Lời ca - điệu múa “Đồng sàng dị mộng”

Thứ Hai, 22/02/2016, 08:00
Năm nào cũng vậy, Tết luôn là thời kỳ nở rộ những chương trình ca múa nhạc chào Xuân trên sóng truyền hình cũng như các sân khấu lớn nhỏ khắp cả nước. Đây cũng là "cao điểm" mà múa minh họa được khai thác triệt để trong các tiết mục với mục đích góp phần tạo không khí vui tươi và nhiều khi, sự minh họa đó chẳng liên quan gì đến ca từ của bài hát. Múa minh họa dường như ngày càng đi chệch hướng với chức năng của mình.


Dân ca Thái phiên bản H'Mông

Chương trình Gala Nhạc Việt số 7 với chủ đề "Tết trong tâm hồn" phát sóng trên kênh MTV Việt Nam dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua được nhiều khán giả trẻ mong đợi. Bên cạnh sự quy tụ của dàn sao hàng đầu showbiz Việt, các tiết mục trong chương trình đều được dàn dựng quy mô, trên sân khấu hiện đại, hoành tráng, mang đến cho khán giả một bức tranh xuân đầy màu sắc, rộn ràng.

Tuy nhiên, tiết mục "Liên khúc xuân Tây Bắc" do Yến Trang, Yến Nhi cùng dàn múa minh họa thể hiện bị nhiều khán giả "ném đá" vì không đúng văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong liên khúc xuân này, Yến Trang và Yến Nhi thể hiện hai ca khúc là "Inh lả ơi" (dân ca Thái) và "Tình yêu màu nắng" (sáng tác Phạm Thanh Hà). Về phần hát, hòa âm phối khí không có gì để bàn nhưng trang phục và cách dàn dựng múa minh họa lại "rất có vấn đề".

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu việc Maya và các vũ công mặc trang phục H'Mông biểu diễn ca khúc dân ca Thái "Inh lả ơi" có làm sai lệch cách nhìn về văn hóa của các dân tộc?.

Là một ca khúc dân tộc Thái nhưng dàn diễn viên lại mặc trang phục của dân tộc H'mông, cầm ô biểu diễn. Trong giai điệu dân ca Thái, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng khèn, những cô gái H'Mông trình diễn điệu múa đồng đều, đẹp mắt, thậm chí có cả phần nhảy sạp (điệu nhảy đặc trưng của dân tộc Thái). Có thể, trang phục H'Mông phù hợp với ca khúc "Tình yêu màu nắng" được trình diễn tiếp nối sau "Inh lả ơi" nhưng nhiều động tác múa minh họa ở bài hát thứ hai lại "không thể chấp nhận được".

Những người có chuyên môn về nghệ thuật múa chắc chắn dễ dàng nhận ra nhiều luật động động tác, đặc trưng trong múa Tây Nguyên đã được biên đạo sử dụng để minh họa cho ca khúc mang âm hưởng vùng Tây Bắc. Những động tác này thậm chí được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong tiết mục thực sự phản cảm kiểu "râu ông nọ, cắm cằm bà kia" vậy. Từ một ý tưởng hay nhưng sự dàn dựng "non tay" và chưa hiểu hết đặc trưng văn hóa của các dân tộc đã làm hỏng tiết mục "Liên khúc xuân Tây Bắc".

Trước đó, trong chương trình "The Remix - Hòa âm ánh sáng" liveshow 4, chủ đề World Music lên sóng hồi cuối tháng 1/2016 vừa qua, đội của Maya cũng khiến khán giả bức xúc về phần minh họa ca khúc "Inh lả ơi". Trên các diễn đàn, nhiều khán giả đặt câu hỏi rằng, tại sao Maya lại dùng trang phục, vũ đạo của người H'Mông để thể hiện một ca khúc dân tộc Thái và liệu "mặc nhầm" trang phục như vậy có gây nên sự nhầm lẫn cũng như làm sai lệch cách nhìn về văn hóa của các dân tộc.

Maya lên tiếng giải thích rằng, cô và các thành viên trong đội của mình chỉ muốn mang đến một không gian Tây Bắc tươi đẹp và trang phục H'Mông "thuận tiện" hơn khi biểu diễn so với trang phục Thái (trang phục dân tộc Thái thường bó sát ở phần chân).

Tuy nhiên, cách giải thích này xem ra không thuyết phục bởi nói gì thì nói, diễn viên phải tôn trọng văn hóa dân tộc của từng vùng miền, không thể hòa trộn văn hóa các dân tộc một cách sống sượng như vậy. Đó là chưa kể đến một số tạo hình múa minh họa trong bài sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại hơi "quá đà", rất phản cảm, không còn màu sắc, luật động, ngôn ngữ múa của dân tộc H'Mông.

"Inh lả ơi" chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện đáng buồn về múa minh họa trên sân khấu Việt. Múa minh họa giờ đây hiện diện ở tất cả các dòng nhạc từ rock, rap, hiphop, pop đến nhạc trữ tình, truyền thống. Tất cả đều có thể sử dụng múa minh họa để tạo hiệu ứng sân khấu, trong khi đó, nhiều trường hợp, múa minh họa dường như để đánh lạc hướng sự tập trung của khán giả từ "nghe hát" sang "xem hát".

Một ca khúc cách mạng sẽ tăng hiệu quả nếu được minh họa bằng những đội hình múa đông người, với động tác khỏe khoắn; động tác múa ballet bay bổng, lãng mạn sẽ phù hợp với những tình khúc… Tuy nhiên, chuyện ca sĩ hát một đằng, múa minh họa một nẻo lại là chuyện thường tình trong showbiz Việt. Không chỉ ca sĩ mới vào nghề mà ngay cả ca sĩ đã thành danh cũng mắc chứng "nghiện" múa minh họa. Không ít nghệ sĩ cho rằng, múa minh họa sẽ giúp ca khúc của họ hấp dẫn, cuốn hút công chúng hơn nhưng hiệu quả thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Hình ảnh các vũ công nhảy múa loạn xạ, lắc ngực, lắc mông, trườn, bò trên sân khấu đôi khi lại là con dao hai lưỡi "giết chết" đứa con tinh thần của họ.

Một trào lưu rất đáng báo động hiện nay là xu hướng sử dụng nhạc điện tử để làm mới những ca khúc cũ. Nhiều ca khúc trữ tình, có tiết tấu, giai điệu chậm được hòa âm, phối khí lại với tiết tấu nhanh, khác nhiều so với phiên bản gốc. Chính vì vậy, các động tác nhảy thường được sử dụng để minh họa cho những ca khúc trong trào lưu này, dù ca khúc đó vốn là ca khúc trữ tình. Rốt cuộc là, ca khúc được làm mới, cùng với múa minh họa đã "phá nát" ca khúc phiên bản gốc.

"Dẹp loạn" từ đâu?

NSND Chu Thúy Quỳnh từng nhận định rằng: "… chúng ta nên chú ý đến sự phối hợp không tương thích giữa múa và hát, đã mang đến cho khán giả một sự kệch cỡm, phản cảm, như hình ảnh một số ca sĩ cứ đứng im một chỗ để hát, còn múa thì cứ múa. Hình tượng múa không ăn nhập gì với lời ca và tiết tấu âm nhạc…". Nhà phê bình múa Thái Phiên cũng đồng tình nhận định rằng: "… có chương trình, múa tham gia từ đầu đến cuối, với 11 đến 13 tiết mục thì mở đầu là màn múa hát, kết thúc là hát múa. Thêm một vài ba tiết mục múa độc lập, còn lại là "gi gỉ gì gi, cái gì cũng phụ họa múa". Khán giả đã hơn một lần lên tiếng về sự kiện này và kêu than, đó là: Đại dịch múa phụ họa".

Phần minh họa cho ca khúc "Tình yêu màu nắng" trong "Liên khúc xuân Tây Bắc" của Yến Trang và Yến Nhi có nhiều động tác không phải của dân tộc H'Mông.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao lại "loạn" múa minh họa và "dẹp loạn" phải bắt đầu từ đâu? Không dễ tìm ra đáp án cho những câu hỏi này. Do khán giả quá "dễ dãi" trong thưởng thức nghệ thuật hay do những người làm nghệ thuật quá "dễ dãi" với nghề nghiệp của chính mình? Vì lợi nhuận và để "chiều" lòng khán giả, biên đạo, những nhà sản xuất chấp nhận thực hiện những chương trình nghệ thuật vội vàng, chất lượng nghệ thuật thấp, thiếu sự tìm tòi cách thể hiện mới cũng như suy nghĩ, trăn trở về nội dung bài hát. Bên cạnh đó là sự  thiếu kiến thức văn hóa nền tảng của một số biên đạo trẻ đã dẫn đến tình trạng "dân ca Thái phiên bản H'Mông", rất đáng tiếc trong thời gian vừa qua.

Tôi cho rằng, khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày càng cao sẽ đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật. Sự tích hợp, đan xen giữa các loại hình nghệ thuật để mang đến những chương trình nghệ thuật đa dạng, nhiều màu sắc là xu thế phát triển tất yếu. Điều đó có nghĩa là, múa và hát cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác sẽ có sự giao thoa, cộng hưởng để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Múa minh họa sẽ tiếp tục được khai thác, sử dụng trong các chương trình ca nhạc và tình trạng "loạn" múa minh họa vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong thời gian tới. Có lẽ, mọi việc phải bắt đầu từ đội ngũ biên đạo.

Được biết rằng, ở nước ta hiện chưa có trường lớp đào tạo sáng tác và biểu diễn múa minh họa. Phần lớn các biên đạo tự học hoặc tìm tòi qua băng đĩa nhạc của các nhóm nhạc lớn trên thế giới. Nên chăng, có thêm môn học chuyên về sáng tác múa minh họa trong giáo trình đào tạo biên đạo múa hoặc những lớp học ngắn hạn đào tạo múa minh họa để trang bị cho các biên đạo kiến thức văn hóa nền tảng trong sáng tác.

Phạm Mạnh Tường
.
.