Lãng phí cũng là "giặc nội xâm"

Thứ Năm, 12/10/2017, 08:17
Thời gian gần đây, mỗi lần Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát tín hiệu kết luận là tạo ra sức hút, một hiệu ứng mạnh mẽ với xã hội. Nó giải tỏa những bức xúc bấy lâu về những điều "ngang tai, trái mắt" mà một số cán bộ biến chất, tha hóa gây ra trong việc bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người nhà, lợi dụng quyền lực tham ô, tham nhũng với số tiền lớn...


Nhiều cán bộ sai phạm bị xử lý hoặc đang đứng dưới "thanh bảo kiếm" của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. "Một bộ phận không nhỏ" cán bộ hư hỏng không còn là khái niệm chung chung trong văn bản mà đã dần bị phơi bày ra trước công luận, được xác định địa chỉ, danh tính rõ ràng; lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ.

Đặc biệt, trong số đó có cả cán bộ cấp cao nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng cho thấy đã không còn "vùng cấm".

Nói tới tham nhũng là nhắc đến lãng phí, tuy nhiên, dường như chúng ta đang quá chú trọng tới công tác phòng, chống tham nhũng mà xem nhẹ việc chống lãng phí. Những gì mà lãng phí gây ra cũng mang đến những hậu quả trầm trọng không kém gì tham nhũng, nó làm chậm tiến trình phát triển của đất nước trong thời điểm hiện tại và gây ra những bất ổn trong tương lai.

Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn Internet).

Hàng ngày, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta chứng kiến nhiều hạng mục công trình, nhiều dự án đầu tư quá lãng phí. Có công trình xây xong, sử dụng một thời gian ngắn rồi bỏ, có công trình đầu tư chưa sử dụng ngày nào cũng bỏ hoặc hư hỏng và việc khắc phục nó sẽ tốn một khoản tiền vô cùng lớn, điển hình là 12 dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả được Chính phủ đưa vào danh sách nghiêm trọng gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước và nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Các dự án này đã gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân hàng trăm nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục kêu gọi Chính phủ bổ sung, hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục, tháo gỡ khó khăn.

Để cứu chữa những con gà không biết đẻ trứng này thì "một tiền gà" phải mất "ba tiền thóc" nghe mà thấy xót, nhưng để tham nhũng, tư lợi, người ta sẵn sàng bỏ "mười tiền thóc" để có "một tiền gà", miễn là con gà đó là của mình. Trước những hậu quả nghiêm trọng mà tham nhũng gây ra, Đảng, Nhà nước đã xác định tham nhũng là "quốc nạn", là "giặc nội xâm" thì cũng cần chỉ mặt, đặt tên cho "lãng phí" bằng những từ tương xứng và phải có chế tài xử lý đối với hành vi lãng phí. Không nên quá tách bạch hai việc này mà xem tham nhũng và lãng phí là hai hành vi khác nhau, và nghiêm trọng hay không chỉ là căn cứ ở mức độ thiệt hại.

Nhiều con đường làm xong chưa được bao lâu đã hư hỏng, phải sửa chữa. Dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi vì sao??? Có người bảo, do thiếu tiền nên chỉ làm được vậy. Lại có người nói: Đường làm chóng hỏng thì mới có cơ hội làm lại, chứ làm tốt quá thì lấy đâu ra việc mà làm, lấy gì mà "ăn".

Các hiện tượng, vụ việc nêu trên đã và đang gây ra nhiều thất thoát về công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, làm sứt mẻ niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên phần lớn các vụ việc đều khó xác định trách nhiệm vì những đơn vị, địa phương,người đứng đầu thường tìm nhiều lý do biện minh, giải trình với những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan nhằm né tránh, che đậy, giấu giếm những hậu quả của sự việc.

Đối với các hành vi tham nhũng, chỉ cần tư lợi vài triệu đồng là chúng ta có thể áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, còn nếu như để thất thoát, lãng phí hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cũng khó quy trách nhiệm hình sự. Lãng phí gây thất thoát lớn như vậy nhưng chúng ta chỉ coi đó là lỗi, do vậy nếu có phát hiện ra thì chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, rút kinh nghiệm, nặng hơn là khiển trách, cảnh cáo. Điều này đã làm cho căn bệnh lãng phí ngày càng lan rộng và trầm trọng hơn. Xử lý khi để thất thoát, lãng phí như vậy liệu có phù hợp với thực trạng lãng phí đang diễn ra, phù hợp với những thiệt hại ngày càng lớn và ngày càng trầm trọng hay không?

Tham nhũng là tội phạm ẩn, rất khó phát hiện, vậy mà chúng ta vẫn tìm và đưa được nhiều đối tượng ra xét xử nghiêm minh, còn lãng phí mặc dù chúng ta có thể phát hiện ra ngay, nhưng rất hiếm  có một đơn vị, tổ chức, cá nhân nào bị xử lý về tội lãng phí cả. Phải chăng vì chưa có chế tài đủ mạnh, pháp luật xử lý lãng phí chưa cụ thể, chưa rõ ràng nên lãng phí còn tràn lan? Và cứ có tiền ngân sách là phải tiêu cho bằng hết, bất kể có mang lại hiệu quả hay không, vì là "tiền chùa" mà?

Nếu chúng ta thực sự coi việc chống lãng phí cũng cấp bách như chống "giặc nội xâm" thì phải có những cải cách một cách tích cực như: Có cơ quan giám sát, phát hiện các biểu hiện, hành vi lãng phí và có các chế tài quy định cụ thể việc xử lý một cách nghiêm khắc người vi phạm; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của báo chí trong phát hiện, lên án các hành vi lãng phí,  đồng thời nghiêm túc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Khóa XII để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, lấy lại niềm tin của người dân vào chế độ.

Cù Tất Dũng
.
.