Lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ
Trong 7 khu vực được đánh giá và xếp hạng, báo chí và nhà xuất bản đứng đầu về tỷ lệ mắc lỗi chính tả nhiều nhất (lên tới 9,58%, trong khi tiêu chuẩn quốc tế chỉ cho phép 0,1% và tiêu chuẩn do các chuyên gia ngôn ngữ trong nước đưa ra là 1%). Con số rút ra từ cuộc khảo sát này là minh chứng rõ nét cho "lệch chuẩn" ngôn ngữ trên báo chí đang lan nhanh.
Sách in sai, in lỗi, ngôn ngữ mạng bát nháo… và còn nhiều những nhầm lẫn xảy ra làm "vẩn đục" ngôn ngữ của dân tộc. Ngay cả trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng vẫn để xảy ra những lỗi về ngôn ngữ. So với trước đây, cách thức giao tiếp của tiếng Việt phong phú hơn. Cùng với đó, phương tiện truyền thông đại chúng cũng đa dạng và phát triển với tốc độ mau lẹ: báo in, phát thanh, truyền hình và đặc biệt là báo trực tuyến Internet. Khán thính giả cũng bắt gặp những lỗi nói nhịu trên sóng phát thanh và truyền hình, hay những nhầm lẫn về kiến thưc chuyên môn của người dẫn… Nhưng theo thống kê thì trong số các loại hình báo chí hiện nay, báo mạng điện tử vẫn có nhiều "hạt sạn" nhất (báo in ít lỗi hơn vì phải trải qua nhiều khâu biên tập, kiểm duyệt trước khi tin bài được đăng tải trên mặt báo). Nhưng như thế không đồng nghĩa với việc chấp nhận những lỗi sai trên báo điện tử với lý do đòi hỏi tốc độ nhanh nên sai sót về ngôn từ là điều khó tránh khỏi. Những kiểu lỗi sai chính tả thường gặp như sai các cặp phụ âm (s-x; ch-tr; r-gi-tr), sai các nguyên âm và sai vị trí dấu thanh điệu. Không chỉ riêng trong lĩnh vực báo chí mà những người đọc và người viết nói chung thường xem nhẹ lỗi sai vị trí dấu thanh điệu. Vì lỗi sai này không làm ảnh hưởng đến mặt ngữ nghĩa của từ nhưng trong quá trình chuẩn hóa ngôn ngữ thì việc đánh dấu thanh điệu tuân theo trật tự ảnh hướng lớn đến việc tạo ra nhất quán về chính tả trong tiếng Việt và tăng giá trị thẩm mỹ chung của ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra, lỗi chính tả còn thường thấy ở các trường hợp viết hoa sai tên các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.
Gây nên hiện tượng sử dụng tiếng Việt bừa bãi trên báo chí còn có lỗi dùng từ. Nguyên nhân chủ yếu là do người viết không nắm chắc nghĩa của từ, nhất là các từ Hán - Việt, các thuật ngữ khoa học, nhầm lẫn giữa các từ gần âm, gần nghĩa với nhau… Có những câu xuất hiện trên mặt báo nhưng chưa hẳn nhiều người đọc đã phát hiện ra lỗi. Ví dụ: "Ngày mai, Tây Nguyên là mùa khô". Mùa khô là một quá trình kéo dài trong nhiều tháng nên để hợp lý về mặt ngữ nghĩa, câu phải sửa thành: " Ngày mai, Tây Nguyên bắt đầu mùa khô" hoặc " Sắp tới, Tây Nguyên bước vào mùa khô". Nếu như người viết có vốn hiểu biết kỹ lưỡng về ngôn từ thì sẽ tránh được những "hạt sạn" không đáng có này.
Lỗi về chính tả, lỗi về mặt ngữ nghĩa gây nên những sai lệch cho tiếng Việt nhưng bên cạnh đó, cách giật tít của nhiều trang báo hiện nay cũng đang làm "méo mó" tiếng Việt. Tít bài giật gân đi kèm với những động từ, tính từ nhất định như "choáng váng", "kinh hoàng",… dần trở nên quen thuộc với độc giả. Những tít bài để thu hút người đọc là một nhẽ nhưng nội dung đi kèm bài viết cũng nhảm nhí không kém. Việc xử lý sai phạm của một số cơ quan báo chí gần đây cho thấy bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh công tác kiểm tra kịp thời phát hiện các trường hợp đưa tin, bài sai sự thật, thiếu kiểm chứng, thiếu nhạy cảm chính trị, chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, gây bức xúc trong dư luận… Việc kiểm tra, rà soát của các cơ quan của bộ Thông tin và Truyền thông tạo ra sự bình đẳng cho báo giới cũng như đảm bảo chất lượng thông tin cho độc giả.