Làn sóng nghệ sĩ hải ngoại về nước: Hết sao ca nhạc, ồ ạt sao hài

Thứ Bảy, 09/04/2016, 08:01
Làn sóng nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn vốn dĩ không còn xa lạ. Thế nhưng nếu trước đây, các nghệ sĩ hải ngoại đa số là ca sĩ về hát cho đồng bào nghe thì bây giờ làn sóng này đã cuốn theo các danh hài.


Ao nhà vẫn hơn

Lứa nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên quay về Việt Nam bắt đầu khoảng năm 1994. Lúc đầu họ chỉ về quay video ca nhạc, sau là về biểu diễn hẳn trong nước như Đức Huy, Hương Lan, Elvis Phương… Càng về sau, làn sóng "quay đầu cố hương" càng mạnh mẽ. Những cái tên đình đám của làng nhạc hải ngoại như Giao Linh, Phương Dung, Khánh Ly, Tuấn Vũ, Tuấn Ngọc, Quang Lê, Tuấn Anh... lần lượt trở về. Có người đi đi về về giữa Việt Nam và hải ngoại. Có người ở hẳn Việt Nam.

Sao ca sĩ hải ngoại đã đem đến sự tươi mới cho làng âm nhạc nước nhà. Dẫu những bài hát họ thể hiện thường là những bài tủ đã "xưa như Diễm", nhưng cũ người mới ta. Khán giả Việt vẫn rất mong mỏi được nhìn tận mắt, nghe tận tai, sờ nắn được thần tượng mà họ chỉ được nghe qua đĩa, thấy qua tivi.

Danh hài Hồng Đào - Vân Sơn ngồi ghế nóng chương trình "Người bí ẩn" thay cho Việt Hương - Hoài Linh.

Bà Xuân Hòa, chủ phòng trà Tiếng Xưa - điểm hẹn thường xuyên của các nghệ sĩ hải ngoại tại TP Hồ Chí Minh - lý giải: "Khán giả Việt Nam mong ngóng nghệ sĩ hải ngoại không phải vì họ trẻ, đẹp, giọng ca hay mà vì họ được nghe lại giọng ca xưa, nhìn lại thần tượng trong ký ức kiểu như tao ngộ người muôn năm cũ". Do vậy, dù đã qua thời hoàng kim, nhưng các show diễn của Khánh Ly, Chế Linh... dù có giá vé lên tới tiền triệu, khán giả vẫn chật kín. Giữa tháng 4 này, liveshow "Cảm ơn cuộc đời" kỷ niệm 20 năm ca hát của Mạnh Quỳnh tại Việt Nam mới diễn ra nhưng giới mộ điệu đã ráo riết săn lùng vé.

Các nhà sản xuất gameshow, chương trình truyền hình nhanh nhạy khai thác tính ưa hoài niệm của khán giả nên không ngại ngần mời sao hải ngoại ngồi ghế giám khảo hay làm người chơi. Ngoài các cuộc thi ca nhạc như "Solo cùng Bolero" có Phi Nhung, Ý Lan, Quang Lê... thì hài là món ăn đang khát gia vị lạ.

Bây giờ mở tivi là gặp hài, ra rạp cũng đụng hài thì việc các nghệ sĩ hài ồ ạt về nước, áp đảo làn sóng ca sĩ là điều dễ hiểu. Người được cho là thức thời và nắm bắt cơ hội đầu tiên phải kể đến Hoài Linh. Anh về nước từ năm 2007. Từ việc bay qua bay lại giữa Mỹ và Việt Nam, anh ở hẳn Việt Nam, coi đây là mảnh đất chính phát triển sự nghiệp.

Làng hài vẫn đùa với nhau rằng từ khi Hoài Linh về nước thì họ bắt đầu ăn nên làm ra. Ngày đầu Hoài Linh chỉ góp mặt trong một số chương trình truyền hình như Táo quân, vài bộ phim điện ảnh, hài kịch của Sân khấu Nụ cười mới. Đến khi Hoài Linh bắt đầu ngồi ghế giám khảo chương trình truyền hình thực tế, hài kịch thì hàng loạt nghệ sĩ hài được gọi tên.

Ngoài ngôi sao trong nước như Trấn Thành, Trường Giang, Hồng Vân, Anh Đức, Thu Trang, Thành Lộc... thì Chí Tài, Việt Hương là những ngôi sao hải ngoại nhanh chóng trở thành cái tên hot bên cạnh Hoài Linh. Hài bước vào thời kỳ hoàng kim, catxê cao ngất ngưởng là miếng mồi không thể bỏ qua của nhiều cây hài tiếng tăm. Nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những gương mặt cũ khiến khán giả "nhìn là hết muốn coi". Làng hài cần làn gió mới. Và cách nhanh nhất không gì bằng những danh hài hải ngoại. Kiều Oanh, Lê Tín, Bảo Chung, Vân Sơn, Bảo Liêm, Hồng Đào... nhanh chóng thành tâm điểm chú ý khi đặt chân về nước.

Mới đây, gameshow "Người bí ẩn" mời danh hài Vân Sơn và Hồng Đào ngồi ghế nóng thay thế cho vị trí quen thuộc của Hoài Linh và Việt Hương. Sự thay đổi này được khán giả trông chờ sẽ tạo ra nhiều tiếng cười mới lạ. Trung tâm V Show của Vân Sơn tại TP Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ có nhiều gương mặt hài hải ngoại về tung hứng. Bảo Liêm cũng khiến khán giả quê nhà đứng ngồi không yên khi hình ảnh hậu trường phim "Cao thủ ẩn danh" có anh tham gia vừa trình làng đầu năm nay.

Với cách diễn dí dỏm, bộ mặt cà chớn của Bảo Liêm, bộ phim được công chúng gửi gắm nhiều tình cảm. Nhiều khán giả hy vọng trong thời gian tới, cặp bài trùng Bảo Liêm - Vân Sơn sẽ tái ngộ để làm mưa làm gió như thuở còn gắn bó ở Trung tâm Vân Sơn.

"Thất sủng" ở xứ người?

Đa phần khi được hỏi lý do vì sao trở về quê hương sau nhiều năm thành danh ở nước ngoài, các nghệ sĩ thường có chung câu trả lời: "Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Họ về quê vì được sống nơi quê cha đất tổ, con người Việt hồn hậu luôn ưu ái những đứa con tha phương. Năm 2008, nhân dịp đêm nhạc của mình được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Từ Công Phụng tâm sự: "Người chung ngôn ngữ với mình thì sẽ hiểu mình và dễ thông cảm cho nhau. Ở đây, tôi có nhiều khán giả yêu thích nhạc mình".

Các nghệ sĩ không ngần ngại thừa nhận, một thời, hoạt động văn nghệ ở hải ngoại cũng ăn nên làm ra nhưng bây giờ cuộc sống của họ gặp nhiều chật vật. Danh hài Vân Sơn kể:  "Những khán giả xem tấu hài của chúng tôi ngày trước giờ đã lớn tuổi, về hưu và dần mất đi. Trong khi đó, những khán giả trẻ tuổi ở hải ngoại bây giờ ít nói tiếng Việt, huống hồ nghe nhạc Việt, họ chỉ nghe nhạc Mỹ".

Hoài Linh được coi là danh hài hải ngoại đầu tiên về nước nắm bắt cơ hội.

Nghệ sĩ hài Lê Tín cũng cho biết nếu khán giả chủ yếu là lớp trẻ thì diễn viên phải nói thật chậm để họ hiểu vì không rành tiếng Việt. Lối diễn cũng không được thâm thúy quá bởi chơi chữ, nói bóng nói gió, ẩn dụ sâu xa thì không khác gì đánh đố khán giả. Lượng khán giả hải ngoại ít hơn so với trong nước, các trung tâm lác đác nên sự cạnh tranh của nghệ sĩ hải ngoại càng khốc liệt. Đã vậy, các show diễn lại chủ yếu diễn ra cuối tuần chứ không rải đều như ở trong nước.

Theo Lê Tín, duy trì cuộc sống ở xứ người, nhiều nghệ sĩ phải mở tiệm hoặc đi làm thêm như diễn trong casino, đám tiệc, dẫn chương trình truyền hình dành cho người Việt tại Mỹ... Nghệ sĩ cuối tuần lộng lẫy váy áo, ngày thường lấm lem với công việc chân tay nặng nhọc là chuyện thường ở hải ngoại. 

Khác với cảnh hải ngoại "chợ chiều", ở quê nhà, đời sống văn hóa nghệ thuật được đánh giá là sôi động hơn bao giờ hết. Ngoài việc nhạc xưa trỗi dậy mạnh mẽ với các chương trình như "Solo cùng Bolero", "Những khúc vọng xưa", "Thần tượng Bolero"... thì hài kịch đang bước vào mùa bội thu với hàng loạt chương trình truyền hình ăn khách. Trong khi đó nhiều bầu show tiết lộ giá catxê trong nước dành cho nghệ sĩ hải ngoại thường cao gấp đôi so với ở nước ngoài.

Theo dõi nhiều show truyền hình ở Việt Nam, nghệ sĩ Hồng Đào thấy rằng môi trường nghệ thuật ở Việt Nam rất phát triển. Các chương trình được đầu tư chuyên nghiệp về âm thanh, ánh sáng, con người nên có chất lượng không thua gì chương trình nước ngoài. Có ý kiến cho rằng rồi hài truyền hình sẽ dần suy thoái trong thời gian tới.

Nhưng danh hài Việt Hương quả quyết: "Tôi đã ở Mỹ nhiều năm, nơi cái nôi của công nghệ truyền hình thực tế phát triển mạnh mẽ. Tôi cho rằng với những format hấp dẫn, được đầu tư công phu cộng với dàn nghệ sĩ hùng mạnh, hài truyền hình sẽ còn  sống được ở Việt Nam".

Trong thời kỳ hội nhập, cơ chế quản lý của nhà nước cũng thoáng hơn, tạo điều kiện cho Việt kiều, người ngoại quốc đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nghệ sĩ hải ngoại được khuyến khích về nước, hoạt động nghệ thuật có môi trường tự do sáng tạo hơn trước. Điều quan trọng là khán giả quê nhà luôn đón chào họ nồng nhiệt.

Nhưng không phải nghệ sĩ nào hồi hương cũng gặt hái quả ngọt. Show diễn có giá vé ngất ngưởng chỉ là sự kiện hi hữu khi các ngôi sao mới về, khán giả còn lạ lẫm. Khi khán giả đã quen mặt, không còn tò mò, háo hức như thuở ban đầu thì giá vé theo đó mà tụt dốc. Kiều Oanh bảo rằng nếu nhìn vào catxê cứ tưởng sao hải ngoại cao hơn sao nội nhưng thực ra nó ngang nhau. Bởi sao ngoại còn phải thanh toán chi phí không nhỏ dành cho vé máy bay, ăn ở. Việc các sao hải ngoại "bay show" về Việt Nam như đi chợ là dấu hiệu đáng mừng, góp phần vào bức tranh muôn sắc của làng nghệ thuật nước nhà. Nhưng sự trở về của những gương mặt cũ cũng đặt ra câu hỏi nhức nhối: tài năng mới đang ở đâu?

Phan Thi Uyên
.
.