"Lệ Tết" - thói quen cần phải bỏ

Thứ Năm, 26/12/2019, 07:53
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 40 - CT/TƯ về việc tổ chức Tết năm 2020. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.


Sau Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Chỉ thị số 33 /CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội...

Nếu lệnh cấm hằng năm vẫn cứ phải ban hành, chứng tỏ hiện tượng biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo có vẻ vẫn chưa được khắc phục, đó là cái khách quan mà người dân ai cũng nhìn thấy. Để tiếp nhận phản ánh về tham nhũng, tiêu cực và tặng quà trái quy định dịp Tết, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã mở liền 3 đường dây nóng.

Tuy nhiên, rất ít người tố cáo việc làm này, vì kẻ đưa và người nhận quà biếu thì đương nhiên không tố cáo nhau rồi. Còn người chứng kiến, nhìn thấy để rồi đi tố cáo thì chắc chắn là không. Vì không khéo họ sẽ mang tội vu khống, bôi nhọ cán bộ. Bởi ít khi nào họ có bằng chứng, khả năng nhìn thấy cũng ít. Giả sử có thông tin về biếu tặng quà thì cơ quan chức năng sẽ rất khó xử lý. Hiện chưa có chế tài nào cho phép kiểm tra, lập biên bản xử lý việc biếu tặng quà theo thông tin từ người dân.

Phong tục tặng quà Tết của người Việt ít nhiều đã bị biến tướng trong đời sống hiện đại. Ảnh nguồn internet

Dư luận cho rằng, người ta đâu phải chờ Tết đến mới tặng quà nhau. Bất cứ dịp nào, ở đâu họ cũng đều có thể tặng được và ta có muốn kiểm soát cũng rất khó, vì đó là chuyện cá nhân. Hối lộ không đơn thuần chỉ là chuyện quà cáp, biếu xén ngày Tết mà là sự ăn chia sòng phẳng, là tỷ lệ phần trăm trên giá trị từ các dự án, là sự hợp tác cùng có lợi.

Tuy nhiên, Tết vẫn là cơ hội vàng để những hành vi hối lộ, tham nhũng được che đậy, hợp thức một cách dễ chấp nhận nhất bằng phong tục, văn hóa. Cấm công khai thì người ta tặng nhau âm thầm, như thế thì việc cấm cũng không nhiều ý nghĩa.

Vốn dĩ tặng quà ngày Tết là một phong tục, một truyền thống đẹp người Việt dành cho nhau để bày tỏ lòng quan tâm, sự cảm ơn với bạn hữu, người thân, hay những người đã hết lòng hỗ trợ mình trong công việc, làm ăn, trong đó có thể gồm cả cấp trên. Những món quà như thế chan chứa nghĩa tình, nồng đượm mến thương… Nhưng chút quà Tết mừng xuân thể hiện sự quan tâm, yêu quý lẫn nhau đôi khi đã bị biến tướng thành quan hệ làm ăn hoặc đút lót, “lại quả”... và đã thành cái “lệ” trong xã hội của chúng ta.

Đúng là khó thật. khó mà phân biệt được ranh giới giữa tình cảm quý mến với cầu cạnh, hối lộ. Khó bởi việc trao và nhận thường diễn ra ở những nơi kín đáo... Trăm vạn điều khó, nhưng khó nhất có lẽ vẫn là “thói quen” nhận quà dịp Tết của không ít cán bộ, lãnh đạo, nếu không cứ thấy thiêu thiếu, văng vắng điều gì. Thế nên đã có nhiều người thắc mắc rằng, sao chỉ thấy cấm tặng quà mà không cấm nhận quà? Đây là điều mà dư luận và người dân quan tâm. Bởi thực tế đã cho thấy, từ chỉ thị, chỉ đạo của cấp trên đến thực tiễn còn một khoảng cách khá xa.

Có lẽ Tết đến thì chỉ có con trẻ là vui mừng, phấn khởi. Còn người lớn cận kề Tết thì tất bật, kêu khổ, kêu mệt cũng là bởi cái “lệ” lo Tết, chuẩn bị quà mà “đi Tết”. Quà cáp đã trở thành một thói quen không dễ bỏ, chính vì thế mà không ít người mất ngủ nếu chưa quà cáp chúc Tết nhà sếp, sợ sếp "không vui", lo cho con đường quan lộ của mình trắc trở; còn địa phương mà chưa Tết được Trung ương thì lo có thể bị cắt bớt hỗ trợ, bị cắt giảm kinh phí đầu tư trong năm tới... Thực tế đó, dù nói, dù không thì vẫn hiện hữu trong xã hội chúng ta đang sống.

Làm sao để chỉ thị của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấm quà cáp cấp trên trở thành hiện thực? Giá như cấp trên nêu gương trước, cương quyết không nhận quà cáp, biếu xén của cấp dưới. Nếu ai đến tặng quà đều bị nghi ngờ không trong sáng, lắt léo để có thể đạt được những lợi ích của mình… thì ai dám tặng? Điều này ắt sẽ tạo điều kiện cho cấp dưới tuân thủ quy định “nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên”.

Từ việc cấm này, chúng ta phải hình thành thói quen, nhận thức mới, văn minh, thay vì đút lót, xin xỏ núp bóng quà biếu thì hãy đến với nhau bằng cái tình. Được như thế nạn quà cáp, biếu xén biến tướng dịp Tết cũng sẽ dần lui.

Cù Tất Dũng
.
.