Nhuận bút của nhà văn:

Lao động của nhà văn bị “nâng lên đặt xuống”

Chủ Nhật, 30/09/2007, 07:00
Vị khách đặt hàng hỏi tôi một đêm diễn của Siu Black là bao nhiêu, tôi bảo nghe đâu 10 triệu đồng. Nghe xong cô ấy chào tôi ra về, nhưng từ đó không thấy quay lại nữa. Kể như vậy để nói rằng, so với các nghề nghiệp khác, lao động của nhà văn chúng ta còn bị “nâng lên đặt xuống”, không được đánh giá cao.

- Thưa nhà văn Chu Lai, xin được hỏi, cho đến nay, “đứa con tinh thần” nào mang về số tiền nhuận bút nhiều nhất cho ông?

+ Đó là đứa con có tên “Nắng đồng bằng”. Tôi nhớ số tiền được trả cho việc xuất bản “Nắng đồng bằng” lớn đến mức có thể nghĩ đến chuyện đi mua căn hộ tập thể thời bao cấp.

- Thế còn nhuận bút dành cho những tác phẩm khác của ông thì sao?

+ Nhà văn Việt Nam xưa nay chưa ai sống được bằng nhuận bút cả. Những người có thương hiệu nhất cũng không ai giàu bằng việc viết sách. Nếu chịu khó ngồi vào bàn, miệt mài với con chữ thì may ra anh đủ sống một cách đạm bạc.

Năm 1985 tôi đoạt giải nhất cuộc thi viết kịch bản văn học sân khấu toàn quốc. Tiền giải thưởng nhận được tôi phải bổ sung thêm vào 50 đồng mới mua được 1 cái quạt Vinawind mà đến bây giờ tôi vẫn giữ làm kỷ niệm. Tiền nhuận bút 1 kịch bản bây giờ, tôi tính chi li ra là có thể mua được 10 cái quạt như vậy.

Nói về nhuận bút của người viết nước mình là rất ngậm ngùi. Sách viết ra, in xong, nhuận bút đổi thành mấy chục cuốn sách về tặng bạn bè là hết. Mà chết nỗi, càng viết tử tế, càng có chiều sâu nhân văn, sách càng khó bán, càng ít nhuận bút...

- Có thời kỳ, để sống được, nhiều nhà văn của chúng ta phải đi viết thuê cho các địa hạt kinh tế. Ông viết những tác phẩm nào từ những lần được “đặt hàng” như vậy?

+ Thời kỳ khó khăn nhà văn chúng tôi thường phải đi viết thuê cho một số đơn vị kinh tế, nếu họ có nhu cầu viết sách về cuộc đời cá nhân ông lãnh đạo hay sự nghiệp phát triển của toàn đơn vị. Vì thế đời sống văn chương khi ấy  mới đẻ ra những cái gọi là nền văn học pháo binh, nền văn học đặc công, nền văn học vệ sinh dịch tễ, và rất nhiều nền văn học kiểu như vậy…

Tôi cũng là nạn nhân của việc không biết từ chối. Thậm chí còn mong được nhiều nơi người ta mời đi viết. Đi thì mới có tiền mang về cho vợ nuôi con.

Tôi nhớ có lần một ông giám đốc nông trường mời tôi đến viết sách. Viết xong tôi chuyển cho ông ta đọc. Ông ta chẳng hiểu biết tí gì về văn chương nhưng cứ ngồi phê phán mình sát sạt. Biết là khổ cái lỗ nhĩ lắm, nhưng vẫn phải nghe.

Đi viết thuê 2 tháng trời tôi mang về cho vợ được 1 chỉ vàng. Ở nông trường người ta phát cho nhà văn mỗi tuần một bao thuốc lá, tôi không dám hút, dành dụm 2 tháng được 8 bao mang đi bán lấy tiền. Loanh quanh thế nào lại bán đúng vào nơi người ta cấp thuốc cho mình. Thời kỳ viết thuê đó tôi viết một số tác phẩm như “Phố”, “Vòng tròn bội bạc”, “Ăn mày dĩ vãng”...

- Lao động nhà văn là lao động đặc thù, rất cô đơn, nhọc nhằn, nhưng việc định giá lao động của nhà văn lại chưa tương xứng. Nếu viết chỉ là để chơi, là không thể đảm bảo cuộc sống, thì không ai dám hy vọng hai chữ chuyên nghiệp cho nhà văn….

+ Cách đây chừng dăm, bảy năm, có một nữ cán bộ ngành nọ đến gặp tôi đặt vấn đề rằng: “Chúng em rất cần ngòi bút của anh để viết về cuộc đời thăng trầm của Bộ trưởng của chúng em. Xin anh cho biết tiền thù lao sẽ là bao nhiêu”.

Tôi nói: “Tôi sẽ bỏ ra 2 năm tìm kiếm, đọc, nghiên cứu tài liệu về nhân vật rồi sẽ ngồi viết. Viết xong, bên các bạn sẽ nghiệm thu, nếu thấy ổn rồi, hài lòng rồi, thì trả cho tôi tiền thù lao bằng tiền cátxê 5 đêm diễn của ca sĩ Siu Black”.

Vị khách đặt hàng hỏi tôi một đêm diễn của Siu Black là bao nhiêu, tôi bảo nghe đâu 10 triệu đồng. Nghe xong cô ấy chào tôi ra về, nhưng từ đó không thấy quay lại nữa. Kể như vậy để nói rằng, so với các nghề nghiệp khác, lao động của nhà văn chúng ta còn bị “nâng lên đặt xuống”, không được đánh giá cao.

- Và để thoát khỏi tình trạng khó khăn về tiền bạc, nhà văn Chu Lai mới nảy ra ý định “thâm canh” các tác phẩm văn xuôi của mình sang các thể loại khác như điện ảnh, sân khấu, truyền hình?

+ Hết thời kỳ bao cấp, khi bắt đầu phim ảnh, truyền hình rầm rộ lên, một số nhà văn mới nảy ra ý định thâm canh tác phẩm văn xuôi của mình ra các thể loại khác. Các đạo diễn thấy mình làm tốt, họ tới tấp đặt hàng. Tiền kiếm được từ công việc viết kịch bản đúng là khá hơn hẳn viết sách. Tuy nhiên, tôi cũng bị mang tiếng là tham lam, làm hết việc của người khác, là “thâm canh tăng năng suất”...--PageBreak--

- Ông có thể nói cụ thể về thù lao kiếm được từ viết kịch bản chênh lệch như thế nào với thù lao in sách không?

+ Một cuốn tiểu thuyết mình phải nghiền ngẫm rất lâu mới ngồi vào bàn. Ngồi vào bàn rồi thì phải mất ít nhất 1 năm mới hoàn thành. Viết xong hăm hở mang tới NXB. In xong mình được trả nhuận bút chừng hơn 1 triệu đồng, quy đổi lấy ít sách về tặng bạn bè, còn lại may ra được  bỏ túi 1 triệu đồng.

Trong khi viết kịch bản phim sướng hơn, “vừa nhanh bát gạo vừa mau đồng tiền”. Phim truyền hình viết nhanh, mỗi tập người ta trả mình 5 triệu. Một tuần là viết xong 1 tập. Cứ thế nhân lên một năm mình cũng có được một số tiền kha khá.

Hay như cuốn “Cuộc đời dài lắm” tôi chuyển thể sang phim dài 22 tập, chưa hề bấm máy mà người ta đã thanh toán sòng phẳng tiền kịch bản cho mình rồi.

- Theo ông, nhuận bút bọt bèo có phải là nguyên nhân nền tiểu thuyết của chúng ta lâu nay thưa thớt tác phẩm không?

+ Tôi nghĩ đúng như vậy. Thử nhìn vào khu vực phía Nam, các nhà tiểu thuyết dường như biến mất trên văn đàn. Họ chuyển sang làm phim, làm giám khảo cho các cuộc thi hoặc là tham gia các dự án lớn về truyền hình, điện ảnh, sân khấu. Họ không mặn mà với tiểu thuyết nữa. Mà nếu viết thì phải chọn đề tài thế nào, viết thế nào cho ồn ào lên, gây chú ý thì mới bán được sách, mới có tiền...

- Ông là một trong những nhà văn có sách bán chạy và biết ứng biến để tạo cho mình một cuộc sống dễ dàng về tài chính, hơn rất nhiều nhà văn Việt Nam khác. Phải chăng ông biết chọn những đề tài hấp dẫn để viết và biết xuất hiện ở những nơi có thể thu hút sự chú ý của độc giả?

+ Theo tôi đề tài không có tội. Cái chính là anh thể hiện nó như thế nào. Cuộc sống của tôi được ung dung tí chút như hôm nay, tôi đã phải mất tới hơn 30 năm khốn khổ vì tiền. Xuất hiện chỗ này chỗ kia cũng có khi là để người ta biết mình, đọc mình. Giờ thì tôi biết nói Không rồi. Tôi Chơi văn chương thôi, thích thì viết, không chịu áp lực gì cả.

- Xin cảm ơn nhà văn Chu Lai

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.