Làng thời trang Việt Nam: Những điều cần minh bạch

Thứ Năm, 05/05/2011, 10:27
Buổi họp báo giới thiệu chương trình "Tuần lễ thời trang thu đông 2011"  trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua là một buổi họp báo đặc biệt. Ngoài nội dung là giới thiệu Tuần lễ thời trang, những vấn đề bất cập của thời trang Việt Nam đã được các nhà báo và các nhà thiết kế thời trang bàn luận rôm rả. Có lẽ chưa bao giờ và ở đâu, danh xưng "siêu mẫu" lại được sử dụng dễ dãi như ở Việt Nam...

Những ngày cuối tháng tư vừa qua, thời trang Việt Nam lại có dịp sôi động bởi những hoạt động trong chương trình "Tuần lễ thời trang thu đông 2011" được tổ chức tại khách sạn Daewoo, Hà Nội. Nhưng trước đó không lâu, chuyện người mẫu Ngọc Quyên với bộ ảnh nuy phản cảm "vì môi trường", người mẫu nam Ngọc Tình cũng... cởi "vì nghệ thuật" và chuyện siêu mẫu Vĩnh Thụy bị truy tố vì liên quan đến một vụ buôn lậu... đã cho thấy bên cạnh một số tín hiệu đáng mừng thì thị trường thời trang, thị trường người mẫu Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết.

Từ bội thực… siêu mẫu

Buổi họp báo giới thiệu chương trình "Tuần lễ thời trang thu đông 2011" là một buổi họp báo đặc biệt. Vì ngoài nội dung là giới thiệu Tuần lễ thời trang, những vấn đề bất cập của thời trang Việt Nam cũng được các nhà báo và các nhà thiết kế thời trang bàn luận rôm rả. Có lẽ chưa bao giờ và ở đâu, danh xưng "siêu mẫu" lại được sử dụng dễ dãi như ở Việt Nam. Từ các chương trình biểu diễn thời trang đến các trang báo mạng đều tràn ngập những "siêu mẫu". Đến mức, người ta có cảm giác chỉ cần có chiều cao và sải bước trên sàn catwalk là trở thành siêu mẫu. Trong khi đó, theo trang Wikipedia Tiếng Việt thì "siêu mẫu" dùng để chỉ những người mẫu thời trang cao cấp được trả lương cao, nổi danh trên khắp thế giới và có kinh nghiệm về thời trang cao cấp. Những siêu mẫu đó thường làm việc cho những nhà thiết kế và nhãn hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Họ có những hợp đồng và chiến dịch quảng cáo sản phẩm trị giá hàng triệu USD...

Hoặc, theo cách hiểu phổ thông mà những người làm nghề thời trang chuyên nghiệp ở Việt Nam đưa ra thì để trở thành một siêu mẫu, phải là người có chiều cao từ 1m75 trở lên và là người mẫu chuyên nghiệp. Trong thời gian làm nghề, ít nhất phải từng có show diễn ở nước ngoài thì mới có thể gọi là siêu mẫu. Khi trở thành siêu mẫu, người đó phải khẳng định được đẳng cấp của mình trên sàn diễn cả trong nước và ngoài nước. Hoặc ít nhất phải tham dự các chương trình thời trang giao lưu ở nước ngoài với tư cách khách mời độc lập…

Nhiều người đã đuôcgị là "siêu mẫu" từ sau những cuộc thi như thế này. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Nếu chiếu theo những tiêu chuẩn này thì thời trang Việt Nam là "vùng trắng" siêu mẫu. Ngay cả những nước có nền thời trang phát triển như Pháp, Ý… thì số lượng siêu mẫu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, ở ta  nhan nhản người được gọi là siêu mẫu. Nguyên nhân của tình trạng siêu mẫu Việt nhiều như nấm là sự cộng hưởng bởi ảo tưởng của bản thân người mẫu và sự dễ dãi của truyền thông. Chỉ một vài lần được trình diễn thời trang, được lên báo là người mẫu tưởng mình là siêu mẫu. Còn các nhà báo do nhầm lẫn khái niệm, do cả nể trong công việc cũng đã góp phần đẩy họ lên hàng… siêu mẫu.

Thế nên, những người yêu và hiểu về thời trang mới thấy buồn cho thời trang Việt Nam khi mà cuộc thi tìm kiếm siêu mẫu lẽ ra phải là cuộc thi của những người mẫu đẳng cấp thì lại là của một số người chưa từng một lần bước chân lên sàn catwalk. Và chỉ sau một đêm thi, họ trở thành… siêu mẫu. Thậm chí, chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện học sinh tuổi teen như Bảo Trân, Huỳnh Tiên, chân ướt chân ráo mới vào nghề đã được ưu ái gọi là siêu mẫu.

Số lượng siêu mẫu thì nhiều song người mẫu Việt ngày càng bộc lộ sự non kém và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp. Khi trình diễn thời trang, thay vì thể hiện được vẻ đẹp, sự độc đáo của trang phục, đưa ý tưởng của nhà thiết kế đến với người xem thì các "siêu mẫu" nhà ta cố tình biểu diễn uốn éo, múa may để khoe 3 vòng gợi cảm trước ống kính báo giới. Phần lớn các người mẫu đều có tâm lý khi được khen là sexy, quyến rũ, nóng bỏng là thành công nên tha hồ tạo dáng.

Sự "xuống cấp" của các người mẫu Việt còn được thể hiện bằng đạo đức nghề nghiệp, thái độ làm việc "không giống ai". Nhận được một vài danh hiệu trong cuộc thi là những người mẫu cho mình quyền không phải casting trước show diễn, quyền không cần thử đồ, quyền đi muộn, quyền không tuân thủ kịch bản và sự chỉ đạo của đạo diễn. Không chỉ có vậy, họ còn cho mình quyền bắt nạt đàn em. Thay vì trau dồi nghề nghiệp, họ cãi vã, nói xấu nhau  như cơm bữa. Chuyện người mẫu Phi Thanh Vân kể tội đàn chị Xuân Lan chèn ép mình trong gần chục năm trời, chuyện người mẫu Trang Trần tố đồng nghiệp bán dâm… đã phần nào cho thấy góc tối bên trong sàn catwalk. Nữ siêu mẫu đã vậy, nam siêu mẫu cũng không kém cạnh bằng thành tích… "nuy" để nổi tiếng như Ngọc Tình hay dính dáng đến pháp luật như Vĩnh Thụy…

Đến các nhà thiết kế… nghèo ý tưởng

Sự phát triển của đời sống và nhu cầu làm đẹp của đại bộ phận công chúng đã khiến thời trang trở thành một lĩnh vực phát triển khá nhanh trong thời gian qua. Bên cạnh không ít các nhà thiết kế chịu khó tìm tòi và sáng tạo thì còn một số nhà thiết kế dính vào nghi án "copy". Cách đây không lâu, bộ sưu tập thời trang "Mây" của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường trong một show thời trang nổi tiếng bị cho là giống với bộ sưu tập của hai nhà thiết kế từng làm chấn động giới thời trang thế giới 2010 là Viktor Horsting và Rolf Snoeren (Hà Lan), đặc biệt là ở những bộ váy dùng kỹ thuật bèo, nhún. Giới làm nghề thì cho rằng Đỗ Mạnh Cường đã phát triển ý tưởng của người khác và cho vào bộ sưu tập của mình. Phản ứng lại nghi vấn ấy, Đỗ Mạnh Cường phát biểu: "Toàn bộ sưu tập của tôi lấy ý tưởng từ bộ sưu tập vào chung kết cuộc thi Grand Prix của mình, chuyện trùng lặp tôi… không biết".

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí trình diễn trong show "Dạ tiệc trắng  - Vũ khúc mùa đông" của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng được cho là đạo ý tưởng của bộ sưu tập Thu Đông 2010 của Louis Vuitton. Khi được hỏi, Nguyễn Công Trí cho rằng đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong sáng tạo nghệ thuật… Hay, hơn 40 thiết kế váy dạ hội của nhà thiết kế Hoàng Hải được thực hiện trong "Đêm hội chân dài 3" cũng bị cho là giống với những bản gốc của một số nhà thiết kế nước ngoài đã trình diễn trước đó. Trước phản đối của dư luận, Hoàng Hải chỉ thừa nhận mình có ảnh hưởng và anh đổ lỗi cho khách hàng: "Đó là những trang phục tôi may theo yêu cầu của khách hàng. Chuyện cũng không có gì to tát vì nhiều nhà thiết kế vẫn làm".

Trước đó, tại cuộc thi Vietnam Grand Prix 2008, những mẫu thiết kế của người đạt danh hiệu "Nhà thiết kế tương lai" Trần Thị Thu cũng bị cho là giống một vài chi tiết trong bộ sưu tập Dior Spring 2008 Couture của nhà thiết kế thời trang danh tiếng John Galliano…

Tình trạng không ít nhà thiết kế Việt nhái ý tưởng của các hãng danh tiếng được thể hiện bằng việc ngày càng có nhiều "sao" dùng hàng nhái. Tiêu biểu như khi Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam năm 2010 vừa kết thúc, diễn viên Tăng Thanh Hà bị "tố" đã diện 2 chiếc đầm nhái giống hệt mẫu của nhà thiết kế danh tiếng Elie Saab. Trang phục bỏng mắt của diễn viên, ca sĩ Minh Hằng cũng bị cho là giống như đúc trang phục trong bộ sưu tập xuân hè 2010 của Sophia Kokosalaki. Hay ca sĩ Phương Vy trong đêm Gala "Vietnam Idol" cũng mặc trang phục "chị em sinh đôi" với một mẫu trong bộ sưu tập của Valentino Haute Couture Thu đông 2010.

Chuyện copy các mẫu thiết kế của các hãng thời trang danh tiếng trên thế giới được lý giải vì không phải ai cũng có đủ khả năng mua hàng chính hãng khi giá quá cao. Các nghệ sĩ Việt có thói quen mua cataloge hoặc tạp chí nước ngoài để tham khảo kiểu mẫu rồi đặt may lại. Nó sẽ trở thành to chuyện khi nghệ sĩ đó xuất hiện ở những sự kiện quan trọng. Thực tế, một số nhà thiết kế đã phớt lờ công chúng khi cố tình nhái mẫu thiết kế nước ngoài và may cho khách hàng. Một số nghệ sĩ cũng thỏa hiệp với sự làm ăn kiểu  này. Đây chính là lý do khi các mẫu thiết kế này bị công chúng "lật tẩy" thì nhà thiết kế giấu mặt còn người sử dụng đành im lặng cho qua chuyện vì "xấu chàng, hổ ai".

Về vấn đề này, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng: "Bản chất của thiết kế thời trang là sáng tạo, vì vậy không chấp nhận sự lặp lại. Muốn tồn tại được với nghề, các nhà thiết kế phải có tài năng và lòng tự trọng". Còn nhà thiết kế Đức Hùng thì thẳng thắn: "Những người làm công việc sao chép ấy chỉ là thợ may chứ không phải là nhà thiết kế". Đa số dư luận cho rằng, để ngành thời trang Việt Nam thực sự phát triển mạnh mẽ bằng nội lực của mình cần một cuộc cách mạng trong tư duy của những người làm nghề

.
.