Lan man chuyện… BOT

Thứ Hai, 02/10/2017, 10:56
BOT đang là một từ HOT hiện nay, thậm chí vừa rồi, nhân bàn đến chuyện phụ thu và lạm thu đầu năm học, có người ví đấy cũng là một thứ... BOT trong giáo dục.


Vốn dĩ nó là chữ đầu ghép từ 3 từ tiếng Anh là xây dựng, vận hành và chuyển giao. Nó là một cách thu hút vốn để xây dựng, nhất là trong giao thông, ở các nước đang phát triển.

Việt Nam chúng ta du nhập BOT vào chừng hai chục năm nay. Và vài năm trở lại đây nó bắt đầu nóng rực với hiện tượng các trạm thu phí BOT dày đặc trên đường.

Về nguyên tắc, khi muốn thực hiện các BOT trong giao thông thì nhà đầu tư phải làm mới con đường ấy hoàn toàn. Người dân đã đóng thuế để nhà nước làm đường cho họ đi rồi, họ có quyền đi trên những con đường cũ, đường BOT có thể làm song song hai bên, thậm chí song song trên (trời) và dưới (đất), ai muốn đi thì mua vé đi, còn không thì đi đường cũ. Ở nước ta thì lại khác, hầu như các con đường BOT là làm trên nền đường cũ. Từ Pleiku sang đến Đắk Nông là 5 trạm thu phí, cả đi và về là 10 lần mua phí đường, mà quãng đường chỉ 300 cây số. Từ Pleiku xuống Quy Nhơn cũng 2 trạm, mà quãng đường được “tráng nhựa” để thu phí vừa ngắn vừa... đã kịp hỏng sau hơn một năm bán vé.

Tức là ở đây, người dân không có, không được chọn một sự lựa chọn nào khác, con đường duy nhất, họ “tráng nhựa” rồi bán vé. Mà buồn cười là, cả con đường 180 kilomet, họ làm hai khúc, mỗi khúc vài chục kilomet, còn lại thì ổ gà vô tội vạ, và đặt 2 trạm thu phí cho 2 khúc “tráng nhựa” ấy. Mà người Việt Nam, ai cũng biết, để có thể chạy xe trên đường đã phải đóng hàng loạt thuế và phí, trong đó có 2 món thu trực tiếp là thu qua xăng và phí đường bộ dán trên kính xe, đố anh nào thoát.

Sở dĩ vừa rồi ồn lên chuyện BOT dù nó đã thu phí mấy năm nay, là bởi “ông” BOT ấy được đằng chân lân đằng đầu, càng ngày càng quá đáng. Trước hết là các trạm thu phí dày đặc, mà như đã nói, toàn “tráng nhựa” đường cũ để thu, thậm chí làm đường tránh nhưng lại thu phí trên đường chính để tận thu, người không đi cũng phải è cổ móc ví, như kiểu các hội phụ huynh đang phải thu hộ cho bảo hiểm vào đầu năm học.

Thứ nữa là rất nhập nhèm. Về nguyên tắc, đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, khi người dân bỏ tiền ra mua thì họ phải được quyền giám sát, xem món họ mua có hợp lý không, chất lượng tương xứng không. Đằng này, các bố cặm cụi làm chả ai biết, chả có đấu thầu mà toàn chỉ định thầu, làm hết 10 tỉ khai lên 20 tỉ, ai biết. Nếu làm cho mình thì sẽ tính toán để tiết kiệm, đằng này làm cho... dân, mà dân là một khái niệm hết sức mù mờ, dù họ hiện diện ở từng đồng tiền chắt chiu mua vé qua trạm.Thế nên đáng một làm thành 4, 5 cũng là điều không khó hiểu. Rồi từ đấy nó liên quan đến thời hạn thu phí.

Rõ ràng là vừa rồi, sau thanh tra, đã có ngay mấy BOT phải dừng hoặc rút ngắn thời gian thu phí. Sắp tới một loạt BOT sẽ hạ giá vé nữa.Và cũng như đã nói phía trên, đường BOT nhưng chất lượng rất kém. Tôi hay chạy xe Pleiku - Quy Nhơn, đã có lần nghĩ có nên kiện mấy ông làm BOT không? Là bởi xe đang chạy trên đường mua vé, tốc độ cho phép tới 80 km/h, uỳnh phát một cái ổ gà xuất hiện giữa đường, và tất nhiên xe nẩy và bay lên vừa rất nguy hiểm vừa hỏng xe. Xe tôi đã phải vào hãng sau một cú bay lên hạ xuống như thế.  

Không thể không nghi ngờ khi có người nói rằng, phía sau BOT là lợi ích nhóm. BOT vỗ vai, BOT thân hữu, BOT chia chác, BOT gửi gắm...

Tôi là người rất ủng hộ BOT, và nếu BOT đúng nghĩa thì tôi sẵn sàng mua vé để đi đường BOT, bởi nó sẽ rút ngắn thời gian, bảo vệ xe tốt hơn, chạy “đã” hơn, rất nhiều tiện ích. Nhưng với điều kiện phải minh bạch và đàng hoàng.

Từ những nhập nhèm của BOT giao thông dẫn đến nhiều hệ lụy, đến mức căng thẳng như BOT Cai Lậy, BOT Biên Hòa, BOT quốc lộ 5... vân vân..., tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm gây ùn tắc, khiến các cơ quan chức năng hết sức vất vả trong việc lập lại trật tự.

Vấn đề là, phải xử lý từ gốc.Và vừa rồi thì chúng ta đã làm những bước đầu tiên là thanh tra, rồi quyết định giảm vé.Nói bước đầu là bởi, nếu thế thì bản chất của BOT vẫn chưa đúng. Bản chất của BOT là làm đường mới rồi bán vé cho xe qua, còn đường cũ, nó là của dân, họ đã đóng thuế rồi, đủ loại thuế, để được đi, và Nhà nước phải lấy tiền thuế và phí để duy tu thường xuyên, dân có quyền đi trên đường ấy. Ở Quy Nhơn, có đoạn người dân chỉ đi có 12 cây số cũng phải mua vé, và họ phải đi hằng ngày như thế. Vô lý đến thế mà vẫn dửng dưng thì quả là hết sức vô trách nhiệm, cả người trực tiếp làm BOT và cơ quan quản lý nhà nước. 

Văn Công Hùng
.
.