Lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 75: Tuyên ngôn của nữ giới

Thứ Ba, 23/01/2018, 08:24
Đến hẹn lại lên, vào ngày 8-1 vừa qua, lễ trao giải Quả Cầu Vàng - Golden Globe Awards - lần thứ 75 đã diễn ra tại California, Mỹ. 


Mở màn cho mùa giải thưởng phim ảnh đình đám của Hoa Kỳ, Lễ trao giải Quả Cầu Vàng của Hiệp hội Báo chí Nước ngoài tại Hollywood (HFPA) năm nay mang đậm tính thời sự và nhân văn, hoàn toàn khác với năm ngoái khi các lễ trao giải Quả Cầu Vàng từ lâu đã được đánh giá là mang tính giải trí cao.

Đặc biệt không giống như nhiều sự kiện phim ảnh khác, HFPA chia các giải thưởng ra thành hai thể loại: Chính kịch và hài kịch hoặc ca vũ nhạc, cũng như vinh danh các tác phẩm và cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực truyền hình của năm.

Mảng điện ảnh

Trái với dự đoán của số đông khán giả, "Three Billboards Outside Ebbing, Missouri" (tạm dịch: Ba biển quảng cáo bên ngoài thị trấn Ebbing, Missouri) - thể loại hình sự pha hài đen của đạo diễn Martin McDonagh - là bộ phim gặt hái được nhiều thành công nhất trong đêm trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 75 khi lần lượt được xướng tên ở các hạng mục quan trọng nhất: Phim truyện xuất sắc - Thể loại chính kịch, Nữ diễn viên chính xuất sắc - Thể loại chính kịch - Frances McDormand, Kịch bản xuất sắc - Martin McDonagh và Nam diễn viên phụ xuất sắc - Sam Rockwell.

Bộ phim theo chân Mildred Hayes (Frances McDormand) và quá trình đòi lại công lý của một người mẹ khi cảnh sát bó tay trước việc đứa con gái đang tuổi vị thành niên của bà bị hãm hiếp và sát hại dã man. Chán nản và phẫn uất, bà thuê ba tấm bảng quảng cáo bị bỏ hoang để đăng lên những dòng chữ khiến cho đám cảnh sát phải tự vấn lương tâm. Sự việc gây náo động cả thị trấn nhỏ Ebbing, nơi mà cuộc sống từ trước đến nay vẫn yên bình và thậm chí là có phần đơn giản, hay ít ra đó là những gì người dân vẫn nghĩ.

Dàn sao nữ tham dự đồng loạt mặc trang phục màu đen để ủng hộ chiến dịch Time's Up (Nguồn: Getty Images).

Là bộ phim nhận 93% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes với điểm trung bình 8,5, cùng với nội dung về một người phụ nữ tìm lại công lý cho đứa con gái bị hãm hiếp và giết hại, phù hợp với tinh thần chung của Hollywood hiện tại. Đặc biệt là khi để ủng hộ chiến dịch chống lạm dụng tình dục có tên Time's Up, dàn sao tham gia thảm đỏ lễ trao giải Quả Cầu Vàng đã đồng loạt mặc trang phục đen. Những yếu tố trên càng góp phần khẳng định chiến thắng vang dội của tác phẩm mang đậm tính nhân văn này.

Cũng trong thể loại phim chính kịch, nhờ màn lột xác thành công thành Thủ tướng Anh Winston Churchill trong Thế chiến thứ hai, tài tử sinh năm 1958 Gary Oldman đã mang về cho bản thân danh hiệu Quả cầu vàng đầu tiên trong 40 năm sự nghiệp. Màn trình diễn đầy nội lực cùng nỗ lực mang lớp hóa trang nặng nề trong "Darkest Hour" (Giờ Đen Tối) của Oldman được các nhà phê bình đánh giá cao và giúp ông giành được danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc - Thể loại chính kịch.

Tất cả khiến cho các ứng cử viên đình đám khác trong thể loại chính kịch như "Dundirk" (Cuộc di tản Dundirk) hay "hiện tượng diễn xuất 2017" Timothée Chalamet trong tác phẩm về đề tài đồng tính gây sốt "Call Me By Your Name" (Gọi Em Bằng Tên Anh) phải ra về trắng tay.

Theo sát "Three Billboards Outside Ebbing, Missouri" (tạm dịch: Ba biển quảng cáo bên ngoài thị trấn Ebbing, Missouri) là bộ phim tâm lý - hài hước "Lady Bird" (Điểu Cô Nương). Tác phẩm này đã vinh dự nhận giải Phim truyện xuất sắc - Thể loại hài kịch/ca vũ nhạc và mang về cho tài năng trẻ đầy triển vọng Saoirse Ronan 22 tuổi danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc - Thể loại hài kịch/ca vũ nhạc.

Bộ phim lấy bối cảnh tại Sacramento, California, nội dung xoay quanh cuộc sống ở cái tuổi 17 ẩm ương của cô thiếu nữ Christine McPherson (Saoirse Ronan). Nữ đạo diễn, biên kịch Greta Gerwig viết kịch bản "Lady Bird" (Điểu Cô Nương) dựa trên một số sự kiện của chính cuộc đời mình. Chính sự gần gũi và chân thực đó đã khiến bộ phim duy trì được nhịp phim sống động và đặc tả tự nhiên mọi cung bậc cảm xúc chỉ qua vỏn vẹn 93 phút.

Không chỉ gợi nhắc mỗi người về thời thanh xuân nổi loạn, ẩm ương của chính bản thân mà bộ phim còn khắc họa thành công tình mẹ con sâu nặng, phức tạp và đầy cảm động giữa nhân vật chính và bà mẹ Marion của mình. Kịch bản chân thực, đạo diễn tài năng và màn diễn xuất đầy nhạy cảm của Saoirse Ronan cùng dàn diễn viên đã phác họa lên một "Lady Bird" (Điểu Cô Nương) không thể hoàn hảo hơn. Không có gì ngạc nhiên khi tác phẩm tuyệt vời này là một trong hai bộ phim đạt điểm gần như tuyệt đối (99%) trên trang Rotten Tomatoes năm qua.

Một trong những bộ phim gây chú ý trong năm qua là "The Disaster Artist" (tạm dịch: Nghệ sĩ Thảm họa) của đạo diễn, diễn viên James Franco. Phim kể lại quá trình thai nghén nên tác phẩm thuộc hàng "thảm họa" của Hollywood là "The Room" (Căn phòng) (2003) do nghệ sĩ Tommy Wiseau thực hiện. Trực tiếp sắm vai Wiseau, James Franco nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc - Thể loại hài/ca vũ nhạc. Anh được đánh giá là có vai diễn thành công khi lột tả chính xác ngoại hình, điệu bộ và phong cách của người nghệ sĩ lập dị.

Trong các hạng mục còn lại, giải Đạo diễn xuất sắc đã thuộc về Guillermo del Toro với tác phẩm nói về tình yêu oanh liệt giữa một cô gái câm và một con thủy quái  trong bối cảnh thời kỳ Chiến tranh Lạnh mang tên "The Shape of Water" (Dáng Hình Của Nước). Bộ phim này cũng giúp nhà soạn nhạc Alexandre Desplat được xướng tên ở hạng mục Nhạc nền xuất sắc.

Còn với thể loại hoạt hình, không nằm ngoài dự đoán của giới phê bình lẫn khán giả thế giới, tác phẩm mới nhất của xưởng hoạt hình Pixar "Coco" đã rinh về danh hiệu Phim hoạt hình xuất sắc. Nhận vô số lời khen ngợi từ giới phê bình và công chúng kể từ khi ra mắt, "Coco" đã sớm được đánh giá là ứng cử viên số một tại Oscar năm nay, và dường như không cái tên nào có thể ngáng đường bộ phim từ nay cho tới đầu tháng 3.

Mảng truyền hình

Ngôi vương của mảng truyền hình tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng năm nay đã thuộc về series "Big Little Lies" (Những lời nói dối) của đài HBO. Không chỉ giành giải Phim truyền hình ngắn hoặc phim truyện truyền hình xuất sắc, "Big Little Lies" (Những lời nói dối) còn giúp Nicole Kidman được xướng tên ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc - Thể loại truyền hình ngắn hoặc phim truyện truyền hình. Với vai diễn một người vợ bị bạo hành tình dục, đây là lần thứ tư nữ minh tinh nhận vinh dự từ HFPA, kể từ năm 2002 với bộ phim điện ảnh "The Hours" (Thời khắc).

Cuối cùng, series truyền hình này còn giúp cặp diễn viên phụ Alexander Skarsg#rd và Laura Dern lần lượt ẵm giải Nam và Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Với tổng cộng bốn chiến thắng trong tối 7/1, "Big Little Lies" (Những lời nói dối) chính là tác phẩm màn ảnh nhỏ thành công nhất tại Quả Cầu Vàng 2018.

Tại hạng mục quan trọng Phim truyền hình chính kịch xuất sắc, "The Handmaid's Tale" (Câu chuyện của Người hầu gái) đã vượt qua một số ứng viên nặng ký như series đình đám "Stranger Things" (Cậu bé mất tích) hay "Game of Thrones" (Trò chơi vương quyền) để nhận giải, đồng thời giúp Elisabeth Moss có chiến thắng cá nhân ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc - Thể loại truyền hình...

Loạt phim truyền hình 18+ của Hulu thu hút lượng lớn người xem trong năm qua khi lấy bối cảnh tương lai với tỷ lệ sinh nở giảm sút bởi các bệnh truyền nhiễm. Những phụ nữ còn khả năng sinh nở bị bắt làm "hầu gái", cũng như trở thành "máy đẻ" cho các gia đình quyền quý.

Phong trào nữ quyền lên ngôi

Lễ trao giải Quả Cầu Vàng năm nay xoáy sâu vào scandal xâm hại tình dục ở Hollywood. Từ khi vụ bê bối lạm dụng tình dục gây rúng động thế giới của "ông trùm Hollywood" Harvey Weinstein bị phanh phui, kéo theo đó là làn sóng tố cáo mạnh mẽ của nữ giới với chiến dịch MeToo (Tôi cũng vậy) trên mạng xã hội Twitter, và hiện nay là sự kiện các sao tham dự thảm đỏ "Quả Cầu Vàng" đồng loạt mặc trang phục màu đen như một lời tuyên ngôn đanh thép để ủng hộ chiến dịch chống lạm dụng tình dục Time's Up (Đã đến lúc).

Và đúng như những gì tờ Variety nhận định, Giải "Quả Cầu Vàng" năm nay phản ánh cơn thịnh nộ và sức mạnh của nữ giới". Bởi không chỉ thể hiện ở hành động "phủ đen" thảm đỏ và các bài phát biểu khi lên nhận giải thưởng của các nữ diễn viên, tinh thần chung của Hollywood còn được truyền đi trong các giải thưởng khi đa phần các bộ phim chiến thắng đều có nội dung liên quan đến vấn đề lạm dụng, bạo hành nữ giới.

Và không thể không nhắc đến cả bài phát biểu đầy nội lực của "bà hoàng truyền thông" Oprah Winfrey khi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên nhận giải Cecil B.DeMille - Quả Cầu Vàng cho Thành tựu trọn đời: "Tôi biết chắc rằng việc nói lên sự thật chính là vũ khí mạnh mẽ nhất của chúng ta. Tôi muốn dành tặng đêm nay cho những người phụ nữ đã phải sống trong nỗi đau bị quấy rối và xâm hại nhiều năm qua. Hừng đông đã hiện nơi đường chân trời, và khi ngày mới đó tới, đó sẽ là sự khởi đầu vì những người phụ nữ phi thường này".

Paris 8-1-2018

Thục Anh (tổng hợp)
.
.