Nghệ sĩ và trách nhiệm công dân

Làm nghệ sĩ phải bằng tài năng và tấm lòng

Thứ Hai, 20/08/2012, 08:00
Phỏng vấn nghệ sĩ ca trù Bạch Vân.

- Thưa nghệ sĩ ca trù Bạch Vân, chị quan niệm thế nào về trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ?

+ Đối với tôi, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ là phục vụ khán giả bằng tài năng, tâm đức của mình. Nếu chỉ tài năng không thì chưa đủ. Cần tâm đức để mình có thể ứng xử với những tình huống trong nghề và trong đời. Tôi không đánh giá cao những người có tài năng nhưng chỉ biết dùng tài năng ấy để vun vén cho lợi ích cá nhân của mình, mà quên chia sẻ, giúp đỡ nhân dân, phục vụ những sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng dùng ảnh hưởng của mình để quyên góp, giúp đỡ, làm từ thiện, an ủi những số phận thiệt thòi trong xã hội. Đây cũng có thể được hiểu là cách người nghệ sĩ thể hiện tinh thần, trách nhiệm công dân của mình vậy. Dĩ nhiên tôi không định ca ngợi những trường hợp nghệ sĩ đi làm từ thiện để lấy danh hay đánh bóng tên tuổi.

Nghệ sĩ ca trù Bạch Vân đang hướng dẫn một người bạn nước ngoài hát ca trù.

- Chị là một nghệ sĩ cả đời mình chỉ theo đuổi nghệ thuật ca trù, với mong muốn làm sống lại những giá trị đẹp đẽ của cha ông đang có nguy cơ bị mai một. Liệu có thể hiểu rằng, trong sự lựa chọn công việc nhiều khó khăn vất vả ấy, có một ý thức công dân rõ ràng nơi chị, là không để thất truyền những vốn cổ của dân tộc?

+ Một trong những phẩm chất thể hiện ý thức công dân của người nghệ sĩ, là phải luôn kế thừa, phát triển, nâng tầm những tinh hoa nghệ thuật mà nhiều thế hệ ông cha đã để lại. Cùng với đó là việc khi mình đã thành danh rồi, có nghề rồi, thì phải biết truyền thụ lại những kiến thức cho thế hệ sau mình, tránh những sự "đứt gãy" trong truyền thống văn hóa nghệ thuật. Đó phải là một ý thức thường trực, thẳm sâu, và tự nhiên trong lòng mỗi người nghệ sĩ. Cách đây khoảng chừng 15 năm, ca trù được xem như một môn nghệ thuật bị bỏ quên, ngay cả những người tâm huyết nhất cũng tin rằng vẻ đẹp rực rỡ của nó đã chấm hết, sẽ chỉ còn trong bảo tàng mà thôi. Nhưng tôi thì tin rằng ca trù sẽ còn sống mãi, vì những tinh túy mê hoặc của nó trong âm nhạc và khúc thức biểu diễn. Tôi đi "tầm sư học đạo", khó khăn như mò kim đáy biển. Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi, thành danh như nghệ sĩ Quách Thị Hồ, nghệ sĩ Kim Đức... không tin rằng tôi có đủ tài năng và kiên nhẫn với nghề. Hơn nữa đây là cái nghề truyền miệng, phải dụng công, và phải có tâm mới học được. Và chỉ khi các nghệ nhân bị thuyết phục rằng tôi là kẻ sẵn sàng "tử vì nghiệp" họ mới bắt đầu dạy nghề cho tôi. Rất nhiều mồ hôi, nước mắt, buồn khổ để thành công như hôm nay. Thành công rồi thì tôi nghĩ ngay đến việc đi tìm các nghệ nhân cao tuổi trong cả nước, quy tụ họ lại, lập ra Câu lạc bộ Bích Câu, rồi mở các lớp học chiêu sinh các bạn trẻ yêu ca trù, để các cụ truyền dạy kinh nghiệm cho họ. Phải có sự tiếp nối của nhiều thế hệ thì các môn nghệ thuật dân tộc mới được gìn giữ và phát triển. Tôi cảm thấy vui vì mình đã luôn làm nghề theo phương châm ấy.

- Gần 20 năm cống hiến cho nghệ thuật ca trù, thành danh, nổi tiếng, nhiều học trò, nhưng thật ngạc nhiên là vẫn thấy chị sống trong một ngôi nhà vẻn vẹn 20m2, không có tài sản gì quý giá…

+ Nghề hát ca trù của tôi không dễ kiếm tiền như các nghề biểu diễn khác, càng không bao giờ có thể so sánh với các ca sĩ hát nhạc thị trường về cát-xê. Là nghệ sĩ nhưng tôi sống đơn giản, không câu nệ vào hình thức. Tiền kiếm được tôi dành để chi phí cho những chuyến đi đến những vùng đất khác nhau trên mọi miền Tổ quốc, tìm kiếm những nghệ nhân ca trù cao tuổi, thuyết phục họ truyền dạy nghề cho mình. Nhà của tôi chỉ khoảng hơn 20m2, nhưng có lúc tôi đã nuôi hàng chục nghệ nhân và các cháu học trò nhỏ tuổi yêu thích nghệ thuật ca trù. Tôi cho rằng làm nghề nếu chỉ nghĩ đến tiền thì dễ sinh ra thực dụng, ích kỷ. Người nghệ sĩ được sống với đam mê của mình, được làm những điều yêu thích, được cống hiến cho công chúng mới là quan trọng.

- Khi dạy các học trò của mình về nghệ thuật truyền thống của dân tộc, chị thường nói với các em những gì về trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ?

+ Những người làm nghệ thuật thực sự, bằng cả tài năng và tấm lòng của mình sẽ luôn có sẵn một tinh thần công dân, như một điều gì rất tự nhiên. Đó là trách nhiệm phải cống hiến cho khán giả, biểu diễn phục vụ những sự kiện lớn của đất nước, có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ sau mình. Những gì để làm đẹp hơn cho cuộc sống, cho hình ảnh của ngành nghệ thuật mình đang theo đuổi, cho lợi ích của đất nước và công chúng đều xuất phát từ tinh thần công dân của người nghệ sĩ mà ra cả.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ ca trù Bạch Vân

Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.