Lỗ hổng trong kiểm soát tài sản

Thứ Năm, 02/03/2017, 08:23
Ngày 20-2-2017, trao đổi với phóng viên bên lề phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số tài sản cổ phần tại Công ty Bóng đèn Điện Quang đang được báo chí và dư luận quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, bà có kê khai số tài sản hằng năm.


Từ câu chuyện của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, một lần nữa cho thấy lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn. Kê khai và kiểm soát kê khai tài sản để phòng ngừa tham nhũng, nhưng lại chỉ dựa trên tính tự giác, trung thực của người kê khai mà không có chế tài nào để kiểm soát, không có qui định xử lý trường hợp tài sản tăng thêm mà không giải trình rõ nguồn gốc.

Cũng trong ngày 20-2-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Bộ luật hình sự 2015: Bổ sung tội danh "Tài trợ khủng bố và Rửa tiền". Vậy rửa tiền là gì?  Và ai cần rửa tiền?

Có thể hiểu: Rửa tiền là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách tạo ra vẻ bên ngoài hợp pháp cho các khoản tiền hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội. Rửa tiền là hành vi không dễ nhưng bản chất của việc rửa tiền là phải làm cho đồng tiền mất dấu và cuối cùng là cơ quan chức năng không thể lần ra được nguồn gốc "tiền bẩn" ban đầu.

Kê khai tài sản là một việc làm đang bị hình thức hóa.

Rửa tiền không chỉ giúp cho tội phạm che giấu được nguồn gốc của những khoản tiền bất hợp pháp mà còn tạo ra cơ sở cho chúng hưởng thụ và sử dụng những đồng tiền đã được tẩy rửa để phục vụ cho những hoạt động tội phạm khác.

Có thể xếp những người rửa tiền làm ba nhóm: 1. Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, buôn người, lao động bất hợp pháp…) 2. Những người tham nhũng. 3. Những người muốn tránh thuế, những người muốn giữ kín thu nhập thật sự (dù là hợp pháp) của mình.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, tiền lương của chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh, thậm chí của cán bộ cấp bộ, cấp Trung ương để trang trải cho cuộc sống gia đình một cách tương đối thoải mái đã là khó, nói gì tới việc mua biệt thự, sắm ôtô, rồi cả việc cho con du học…

Cuộc sống trở nên nực cười khi người dân không tin là cán bộ lãnh đạo - những người "đầy tớ" của mình mà cuộc sống chỉ ở mức đủ sống. Bởi thực tế, vai trò là cán bộ lãnh đạo với trăm công, nghìn việc thì thời gian đâu để họ làm thêm bên ngoài nữa, bên cạnh đó Luật Cán bộ, công chức quy định những điều cán bộ, công chức không được làm, như: Cán bộ, công chức không được lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi; không làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… và như vậy thu nhập chính của họ chỉ trông vào đồng lương của Nhà nước.

Ấy vậy mà họ vẫn giàu, giàu một cách đáng tự hào dù không thể hiểu được tiền tư đâu ra để họ giàu đến vậy.

Cán bộ, đảng viên là "đầy tớ" trung thành của nhân dân, nhưng một số "đầy tớ" khi trở thành lãnh đạo đã không còn là người đầy tớ trung thành mà cố gắng đục khoét của nhân dân. Như một lẽ thường, họ sẽ giàu lên khi trở thành lãnh đạo và càng giàu họ lại làm lãnh đạo lớn hơn, họ hàng, con cái họ cũng tiếp nối truyền thống đó. Vô hình chung hiện tại đang tạo nên một xã hội mà ai cũng muốn làm lãnh đạo để giàu lên một cách vô lý nhưng dễ hiểu.

Bây giờ xin được nói trực tiếp về vấn đề kê khai tài sản. Nếu chúng ta thực sự coi việc kê khai tài sản, thu nhập cho những người thuộc diện bắt buộc như một biện pháp phòng, chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền hữu hiệu, thì phải có những cải cách một cách tích cực như: Cần giảm bớt số người phải kê khai, tập trung vào nhóm người có cương vị, chức vụ, quyền hạn để việc kê khai được "tinh" và việc kiểm tra tính chính xác dễ dàng hơn; từng bước mở rộng phạm vi công khai bản kê khai, cung cấp thông tin cho nhiều người biết để giám sát, phát hiện những trường hợp kê khai không trung thực; buộc cán bộ, công chức Nhà nước có tài sản tăng thêm đáng kể phải giải trình nguồn gốc các tài sản đó, cùng các khoản chi tiêu, mua sắm lớn. Nếu họ không giải trình được thì số tài sản tăng thêm đó sẽ bị coi là phi pháp và bị tịch thu. Như vậy, pháp luật không cần truy tố, bỏ tù cán bộ, công chức mà chỉ cần tịch thu tài sản và sa thải là xong.

Một khi cán bộ, công chức thấy rằng dù có thể tham nhũng, có thật nhiều tiền tuy không bị đi tù, nhưng có nguy cơ bị tịch thu hết tài sản và sự nghiệp cũng bị tiêu tan, lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị kiểm tra, truy xét, mất ăn, mất ngủ để nghĩ cách đối phó với các cơ quan chức năng và một khi có tiền mà không được tiêu, không thể thỏa mãn những ham muốn nhu cầu vật chất, thì tiền chẳng còn ý nghĩa gì mà còn là ẩn họa. Nếu không muốn rước họa vào thân thì họ sẽ phải dừng việc tham nhũng lại.

Cù Tất Dũng
.
.