hiệu giày dép Việt Nam ngay sau khi ra mắt công chúng đã nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực. Việc hình ảnh không ăn nhập với nội dung ca khúc hay không phù hợp với logic của bộ phim khiến người ta có quyền đặt dấu hỏi về chất lượng của phẩm cũng như đạo đức, tư cách làm nghề của nghệ sĩ đó.

Hay, việc để nhãn hàng thao túng nội dung sản phẩm của mình thì liệu có thể gọi là một nghệ sĩ chân chính? Đưa quảng cáo sản phẩm một cách vô tội vạ, thậm chí quá lố khiến các sản phẩm sặc nghệ thuật bị thương mại hóa là con đường ngắn nhất ảnh hưởng đến danh tiếng của nghệ sĩ.

Khánh Thảo
.
.