Loạn như... sách tham khảo

Thứ Hai, 24/09/2012, 08:00
Tôi gặp ông bạn cùng hội hưu. Ông bảo ông loay hoay cả tiếng đồng hồ mua cho cậu cháu đích tôn, đang học lớp 1 bộ STK mà chẳng biết đâu là sách "chuẩn". Ông cầu cứu tôi: "Ông là người trong ngành, có kinh nghiệm chọn STK, ông giúp tôi với". Tôi thưa với ông: "Trước một biển STK mông lung như thế này, tôi cũng xin chào thua"...

Là một thầy giáo dạy Văn lâu năm của Hà Nội, tôi ghé vào một cửa hàng sách phố Nguyễn Xí- "phố sách" nổi tiếng, nằm giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Tôi như lạc vào mê trận của sách tham khảo (STK). Môn nào cũng có STK, từ lớp 1 đến lớp 12. Mỗi bộ có đến 5-7 quyển. STK có mẫu mã rất phong phú, hình thức "bắt nắt", quyển nào cũng có những cái tên rất "kêu", nhưng nội dung hầu như na ná giống nhau, chỉ là các bài trùng lặp có sẵn trong sách giáo khoa. Chỉ riêng môn tiếng Việt lớp 4, trên giá, ngoài bộ sách giáo khoa, đương nhiên học sinh nào cũng phải mua, có đến hơn một chục cuốn STK, nâng cao như: "Bồi dưỡng Văn - Tiếng Việt"; "Tiếng Việt nâng cao"; "Cảm thụ Văn tiểu học 4"; "150 bài văn mẫu"; "Tuyển tập 150 bài văn hay"; "Để học tốt tiếng Việt"…Môn Toán lớp 4 cũng có đến hàng chục cuốn STK của các tác giả khác nhau. Tôi đã làm một thống kê sơ bộ thì hấy rằng: Bậc Tiểu học có 100 đầu STK khác nhau; bậc THCS là 200; bậc THPT gấp đôi là 400. Riêng lớp 4 STK là 20 đầu sách; lớp 8 là 50; lớp 12, cuối cấp phổ thông thì Văn 20, Ngoại ngữ 25; các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, cả Sử, Địa…môn nào cũng có STK nhiều cỡ ngang môn Văn, Ngoại ngữ. Các loại STK trắc nghiệm cũng đua nhau nở rộ "vàng thau lẫn lộn" chẳng biết đâu mà…"đãi cát tìm vàng". Giá thành một bộ STK so với bộ sách giáo khoa đắt hơn từ 3 đến 6-7 lần? 

Các loại sách tham khảo xuất hiện dày đặc, học sinh như "chim chích lạc rừng", không biết đâu mà lần.

Tôi gặp ông bạn cùng hội hưu. Ông bảo ông loay hoay cả tiếng đồng hồ mua cho cậu cháu đích tôn, đang học lớp 1 bộ STK mà chẳng biết đâu là sách "chuẩn". Ông cầu cứu tôi: "Ông là người trong ngành, có kinh nghiệm chọn STK, ông giúp tôi với". Tôi thưa với ông: "Trước một biển STK mông lung như thế này, tôi cũng xin chào thua". Ông thắc mắc với tôi, hồi ông đi học mãi tới khi vào cấp 3 (THPT hiện nay), ông mới thấy có STK. Bây giờ học sinh lớp 1 mới 6 tuổi đầu đã bắt các cháu đọc STK thì phi lý, phản khoa học, đi ngược lại lời dạy của Bác Hồ: "Trong học tập có vui chơi. Vui chơi để học tập". Nếu phải đọc cả "núi" STK thế này thì còn đâu là "Trẻ em như búp trên cành?". Xin chuyển thắc mắc này lên quý Bộ Giáo dục và Đào tạo để những người có trách nhiệm…ngâm cứu.

Sự lộn xộn của thị trường STK hiện nay bắt nguồn từ nguyên nhân chạy theo lợi nhuận của các NXB, trong khi đó quy trình quản lý đối với loại sách này không chặt chẽ. Điều này mang lại hậu quả nhãn tiền đối với các cháu học sinh. Đọc các STK, gặp những bài mẫu, mà đã mẫu thì học sinh cứ thế mà học thuộc lòng, khi làm bài "bê" nguyên xi vào bài giải, ắt có điểm cao. STK làm thui chột sức sáng tạo của trò. Và cái gọi là sách "mẫu" còn quá nhiều những hạt sạn, nhẹ thì câu chữ diễn đạt lủng củng, tối nghĩa, lỗi câu chỗ nào cũng có, nặng thì sai lệch kiến thức cơ bản, không thể chấp nhận được. Đơn cử STK môn Toán các sai sót thường là không giải quyết đầy đủ các trường hợp của một bài toán, hoặc mắc phải những sai lầm trong Toán dễ gặp. Rõ ràng STK có tác dụng ngược trở lại, tạo nên những lỗ "hổng", thậm chí còn phản khoa học. Đại loại như "Cuốn kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn Địa lý lớp 9", tác giả Phạm Thị Sen chủ biên, quá nhiều chi tiết sai. Phần trả lời câu hỏi 5 (trang 60) ghi "Đồng bằng sông Hồng không có các nhà máy thủy điện vì…thiếu lao động". Thật vô lý và buồn cười? Đúng ra phải trả lời "vì không có nguồn thủy năng". Hoặc khi yêu cầu học sinh nêu thứ tự các bộ phận của vùng biển nước ta, nhóm biên soạn đưa ra đáp án (trang 105): "Lãnh hải, nội thủy tiếp giáp lãnh hải, đặc khu kinh tế". Đó là đáp án sai. Căn cứ tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, khi cắt ngang một vùng biển theo hướng từ đất liền ra biển thì thứ tự phải là: Đất liền - nội thủy - lãnh hải - vùng tiếp giáp lãnh hải - vùng đặc quyền kinh tế.

STK chỉ là biến tướng của SGK. Nhiều thầy cô giáo bực mình còn gọi STK là loại sách tham…tiền, "sống chết mặc bay". Cuốn "Bài tập toán 6 rền luyện kỹ năng giỏi toán", tập 1 và cuốn "Phương pháp giải toán PTCS giải bài tập toán 6", tập 1 của cùng một tác giả có đến 80% nội dung giống nhau, chỉ khác tên NXB. Cuốn "Để học tốt môn Ngữ văn" lớp 10, tập 1, NXB Đà Nẵng, chỉ là câu trả lời "ăn sẵn" những câu hỏi trong SGK. Cuốn "Những bài văn mẫu", lớp 6, thực chất là sưu tầm "phô tô" những bài văn mẫu của học sinh và giáo viên đã in, phát hành vài năm trước.

Đầu năm học, các bậc cha mẹ học sinh phải lo bao nhiêu thứ lệ phí? Thêm lệ phí mua bộ STK cho con, "thắt lưng buộc bụng" giảm bớt chi tiêu các khoản khác, họ cũng lo được thôi. Nhưng loạn STK thế này thì…phí thật, vừa mất tiền, vừa mua lấy bực vào thân

Lê Sĩ Tứ
.
.