Nhìn lại sai sót không đáng có trong phim "Dạ cổ hoài lang"

Lỗi tại anh... Google?

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:04
Theo thông tin mới nhất thì bức ảnh thờ nhân vật Út Trong,  vợ ông Tư Lành (bị phát hiện là được photoshop từ ảnh chân dung bà Tống Mỹ Linh - vợ của ông Tưởng Giới Thạch) trong phim "Dạ cổ hoài lang" (Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) đã được thay thế. 

Dẫu biết rằng, một bộ phim ra đời phải trải qua nhiều "công đoạn" với công sức, sự nỗ lực của rất nhiều người trong đoàn làm phim và khó tránh khỏi sai sót nhưng "hạt sạn" trong "Dạ cổ hoài lang" đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm của khán giả. Đó thực sự là sơ suất không đáng có.

Sai sót nhỏ, hậu quả lớn

"Dạ cổ hoài lang" cùng với "Lô tô" (Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh), "Cha cõng con" (Đạo diễn Lương Đình Dũng) là những bộ phim được công chúng yêu nghệ thuật đón đợi trong những ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư vừa qua. Tuy nhiên, ngay sau khi ra rạp, "Dạ cổ hoài lang" đã bị "bắt lỗi".

Ê kip sản xuất bộ phim đã lên tiếng thừa nhận và gửi lời xin lỗi đến khán giả về việc bức ảnh bà Tống Mỹ Linh - vợ ông Tưởng Giới Thạch bị ê kip sản xuất chỉnh sửa thành ảnh một nhân vật đã mất trong phim. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, anh và tổ thiết kế không cố ý, không có ý gì cả và bản thân đạo diễn cũng chưa bao giờ nhìn thấy hình của bà Tống Mỹ Linh. Nam đạo diễn cũng xin nhận mọi trách nhiệm về mình và gửi lời xin lỗi khán giả về sự cố đáng tiếc này.

Sự việc đã rồi và ekip sản xuất phim đã nhận lỗi, nhưng cho đến thời điểm này, những luồng dư luận trái chiều vẫn chưa thể lắng xuống. Quan điểm ủng hộ ekip làm phim cho rằng, do phong tục người Việt không đưa ảnh người thật lên bàn thờ nên không ít nghệ sỹ Việt e ngại việc đưa ảnh của mình lên "thờ sống" sẽ mang lại rủi ro trong cuộc sống thật.

Chính vì vậy, việc tìm kiếm ảnh thờ đưa lên phim đối với những nhân vật đã khuất luôn là thử thách rất lớn đối với các đoàn làm phim. Những người theo quan điểm này cho rằng, nên bỏ qua sai sót, có cái nhìn rộng lượng hơn. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, không chỉ phim Việt mà có cả phim bom tấn của Hollywood cũng gặp phải lỗi tương tự.

Ảnh của bà Tống Mỹ Linh (bên trái) được chỉnh sửa, sử dụng làm ảnh thờ (bên phải) trong phim "Dạ cổ hoài lang".

Tuy nhiên, cũng không ít khán giả đã lên tiếng bày tỏ sự bức xúc. Họ cho rằng, đoàn làm phim thiếu tôn trọng khán giả, sự cẩu thả và sai sót này đã ảnh hưởng lớn đến tình yêu của khán giả dành cho phim. Theo phong tục người Việt không dùng ảnh người thật lên bàn thờ nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng, ekip sản xuất phim có thể vô tư sử dụng hình ảnh của người khác từ mạng internet.

"Dạ cổ hoài lang" không phải là sản phẩm văn hóa đầu tiên rơi vào lùm xùm nhầm lẫn hình ảnh không đáng có. Vào tháng 9/2015, trong tập 1 bộ phim "Thề không gục ngã" (Đạo diễn Nguyễn Minh Cao) lên sóng HTV7, các fan hâm mộ của ca sĩ Changmin, nhóm nhạc Hàn Quốc DBSK "tá hỏa" khi phát hiện ảnh thời nhỏ của thần tượng được dùng làm ảnh thờ trong phim.

Nhà sản xuất phim "Thề không gục ngã" đã phải "tức tốc" có động thái xoa dịu dư luận. Chưa hết, cuối tháng 8/2016, dư luận lại được phen dậy sóng khi trong đêm chung kết chương trình "Đấu trường tiếu lâm" (phát sóng trên kênh HTV7), thí sinh Duy Khương của đội huấn luyện viên Trấn Thành cũng "mạnh dạn" sử dụng hình ảnh ca sĩ Lee Ahreum, thành viên nhóm nhạc T-ara, Hàn Quốc làm ảnh thờ như một đạo cụ để thể hiện phần dự thi của mình.

Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của người hâm mộ, trên Fanpage của "Đấu trường tiếu lâm", Ban Tổ chức đã lên tiếng xin lỗi vì "sơ suất để thí sinh sử dụng hình ảnh của Lee Ahreum vào trong chương trình một cách thiếu tế nhị". Vào thời điểm đó, các fan của nhóm nhạc T-Ara nói rằng, lời xin lỗi của Ban Tổ chức chương trình chưa được gửi đến đúng địa chỉ vì người cần được xin lỗi là thần tượng của họ chứ không phải người xem đài.

Nhìn sang các lĩnh vực văn hóa khác, cũng có không ít trường hợp hình ảnh nghệ sỹ bị sử dụng một cách tùy tiện. Câu chuyện diễn viên Công Lý xuất hiện trên bìa cuốn sách về pháp luật cùng với cán cân công lý vẫn được nhắc đến như một "thảm họa" của ngành xuất bản.

Gần đây nhất, trong Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sự nhầm lẫn đáng tiếc trên Con Đường Thi Nhân đã khiến những người yêu thơ bức xúc. Theo đó, trên pano giới thiệu thơ của thi nhân Hàn Mạc Tử nhưng lại sử dụng hình ảnh của thi nhân Yến Lan. Theo lý giải của Ban Tổ chức thì đơn vị tổ chức sự kiện đảm nhận việc thi công Con Đường Thi Nhân đã sơ suất khi tìm kiếm, sử dụng ảnh của thi sĩ Hàn Mạc Tử.

Do thi công buổi tối và thời gian gấp gáp nên thông tin không được kiểm chứng mới dẫn đến tình trạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như vậy. Sự lý giải của Ban Tổ chức không làm người yêu thơ hài lòng. Ý tưởng về Con Đường Thi Nhân - nơi tôn vinh những nhà thơ, nhà văn đã đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc rất hay nhưng rốt cuộc "mất điểm" vì sơ suất như vậy.

Nghệ thuật chuyên nghiệp không có chỗ cho sự cẩu thả

Phần lớn những sai sót trong sử dụng hình ảnh nghệ sỹ xảy ra thời gian qua đều được lý giải là do sơ suất trong khâu tìm kiếm tư liệu, do "anh Google" cung cấp. Có thể nói rằng, trong thời kỳ công nghệ số, công cụ tìm kiếm Google đã trở thành "giáo sư biết tuốt", có thể giải đáp mọi thắc mắc thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy, Google có câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề nhưng không phải đáp án nào cũng chính xác. Nhiều chuyện "dở khóc, dở cười" đã xảy ra cũng vì cái anh mang tên Google này. Sự ỷ lại, tin tưởng vào Google mà thiếu kiểm tra, đối chứng với tư liệu gốc chắc chắn sẽ có ngày dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Fan của ca sĩ Lee Ahreum, thành viên nhóm nhạc T-ara, Hàn Quốc phản ứng khi ảnh của thần tượng bị sử dụng làm ảnh thờ trong chương trình "Đấu trường tiếu lâm" năm 2016.

Với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc sử dụng hình ảnh trôi nổi trên mạng đưa vào tác phẩm là việc khó có thể chấp nhận. Mỗi bộ phim, sản phẩm văn hóa có sức lan tỏa, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Chính vì vậy, hình ảnh hay bất cứ thông tin nào khác khi đưa vào tác phẩm phải được xác minh kỹ càng, rõ nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt phải tôn trọng quyền bản quyền. Sử dụng hình ảnh tùy tiện, không phù hợp, không xin phép là cách làm thiếu chuyên nghiệp.

Trở lại câu chuyện của "Dạ cổ hoài lang". Một câu hỏi đặt ra là, để có thể đến với công chúng, "Dạ cổ hoài lang" đã phải qua nhiều "cửa ải" khó khăn, trong đó có Hội đồng duyệt phim quốc gia. Phải chăng, khâu duyệt phim quốc gia mới đang chỉ chú trọng đến việc "soi" các cảnh nóng, bạo lực… để hô "cắt" và "dãn nhãn" phim mà chưa chú trọng đến các chi tiết khác của phim. Phim Việt đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh về số lượng. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, Hội đồng duyệt phim sẽ phải làm việc với cường độ cao hơn với tinh thần trách nhiệm cao hơn để mỗi bộ phim khi ra rạp là một sứ giả văn hóa xứng tầm.

Điện ảnh cũng như nhiều lĩnh vực nghệ thuật Việt khác đang trên con đường xây dựng và phát triển, hướng đến sự chuyên nghiệp, đòi hỏi sự chỉn chu từ nội dung đến hình thức. Trên con đường đó, không cho phép những việc làm tùy tiện, cẩu thả.

Tôi cho rằng, câu chuyện của "Dạ cổ hoài lang" cũng là một bài học lớn cho những nhà làm nghệ thuật. Sự thành, bại của một tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tất cả đều phải được thực hiện một cách tỉ mỉ và cẩn trọng. Sai sót nhỏ sẽ làm hỏng sự nỗ lực của cả ekip.

Trong thời kỳ hiện nay, với sự hỗ trợ của mạng internet, khán giả có điều kiện tiếp xúc, tương tác với những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới. Khán giả có thể "soi", dễ dàng phát hiện "sạn" trong những sản phẩm văn hóa.

Thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả Việt ngày càng được nâng cao, đòi hỏi chất lượng nghệ thuật của tác phẩm phải không ngừng được nâng lên. Nâng cao chất lượng các tác nghệ thuật không chỉ là cách làm nghề nghiêm túc và chuyên nghiệp mà còn là sự tôn trọng khán giả, yếu tố quyết định sự sống còn của tác phẩm.

Tường Phạm
.
.