Làm phim về đề tài đồng tính: Đâu phải để mua vui?

Thứ Sáu, 17/02/2012, 09:00
HIện nay, đồng tính đang là một đề tài được các đạo diễn Việt ưa chuộng mà mạnh dạn mang ra thi thố với quốc tế. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào về giới tính thứ 3 cũng được khán giả đánh giá cao về cả chất lượng nội dung và giá trị nghệ thuật. Thậm chí, nhiều phim được sản xuất chỉ với mục đích để... gây cười.

Ngày 2/2 vừa qua, bộ phim "Lối nào ra biển" (một trong 5 bộ phim của Việt Nam về đề tài đồng tính nữ) đã tham gia Liên hoan phim tài liệu ASEAN Lifescape tại Chiang Mai, Thái Lan. Trước đó, tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto lần thứ 36 (tháng 9/2011), bộ phim "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được Cục Điện ảnh mang đi thi tài và được Ban Tổ chức Liên hoan phim đánh giá cao. Không chỉ có vậy, nhiều bộ phim về đề tài đồng tính Việt đồng loạt ra mắt khán giả chỉ trong một thời gian ngắn... Điều đó cho thấy, đồng tính đang là một đề tài được các đạo diễn Việt ưa chuộng mà mạnh dạn mang ra thi thố với quốc tế. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào về giới tính thứ 3 cũng được khán giả đánh giá cao về cả chất lượng nội dung và giá trị nghệ thuật. Thậm chí, nhiều phim được sản xuất chỉ với mục đích để... gây cười.

1. Có thể nói, chưa bao giờ đề tài đồng tính lại nở rộ trên phim ảnh như hiện nay. Nhân vật đồng tính xuất hiện khá nhiều, từ phim truyền hình tới phim truyện nhựa, từ nhân vật chính đến nhân vật phụ. Đề tài đồng tính còn lan tới cả các nhà làm phim tài liệu mà mới nhất là phim "Lối nào ra biển". Phim kể về cuộc sống hiện tại của 5 người phụ nữ đại diện cho cộng đồng đồng tính nữ ở ba miền đất nước. Họ suy nghĩ và đối mặt với cuộc sống như thế nào sau khi công khai giới tính của mình?... Tuy nhiên, với đặc trưng của phim tài liệu là các nhân vật tự bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình nên thường mang nhiều giá trị chân thực. Còn với phim điện ảnh và truyền hình, cái nhìn về người đồng tính thông qua tác giả kịch bản, đạo diễn nên gặp phải không ít quan niệm chủ quan, thậm chí lệch lạc, mơ hồ.

Cho đến thời điểm này, dù xã hội đã cởi mở nhưng đồng tính luyến ái vẫn còn là một điều gì đó bí ẩn, bất thường và gợi tò mò với xã hội. Chính vì vậy, các nhà làm phim đã đưa hình ảnh đồng tính vào bộ môn nghệ thuật thứ 7 như một công cụ để gây cười, câu khách cho tác phẩm của mình. Những bộ phim như "Trai nhảy", "Gái nhảy", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Những nụ hôn rực rỡ"... đều thấp thoáng những nhân vật đồng tính đảm nhiệm vai trò câu khách, hài hước. Nhưng chỉ trong vài ba năm gần đây, có thể nói ở ta đã bùng nổ các phim về đề tài đồng tính. Tình yêu của những người thuộc giới tính thứ 3 này không chỉ xuất hiện trong điện ảnh mà còn lan sang cả phim truyền hình. Tiêu biểu có thể kể tới như "Cổng mặt trời" của đạo diễn Nguyễn Dương, "Tha thứ cho anh" của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, "Gia đình sóng gió" của đạo diễn Xuân Cường hay "Phía sau hào quang" của đạo diễn Võ Việt Hùng... Phim điện ảnh cũng không kém cạnh với "Để Mai tính" (đạo diễn Charlie Nguyễn), "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt" (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) cùng một bộ phim gây nhiều tranh cãi là "Cảm hứng hoàn hảo" (đạo diễn Nguyễn Lê Dũng) hay "Vũ điệu đường cong" (đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa)... Đây là những bộ phim mà nhân vật đồng tính là những nhân vật trung tâm và cuộc sống, tình yêu của họ được đạo diễn chăm chút một cách khá kỹ lưỡng.

Nhiều đạo diễn Việt Nam vẫn xây dựng nhân vật đồng tính theo kiểu... ẻo lả như trong phim "Để mai tính".

Trong số khá nhiều những bộ phim Việt Nam về đề tài đồng tính, hiện mới chỉ có "Để Mai tính" và "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt" nhận được sự chia sẻ từ phía khán giả và giới chuyên môn. Dù nhân vật Phạm Hương Hội do Thái Hòa thủ vai trong "Để Mai tính" vẫn còn đi vào lối mòn của các đạo diễn khi xây dựng nhân vật đồng tính như ăn mặc lòe loẹt, điệu bộ ẻo lả, nhưng đã phần nào khai thác được nội tâm sâu kín của người đồng tính.

"Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt" là bộ phim hiếm hoi được đánh giá là có cái nhìn đa chiều, sâu sắc về người đồng tính và nhận được sự ngợi khen của dư luận. Khán giả cũng có phần đồng cảm với tuyên ngôn của nhân vật chính: "Không ai có quyền lựa chọn giới tính mình sinh ra nhưng có quyền chọn lựa cách sống với giới tính mà mình đang có". Không tập trung vào việc nhân vật đồng tính phải ẻo lả, ăn mặc lòe loẹt, các nhân vật đồng tính của Vũ Ngọc Đãng bộc lộ mình thông qua nội tâm, bi kịch cuộc đời. Phim cũng đã phản ánh được phần nào tình yêu và góc khuất trong đời sống những người đồng tính nam. Hiện Vũ Ngọc Đãng được đánh giá là đạo diễn có cái nhìn thông hiểu giới "gay" nhất khi không bôi xấu cũng không mang họ ra làm trò cười. Qua đó, khán giả cũng có con mắt cảm thông, chia sẻ hơn với những người có thể chất đặc biệt này.

2. Còn lại, hầu hết những bộ phim về đồng tính của Việt Nam đều rơi vào tình trạng hời hợt và phản cảm. Tiêu biểu là phim "Cảm hứng hoàn hảo" của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng. Đây là bộ phim thất bại thảm hại từ chuyên môn lẫn doanh thu. Thậm chí, dư luận còn cho rằng đây là bộ phim phi lý và phản cảm nhất ở ta từ trước đến nay về đề tài đồng tính. Kịch bản thiếu logic, kỹ thuật làm phim kém, tình tiết vô lý, bộ phim được xếp vào hạng "thảm họa của điện ảnh".

"Cảm hứng hoàn hảo" bộc lộ cái nhìn lệch lạc của các nhà làm phim khi cho rằng đồng tính là bệnh và có thể bị lây lan từ người này sang người khác. Phim kể về nhân vật Hải mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống trong sự đùm bọc của 3 chị gái. Không biết tự khi nào anh mất dần bản năng đàn ông và thấy mình ngày càng giống phụ nữ. Chính vì lý do khẳng định Hải là "gay" vì bị lây nhiễm nên 3 chị gái của Hải không ngại "hy sinh" để em trai trở về đúng giới tính thực của mình. Cách các chị hy sinh để giúp em quả là "có một không hai". Cô chị cả sẵn sàng cởi đồ trước mặt em, khỏa thân để em trai vẽ. Hay việc mỗi cô chọn một cách hớ hênh: mở toang phòng tắm để em nhìn thấy, cố tình trễ nải vòng 1, vòng 3, vô tư thay đồ lót khi cửa mở, rủ nhau tắm chung để kích thích bản năng đàn ông của em... không chỉ khiến khán giả thấy vô lý, phản cảm mà dường như luân lý, đạo đức đang bị xem nhẹ. Kết thúc phim lại càng phi lý khi chỉ sau chuyến du lịch ngắn ngày, Hải bỗng chốc trở lại đàn ông, biết khao khát phụ nữ và ghê tởm khi gần gũi những người đồng tính...

Phim "Vũ điệu đường cong" lại rơi vào lối mòn khi xây dựng nhân vật đồng tính Bảo đồng bóng, đanh đá, khá lập dị, chỉ chơi với... hai chú chó. Chuyện tình yêu của Bảo cũng bị mang ra làm trò cười. Vì bận rộn và ngại ngùng nên Bảo phải nhờ đến dịch vụ hẹn hò trực tuyến để tìm bạn đời. Và lần lượt những cuộc hẹn gặp không thành của Bảo, những người tình của Bảo cũng được khai thác theo kiểu gây cười lố bịch. Họ luôn ăn mặc lòe loẹt, trang điểm cầu kỳ và điệu bộ õng ẹo, ngúng nguẩy.

Nhiều người cho rằng, các nhà làm phim Việt còn non tay khi mặc định rằng hễ cứ đồng tính nam là ra đường bán dâm. Cách giải quyết bi kịch của nhân vật cũng theo một lối mòn là khi phát hiện ra giới tính của mình thì họ đều bỏ quê lên thành phố. Chính vì vậy, nhân vật đồng tính trở nên quái dị, "ghê ghê" trong mắt khán giả.

Thiếu sâu sắc và tinh tế là căn bệnh chung của các đạo diễn khi làm phim về đề tài đồng tính. Cách thể hiện trần trụi, thô thiển nên phim về đề tài đồng tính chưa thực sự chiếm được sự đồng cảm của khán giả. Đừng nói tới những người thuộc thế giới thứ 3 tìm được sự cảm thông, chia sẻ gì ở đó. Đã từ lâu, nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín của thế giới đã khẳng định đồng tính luyến ái hoàn toàn không phải là một căn bệnh mà nó chỉ là một khuynh hướng tình dục. Nó không thể lây lan và cũng không thể chữa được. Tuy nhiên, các nhà làm phim vẫn lầm lạc khi khai thác mảng đề tài này. Trên thực tế, trước các nhà làm phim Việt Nam, đề tài đồng tính đã được nhiều đạo diễn nước ngoài quan tâm, khai thác. Nhiều bộ phim về đề tài này đã được khán giả yêu thích và vinh danh tại nhiều giải thưởng danh giá thế giới như "Brokeback Mountain" của đạo diễn Lý An, "Bá Vương Biệt cơ" của Trần Khải Ca, "Chuyện tình Bangkok"... Nếu vẫn lấy đề tài đồng tính như một chiêu để câu khách thay vì muốn xây dựng một bộ phim nhân văn thì điện ảnh Việt Nam khó có được một tác phẩm điện ảnh đích thực

K.T.
.
.