Live stream và chuyện chiếc hộp Pandora

Thứ Bảy, 07/11/2015, 08:00
Live stream - hình thức truyền hình trực tiếp trên internet, đang trở thành trào lưu mới mẻ và hấp dẫn với công chúng trẻ. Xuất hiện chưa lâu, nhưng hình thức này đang được các nghệ sĩ trong giới showbiz tận dụng và coi như một công cụ hiệu quả để quảng bá hình ảnh cũng như sản phẩm của mình.
Live streaming (thường xuất hiện phổ biến trên YouTube hoặc Facebook) vốn không mới. Trên thế giới, live stream được ứng dụng phổ biến ở các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng từ năm 2009 thông qua một website riêng.

Trước đây ca sĩ Hồ Ngọc Hà đã từng sử dụng công nghệ này trong live show "Và em đã yêu" năm 2009. Nhưng hình ảnh kém, chất lượng đường truyền internet của Việt Nam lúc ấy chưa ổn định khiến thử nghiệm này chìm vào quên lãng. Đến năm 2014, khi internet ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, chất lượng hình ảnh đạt chuẩn HD, live stream hồi sinh mạnh mẽ. Công ty POPS Worldwide  áp dụng hình thức này vào đêm trao giải POPS Award 2014, chương trình thời trang Elle Show 2014, lễ trao giải "Làn sóng xanh" và nhiều chương trình giao lưu với người nổi tiếng… 

Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt MV "Âm thầm bên em" ứng dụng live stream, một công nghệ mới bắt đầu phổ biến trong làng giải trí Việt.

Nhưng phải tới buổi ra mắt MV "Âm thầm bên em" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vào đầu tháng 8/2015, công nghệ live stream mới được giới nghệ sĩ hưởng ứng rầm rộ. Trước khi đưa  MV "Âm thầm bên em" của mình lên các trang mạng, Sơn Tùng đã mời 50 khán giả hâm mộ đến studio để thực hiện buổi ra mắt và truyền dẫn trực tiếp qua kênh cá nhân của anh trên YouTube.

Sau Sơn Tùng M-TP, MV "Xin đừng buông tay" của ca sĩ Noo Phước Thịnh lập tức gây ồn ào cộng đồng mạng khi chủ nhân của nó thông báo sẽ sử dụng Facebook để truyền hình trực tiếp. Mọi fan hâm mộ dù ở nơi đâu cũng có thể theo dõi thần tượng biểu diễn chỉ với một chiếc điện thoại, máy tính bảng…

Các kênh truyền hình, phát thanh dành cho giới trẻ cũng không đứng ngoài xu hướng đang sốt sình sịch này. Nhiều chương trình, sự kiện của kênh Yeah1 TV như "Future Now 2015", tiệc sinh nhật mừng 7 năm, Gala gặp gỡ nghệ sĩ… đều được truyền trực tiếp trên Youtube Yeah1TV hoặc trang yeah1.com. Chương trình "Happy Lunch" của kênh XoneFM khiến giới trẻ thích thú khi đưa những ngôi sao đình đám của làng giải trí Việt như Thanh Bùi, Đinh Hương, Trọng Hiếu Idol, Minh Quân Idol…đến với khán giả qua đường truyền trực tiếp.

So với hình thức truyền hình trực tiếp của các nhà đài trên tivi, live stream có nhiều ưu điểm nổi bật. Nếu chương trình trên tivi chỉ chiếu cho khán giả trong nước xem thì truyền hình trực tiếp trên mạng lại phủ sóng đến khán giả ở khắp nơi trên thế giới thông qua mọi thiết bị có kết nối internet. Hơn nữa, tính tương tác của nó rất cao.

Khán giả có thể bình luận, đóng góp ý kiến khen chê của mình trên trang mạng ngay khi chương trình diễn ra. Do vậy, không ít chương trình có những chuyển biến, thêm thắt nhờ ý kiến của khán giả. Tương lai phát triển của truyền hình hiện đại, tính tương tác và độ chân thực cao là xu hướng mà các đài truyền hình đang hướng đến.

Riêng với internet, nhất là mạng xã hội, yếu tố này sẵn có và ngày càng phát triển khi truyền hình trực tiếp trên mạng ra đời. Nhà sản xuất âm nhạc, DJ Thái Giang cho biết anh chọn kênh phát hành trên YouTube cho gameshow "MIX!X" (gameshow về nghề DJ) chứ không phải là một kênh truyền hình dành cho giới trẻ dù gameshow  có những gương mặt DJ đình đám.

"Chương trình của chúng tôi mang tính chất thử nghiệm là chính. Việc đưa lên mạng giúp chúng tôi dễ nhận được sự phản hồi của khán giả. Vấn đề kinh phí cũng là yếu tố cốt lõi khiến chúng tôi khá ngại đài truyền hình".

Mức chi phí đắt đỏ, giới hạn thời gian phát sóng nên hàng loạt chương trình truyền hình trực tiếp của các nhà đài lớn phải chuyển sang ghi hình phát lại như: "Sol vàng", "Âm nhạc và bước nhảy", "Sài Gòn tối thứ bảy" (VTV9),  "Solo cùng bolero", "Cười xuyên Việt", "Cùng nhau tỏa sáng" (Đài Truyền hình Vĩnh Long)… Nhiều nhà đài cũng tích cực đưa các chương trình lên mạng ngay khi vừa phát sóng và số lượng người xem bao giờ cũng áp đảo, nhận được bình luận rôm rả.

Trong tương lai, live stream sẽ là đối thủ đáng gờm của truyền hình. Trong khi các chương trình truyền hình trực tiếp của truyền hình đang ngày càng kém hấp dẫn, thiếu tính tương tác và liên tục dính các tai tiếng thì sự lên ngôi của các chương trình truyền hình trực tiếp trên mạng là xu thế tất  yếu. So với sự khó khăn của nhà đài thì môi trường mạng lại rất tự do cho một chương trình truyền hình trực tiếp. Bất kỳ tài khoản YouTube nào có hơn 100 người theo dõi cũng sẽ dùng được tính năng live stream.

Không cần xin phép, không cần tốn một khoảng phí nào, không cần năn nỉ ngồi chờ các đài truyền hình và lại bị lại giới hạn thời gian phát sóng, live stream giao quyền chủ động hoàn toàn cho người thực hiện.

Lễ trao giải POPs Awards 2014 được truyền hình trực tiếp trên YouTube.

Bên cạnh đó, điều kiện để live stream một chương trình rất đơn giản. Chỉ cần đường truyền internet tại nơi tổ chức sự kiện ổn định, cấu hình máy tính mạnh. Người tổ chức có kinh nghiệm, rành về kỹ thuật thì họ dễ dàng tường thuật trực tiếp một chương trình như trên đài truyền hình thứ thiệt. Thậm chí, nếu là dân nghiệp dư, trên mạng luôn có sẵn những bài chỉ dẫn tỉ mỉ để thao tác. Sau khi chương trình kết thúc, ban tổ chức không phải đăng lại clip vì nội dung đã được lưu khi phát trực tiếp. Khán giả có thể thoải mái xem lại. Tất nhiên, nếu đường truyền internet không ổn định thì việc xem chương trình sẽ trở thành cực hình khi hình ảnh, âm thanh liên tục bị giật, nhòe…

Bà Esther Nguyễn, Giám đốc điều hành POPS Worldwide đánh giá: với những ưu điểm và tiện ích, đây sẽ là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới. Trào lưu giới thiệu các sản phẩm âm nhạc bằng con đường trực tuyến sẽ được các nghệ sĩ Việt chú trọng và bùng nổ. Đặc biệt, khi tỉ lệ người sử dụng internet, xem video trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tăng. Trong đó, số người dưới 30 tuổi chiếm đa số.

Tuy nhiên, internet được vốn được ví như chiếc hộp Pandora. Nó chứa đựng không ít tiện ích những cũng dung túng cho những cái xấu xa, đen tối len lỏi mọi ngóc ngách. Đủ mọi thứ hầm bà lằng từ internet làm cuộc sống con người đảo lộn. Từ thế giới phẳng, con người đang bước vào kỷ nguyên của thế giới nhanh. Nọc độc của từ internet lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Công nghệ live stream với sự tự do gần như tuyệt đối của mình càng góp phần vào sự hổ lốn khó kiểm soát của chiếc hộp Pandora mang tên internet này.

Nếu các chương trình truyền hình, đặc biệt là truyền hình trực tiếp luôn có sự kiểm duyệt gắt gao từ nội dung đến hình thức biểu diễn…, có sự bảo hộ hợp pháp và người chịu trách nhiệm cụ thể thì các chương trình truyền hình trực tiếp trên mạng thoát khỏi cửa kiểm duyệt. Do đó, không ai dám chắc nó sẽ "sạch" và đảm bảo không phản cảm, độc hại.

Nhìn lại vụ xử phạt những sản phẩm trên internet bị cho là độc hại, khai thác sâu khía cạnh sex, bạo lực, tục tĩu… trước đây như "Căn hộ 69", clip quảng cáo bánh ngọt của Trà Ngọc Hằng, bài hát "Phiếu bé ngoan"… thì đó chỉ là chuyện đem muối bỏ biển. Nhưng ít ra ở những trường hợp này còn có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của nó khi khán giả có thể xem bất cứ phân đoạn nội dung nào nếu muốn để kiểm tra chất lượng clip và quyết định xem hay không.

Riêng với live stream, yếu tố bất ngờ, tương tác trực tiếp với khán giả càng khiến các vấn nạn phản cảm, độc hại khó có thể ngăn chặn vì không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy nên live stream được dự báo sẽ là mảnh đất màu mỡ để những lời lẽ, hành vi vô văn hóa, xuyên tạc, trang phục biểu diễn hở hang, phản cảm… hoành hành. Chuyện mất bò mới lo làm chuồng, theo đuôi sai phạm e sẽ trở thành thách thức không nhỏ với nhà quản lý khi trào lưu này bùng nổ mà không có cách kiểm soát phù hợp. 

Nói về vấn đề này, nhà sản xuất âm nhạc, DJ Thái Giang cho rằng : "Đúng là không cẩn thận, hình thức rất tiện ích này sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Nếu chỉ trông chờ vào cái tâm và tầm của người sản xuất, nghệ sĩ thì công chúng khó có thể yên tâm. Rõ ràng, ở các sự kiện chính thống có sự kiểm duyệt chặt chẽ nhưng không hiếm nghệ sĩ vẫn lách luật, cố tình sai phạm huồng hồ là nơi mở cửa tự do".

Nguyễn Trang
.
.