Lỗi trong xuất bản phẩm: Cần những liều "thuốc đắng"

Thứ Bảy, 25/11/2017, 08:11
Báo chí thời gian vừa qua đưa tin khá nhiều ấn phẩm xuất bản bị đình chỉ phát hành, thậm chí thu hồi và phạt nặng các đơn vị xuất bản và liên kết xuất bản. Phải chăng chữ nghĩa đã hết thiêng giữa thời ấn phẩm lỗi tràn ra thị trường như thả gà ra đuổi?


Đừng "thả gà ra đuổi"

Kiều Mai Sơn

Cuốn sách “Đường thi quốc âm cổ bản” do Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông sưu tập và biên dịch (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2017) có hàng trăm lỗi sai từ nguyên tác, phiên âm, dịch nghĩa. Sau lần in đầu tiên, được bạn đọc phản ánh, các soạn giả với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia Hán Nôm đã chỉnh sửa để cho ra mắt ấn phẩm tái bản. Tuy nhiên ngay từ đầu đã sao chép từ một nguồn trên mạng Internet thì dẫu có sửa đến mấy, lỗi vẫn cứ chồng lên lỗi.

Công trình nghiên cứu “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh, đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh (2000), mỗi lần tái bản khiến sai lại càng sai. Phiên bản 2015 do Nhà xuất bản Hồng Đức - Công ty CP Sách Alpha đã cho bạn đọc thưởng thức một sản phẩm “thảm họa” của ngành xuất bản với hàng nghìn lỗi sai từ trang đầu đến trang cuối. Còn phiên bản 2016 do Nhà xuất bản Hồng Đức - Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tiếp tục bổ sung thêm những lỗi sai mới do người biên tập “sáng tạo” ra.

Sách là sản phẩm hàng hóa đặc biệt luôn cần được “kiểm tra chất lượng” kỹ lưỡng trước khi đưa ra thị trường.

Cuốn sách “Năm Dậu: Sự kiện - Nhân vật & Người tuổi Dậu”, tác giả Nguyễn Hoàng Điệp (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2016) viết về Thượng tướng Bùi Văn Huấn như sau: “Bùi Văn Huấn (1945 - 2009): Quê ở xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ông là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, được Nhà nước phong quân hàm Thượng tướng và nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng (2001 - 2011), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (2006 - 2011)”. Đồng thời, trong ảnh chân dung in kèm cũng đề: Bùi Văn Huấn (1945 - 2009). Nếu viết như những người soạn sách này thì có nghĩa là Thượng tướng Bùi Văn Huấn… đã mất từ năm 2009, nhưng hiện nay ông Huấn đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách “Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996 - 2016), quyển 1”, tác giả Đỗ Ngọc Yên (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2017), trong ảnh minh họa nhà thơ Lưu Trọng Lư thì nhầm sang chân dung nhà thơ Thế Lữ. Còn chân dung nhà văn Nam Cao lại là ảnh đạo diễn - NSƯT Hữu Mười, người thủ vai ông giáo Thứ trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” chuyển thể từ một số tác phẩm của Nam Cao.

Có thể dẫn ra hàng trăm cuốn sách với muôn vàn lỗi sai muôn hình vạn trạng, có những lỗi sai lặp lại và có những lỗi sai phát sinh. Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng xuất bản phẩm có nhiều lỗi sai cười ra nước mắt như vậy?

Đầu tiên phải nói rằng, những kiến thức nền tảng nhất về lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật của biên tập viên rất yếu. Những lỗi sai đều rất cơ bản, có khi chỉ là những kiến thức thông sử bình thường, những nhân vật đã quá quen thuộc trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà mà không nắm được. Thứ hai là quá phụ thuộc vào Internet. Mạng Internet và Google hay Bách khoa thư mở Wikipedia là những công cụ hỗ trợ tìm kiếm hết sức nhanh chóng, tuy nhiên cũng có những thông tin không chuẩn xác mà cần phải dựa vào những nguồn đáng tin cậy hơn ở những công cụ hỗ trợ mang tính chuyên ngành và chuyên gia khác nhau.

Cuốn sách “Người Việt” của tác giả Trần Quốc Việt (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015) bị Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) ra quyết định đình chỉ phát hành thể hiện khá rõ sự cẩu thả của người biên tập.

Ở đây, nếu nói NXB chỉ bán giấy phép chứ không biên tập nội dung thì cũng không sai. Bởi vì các bài viết đơn thuần là tác giả viết trên blog rồi tập hợp lại đưa vào in sách, không có bất cứ một sự dụng công nào trong biên tập. Câu chuyện bán giấy phép xuất bản mà được gọi bằng một cái tên mỹ miều là quản lý phí liên kết xuất bản, rõ ràng cũng là một nguyên nhân cho ra đời những đầu sách cười ra nước mắt.

Một thực tế rõ ràng hiện nay ở Việt Nam là chúng ta đang thiếu những chuyên gia xuất bản lành nghề. Thiếu từ biên tập viên có nghề cho đến người quản lý xuất bản có nghề. Cục Xuất bản, In và Phát hành lẽ ra với chức năng và nhiệm vụ của mình, cần phải có những cuốn sách làm kim chỉ nam cho ngành xuất bản, song muốn kiếm những sách công cụ ấy thì đành mỏi mắt trông chờ.

Có thể thấy, trong quy trình xuất bản hiện nay, nội lực giảm sút, yếu kém, tạo ra các sản phẩm lỗi thì việc xử lý lại chẳng khác gì "thả gà ra đuổi". Cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản từng cho rằng việc xử phạt chưa đủ tính răn đe. Theo chúng tôi mới chỉ đúng một phần. Chúng ta cần những người làm xuất bản có tự trọng với nghề. Nghề nào cũng cần đạo đức và xuất bản càng cần có đạo đức. Trong khi chỉ xử phạt bằng văn bản, còn ấn phẩm có quyết định thu hồi vẫn tồn tại đàng hoàng ngoài thị trường như cuốn “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng (Nhà xuất bản Dân trí - Nhà sách Minh Thắng, 2017). Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy, quyết định thu hồi chỉ mang tính biểu tượng, hoặc có… cho vui.

Điều cuối cùng theo chúng tôi, Bộ Thông tin và Truyền thông nên công khai các văn bản có quyết định đình chỉ phát hành, thu hồi đối với xuất bản phẩm. Điều này sẽ cho thấy tính minh bạch của cả hai bên, một bên là cơ quan quản lý Nhà nước - cụ thể là Cục Xuất bản, In và Phát hành - và một bên là các nhà xuất bản. Đây có lẽ chính là "toa thuốc" hiệu nghiệm đối với những trường hợp trên để những sai phạm tương tự như trên không tiếp tục tái diễn...

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - Frist News: Mong tìm được các biên tập viên có sự "can thiệp sâu" đối với bản thảo

Trí Việt - Frist News của chúng tôi ra nhập thị trường xuất bản từ năm 1994 và thế mạnh của chúng tôi xưa nay luôn là mảng sách dịch. Quan điểm của tôi là, dịch không chỉ đúng, mà còn phải hay. Mà từ đúng đến hay là cả vấn đề. Nó giống như  một câu viết không sai với một câu viết truyền cảm hứng, làm bay bổng tâm hồn con người. Đó là cả một nghệ thuật về ngôn từ.

Vì thế, chúng tôi đã lựa chọn, xây dựng một đội ngũ những người cộng tác có trình độ ngoại ngữ, có chuyên môn cao, được tuyển chọn một cách kỹ lưỡng. Trong quan điểm của tôi, một người dịch thuật giỏi đồng thời phải là người giỏi tiếng Việt. Mỗi bản thảo chúng tôi đều tiến hành kiểm tra chéo và qua 4 tầng biên tập nhằm mục đích hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót, do bất cẩn có thể xảy ra. Có những khi đã ra bản in nhưng phát hiện sai sót tôi đã phải hủy cả bản in đó để in lại, chấp nhận mất tiền làm lại cuốn sách. Vì thế, để không phải tổn thất về kinh tế, chúng tôi buộc phải bằng mọi cách tổ chức biên tập tốt bản thảo. Có những bản thảo chúng tôi phải mất đến 2 năm mới hoàn thành, có bản thảo đã dịch xong xuôi, khi đưa vào biên tập cũng phải hủy, dịch lại một bản mới hoàn toàn.

Chúng tôi luôn làm việc với tinh thần cầu thị, rất mong tìm được các biên tập viên có sự "can thiệp sâu" đối với bản thảo. Bởi lẽ họ mà can thiệp thì chỉ tốt cho mình thôi. Vì thế, ngay cả khi NXB đã trả giấy phép về rồi, có khi chúng tôi vẫn tiếp tục làm kỹ thêm một lần nữa.

Nguyễn Minh Thủy - Biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân: Tự trọng nghề nghiệp là tôn trọng chính mình

Đối với tôi, mỗi cuốn sách đứng tên biên tập tôi luôn coi đó là một tài sản tinh thần quý giá. Vì thế, tôi luôn có ý thức chăm chút cho mỗi trang bản thảo mình được giao biên tập, có 1 câu, 1 từ nào còn chưa rõ nghĩa, chưa hiểu thì nhiều khi đêm khuya rồi, chợt nhớ ra vẫn phải trở dậy để lục tìm tài liệu chỉ dẫn.

Tôi cho rằng, nghề biên tập sách hay bất cứ một nghề nghiệp nào cũng vậy, mỗi người đều phải đem theo hành trang là sự tự trọng đối với nghề nghiệp của mình. Không may để xảy ra sai sót gì thì đúng là ăn không ngon, ngủ không yên và cảm giác tự xấu hổ với bản thân trước khi bị độc giả phát hiện. Đối với tôi, tự trọng nghề nghiệp chính là cách tôi tự tôn trọng chính mình.

Vì thế, việc đọc - học đối với một biên tập viên có lẽ là việc làm song hành suốt đời. Bởi vì mỗi cuốn sách lại mở ra một khoảng trời kiến thức mới mà tự bản thân tôi cảm thấy hiểu biết của mình luôn thật có giới hạn đối với những điều mới mẻ mà tôi chưa khám phá hết, chưa tích lũy đủ rộng, đủ sâu. Theo tôi, đó là việc mà biên tập viên phải có ý thức thực hiện suốt đời mới mong hạn chế được những sai sót đáng tiếc về kiến thức có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: Cần một đội ngũ biên tập viên giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa ông Nguyễn Nguyên, xin ông có đôi nét khái quát về bức tranh tổng thể của hoạt động xuất bản trong thời gian gần đây?

+ Tính đến hết tháng 11 năm 2017, cả nước có 59 nhà xuất bản, được tổ chức hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào cơ quan chủ quản của nhà xuất bản; có 14.000 cơ sở in các loại, trong đó 2.000 doanh nghiệp in công nghiệp và 400 trong số đó là cơ sở chuyên in xuất bản phẩm; có khoảng gần 17.000 cơ sở phát hành sách,  tạo nên một bức tranh tổng thể khá phong phú, sinh động.

- Theo ông, lĩnh vực xuất bản hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề nổi cộm nào cần sớm được quan tâm, giải quyết?

+ Theo con số thống kê, cho đến năm 2016, số bản sách trên đầu người ở Việt Nam mới đạt trên dưới 3,5, bản/người/năm (ở các nước phát triển, tỉ lệ thường là 15 bản sách/đầu người/năm, Malaysia, tỉ lệ này là 12 bản/người). Trong đó, có khoảng 260/340 triệu bản sách là sách giáo dục (sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo), chiếm trên 70% số lượng bản sách/năm.

Như vậy, nếu trừ đi sách giáo khoa, chúng ta có chưa đến 1 bản/người. Chất lượng một số mảng sách chưa cao. Sách vô bổ nhiều. Còn rất thiếu các công trình nghiên cứu, các tác phẩm có giá trị đỉnh cao. Các sai phạm về nội dung xuất bản phẩm tiếp tục diễn ra với chiều hướng tăng.

Nhìn chung, cơ sở vật chất và vốn của các nhà xuất bản yếu, qui mô nhỏ bé, trình độ lạc hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, đúng định hướng của ngành xuất bản. Bên cạnh một số nhà xuất bản đạt được chỉ tiêu đề ra, tăng như: Nhà xuất bản Trẻ (13,3 tỷ đồng), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật (18,5 tỷ đồng), Nhà xuất bản Kim Đồng (28 tỷ đồng), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (67,8 tỷ đồng) thì vẫn còn nhiều nhà xuất bản doanh thu thấp, từ 1 đến 5 tỷ đồng, trong đó, có nhà xuất bản doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm.

Năm 2016 vẫn còn 2 nhà xuất bản lỗ, nhiều nhà xuất bản lãi thấp, dưới 100 triệu đồng, tổng lợi nhuận của các nhà xuất bản mới đạt khoảng 150 tỷ đồng. Năm 2017 này, hoạt động kinh doanh có dấu hiệu khả quan hơn, nhất là đối với các nhà xuất bản được chủ quản quan tâm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn yếu tố thiếu ổn định, đặc biệt là các nhà xuất bản thuộc loại hình doanh nghiệp, trong đó có những nhà xuất bản đang nợ đọng cả chục tỷ đồng.

Phạm vi và trình độ ứng dụng công nghệ còn yếu, nhiều hạn chế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những bước phát triển vũ bão của công nghệ thông tin đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trên bình diện toàn thế giới từ tổ chức, quản lý đến qui trình xuất bản, vai trò của nhà xuất bản và biên tập viên, thậm chí là văn hoá lãnh đạo mà nếu mỗi đơn vị xuất bản không chuẩn bị để có những điều chỉnh phù hợp, bắt nhịp kịp thời với xu thế thời đại thì chắc chắn hoạt động của chúng ta sẽ  tụt hậu trên bản đồ xuất bản của thế giới.

Ví dụ như ngành xuất bản đang có bước chuyển dịch nhanh chóng sang môi trường Internet, điện tử. Trong khi đó, ở ta, sách điện tử và xuất bản điện tử còn chưa được quan tâm thích đáng. Chất lượng lao động còn yếu, chưa thích ứng trước sự phát triển nhanh, mang nhiều nét mới, của ngành và nhu cầu đọc của xã hội.

 Một vấn đề đáng quan ngại nữa là khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần không bị đẩy lui mà tiếp tục có những biểu hiện mới phức tạp hơn. Tình trạng buông lỏng quản lý, để cho các đối tác liên kết thao túng diễn ra ở nhiều nhà xuất bản. Xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, không chú ý đúng mức chất lượng văn hóa của sản phẩm, đến tính đặc thù của hoạt động xuất bản đã và đang tiếp tục gia tăng, tạo ra những hệ lụy lớn, trước hết là hiện tượng gia tăng sai phạm, xuống cấp về chất lượng ở các sản phẩm sách liên kết, sự hỗn loạn, cạnh tranh thiếu lành mạnh của thị trường xuất bản.

- Thưa ông, trong vài năm gần đây, đã có nhiều sai phạm xảy ra trong hoạt động xuất bản được dư luận quan tâm. Ông có thể cho biết, những sai phạm xảy ra chủ yếu  tập trung liên quan đến những nội dung nào?

+ Sai phạm đa dạng, song tập trung ở 3 biểu hiện chính:

Một là, sách có nội dung sai phạm về chính trị - tư tưởng. Trong đó cho xuất bản các tác phẩm chính trị của các nhà triết học, xã hội học mang quan điểm dân chủ tư sản nhưng một số nhà xuất bản đã thiếu cân nhắc trong việc đặt lời tựa, viết lời nói đầu quá đề cao công trình nghiên cứu của họ trong khi nội dung bên trong lại thực sự lồng ghép những luận điểm công kích, phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin; nhận định, phản ảnh cuộc sống hiện thực bằng góc nhìn u ám, định kiến, quy chụp những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội hôm nay có nguyên nhân từ chủ trương, chính sách sai lầm của Đảng và Nhà nước, trong đó có cả một số lĩnh vực nhạy cảm như tôn giáo tín ngưỡng; giới thiệu, công bố các công trình nghiên cứu của học giả ngoài nước đề cập đến những vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ quốc tế; phổ biến các quan điểm, nhận thức của một số học giả nước ngoài nhưng lại thiếu chỉ dẫn, định hướng người đọc, trong đó có cả những quan điểm rất cực đoan; có đối tượng tiếp cận hẹp nhưng lại công bố rộng rãi, đưa vào tủ sách tinh hoa... 

Hai là, sách có nội dung không bảo đảm tiêu chí văn hóa, giáo dục, thẩm mỹ. Trong đó đi sâu mô tả tỉ mỉ, dễ dãi, tự nhiên chủ nghĩa những hành vi phi nhân tính, vô đạo đức. Viết văn hóa, lịch sử nhưng có nội dung mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học, chạy theo những thông tin thần bí, mê tín dị đoan, sa đà vào các sự việc, hiện tượng tầm thường cốt để lôi kéo số độc giả hạn chế về nhận thức, thị hiếu.

Ba là, các lỗi về ngôn ngữ, kỹ thuật biên tập. Đặc biệt ở loại sai phạm này là một số cuốn thuộc đề tài văn học sử hoặc sách lịch sử, tuy có nội dung tốt nhưng quá trình biên tập để lại nhiều sai sót về mặt cứ liệu, nhân vật, sự kiện lịch sử quan trọng làm hạn chế chất lượng nội dung của sách, buộc các cơ quan chỉ đạo quản lý phải ra quyết định đình chỉ phát hành hoặc thu hồi để sửa chữa, gây lãng phí cho đơn vị xuất bản, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Thậm chí, đối với sách dành cho thiếu nhi, trước đây ít để xảy ra sai phạm thì gần đây sai phạm nhiều hơn, có chi tiết, câu từ và hình ảnh không thích hợp, thiếu tính giáo dục gây phản ứng từ phía bạn đọc và đông đảo dư luận.

- Như ông vừa chia sẻ thì một trong những đề tài dễ xảy ra sai phạm nhất - đó là những cuốn sách liên quan đến lịch sử. Theo ông, để hạn chế xảy ra những sai sót này, các nhà xuất bản cần chú ý những gì?

+ Sáng tác đề tài lịch sử, tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi một quá trình xử lý tư liệu công phu và khoa học kết hợp với sức sáng tạo và vốn hiểu biết của người viết. Ở đây, trong vai trò bà đỡ, nhà xuất bản sẽ cùng với tác giả giải quyết giữa yêu cầu sáng tạo, phát hiện, làm mới với yêu cầu chân thật lịch sử (chân thật chứ không phải chính xác).

Đó là kỹ năng đặc biệt, cần một đội ngũ biên tập viên giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, để trong quá trình biên tập các hiện tượng tô hồng, bôi đen, đưa ra những nhận định, đánh giá quá cao, mang tính áp đặt, không phù hợp với dữ liệu lịch sử, đi ngược với đánh giá hoặc nhận thức từ trước đến nay được hạn chế, lược bỏ nhưng không làm mất đi giá trị của tiểu thuyết. 

Nhiều bộ tiểu thuyết gần đây đã thực hiện rất tốt yêu cầu này, như 2 bộ tiểu thuyết lớn của nhà văn Hoàng Quốc Hải: "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý"... và nhiều tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Xuân Khánh, Lê Đình Danh... Song cũng có những tiểu thuyết với những nhân vật, sự kiện, tình tiết được hư cấu chưa xác đáng, thiếu chân thực, gây phản ứng từ phía bạn đọc.

- Xin cảm ơn ông!
PV
.
.